Khoe của (!)

PHAN TRỌNG HIỀN

Tâm lý thích khoe của, chạy theo “mốt thời thượng” có vẻ như đang phát triển tràn lan những năm gần đây, thể hiện sự đảo lộn trong nhận thức của số đông về những bậc thang giá trị xã hội đương thời. Chẳng hạn như, giới trẻ và cả người lớn tuổi – thường thay đổi điện thoại cầm tay, xe máy… xoành xoạch. Điện thoại thì phải nhiều chức năng, đắt tiền; xe máy cũng vậy, phải tay ga đời mới để không “thua chị kém em”!

Người ta so đo nhau, đánh giá con người qua những phương tiện bề ngoài ấy… Từ đó, hình thành một tâm lý tiêu dùng vượt quá khả năng thu nhập của một số gia đình nói riêng, của cả nền kinh tế nước ta nói chung.

Tất nhiên, không phải ai cũng như vậy! Tôi có người bạn là cán bộ lãnh đạo cấp phòng của một Sở lớn, nhưng sinh hoạt khá giản dị. Suốt 13 năm qua, phương tiện đi lại của anh vẫn là chiếc Angel 80 sờn cũ. Còn điện thoại cầm tay, anh cho biết đã sử dụng 12 năm, nhưng chỉ mới hai lần thay xác máy, với một số điện thoại duy nhất, không thay đổi. Thấy đồng nghiệp, bạn bè cười mỉm, anh thản nhiên nói: “Điện thoại, xe máy… đối với tôi chỉ là phương tiện làm việc, chứ không phải vật trang sức. Đã coi những thứ ấy là phương tiện, nên tôi chỉ cần nó tốt, làm được việc, không cần hào nhoáng!”.

Anh nói thêm: “Theo tôi, giá trị của một con người, quan trọng nhất là ở cái đầu, cái tâm, khả năng cống hiến, phục vụ xã hội, chứ không phải là “cái ghế” anh ta ngồi, cái nhà anh ta ở, cái xe anh ta đi, hay cái điện thoại anh ta xài…”. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, chỉ tiếc rằng quan niệm, suy nghĩ của chúng tôi cho đến nay có lẽ vẫn thuộc về thiểu số. Còn số đông vẫn thích khoe của, hay đánh giá con người qua những “giá trị ảo” bề ngoài.

Phải chăng, đó là nguyên nhân của những bi kịch thỉnh thoảng vẫn xảy ra như một lời cảnh tỉnh?