Kiều – Génibrel

HỎI: Tạp chí Hồn Việt số 16 (Tháng 10/2008), có đăng bài Génibrel đã dịch sai nhiều câu thơ trong Truyện Kiều của ông Nguyễn Quảng Tuân. Chúng tôi xin có mấy ý kiến muốn được hỏi ông như sau:

1. Một điều là một vận vào khó nghe (c.112)

Bản Truyện Kiều của Vũ Ngọc Khánh do NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội in năm 1994 cũng chép như vậy. Nhưng ở Truyện Kiều chú giải của Đào Duy Anh do NXB Văn học Hà Nội in năm 1979 và Truyện Kiều của NXB Thanh niên in năm 1999 lại in là: Một lời là một vận vào khó nghe.

Vậy theo ông câu nào đúng, câu nào sai?

2. Câu: Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành ông đã ghi số thứ tự là 676 trong khi các bản Truyện Kiều chú giải của NXB. Văn học 1979 và Truyện Kiều của NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội năm 1994 đều đánh số thứ tự câu ấy là 674. Vậy ông đã căn cứ vào văn bản nào lại đánh số chệch như vậy?

3. Câu 2971 ở trong bài viết của ông đã được chép là Trót lòng dấy việc chông gai nhưng ở trong bản Truyện Kiều chú giải của NXB VH - Hà Nội - 1979 lại chép là: Trót đà gây việc chông gai. Ở hai bản Truyện Kiều của NXB VHTT - 1994 và của NXB TN - 1999 lại in là: Trót lòng gây việc chông gai. Trong những câu trên, mỗi câu đều có một từ chọi nhau: lòng, đà, dấy, gây.

Vậy câu nào chuẩn hơn cả? Mong ông vui lòng giải đáp cho. Xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Tiến Lãm
55B Phố Đồng Xuân – Thành phố Hải Dương

Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời:

Truyện Kiều đến nay đã có nhiều ấn bản bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ được in ra, nên sự dị biệt không sao tránh khỏi. Chúng tôi chỉ lấy những bản Nôm cổ nhất làm căn cứ để trả lời ông.

1. Câu 112: Chữ “điều” hay chữ “lời”?

Câu 112, ba bản Nôm cổ nhất (Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn Đường khắc in năm 1866, Đoạn trường tân thanh, bản Kinh của Thám hoa Tiểu Tô Lâm - Nọa Phu - Nguyễn Hữu Lập chép năm 1870 và Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn Đường khắc in năm 1871) đều chép là: Một điều 調 là một vận vào khó nghe.

Bản Nôm Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu chú thích và khảo đính khắc in năm 1902 đã chép là:

Một lời 口天 là một vận vào khó nghe.

Theo hai câu chép khác nhau ấy ông có hỏi: chữ điều và chữ lời chữ nào đúng?

Chúng tôi cho rằng hai chữ ấy đều có nghĩa tương tự như nhau, không có gì sai, nhưng ta nên theo ba bản Nôm cổ nhất mà chép là điều 調.

Chữ lời là do Kiều Oánh Mậu đã sửa lại khi cho khắc in quyển Đoạn trường tân thanh vào năm 1902.

2. Số thứ tự của câu “Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”?

Câu này chúng tôi đã ghi thứ tự theo bản Nôm Đoạn trường tân thanh của Tiểu Tô Lâm - Nọa Phu - Nguyễn Hữu Lập và bản Nôm Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu vì ở hai bản Kinh này, đoạn từ câu 531 đã chép thành 6 câu:

Mở xem thủ bút nghiêm đường,
Nhắn rằng: “Thúc phụ xa đường mệnh chung.
Hãy còn ký táng Liêu Đông,
Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê.
Rày đưa linh thấn về quê,
Thế nào con cũng phải về hộ tang”.

(c.531-c.536)

Trong khi các bản Phường chỉ chép có 4 câu:

Đem tin thúc phụ từ đường,
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề hề.
Liêu Dương cách trở sơn khê,
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.

(c.531-c.534)

Sự chênh lệch số câu mà ông hỏi là do đoạn này vậy.

3. Câu “Trót lòng dấy việc chông gai” (c.2371).

Câu này đã được chép trong quyển Từ điển Việt – Pháp của Génibrel.

Chép như vậy thì không đúng vì hai bản Nôm cổ nhất 1866 và 1871 của Liễu Văn Đường đều chép là:“Trót lòng gây việc chông gai”. Riêng hai bản Đoạn trường tân thanh của Tiểu Tô Lâm - Nọa Phu - Nguyễn Hữu Lập và Kiều Oánh Mậu, chép theo bản Kinh đã sửa lại là:“Trót đà gây việc chông gai”. Sự sửa chữa ấy đúng như ông nói là tam sao thất bản.

Chúng tôi sẽ có bài riêng để nói rõ về vấn đề nghiên cứu văn bản Truyện Kiều mà ông đã nêu trong thư.