K.W. Taylor và vấn đề trích dẫn cổ sử Trung Hoa*

LTS: Với nhiều luận điểm giá trị, uyên bác, Minh Di (Triều Minh Chính) - một học giả Việt ở Úc - đã vạch ra những sai lầm của K.W. Taylor khi đọc sách Tây để viết cổ sử Việt. Hồn Việt xin trích đăng vài luận điểm (vì bài quá dài và chuyên sâu) để bạn đọc hiểu thêm về K.W. Taylor.

Thư tịch cổ Trung Quốc liên quan cổ sử Việt Nam - ở đây nói riêng giai đoạn cổ sử Việt Nam đề cập trong cuốn The Birth of Vietnam của Keith Weller Taylor (KWT) - tuy không nhiều lắm nhưng cũng không ít lắm như Thư mục KWT đã liệt kê.

Những “sử liệu” loại này tôi hiện có trong tay cũng ngoài trăm bộ. Và dĩ nhiên tất cả không chỉ chừng đó, vì có thể còn nhiều tác phẩm tôi chưa được biết, cũng như những tác phẩm tuy có biết nhưng tôi chưa có được trong tay. Những sử liệu như vừa nói chủ yếu gồm những sử thư - bao gồm những bộ được liệt chính sử cũng như không được liệt chính sử, kế đến là những loại thư, những tập bút ký và trát ký của nhiều danh nhân, học giả Trung Hoa.

Ở đây cũng cần nhấn mạnh một điểm là tư liệu liên quan cổ sử Việt Nam ghi chép trong các tập bút ký, trát ký của danh nhân, học giả Trung Hoa... tuy thường là rải rác nhưng trong khá nhiều trường hợp đó lại là những tư liệu hết sức giá trị khả dĩ bổ túc, cải chính những thiếu sót, những lầm lẫn, nhất là những thiên kiến của sử thư; đây là điều mà có lẽ rất ít người ngờ đến, và có lẽ cũng vì vậy mà rất hiếm người để ý tìm kiếm trong phạm vi này.

Để cụ thể hơn, tôi xin dẫn ra đây một số sử liệu quan trọng cho việc nghiên cứu cổ sử Việt Nam mà lẽ ra KWT không thể không biết tới:

1. Cửu quốc chí của Lộ Chấn (?-?) thời Bắc Tống (960-1127).

2. Thập quốc xuân thu của Ngô Nhiệm Thần (1631-1684), đời Thanh (1644-1911).

3. Nam Hán thư của Lương Đình Nam (1796-1861), Thanh triều.

4. Lãnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi (1135-1189), thời Nam Tống (1127-1279).

5. Đông Tây dương khảo của Trương Tiệp (1574-1640) đời Minh (1368-1644).

6. Quảng Đông tân ngữ của Khuất Đại Quân (1630-1696), Thanh triều.

7. Việt tây tùng tái của Uông Sâm (?-?), Thanh triều.

8. Đường hội yếu của Vương Phổ (?-?), thời Bắc Tống.

9. Đường đại chiếu lệnh tập của Tống Mẫn Cầu (1019-1079), đời Bắc Tống.

10. Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm (~1254-1323), đời Nguyên (1279-1368).

Đây là tôi chỉ mới đề cập những tác phẩm mà giới nghiên cứu sử học hầu hết đều biết; còn như chịu khó hơn thì người ta có thể tìm thấy một vài điều về Việt Nam thời cổ chép rải rác trong một số tác phẩm có tính cách tư tưởng, như tập Luận hành của học giả Vương Xung (27-~96) triều Đông Hán (25-220), và các tập tùy bút, bút ký, chẳng hạn: Tây Kinh tạp ký, vẫn truyền do đạo sĩ Cát Hồng (284-363) vào đầu đời Đông Tấn (317-420) soạn, Triều dã thiêm tái của Trương Trạc (?-?) đời Đường (618-907) biên soạn, và, Khai ngưyên Thiên Bảo di sự của Vương Nhân Dụ (880-956) thời Ngũ Đại (907-960)...

