Bảy giờ sáng ngày 1 tháng 3, trời còn mờ mờ sương sớm, khoảng sân rộng trước chùa Côn Sơn đã tràn ngập những người và người. Áo quần vàng đỏ, cờ xí rợp trời, trống phách rộn ràng. Ngày khai hội, các cụ ông cụ bà, các anh cựu chiến binh, các chị phụ nữ, rồi cánh thanh niên gái trai và đám trẻ trong vùng cùng tụ hội về đây.
Bảy giờ sáng ngày 1 tháng 3, trời còn mờ mờ sương sớm, khoảng sân rộng trước chùa Côn Sơn đã tràn ngập những người và người. Áo quần vàng đỏ, cờ xí rợp trời, trống phách rộn ràng. Ngày khai hội, các cụ ông cụ bà, các anh cựu chiến binh, các chị phụ nữ, rồi cánh thanh niên gái trai và đám trẻ trong vùng cùng tụ hội về đây.
Những người dân quê chất phác và hiền lành. Những ánh mắt thành kính và nghiêm trang. Buổi khai mạc, theo một kịch bản đã lặp đi lặp lại ở mọi nơi, sau hát hò là múa rồng, sau văn nghệ là giới thiệu quan khách, rồi đọc diễn văn. Gần như đầy đủ ban lãnh đạo tỉnh nhà, từ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tới các ban bệ đều có mặt, lại có cả đại diện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại diện một số tỉnh bạn, huyện bạn cùng đến chung vui. Thời gian giới thiệu quan khách dài lê thê, tiếng vỗ tay thoạt đầu còn rộn rã, sau có lẽ vì vỗ mãi mỏi tay, đứng mãi mỏi chân, nên tiếng vỗ lộp bộp thưa thớt dần…
Sau lễ khai mạc, đoàn rước nước tắm tượng lập tức triển khai. Đi đầu là tốp trai tráng khiêng ngai thờ, ngai đặt bình chứa nước, tiếp sau là quan khách, xếp hàng theo thứ bậc. Rồi đến đoàn dân quê đôn hậu, nét mặt thành kính, như có chút ngượng ngùng trong bộ quần áo sặc sỡ. Còn đám trẻ, dù ngứa chân ngứa tay, cũng không dám hò hét ồn ào.
Chẳng thế mà, khi đoàn rước nước xuống thuyền, bỗng một anh ăn mặc y hệt “Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ” với quần áo rằn ri, túi hộp loằng ngoằng, tóc dài đến ngang lưng, phì phèo xì gà, phăm phăm định nhảy xuống thuyền, làm bà con đồng thanh phản đối. Anh chàng đành đứng lại trên bờ, trước ánh mắt thiếu thiện cảm của mọi người đứng xung quanh…
Nghi thức khai hội kết thúc. Áo quần ngày hội thay ra, cờ xí sắp xếp gọn gàng, các món đồ lễ đem theo được bày biện. Nhìn đĩa cúng, mâm cúng đơn sơ, tôi nghĩ tới lòng thành mà chủ nhân gửi gắm. Hỏi ai cũng vậy, bà con cầu mong mưa gió thuận hòa, đủ ăn đủ mặc, con cái học hành tấn tới. Đó là ước nguyện đã có tự ngàn đời của người nông dân.
Gần trưa, không khí yên vui hồn nhiên của buổi khai hội dần dần suy giảm, khi hàng đoàn ô tô gắn biển số tứ xứ tấp nập kéo về, xuống xe là các ông bệ vệ dáng vẻ quan chức hoặc doanh nhân, các bà sồn sồn phấn son lòe loẹt, các cô cậu tóc lởm chởm xanh đỏ, váy áo cũn cỡn.
