TP.Hồ Chí Minh ngày 20-9-2013,
Trong mục “Trả lời thư bạn đọc” (Hồn Việt số 73, tháng 9-2013) có nhắc tới bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy. Tôi xin được góp mấy ý kiến nhỏ như sau:
- Về xuất xứ bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay của tác giả khác, như nội dung trả lời của GS Mai Quốc Liên, chúng tôi chưa dám có ý kiến.
- Chúng tôi chỉ băn khoăn về chi tiết: ở Việt Bắc có sông Đáy không? Tôi không phải là nhà địa lý, hơn nữa đã lâu cũng không nghiên cứu bản đồ một cách tường tận, nhưng tôi đã từng công tác và chiến đấu ở Việt Bắc từ tháng 6-1949 đến hết tháng 6-1953, chủ yếu ở vùng ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Do yêu cầu công tác, tôi đã đi hầu hết và nhiều lần nhiều vùng của các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, vùng tự do của Bắc Ninh, Hòa Bình. Hồi đó tôi được biết ở Tuyên Quang có một nhánh sông được gọi là sông Đáy (chưa nghe tên sông Phó Đáy) chảy gần các huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, đều là vùng rừng núi vắng vẻ (bắt đầu kháng chiến chống Pháp, nhiều gia đình cán bộ bộ đội ở Hà Nội và vài tỉnh miền xuôi tản cư lên đây kháng chiến và sinh sống). Đó cũng là vùng ATK, nhiều cơ quan của chính phủ, các đoàn thể trung ương đóng ở đây và cũng là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc và đi lại công tác. Phải chăng nói bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy, chính là sông Đáy tôi đã kể trên (mà Tố Hữu gọi là sông Phó Đáy)? Ai làm bài thơ đó thì xét sau nhưng ở Việt Bắc vẫn có sông Đáy!
- Từ đó suy thêm, bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm năm 1948 (xin xem Thơ Hồ Chí Minh – báo Thanh Niên Giải Phóng 2-9-1975) cũng được giải thích là Bác làm trong khi đi thuyền trên sông Đáy (chắc chắn là ở Tuyên Quang). Cùng đi với Bác có Xuân Thủy và một số đồng chí khác. Được biết, khi làm xong, Bác đọc cho mọi người nghe, đồng chí Xuân Thủy đã dịch ngay bài thơ và đưa cho Bác xem. Bác có nói: “Chú dịch thơ khá đạt (hay), nhưng câu 2 của tôi có 3 xuân, chú chỉ có 2 xuân…”. Mọi người nghe xong cười, thầm khen bác phê bình khéo(*)…
- Do đó, nếu nói Bác Hồ chưa một lần đi thuyền trên sông Đáy (hiểu là ở Việt Bắc) thì làm sao có bài thơ Nguyên tiêu? Thế Bác đi thuyền trên sông nào? Theo tôi chắc chắn không phải sông Lô, vì Bác làm bài thơ năm 1948, lúc đó việc đi lại của Bác phải rất bí mật, kín đáo…
Vì vậy, có thể bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải của Bác, nhưng Bác vẫn có lần (hay một số lần) đi thuyền trên sông ở Tuyên Quang mà lúc đó vẫn gọi là sông Đáy. Tôi cũng đồng ý ở hạ du Bắc Bộ có một nhánh sông chảy qua vùng tỉnh Hà Đông (cũ), chảy về phía Hà Nam cũng gọi là sông Đáy, chứ không phải chảy qua “Bắc Ninh, Hà Nam ở hạ du Bắc Bộ” như bài báo đã nêu. Ở Bắc Ninh chỉ có sông Cầu chảy qua.
______
(*) Có lẽ cũng cần nói thêm, yên ba thâm xứ (nơi sâu kín đầy khói sóng) mà dịch là “giữa dòng” (Giữa dòng bàn bạc việc quân), e “lộ liễu” quá, không giữ được bí mật quân sự (!): “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” (H.V.)