Còn gần đây thì không thiếu những tác phẩm bổ túc những thiếu sót, đính chính những lầm lẫn trong sử thư cổ, trong đó có một vài điều liên quan cổ sử Việt Nam, chẳng hạn như các tác phẩm Thông giám tùy, Đường kỷ tỉ sự chất nghi của sử học gia Sầm Trọng Miễn (1885-1961) và Tuyển Đường tập lâm của Nhiêu Tông Di, cũng như Tuyền tệ, một tạp chí nghiên cứu về tiền cổ Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, do Trung Quốc Tuyền tệ học xã chủ trương...

* * *

Khi đọc một tác phẩm nghiên cứu, đọc phần Thư mục tham khảo, người đọc luôn luôn nghĩ rằng tác giả hẳn đã thực sự tham khảo những thư tịch được liệt kê trong mục này. Nhưng ở đây, trường hợp của ông Tiến sĩ Sử học KWT, sự việc rồi đã chẳng như người ta tưởng. Đây là vấn đề mà tôi sẽ chứng minh.

Trước hết, khi luận về danh xưng “Giao Chỉ”, KWT đã viết như sau:

“Danh xưng Giao-chỉ được trích từ sách Lễ ký (tập ghi chép về lễ nghi), một bản văn cổ của Trung Hoa, trong đó danh xưng này được dùng để mô tả thói quen nằm ngủ trong làng xã của dân “man di”. Giao-chỉ có nghĩa “những bàn chân giao nhau” và nhằm chỉ tập tục ngủ tập thể theo đó đầu của mỗi người hướng ra ngoài còn các bàn chân thì đâu lại với nhau ở tâm điểm.

Điều này không có nghĩa rằng người Việt Nam thời cổ đã có một tập tục như vậy, vì lẽ từ ngữ này xuất hiện dưới thời dòng họ Trịnh ghi trong Lễ ký, và dòng họ Trịnh đã cai trị đất Hà-nam từ năm 774 tới năm 500 trước Tây lịch. Vào khoảng thời gian và không gian đó dân “man di” phải là dân cư ở lưu vực sông Dương Tử hay, xa nhất, là ở lưu vực sông Tích, chứ không phải ở một không gian quá xa như sông Hồng. Tuy nhiên, vì sách Lễ ký đã là một trong những kinh điển cổ của văn học Trung Hoa, văn từ của tác phẩm do đó đã có một uy thế đặc biệt để rồi những thế hệ sau đó đã dẫn dụng mà không phân biệt tùy bối cảnh của thời đại mình”.

Câu kết luận của đoạn văn trên đây đã khẳng định rằng ý nghĩa của danh xưng Giao Chỉ đã nêu ở phần đầu là giải thích của sách Lễ ký. Người đọc rồi không thể nào hiểu khác hơn!

Thực tội nghiệp cho ông Tiến sĩ Sử học KWT! Vì như vậy, cho phép tôi khẳng định rằng ông tiến sĩ chưa từng đọc qua cuốn Lễ ký bao giờ cả!

Tôi xin trích dẫn trong một đoạn tự thuật về các dân tộc 4 phương tiếp giáp Trung Quốc, thiên Vương chế của sách Lễ ký có đoạn chép: “Nam phương viết Man, điêu đề Giao Chỉ; hữu bất hỏa thực giả hĩ”. Có nghĩa là: “Các dân tộc ở phương Nam được gọi chung là Man, có dân Giao Chỉ xâm hình trên trán; về ăn uống dân Man có những món ăn sống không nấu nướng gì hết”.

Chính văn Lễ ký đề cập dân Giao Chỉ chỉ có chừng đó, ngoài ra không có đoạn nào giải thích về ý nghĩa của danh xưng Giao Chỉ như KWT đã viết. Vậy thì Tiến sĩ KWT đã căn cứ vào đâu để mà khẳng định như trên?

Coi phần cước chú 118 của KWT: “118. LC, 4, 10b; Asami Shozo, “Koshi to iu Kosho”, pp. 64-67”. (LC. là ký hiệu ngài Tiến sĩ Giáo sư KWT dùng để chỉ sách Lễ ký, viết tắt từ âm quốc ngữ Trung Hoa). Như vậy là KWT đã căn cứ một tác giả người Nhật viết về Lễ ký!

