Một trong những điều đặc biệt tưởng chừng tương phản lẫn nhau trong con người và tư tưởng Hồ Chí Minh là cùng với ý chí cách mạng kiên cường, sắt thép, khi cần, sẵn sàng “thà đốt cháy cả dãy Trường Sơn để giành độc lập cho dân tộc”, lại là một tâm hồn nhân ái bao la “yêu từng ngọn lá, mỗi nhành hoa” và trước hết là tình yêu thương con người.
Có thể nói, suốt cả cuộc đời mình, cả trong suy nghĩ, hành động, Hồ Chí Minh đều dành trọn cho cuộc đấu tranh vì hạnh phúc chân chính của con người, của mỗi số phận con người, của dân tộc và mở rộng phạm vi toàn nhân loại, không phân biệt màu da, sắc tộc, tín ngưỡng khác nhau.
Chính vì vậy, khoan dung và hướng thiện luôn được bao trùm, nhất quán trong toàn bộ tư tưởng của Người. Đây cũng là nét đặc trưng trong truyền thống văn hoá Việt Nam, văn hoá phương Đông, lại được bổ sung kết hợp với những gì tinh hoa của văn hoá phương Tây, tạo nên một thứ văn hoá dường như chưa hề có từ cổ chí kim.
Ngay từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, khi có dịp tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc ở Maxcơva, nhà thơ, nhà báo Liên Xô Ôxip Mandenstam phải thốt lên:
“Đây là thứ văn hoá của tương lai”. “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.

Gần 70 năm sau phát hiện của Mandenstam, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức UNESCO khi thông qua Nghị quyết về kỷ niệm những danh nhân thế giới đã nhất trí khẳng định: Người là “anh hùng dân tộc và là một danh nhân văn hoá thế giới”.
Nghị quyết này nêu rõ: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hoá giáo dục nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về thiện và ác bắt nguồn từ cái gốc nhân văn từ ngàn xưa, đặc biệt là trong đạo lý phương Đông nhưng lại gắn rất chặt với lòng yêu nước, yêu dân, với Cách mạng. “THIỆN nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Người chỉ ra phạm vi biểu hiện của cái THIỆN, cái ÁC và cuộc đấu tranh giữa hai mặt đối lập này.
“Trong xã hội có THIỆN và cũng có ÁC. Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong một nước có THIỆN và có ÁC. Theo nghĩa hẹp thì bản thân và tư tưởng của mỗi người cũng có THIỆN và có ÁC.
THIỆN và ÁC là hai mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải cực kỳ gian khổ, nhưng cuối cùng thì ÁC nhất định thất bại, THIÊN nhất định thắng” . “Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc, thế là ÁC”.
Trong cách mạng và kháng chiến, với những người lầm lỗi, từng đứng về phía kẻ thù, để chống lại nhân dân, sau khi chỉ cho họ con đường sáng, Người tha thiết:
“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn, dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay: Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều thuộc dòng dõi tổ tiên ra. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ” .

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán tại Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc)
Cũng hiếm có vị lãnh tụ cách mạng nào khi buộc phải kêu gọi nhân dân nhất tề đứng lên “thà quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được nhưng từ đáy lòng vẫn xót xa khi thấy máu của cả hai bên đang đổ và kiên trì làm thức dậy lương tâm của những người đang ở phía đối lập với dân tộc mình.
“Tôi nghiêng mình trước anh hồn của những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ Quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu; người Pháp hay người Việt cũng đều là người.
Trong hai cuộc đại chiến, Pháp hy sinh hàng triệu người để chống bọn xâm lăng để tranh lại quyền thống nhất, độc lập. Nước Pháp, cách Việt Nam muôn dặm, Việt Nam thống nhất, độc lập có động chạm gì đến người Pháp mà người Pháp lại muốn cản trở Việt Nam.
