Lá thư bạn đọc, Hồn Việt số 78

Nói thêm về “sông Đáy ở Việt Bắc”

Kính gửi Tòa soạn Hồn Việt,
Qua đọc các “Lá thư bạn đọc” trên Hồn Việt số 75 và 77, liên quan đến địa danh “sông Đáy ở Việt Bắc”, tôi xin có thêm một ý kiến để góp phần khẳng định sự thật.

Là một cán bộ khảo sát xây dựng đường dây thông tin của ngành Bưu điện, năm 1966 tôi có đi khảo sát theo tuyến từ Thái Nguyên qua Định Hóa (Chợ Chu), qua đèo Bảo Linh sang đường 2C, qua xã Đạo Viện về thị xã Tuyên Quang… Dọc đường 2C này là sông Đáy đấy.

Trước khi viết những dòng này, tôi đã vào Internet kiểm tra. Nếu được, mong hai tác giả viết trên các số Hồn Việt 75 và 77 cùng tôi vào mạng như sau: Vào trang vietbando.com, mục tìm địa danh, gõ: xã Đạo Viện. Bản đồ khu vực sẽ hiện ra, chọn tiếp lớp địa hình thì bản đồ hiện rõ thêm đường giao thông, sông núi v.v…

Phía phải bản đồ có tên Định Hóa, hồ Bảo Linh, phía trên có huyện Chợ Đồn. Xem kỹ trên bản đồ khu vực này sẽ thấy: Thượng nguồn có các suối Đáy, xuôi về Tây Nam có 2 nhánh sông Phó Đáy. Từ phía Tây đèo Bảo Linh là sông Đáy chảy ven theo đường 2C (tên ghi trên bản đồ) chảy dài về nhập sông Lô ở phía Nam thị xã Tuyên Quang.

Bài Đi thuyền trên sông Đáy của Bác Hồ, có lẽ là Bác làm bài thơ đó ở đoạn sông này.
Vậy ở Việt Bắc có sông Đáy đấy chứ.
Mấy dòng xin gửi tạp chí và cùng chia sẻ với hai tác giả trên.

NGUYỄN GIA LỘC

(TT1-17 chung cư 183 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội)

*
*         *

Ngày 8-1-2014,
Trang 7 Hồn Việt số 77 - Tết Giáp Ngọ 2014, bài Nguyễn Du trong lòng những nhà thơ hiện đại, chụp một cái đĩa, ở phần chú thích ghi rõ: “Một đĩa trà mai hạc thời Nguyễn có câu Kiều:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”.
Truyện Kiều của Nguyễn Du không có hai câu này. Xin Hồn Việt chỉ rõ hai câu này là câu thứ bao nhiêu trong 3254 câu Kiều? Nếu không phải ở Truyện Kiều thì xin Hồn Việt cho biết rõ xuất xứ? Rất mong được hồi âm.

NGUYỄN DUY HIỂN

(38 phố Tân Minh, P.Âu Cơ,
thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ)

Hồn Việt: Theo cụ Nguyễn Quảng Tuân, nhà nghiên cứu Kiều, thì hai câu thơ đó nằm trong một giai thoại về Nguyễn Du, chứ không có trong Truyện Kiều. Hồn Việt đã nhầm.
Xin cảm ơn ông đã phát hiện, góp ý.
Còn giai thoại trên chỉ là giai thoại. Không có điều kiện kiểm chứng tính chất thực lục của nó. Dù sao, hai câu thơ trên, viết theo phong cách Kiều – Nguyễn Du, cũng là hai câu thơ hay và đĩa mai hạc truyền rằng của Nguyễn Du đặt làm ở Trung Quốc, cũng là thú vị, đáng quý.

Hồn Việt