Tôi không biết tác giả và tác phẩm (hay bài báo gì đó) mà Tiến sĩ KWT đã dẫn, hoặc nếu có đi nữa thì tôi cũng không đọc được tiếng Nhật, như bà vợ Nhật của KWT, để có thể biết tác giả Nhật đó đã viết những gì cũng như KWT đã trích dẫn chính xác hay không chính xác. Nhưng, nếu nói bộ Lễ ký thì tôi có thể khẳng định là tôi biết rất rõ xuất xứ của giải thuyết về danh xưng Giao Chỉ mà KWT đã đề cập.

Đây là giải thuyết của học giả Khổng Dĩnh Đạt (574-648) đời Đường (618-907) ghi trong bộ chú giải sách Lễ ký của ông, tựa đề Lễ ký chính nghĩa. Khi giải thích danh xưng Giao Chỉ trong đoạn văn của thiên Vương chế sách Lễ ký đã trích dẫn ở 1 đoạn trên, Khổng Dĩnh Đạt đã viết như sau: “Chỉ, túc dã (ngôn Man ngọa thời đầu hướng ngoại nhi túc tại nội nhi tương giao, cố vân Giao Chỉ)” (Lễ ký chính nghĩa. Qu. XII). Nghĩa là: “Chỉ là bàn chân (ý nói dân Man di lúc nằm ngủ thì đầu hướng ra ngoài, và bàn chân thì hướng vào trong, đâu lại với nhau, do đó mà gọi là Giao Chỉ)”.

Tóm lại, KWT đã trích dẫn một tác giả Nhật, và rồi, chẳng rõ tác giả đó đã viết thế nào mà khi tới ngài Tiến sĩ KWT thì phần chú giải Kinh lại biến thành phần chính văn Kinh?!

Có thể nói những sử liệu Trung Hoa trích dẫn trong The Birth of Vietnam rồi đã được dẫn lại từ những tác giả hoặc Tây phương, hoặc Nhật Bản, do đó mà người đọc cũng chẳng ngạc nhiên chút nào hết khi thấy KWT đã sai ngay ở những điều sơ đẳng nhất.

Trong một đoạn đề cập danh tướng Mã Viện (14 tr.Cn. - 49 Cn.), KWT viết: “Vào đầu năm 41 Tây lịch, một trong những đại tướng giỏi nhất của đế quốc, Mã Viện, vừa dẹp xong một cuộc nổi loạn ở An-huy, được bổ nhiệm, vào tuổi 56, để dẫn quân xuống phương Nam xa xôi”.

Những ai ít nhiều đã từng coi qua sử sách Trung Hoa hẳn đều biết một điều là lối tính tuổi những nhân vật lịch sử trong thư tịch cổ của họ rồi chính là lối tính tuổi mà chúng ta, người Việt Nam, gọi là “tuổi ta”, nghĩa là năm vừa sinh tính ngay 1 tuổi. Và như vậy, nếu tính đi từ năm 14 trước Tây lịch (năm Mã Viện sinh) cho đến năm 41 Tây lịch (năm Mã Viện đưa quân xuống miền viễn Nam), Mã Viện chỉ mới 55 tuổi (tuổi ta) mà thôi! Còn tính theo tuổi gọi là “tuổi tây”, tức tính theo cách tính của người phương Tây, thì rồi phải trừ đi 1 năm, nghĩa là chỉ 54 tuổi mà thôi. Tóm lại, tuổi của Mã Viện vào năm 41 Cn., nói “tuổi ta” thì KWT đã tính lố 1 tuổi, và nói “tuổi tây” thì KWT đã tính quá đến 2 tuổi - và ở đây tôi nghĩ KWT đã tính theo “tuổi tây”.

