Lê Anh Xuân - Ca Lê Hiến, người Anh hùng thi sĩ

Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân thuộc lớp học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Các bạn của anh, nhiều người còn sống và hoạt động vẫn gặp nhau, họp lớp nhắc đến những tháng năm miền Bắc không bao giờ có thể quên được ấy. Từ học sinh cấp 2 ở Hải Phòng, rồi lên cấp 3 ở Nguyễn Trãi, Hà Nội, Ca Lê Hiến tỏ ra là một học sinh xuất sắc, có chí khí, có hoài bão, có ước vọng trở thành nhà thơ. Nhưng đến khi vào đại học anh lại học ngành sử. Dù không được học văn để rèn văn như ý nguyện, anh vẫn an tâm học và học giỏi, nhưng không rời mộng ước làm thơ.

Sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng ở Sài Gòn - Nam Bộ, gia đình cụ Ca Văn Thỉnh, một nhà nghiên cứu văn học, sử học, một nhà giáo và sau đó là một Bộ trưởng, một Ðại sứ (Tổng đại diện) Chính phủ trong thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ca Lê Hiến đã được tiếp dòng máu thơm yêu Tổ quốc, có lý tưởng nồng nhiệt; lý tưởng ấy lại được sự giáo dục kỹ lưỡng của môi trường giáo dục, đoàn thể lúc đó hun đúc thêm. Năm 1963, đang là sinh viên Ðại học Tổng hợp Hà Nội, Ca Lê Hiến đã vinh dự nhận Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn Nghệ Hội Nhà văn 1961 (do Hoài Thanh làm chủ khảo), về bài thơ Nhớ mưa quê hương với rất nhiều tâm trạng và nhiều câu thơ đẹp:

Ôi cơn mưa quê hương.
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát.
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa rơi
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá,
thầm thì dào dạt vang xa...

Có lúc bỗng phong ba dữ dội
Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối
Giấc mơ xưa có chớp giật, sóng gầm
Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa cơn giông
Nghe như tiếng cha ông dựng nước
Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa
đang hát tiếp bài ca bất khuất ngày xưa.

Lúc bấy giờ tôi đã bắt đầu viết phê bình và có lần Ca Lê Hiến bảo tôi viết bài về tập thơ đó. Tôi nhớ mãi kỷ niệm về anh, một thi sĩ đẹp trai, đôi mắt trong lạ lùng, mái tóc xanh đen và khuôn mặt giống cha mình, một khuôn mặt dễ nhìn, nhân ái, trẻ trung. Rồi sau năm 1964, Ca Lê Hiến hành quân vào chiến trường, theo con đường Trường Sơn lịch sử. Ở chiến trường chúng ta biết Lê Anh Xuân (đã đổi tên theo thông lệ thời đó) đã làm tất cả những gì mà cách mạng phân công: Viết truyện ký về các anh hùng, đi công tác tiền phương, làm thơ ca ngợi cuộc chiến đấu của dân tộc trong cái bước ngoặt của chiến tranh. Câu thơ của anh về Cụ Ðồ Chiểu, người con của Ba Tri Bến Tre quê anh:

Gọi nghĩa sĩ lên đường
Mắt mù, lòng tựa đuốc.

Hay bài thơ ca ngợi "Dáng đứng Việt Nam" của người chiến sĩ giải phóng tiến công sân bay Tân Sơn Nhất (mà sau này được phổ biến qua âm nhạc) là bài thơ như tạc vào đá chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chiến sĩ ta, nhân dân ta.


Nhà thơ Lê Anh Xuân.

Lê Anh Xuân khiêm nhường, trầm lặng nhưng bên trong lòng anh một ngọn lửa lớn và sáng đã cháy lên, và vĩnh viễn không bao giờ tắt. Ðó là ngọn lửa của lòng yêu nước bất khuất Việt Nam, ngọn lửa của chiến đấu, ngọn lửa của lý tưởng, người thi sĩ, người trí thức Lê Anh Xuân, kế thừa dòng máu của bao thế hệ anh hùng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, anh đã là con người tiêu biểu, là tinh hoa, là điểm son chói lọi một thời.

Anh hy sinh ngày 24-5-1968 trong chiến dịch Mậu Thân, trên đường đi về tiền phương Sài Gòn. "Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về".

Tên tuổi anh đời đời bất diệt trong tâm khảm của thế hệ chống Mỹ vừa qua, trong các thế hệ người Việt Nam mai sau.

Lê Anh Xuân, anh là người chiến sĩ, là anh hùng, là thi sĩ. Thi sĩ và anh hùng thời chúng ta là một vì:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy.

Và:

Thuyền ta đi như thi sĩ, như anh hùng
Ði chiến đấu và ngợi ca Tổ quốc.

(Chế Lan Viên)

Chu Cẩm Phong (1941-1970), người bạn cùng Trường đại học Tổng hợp (khoa Văn), người cùng đi về Nam 1964 và chiến đấu, hy sinh ở Quảng Nam, tác giả "Nhật ký chiến tranh", đã vừa được phong anh hùng.

Cả dân tộc ta nghìn lần anh hùng và anh hùng thực ra có rất nhiều. Ngay trong văn nghệ, trong văn thơ, nhạc, họa, điện ảnh, rất nhiều người xứng đáng được phong anh hùng. Họ không có gì hổ thẹn với danh hiệu cao quý đó. Nhưng Lê Anh Xuân bao giờ cũng là trường hợp tiêu biểu và rất dễ nhận được sự đồng thuận của giới văn nghệ chúng ta và của nhân dân cả nước.

Văn nghệ chúng ta đang cần những tấm gương như thế được tôn vinh để tiếp thêm nhuệ khí cho chúng ta trong cuộc chiến đấu mới, phức tạp ngày nay.

Ðất nước chúng ta đang cần thắp lên ngọn lửa lý tưởng xả thân cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội..., để đi tiếp chặng đường thắng lợi nhưng đầy thách thức hôm nay.

Và tôi có ý nghĩ rằng, bên cạnh Lê Anh Xuân, ta cần làm nhiều việc để biểu dương thêm biết bao nhà văn, nhà nghệ sĩ kháng chiến khác, thế hệ vàng của thời đại văn hóa Hồ Chí Minh.

Tôn vinh họ, biết ơn họ, ngước nhìn lên họ, chúng ta sẽ được tiếp thêm nghị lực và lòng chúng ta sẽ sáng trong hơn, tâm hồn chúng ta sẽ rạo rực một tình yêu Tổ quốc lớn lao hơn để viết nên những tác phẩm làm lay động lòng người. Công việc này, tôi nghĩ, lâu nay chúng ta đã làm, nhưng cần thành chủ trương, chiến lược, làm không ngừng nghỉ, mỗi ngày, trên tất cả các phương tiện, từ nhà trường ra đến báo đài... để tiếp bước xứng đáng với máu đã đổ một thời qua.


Bài liên quan:
GS.TS MAI QUỐC LIÊN