Cùng với họ là các mâm cỗ cúng to đùng, đầy phè, nào gà, nào xôi, nào lợn, nào rượu Tây rượu Ta, nào bia chai bia hộp, nào tầng tầng lớp lớp ngất ngưởng đồ hàng mã với tiền âm phủ đủ loại mệnh giá, rồi thoi vàng, nén bạc, cành lộc… Họ nói năng ồn ã. Họ chụp ảnh nhoay nhoáy. Họ văng tục ầm ào. Họ vứt rác tứ tung. Nhìn họ tôi nghĩ, không khác gì ở các lễ hội khác tôi đã chứng kiến, còn tại Côn Sơn này, người tứ phương kéo nhau đến và nhiều người trong số họ đã làm cho tinh thần lễ hội trở nên thực dụng và phàm tục?
Sau mấy chục năm hầu như vắng bóng trong sinh hoạt xã hội, nếu có thì diễn ra trong phạm vi hẹp, người tham dự chủ yếu là cư dân địa phương, tới các năm gần đây, lễ hội đã thành một phong trào phát triển rầm rộ trong Nam ngoài Bắc.

Lễ khai ấn đền Trần. Ảnh: Hung.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện mỗi năm cả nước có hơn 8 nghìn lễ hội lớn nhỏ, từ quy mô Nhà nước tới quy mô địa phương, như vậy, tính bình quân mỗi ngày cả nước có hơn 20 lễ hội, nhưng trên thực tế, ngoài lễ hội lịch sử cách mạng (4%) và lễ hội tôn giáo (16%), lễ hội dân gian truyền thống (80%) chủ yếu diễn ra vào mùa xuân thì trong những năm gần đây, đa số lễ hội đều thấy có mặt quan chức các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương tham dự.
Sự hiện diện đó như mang theo thông điệp hướng về cội nguồn, thiết tha với bản sắc văn hóa dân tộc của lãnh đạo các cấp. Chỉ có điều khác biệt là, quan chức đến dự lễ hội trên ô tô có biển hiệu lễ hội riêng và phóng thẳng vào trung tâm. Họ không phải xuống xe từ xa, rồi lóc cóc cuốc bộ như lớp thứ dân. Họ ngồi ở ghế đại biểu. Họ đọc diễn văn. Họ dẫn đầu đoàn rước.
Phải chăng, sự có mặt của họ được coi như là “bảo đảm” cho sự cần thiết, tính hợp lý của một lễ hội, nên địa phương tổ chức trông đợi, mời chào? Qua đọc tin tức trên báo chí, có thể đặt câu hỏi: nếu thống kê về thời gian, thì sau Tết, liệu có vị nào đi dự lễ hội nhiều hơn làm việc ở nhiệm sở?
Quan sát sự chuyển dịch từ năm này sang năm khác, không khó để nhận ra rằng, nhiều lễ hội đang hướng theo sự tiêu cực nhiều hơn tích cực, ngày càng xa rời chức năng “biểu hiện các giá trị xã hội của một cộng đồng và tái xác lập những mối liên hệ đã gắn bó các nhóm lại với nhau”(*).
Nhìn khung cảnh trẻ già, trai gái nô nức rủ nhau đi hội mùa xuân trong các ngày qua, tôi nghĩ, đôi câu lục bát Tháng Giêng là tháng ăn chơi / Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè đã ngấm vào “máu” của nhiều người. Bởi ra Giêng, trên các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ dẫn đến nơi có lễ hội đều lũ lượt xe máy, ô tô, nhiều xe cắm cờ lễ hội bay phất phới. Xe nào cũng thế, khi đi thì ngổn ngang gà rượu, hương hoa, vàng mã,… khi về thì mọi người nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa mấy “cành lộc” chế tác bằng giấy trang kim óng ánh vàng.
Chưa biết họa - phúc ra sao, chưa biết may - rủi thế nào, nhưng nhìn những nụ cười tươi rói và hể hả, cho dù đầu tóc có tả tơi, áo quần có xộc xệch, chân tay bê bết bùn đất, thì hình như niềm vui sau ngày “đi lễ cầu may, xin lộc” đã làm cho nhiều người phấn chấn.