Chỉ một chuyện sơ đẳng như vậy mà còn sai lầm thì rõ ràng là ông Tiến sĩ KWT vốn không thông hiểu Hán văn, đọc không được bao nhiêu, cũng như chưa từng coi qua Hậu Hán thư, là bộ sử có phần ghi chép tiểu sử Mã Viện, bao giờ hết! Nếu ngài tiến sĩ có đọc thì đâu đến nỗi tính kiểu nào cũng sai như vậy!

Tham khảo sử liệu, nhất là những sử liệu căn bản, một cách gián tiếp, qua người khác như vậy cho nên bao nhiêu lầm lẫn, bao nhiêu thiếu sót của người, ngài Tiến sĩ KWT đều gom đủ hết. Và ở đây, những sự việc chung quanh trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, giữa triều đình Nam Hán (905-971) và Ngô Quyền (898-944; tại vị: 939-944), tường thuật trong cuốn sách The Birth of Vietnam đã cho thấy rất rõ điều này.

Về những quyết định cũng như chuẩn bị của Lưu Cung (889-942; tại vị: 917-942) - là Cao tổ triều Nam Hán, trước khi tiến đánh đất Giao Châu, ngài Tiến sĩ KWT viết: “Ông ta chỉ định con mình, Lưu Hoằng Tháo, chỉ huy cuộc hành quân, phong Hoằng Tháo tước hiệu “Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ” và “Giao Vương”. Ông ta vội vã tập hợp một đạo quân ở Hải Môn, tại đó ông ta đích thân chỉ huy lực lượng trừ bị. Một trong những đình thần đã can ngăn ông ta, nói rằng, “Trời mưa dầm dề đã 10 ngày nay rồi; đường biển thì xa xôi và nguy hiểm; Ngô Quyền là một đối thủ xảo quyệt, không thể coi thường được”.

Từ khoảng giữa trang 265 cho tới đầu trang 269 (luận về Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền), theo như những cước chú ghi số 47, 48, 49, 50, 51 chúng ta biết trong khoảng mấy trang vừa kể trên KWT chủ yếu đã căn cứ một bộ sử (?) tiêu đề Annan (An Nam) của một tác giả Nhật Bản tên Yamamoto. Khi chép về trận chiến trên sông Bạch Đằng, tôi nghĩ Yamamoto đã không thể không tham khảo bộ sử thư nổi danh là Tư trị thông giám của Tư Mã Quang (1019-1086) thời Bắc Tống (960-1127).

Bây giờ hãy thử đối chiếu đoạn văn đã dẫn trên của KWT và đoạn văn sau đây trong bộ Tư trị thông giám:

“Cao Tổ Thánh Văn Chương Vũ Minh Đức Hiếu Hoàng Đế. Thiên Phúc tam niên. “Tướng trước kia của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đem quân từ Ái châu ra Giao châu đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn cho sứ giả mang của hối lộ qua cầu cứu (Nam) Hán. Muốn thừa cơ Giao châu loạn mà chiếm lấy xứ này vua Nam Hán phong con mình là Vạn vương Hoằng Tháo làm “Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ”, chuẩn bị tấn phong Giao Vương, đưa binh cứu Công Tiễn. Còn vua Nam Hán thì đích thân đóng quân tại cửa biển để tiếp ứng.

Vua Nam Hán hỏi kế sách quan Sùng Văn Sứ Tiêu Ích thì Tiêu Ích nói: Trời mưa dầm dề đã 10 ngày nay, đường biển thì xa xôi, nguy hiểm, còn Ngô Quyền lại là kẻ mưu mô quỷ quyệt, tình thế rồi không thể coi thường được; đại quân nên thận trọng, dùng nhiều người dẫn đường, có như vậy thì mới có thể tiến được”.

Chúng ta thấy rất rõ, thiếu sót của Tiến sĩ KWT ở đây là danh tính của vị đình thần đã can ngăn vua Nam Hán, Lưu Cung. Thế nhưng KWT đã không biết mà ngay đến câu kết luận quan trọng của lời can ngăn đó KWT cũng không biết luôn. Đây là tôi chỉ mới nói có Tư trị thông giám.

