Lê Anh Xuân - Ca Lê Hiến giữa đời thường

Về sự nghiệp của nhà thơ Lê Anh Xuân do có nhiều người nghiên cứu và viết rồi, tôi chỉ xin nói một số nét về đời thường của Ca Lê Hiến. Trong một thời gian ngắn, tôi được sống cùng một đơn vị ở Ban Văn nghệ chiến khu (R) với Hiến. Tôi biết Ca Lê Hiến ở khóa tập luyện đi B năm 1964 và mấy lần Hiến đến Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nơi tôi công tác chơi với chú Bảo Định Giang và một số anh em văn nghệ sĩ khác.

Đến tháng 5/1966, tôi về đến Tiểu ban Văn nghệ R thì Hiến cũng vừa từ Tiểu ban Giáo dục chuyển sang bên Văn nghệ. Khi đi B, Hiến đổi tên là Lê Lan Xuân vì có người yêu tên Xuân Lan, em gái của Anh Đức. Sau đổi lại chính thức là Lê Anh Xuân.

Tôi và Hiến cùng một tuổi nên cũng dễ gần gũi và thân tình. Nhưng do có mối quan hệ với Anh Đức nên Hiến gọi tôi là chị xưng em. Hiến là Bí thư Chi đoàn Thanh niên cơ quan tôi.

Thời gian sống và làm việc chung với Hiến không nhiều nhưng tôi thấy rõ Hiến là một thanh niên trí thức yêu nước, rất tha thiết với quê hương mình. Tính tình điềm đạm, trong sáng, không vị kỷ cá nhân tính toán cho riêng mình. Trong cơ quan, từ đồng chí thủ trưởng đến anh chị em bảo vệ làm lao động chân tay, ai cũng quý mến thương yêu và nể trọng Hiến.

Ngoài công việc chuyên môn làm Báo Văn Nghệ Giải Phóng và sáng tác, Hiến tham gia vào mọi việc, khi cơ quan cần như chống càn, đốn cây, cất nhà, đào hầm… Hiến luôn tham gia và lãnh phần khó, phần nặng về mình. Hiến là một thanh niên có đức độ luôn muốn cống hiến, đóng góp.

* Một vài kỷ niệm về Hiến mà tôi khó quên được

Tôi và Hiến thường đi nhà in in tờ Văn Nghệ Giải Phóng. Mỗi lần đi phải ở lại nhà in cả tuần lễ mới xong. Hiến đã tận tình hướng dẫn tôi từ buổi đầu, cách làm việc với từng bộ phận của nhà in, cách sửa “bon” bài… Cung cách làm việc tận tâm và tình cảm của Hiến với anh em công nhân in đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp, nên mỗi lần chúng tôi sang in báo thì rất vui và náo nức như được về nhà của mình.

Những đợt đi tải đạn của đoàn thanh niên (gọi là X4), chúng tôi tham gia rất đông vui và tích cực. Nhưng đến bữa ăn thì do tôi chậm lại rụt rè nên thường bị ăn cơm không không đủ thức ăn. Hiến thấy vậy rất tế nhị đi bới cơm vào ca cho tôi và để thức ăn ở dưới cho đủ ăn.

Thời gian tôi có thai, có những lúc Anh Đức đi công tác không có nhà, Hiến cũng chủ động giúp tôi kéo nước giếng tắm giặt, không để tôi phải ngỏ lời.


Lê Anh Xuân (trái) và Anh Đức. Ảnh: TL.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công đợt 2, cơ quan phân công 3 người xuống đường tham gia thâm nhập chiến trường là Anh Đức, Hiến và Hồng Tân (cũng cỡ tuổi Hiến nhưng ở bộ phận Lý luận phê bình Văn học). Không khí háo hức quyết tâm của những người đi sắp được dấn thân để có thực tế sáng tác làm mọi người ở nhà cũng náo nức theo.

Lương khô đã chuẩn bị đủ cho 3 người. Giữa lúc đó tôi bị phù thận sau sinh khá nặng phải nhập viện mà không được mang theo con nhỏ (Bệnh viện sợ bị lộ căn cứ). Anh Đức đành phải tạm hoãn chuyến đi. Hai bữa sau chỉ có Hiến và Hồng Tân lên đường. Trước khi chia tay, Hiến cứ cầm tay đứa con trai mới 4 tháng tuổi của tôi lắc đi lắc lại là nói mập lên mập lên. Rồi dặn dò tôi. Em để lại mấy bộ đồ ba em (**) gởi cho còn mới, chị cứ lấy dùng. Sau để nhớ Hiến, tôi có lấy cắt may đồ cho con tôi mặc.

Thời gian đó, những người đi công tác chiến trường, anh em ở nhà luôn dõi theo tin tức rất sát sao. Với Hiến và Hồng Tân cũng thế. Nhưng không lâu sau, khoảng chừng 20 ngày, tin từ chiến trường báo về Hiến và Hồng Tân đã hy sinh trong một trận đổ quân bằng trực thăng của địch xuống một cánh đồng ở ven lộ 4 thuộc vùng Bến Lức - Long An. Lúc đó Hiến mới vừa 28 tuổi, cái tuổi còn phơi phới sức xuân và tràn đầy nhiệt huyết cống hiến.

* Sự ra đời của bài thơ Dáng đứng Việt Nam

Tôi nhớ rất rõ buổi tối hôm đó, cơ quan có tổ chức buổi nói chuyện của nhà thơ Giang Nam, sau khi đồng chí tham gia Tổng tấn công đợt 1 về. Trong đó có kể về tấm gương của một anh bộ đội giải phóng anh dũng chiến đấu và đã hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất với tư thế đang đứng bắn. Không khí buổi nói chuyện như lặng đi. Và đêm hôm đó chính Hiến đã day dứt cho ra đời bài thơ Anh giải phóng quân. Đến trước lúc chuẩn bị xuống đường đi Tổng tấn công đợt 2, Hiến đã trao bài thơ cho Anh Đức xem để có thể in vào tờ Văn Nghệ Giải Phóng số tới. Hiến đi rồi, bài thơ đã được in ra và Anh Đức đã đổi tên là Dáng đứng Việt Nam, tên câu thơ trong bài của Hiến.

Hiến không thấy được bài thơ của mình được in. Nhưng tôi cứ nghĩ Hiến với tư cách và phẩm chất của mình cũng đã góp một phần tạo nên cái dáng đứng ấy: Dáng đứng Việt Nam.


(*)

Vợ nhà văn Anh Đức.

(**)

Tức GS Ca Văn Thỉnh.

Bài liên quan:
MỘNG LOAN (*)