Mấy năm trước, tôi tới dự hội Roóng Poọc ở Tả Van - Lào Cai. Đường từ Sa Pa vào Tả Van hơn chục cây số, đến Bãi Đá cổ thì rẽ. Tiết tháng Giêng, trời rét đậm, sương mù giăng giăng, dãy Hoàng Liên Sơn trập trùng. Tả Van ở bên sườn núi, đá lót đường vào bản đã nhẵn mòn. Lễ hội Roóng Poọc tổ chức giữa các thửa ruộng bậc thang, ồn ào náo nhiệt nhưng vẫn giữ nguyên vẻ thuần khiết.

Chuẩn bị đồ cúng.
Hội do người Giáy tổ chức nhưng người Mông, người Dao và một số tộc người khác cũng tới. Ai tham gia dự dựng cây nêu, người ấy sẽ được may mắn, các cụ trong bản bảo vậy. Mâm cúng đơn sơ trên gò đất giữa đồng có xôi màu, trứng màu, cùng vài nông sản khác. Sau lễ là các trò chơi vui vẻ hấp dẫn. Tuyệt nhiên không thấy tiếng loa phát nhạc xập xoèng, không có vui chơi có thưởng. Hàng hoá bán trong ngày hội được mang từ các bản ra, dãy lù-cở chất đầy lạc rang và bánh chưng gói như bánh giò dưới xuôi. Ai đói thì mua, ăn xong lại chơi. Cuối ngày, mọi người hồ hởi ra về.
Nhắc tới lễ hội Roóng Poọc vì tôi muốn nói rằng, ở lễ hội này, nguồn gốc dân gian và chức năng giải toả, vui chơi ở chỗ đông người đã được thực hành khá hiệu quả. Điều đó rất khác biệt với tình trạng ở nhiều lễ hội miền xuôi, nơi cái “linh thiêng” đang giữ vị trí ưu thắng. Ở đâu được đồn đại là “linh thiêng” thì mọi người kéo đến càng đông. Họ cắm hương vào bất cứ chỗ nào theo họ là “có vẻ linh thiêng”. Họ xì xụp khấn vái ở bất cứ chỗ nào họ thấy khác thường. Họ rải tiền ở mọi chỗ, mọi nơi. Họ đốt vàng mã, làm cho không gian lễ hội trở nên mịt mùng khó thở. Rồi giai thoại về may mắn, phù hộ, ăn nên làm ra được kể lại y như thật.
Nhiều người đến dự lễ hội với mục đích rất rõ ràng: khấn vái, xin xỏ, vay mượn rồi cầu may, cầu lợi là chính, vui chơi là phụ. Nên “trung tâm thiêng” của lễ hội bao giờ cũng đông nghẹt. Tình trạng này, từ đền Bà Chúa Kho phía Bắc đến đền Bà Chúa Sam phía Nam đều tương tự như nhau. Mâm lễ xếp tràn tới tận lối vào ra bàn thờ. Mâm nhà này nhầm với mâm nhà khác là thường tình, nhầm rồi mà không đòi được thì quay ra cãi nhau, thậm chí chửi nhau như hát hay giữa chốn linh thiêng.
Rồi nữa, việc kiếm chút “lộc thánh” cũng là điều cực kỳ quan trọng. Để rồi hiện tượng “cướp lộc” ở đền Sóc, “cướp ấn” ở đền Trần,… trở thành ví dụ điển hình cho nguyên lý sinh tồn của kẻ mạnh. Không chút xót thương người cao tuổi, không áy náy khi trẻ em khóc lóc kêu la, khách hành hương trẻ tuổi và khỏe mạnh cố trèo lên đầu lên cổ, dẫm đạp lên người khác, mạnh ai nấy cướp, cướp càng nhiều càng tốt,… và họ làm cho tính chất vô tư của lễ hội bị triệt tiêu bởi thói tư lợi, ích kỷ.