Sự việc trên đây, hai sử gia Ngô Nhiệm Thần (1631-1684), rồi Lương Đình Nam (1796-1861) sau đó dưới Thanh triều (1644-1911) đã chép gần hệt như Tư Mã Quang, chỉ khác đôi chút về cách hành văn và một vài chữ mà thôi, không đáng kể. Có điều, tiếp liền sau câu Nhiên hậu khả tiến, hai sử gia nói trên còn có thêm một câu nữa, đó là: “phủ tắc binh vị trập dã”, nghĩa là “bằng không thì không thể điều động quân binh được”.

Xin coi:

Thập quốc xuân thu. Qu. LXIII. Nam Hán 6. Liệt Truyện. Tiêu Ích.

Nam Hán Thư. Qu. XII. Liệt truyện 6. Chư thần Truyện 4. Tiêu Ích.

Còn về lầm lẫn thì tác giả The Birth of Vietnam đã lầm lẫn khi đặt bút viết rằng “Ngô Quyền là một đối thủ xảo quyệt, không thể coi thường được”.

Căn cứ những gì Tiêu Ích nói chép lại trong Tư trị thông giám thì có thể thấy: (1).“Trời mưa dầm dề đã 10 ngày nay”, trong khi (2).“đường biển thì xa xôi, nguy hiểm”, thêm vào đó (3).“Ngô Quyền lại là một kẻ mưu mô quỷ quyệt”. Tất cả 3 yếu tố này tạo thành một “tình thế không thể coi thường được”, không phải chỉ con người của Ngô Quyền không mà thôi!

Luận Binh pháp thì có thể thấy ngay là Tiêu Ích đã phân tích tình thế theo 3 yếu tố “Thiên/Địa” và “Tri kỷ” (Biết mình)/“Tri bỉ” (Biết người). Hai yếu tố trên đã được phân tích cặn kẽ trong thiên Thủy Kế, thiên đầu tiên, đồng thời cũng là Cương lĩnh của bộ Binh pháp Tôn Tử - và yếu tố thứ 3 được luận trong thiên Mưu công, thiên thứ 3 của bộ Binh pháp trứ danh vừa kể.

Nói lịch sử là nói thời gian. Về năm tháng xảy ra trận chiến Bạch Đằng, KWT viết: “The Battle of Bach-dang River took place in the autumn of 938” (Op. cit. p. 269). “Trận chiến sông Bạch-đằng xảy ra vào mùa thu năm 938”.

Cả 3 bộ sử: Tư trị thông giám (quyển thứ đã dẫn, mục đã dẫn ở một đoạn trên), cũng như Thập quốc xuân thu (Qu. LVIII. Nam Hán 1. Bản kỷ: Cao tổ bản kỷ) và Bộ Nam Hán thư (Qu. III. Bản kỷ 3: Cao tổ kỷ 2) đều chép thật rõ rằng trận chiến trên sông Bạch Đằng đã xảy ra vào mùa đông, tháng 10 (Âm lịch), năm Mậu Tuất (938).
Sử gia Tư Mã Quang vì không coi Nam Hán là một triều đại chính thống cho nên đã chép sự việc theo niên biểu của thời Ngũ Đại (907-960) (trận Bạch Đằng, vì vậy, đã được chép trong mục các sự việc xảy ra vào tháng 10, mùa đông, năm thứ 3 Niên hiệu Thiên Phúc (936-942), dưới thời Cao tổ (892-942; tại vị: 936-942) triều Hậu Tấn (936-947).

Còn hai bộ sử của Ngô Nhiệm Thần và Lương Đình Nam đều đã chép sự việc theo niên đại triều Nam Hán (905-971). Hai sử gia này đều ghi rõ trận Bạch Đằng xảy ra vào tháng 10, mùa đông năm thứ 11 Niên hiệu Đại Hữu (928-942) đời Cao tổ triều Nam Hán.

Sử thư Trung Hoa, và là sử thư trứ danh, đã ghi rành rành là “mùa đông” như vậy, tôi chẳng rõ tác giả The Birth of Vietnam căn cứ sách vở nào mà nói là “mùa thu” như vậy?