Người Việt Nam, sẵn sàng hoan nghênh và cộng tác với những người sĩ, nông, công, thương Pháp qua đây làm ăn. Những lợi ích về tiền tệ và văn hoá của người Pháp ở đây sẽ được Việt Nam bảo vệ. Những người Pháp không muốn ai phạm đến chủ quyền mình thì phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam”.
Trong bức thư trả lời thư của bà Sôtxi trong Hội liên hiệp phụ nữ Pháp gửi cho Người ngày 14/09/1946, Người đã viết những lời tha thiết, chân tình:
“Người ta nói với các bà mẹ có bao nhiêu người Pháp bị giết và bị thương, nhưng không hề nói với các bà là có bao nhiêu người kháng chiến Việt Nam bị chết và bị thương, bao nhiêu làng mạc Việt Nam bị thiêu huỷ.
Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con mình thì có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa thương khóc những người con bị giết, lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan, cửa nát. Phải chấm dứt cuộc huynh đệ tương tàn này. Người Việt Nam và người Pháp chúng ta cũng theo đuổi một lý tưởng giống nhau: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Theo tinh thần “bốn bể đều là anh em”, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam.
Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quý như nhau. Hỡi các bà mẹ Pháp! Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước cao quý và tình mẫu tử của các bà. Các bà hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những hiểu lầm và mau chóng gây dựng mối tình hữu nghị và tinh thần hoà hợp giữa các con em chúng ta.
Và các bà hãy nhận được tấm lòng biết ơn của những người con, không chỉ của thanh niên Pháp mà cả thanh niên Việt Nam”.
Tương tự như vậy, ngày 12/01/1967, khi tiếp các ông Axmôrơ, W.C. Bách, Đôn Luýt, Quyntanih đến Hà Nội với lý do chuyển lời mời của Trung tâm Nghiên cứu các thể chế dân chủ (CSD), tổ chức vào tháng 05/1967 nhưng trên thực tế Axmôrơ và Bách nhận với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tới Việt Nam để thăm dò thái độ của ta trên một số vấn đề mà họ quan tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp họ thân tình, thẳng thắn.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua (Pháp) năm 1920
Sau khi khẳng định: Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc sau đó có nói chuyện gì mới nói được, trước khi kết thúc cuộc gặp, Người nói:
“Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đẩy sang đây để giết người và để bị giết. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em.
Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết, đó là sự sỉ nhục. Đối với các ông, các ông khó mà tin rằng tôi lấy làm đau lòng, không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ.
Vì vậy, chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ, không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí - nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng tôi.
Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.
Chính từ cuộc đời và tầm tư tưởng lớn lao của Người đã tạo ra sức chinh phục, lòng kính yêu vô hạn của bất kỳ ai đã từng may mắn có dịp tiếp xúc với Người, kể cả những người không cùng chính kiến.
“Hồ Chí Minh là con người suốt đời không có kẻ thù riêng”, Xanhtơny, người đại diện cho chính phủ Pháp đảm nhận việc đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh trong thời gian 1945-1946, đã tìm mọi cách để có thể đè bẹp lực lượng cách mạng Việt Nam, nhằm tái lập ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước này, nhưng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông cũng lại là người thay mặt Chính phủ Pháp sang viếng Người tại Hà Nội.
G. Xanhtơny mặc dù buộc phải thú nhận: Hồ Chí Minh là người đã đánh đắm cả chế độ thực dân Pháp nhưng lại vẫn là bạn của nước Pháp.
Trong cuốn hồi ký “Một Nền Hoà Bình Bị Bỏ Lỡ”, ông đã dành viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời rất trân trọng. Ông cũng từng viết:
“Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có thể nhận thấy nơi các chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với bất kỳ một tôn giáo nào”.
Trong di sản quí giá của tư tưởng Hồ Chí Minh mà người đã để lại cho chúng ta, KHOAN DUNG và HƯỚNG THIÊN là một trong những điểm sáng không chỉ soi đường cho hôm nay mà chắc chắn còn cho mãi mai sau.