Hôm khởi công chế tác pho tượng Phật từ khối ngọc 36 tấn ở Hải Dương, tôi thấy có người nhảy lên giật “tấm bùa” dán gần đỉnh khối ngọc, cho ngay vào túi. Xưa kia, như trong tục “cướp bánh dày” chẳng hạn, gọi là “cướp” nhưng thật ra không “cướp” theo nghĩa đen của từ này. Đi cùng với “cướp” là luật tục bất thành văn, có liên quan tới đạo lý. Mọi người xông vào “cướp” nhưng biết nhường nhịn nhau, mỗi người một chút gọi là hương hoa, “lộc thánh” chia đều. Cộng đồng sẽ chê cười, khinh khi ai đó dùng sức lực hơn người mà tranh cướp.
Từ đó suy ra, cái gọi là sự liêm sỉ của một số người đi dự lễ hội bây giờ cũng mỏng mảnh. Để giành lấy chút lợi “ảo” cho bản thân, đã có những người tỏ ra bất cần đạo lý, bất chấp lợi ích cộng đồng. Liệu rồi đây, văn hóa sẽ ra sao nếu họ trở thành “tấm gương” để lớp trẻ noi theo?

Tranh nhau lấy lộc.
Nhiều lễ hội truyền thống đang xuất hiện các biến thái phức tạp, đó là sự thật. Có lẽ ở một số lễ hội, vai trò của cơ quan văn hóa cũng mờ nhạt, chỉ thấy sự có mặt của nhân viên công quyền qua tiếng tuýt tuýt của mấy anh đeo băng đỏ đang cố thu xếp sao cho bãi đỗ chứa càng nhiều xe càng tốt, còn mọi sự hầu như thả nổi. Ai muốn bán gì thì bán, ai muốn bịp gì thì bịp, thậm chí công khai đổi tiền lẻ với tỷ lệ cao ngất ngưởng cũng chẳng sao.
Lời bàn thêm của Mao Tôn Nhu Việc thế là đã rõ. Đây là biểu hiện của sự xuống cấp toàn diện về văn hóa, về thế giới quan, về lối sống và nếp sống. Văn hóa là một trong những trụ chống của xã hội, của con người… mà để nó suy thoái, biến chất, thực dụng… thì nguy cho dân tộc. Cần đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước, của cán bộ - đảng viên trong những việc này. Họ và vợ con họ đi “vay tiền”, đi “mua thần bán thánh” góp thêm vào tiêu cực xã hội thì phải có sự răn đe, sự chế tài… Đảng, Chính phủ nên có quy định, kiểm tra, kỷ luật những đảng viên - cán bộ loại này. |
Lễ hội nào cũng thấy “vui chơi có thưởng” với lời quảng bá dẻo quẹo đầy mờ ám. Rồi phá cờ thế ăn tiền. Rồi trò đỏ đen sấp ngửa. Rồi mấy ông bà “giả Mường” nói tiếng lơ lớ bày bán mấy bài thuốc kỳ bí, để khi hội tan thì kéo vào quán nhậu, trở lại với “gốc gác người Kinh”, nói cười hỉ hả. Rồi đội quân khấn thuê, viết sớ thuê, bày mâm lễ thuê, bán luôn cả mâm lễ bày sẵn. Vậy là, khi hoạt động kinh doanh, kiếm chác hoành hành trong lễ hội thì kinh tế lên ngôi và văn hóa hạ giá.
Khi chính quyền địa phương, ban tổ chức tỏ ra quan tâm hơn tới các loại lệ phí, các khoản thuế thu được, thì mấy ai còn mặn mà giúp khách hành hương vui chơi giải trí, được bày tỏ lòng ngưỡng mộ thành kính với tiền nhân đã có công với nước, với dân. Để rồi, các anh chị sức khỏe hơn người vẫn hùng dũng xông tới phía trước điện thờ, những người dân bản địa với tâm lý “gà cậy gần chuồng” vẫn mặc nhiên chiếm giữ nơi bán hàng thuận tiện, hoặc chen nhau đứng ỳ trước bàn thờ để nếu ai cần thì bán cho một suất. Làm cho giấc mơ “lộc thánh” và điều may mắn hy vọng sẽ đến, lại trở thành cuộc gặp gỡ sực nức mùi tiền.