Tôi cảm thấy tội nghiệp hết sức cho các quý vị Hue-Tam Ho Tai, Truong Buu Lam, Phạm Cao Dương, Lê Thọ Giáo, Tạ Chí Đại Trường; các vị ca tụng, trích dẫn và lấy làm “hân hạnh” được “quen biết” ông Tiến sĩ KWT mà rồi chẳng biết những gì mình ca tụng, trích dẫn v.v... là đúng hay sai nữa!Có nói đây là trò chơi “bịt mắt bắt dê tập thể” thì cũng chẳng sai đâu!

Nếu cuốn The Birth of Vietnam mà là một “work of meticulous scholarship” thì Phê bình của Hue-Tam Ho Tai đúng là “RIDICULOUS”, “LUDICROUS”, “PREPOSTEROUS”..., hoặc là một thứ gì đó cũng “-OUS”, “-OUS” như vậy, không thể nào nói khác hơn!

Và nếu cuốn sách của ông Tiến sĩ Sử học KWT mà là một “mine of historical sources” thì e rằng chữ “mine” của Truong Buu Lam ở đây rồi không thể được hiểu là “hầm mỏ” mà phải hiểu là “MÌN”.

Là “Mìn”, vì đọc cuốn The Birth of Vietnam thì cũng như đi vào một bãi mìn, rồi phải hết sức thận trọng - những mớ kiến thức quơ quào, vá víu, trúng cũng không biết, mà trật cũng không hay, trong sách là một đống mìn cho những ai cứ ngỡ rằng, cứ yên chí rằng đây là những kiến thức đã được kê khảo một cách đúng mức và tận nguồn. Quờ quạng như Truong Buu Lam thì chỉ có mà banh xác! Có lẽ, Hue-Tam Ho Tai và Truong Buu Lam cũng nên suy nghĩ lại về những lời phê bình thiếu “học vấn” của mình, nên suy nghĩ về câu Học dĩ Tụ chi, Vấn dĩ Biện chi trong Dịch Kinh. Có lẽ, hai vị thuộc giới khoa bảng, bằng cấp đầy mình, lại dạy đại học nữa. Có điều tất cả những thứ này không có nghĩa hai vị muốn nói gì thì nói, muốn phán gì thì phán…

Và dĩ nhiên, những thiếu sót, những sai lầm loại tôi đã trưng dẫn, của KWT, không phải chỉ có chừng đó! Và, cũng dĩ nhiên, tôi không thể ngồi lâu hơn để chỉ làm một chuyện rất lu bu là viết thêm năm, bảy chục trang, hay cả trăm trang nữa. Chỉ vài dẫn chứng thôi cũng đã đủ để có được nhận định về giá trị của cuốn The Birth of Vietnam. Chỉ cần coi lối tham khảo tư liệu, sử liệu căn bản của KWT, người ta thấy ngay ông đã chơi trò “bịt mắt bắt dê”; và, từ một căn bản như vậy, những lý giải, những suy diễn của ông nhiều lúc rồi không khỏi có tính cách lệch lạc.

Kết luận

KWT muốn làm một sử gia, nhưng rất tiếc lại thiếu Tài, thiếu Học, thiếu Thức - nhất là thiếu cái Tâm thuật để thành một Lương sử. Tài + Học + Thức + Tâm thuật là 4 yếu tố của điều mà sử học lý luận gia trứ danh Chương Học Thành (1738-1801) gọi là “Sử đức”. Đáng tiếc!

Tuy nhiên, The Birth of Vietnam không phải là không có những điều khả thủ, dù rất hiếm; có điều nếu phải đọc một cuốn sách, nhất là một cuốn sử, mà trong đó đúng/sai lẫn lộn, và phải nói là sai nhiều hơn đúng, như bộ sử The Birth of Vietnam, thì đây là một bất lợi cho những người có một hiểu biết vừa phải về cổ sử Việt Nam.

(Trích từ

http://www.huyenthoai.org/van/tiensi.html)

 

____

* Đầu đề do Hồn Việt đặt. Do bài viết quá dài, chúng tôi xin không trích dẫn nguyên văn Anh và Hán.

MINH DI