Đã 29 năm, vì sức khỏe và nhiều lý do khác, tôi đã không về thăm đất nước.
29 năm là một khoảng thời gian rất dài của một đời người. Tôi có cảm tưởng là giữa nước nhà và tôi là một khoảng cách rất lớn: tôi đã thành một người của thời xa xưa, khó khăn đóng góp - như số phận của con Trâu năm Đinh Sửu sắp qua, không phải là người của thời hưởng thụ thú vui (du lịch, ăn nhậu, thỏa mãn…) ngày nay - như sự hoành tráng giả dụ của con Hổ năm Canh Dần, sắp tới.
Từ ngữ đã thay đổi
Vả lại, theo nhận xét chủ quan của tôi: Từ ngữ Việt Nam đã thay đổi, đôi khi “tiếng Việt Nam trong nước” và “tiếng Việt Nam ngoài nước” không còn giống nhau, gây ra hiểu lầm. Khi có người trong nước viết: “ảnh độc” - thí dụ như khi viết về bản doanh quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc ở Hà Nội, tôi ngỡ là người đó viết “ảnh độc ác”, kỳ thực họ viết theo nghĩa “ảnh độc đáo”.

Ảnh minh họa.
Tư duy cũng khác
Vừa qua, nhân dịp trao đổi với một bạn “đồng nghiệp” trẻ, anh ta than thở là ê-kíp của anh ta bị gạt ra khỏi một đề án hợp tác giáo dục và khoa học với nước ngoài, trong khi đó ê-kíp của anh ta là ê-kíp đầu tiên đã xây dựng đề án này. Tôi muốn an ủi anh ta, nên viết rằng: “Nên thanh thản với thời cuộc, vì có nhiều chuyện kỳ quặc không giải thích nổi” - ý tôi muốn nói là quan hệ với nước ngoài có những điều không lô-gích. Anh ta trả lời tôi là: “Vâng, đúng vậy, có những chuyện kỳ quặc không giải thích nổi một cách bình thường, nên phải dùng “khoa học tâm linh”” - “khoa học tâm linh” thì tôi chưa bao giờ tin.
Tôi không thông đạo Phật, không phải là tín đồ của đạo Phật, nhưng tôi thiết tưởng rằng Phật là từ bi, hỉ xả… Nhưng lại thấy một số người (kể cả mấy vị sư) náo nức bỏ công của để làm những tượng Phật hoành tráng bằng hoa với 500.000 hoa bất tử cao 15,5m ở Đà Lạt để chiếm kỷ lục Guiness.
Khi tôi phát biểu về trách nhiệm của Nhà nước đối với Giáo dục Đào tạo, thì có người trong nước bảo: “Vâng, không lúc nào người dân ta thoải mái như lúc này vì “Giáo dục Đào tạo” được “xã hội hóa”, nên trường, sở, nhà vệ sinh hơn hẳn trước” - tuy đó là tiền của chính họ phải bỏ ra, trong khi lẽ ra đây là thuộc bổn phận của nhà nước, như thường thấy ở nước ngoài, dù là dưới chế độ tư bản.
Đó là vài thí dụ trong nhiều thí dụ. Cho nên, tôi tiếc, khi cảm thấy Việt Nam càng ngày càng xa. Và khoảng cách này gợi lại cho tôi câu: “Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?”
Bùi Trọng Liễu - Nguyên Giáo sư Đại học Paris, Pháp.