Nói đến lễ hội bây giờ, cũng phải kể tới kiểu loại lễ hội liên quan tới việc khuếch trương du lịch. Nào lễ hội biển. Nào lễ hội trà. Nào lễ hội hoa. Nào lễ hội ẩm thực… Tất cả đều được tổ chức theo kịch bản na ná nhau, được phát trên ti vi và thường thì trong các màn trình diễn, bao giờ cũng có đội trống gõ thì thùm, có nón trắng xoay xoay, có tay chân luỳnh khuỳnh, rồi phất cờ và chạy vòng tròn. Chưa kể đôi khi còn có ánh đèn lazer lóe sáng, màn đốt pháo bông rực rỡ, có đống lửa bập bùng để biểu diễn trong bầu không khí nồng nặc mùi dầu ma-dút.
Các lễ hội như thế thường khuấy động không khí của tỉnh lỵ nào đó trong vài ba ngày với tâm điểm là một hội chợ quảng bá các loại hàng hóa. Lễ hội tan, mọi thứ tan theo, vĩ thanh duy nhất của các lễ hội có lẽ là ở màn quyết toán, hoặc nếu có sự cố gì đó thì ông A lại đổ cho bà B, bà B lại chỉ đến bác C,… rút cục là hòa cả làng. Các màn quảng cáo bao giờ cũng rùm beng, chỉ có sự tốn kém là chẳng thấy ai thổ lộ trước công luận!
Ra đời như kết quả của việc thỏa mãn các nhu cầu văn hóa - tâm linh của xã hội nông nghiệp, ở Việt Nam, lễ hội đã trở thành một kiểu loại sinh hoạt văn hóa truyền thống. Cùng với lịch sử, danh sách những sự kiện xã hội quan trọng, và các con người nổi tiếng, dày công đức ngày càng được nối dài thì lý do để lễ hội ra đời cũng vì thế mà tăng lên. Tuy nhiên, dù là lễ hội truyền thống hay hiện đại thì trước hết vẫn là ngày vui dành cho mọi người, là tập hợp các hành vi văn hóa từ cá nhân tới cộng đồng.
Vì thế, dù mục đích kinh tế hay du lịch có được đặt lên hàng đầu thì mục đích ấy vẫn phải đặt trên nền tảng của văn hóa. Trong bản chất của nó, lễ hội không bao giờ mang tính thực dụng, vì đó là nơi mà con người có thể giao hòa với thế giới, xã hội và người khác một cách hồn nhiên, vô tư nhất.
Tình trạng bát nháo ở một số lễ hội hiện nay phải chăng là hệ quả của các quan niệm chưa đúng mức, là sự xuống cấp của một số lĩnh vực văn hóa, là cuộc gặp gỡ một cách tiêu cực giữa nhu cầu đi tìm sự may mắn từ “thế giới linh thiêng” với những kẻ “buôn thần, bán thánh”, gây tốn phí tiền bạc, tốn phí thời gian?
Nếu tình trạng lễ hội tiếp tục diễn biến theo xu hướng như hiện nay, sẽ là một yếu tố làm cho sinh hoạt văn hóa của xã hội ngày càng biến dạng. Để chấn chỉnh tình trạng trên đây, hiển nhiên không thể bỏ qua bất cứ yếu tố nào, từ nơi đứng ra tổ chức lễ hội, người đi lễ hội đến người trục lợi từ lễ hội, ngay các vị quan chức cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hiện diện tại lễ hội. Giải quyết một cách đồng bộ như thế, mỗi khi xuân về, chúng ta mới có những lễ hội lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của công chúng.
(*) | Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Văn hóa - Thông tin, H. 1997, tr.133. |
Bài liên quan: