Chiến khu ngày 13/7/1966
… Hải Ninh thương yêu!
Xuống xe, ngày đầu bắt đầu đi bộ - phải nói là tao làm tàng lắm. Tao nói với Kim Chi là đưa gạo, bình ton nước và vài thứ lặt vặt để cho tao mang cho. Mới ra đi khỏe lắm mà trong thời gian học lên 9kg lận. Ra vẻ hào hùng nhưng mới đi được có nửa ngày đường là tao bắt đầu quỵ, khí phách anh hùng hảo hán tiêu tan. Nó đau cái gì tại chỗ đầu gối, bằng đồng xu thôi mà nó làm cho chân tao cứ ngay đơ ra không tài nào co vô được. Thế mới khổ cho tao chứ. Đi thì khó khăn rồi còn trở lại thì sao? Ôi! Mặt mũi nào mậy. Tao sợ cái cú trở lại Hà Nội nhất.
Gì gì thì không biết chứ… đoàn đã quyết định ở lại một ngày để xem coi tao có giảm đi được không. Thực mà nói, tao lo lắm. Đêm đó bác sĩ tiêm thuốc cho tao, sáng ra thấy đỡ, giao liên mang giúp ba lô cho tao. Tao chỉ còn mang cây súng ngắn với bình ton nước. Tuy chống gậy chân ngay thẳng tuột, mà tao cứ lê theo thiên hạ.
Ối đường đi sao mà khó quá trời, rắc rối, lên cao, xuống thấp, trơn như mỡ - suốt ngày cứ mưa, đi trên núi mà có cảm giác mình đến sát bờ biển rồi. Trước mặt thì mù mịt bởi những đám mây lùa vào núi, bên dưới chân mình mây đọng lại trắng xóa có cảm giác như mặt biển khơi, gió khua lá cây ào ào giống như sóng dậy.
Mày ơi! Qua dốc núi 1.800m-2.400m thật là trật ót – gót thằng đi trước chấm mũi thằng đi sau, kéo tay nhau bò lên từng nấc. Chà! Còn cái món vắt, nó đeo gỡ không kịp - ghê quá, nó đeo mà sợ quá rồi quýnh lên – càng quýnh thì không tài nào gỡ ra được nó. Nó đã nhớt rồi, lại cộng thêm nước mưa thì lại nhờn lên trăm lần. Ghê lắm, ghê nhất là cái món vắt lá – ổng búng, nhảy giỏi lắm, ổng chơi vào chỗ nghiệt không mày ạ; háng này, nách này, cổ này, ổng chơi cỡ đó không thôi, chứ đâu có chơi thường. Trời mưa rỉ rả, trùm ni lông lết phết là hắn phăn lên cổ thôi.
|
Hồng Sến và Kim Chi trên đường về Nam chiến đấu, tháng 6/1964 |
Hải Ninh! Cái chân thân yêu của tao nó làm khổ tao quá chừng mày ạ. Đường đất gay go như vậy mà tao phải lê đến 22 ngày sau mới đi tương đối ổn. Tuy chân đau như vậy nhưng “chòi” quay phim này cũng không quên được những con người trên đường đi, những cảnh vật xung quanh.
Có thể nói sau này thống nhất nước nhà nếu có phim truyện bối cảnh là rừng, là núi thì mình có lẽ là một người tích cực hướng dẫn địa điểm cho các bạn nào có kịch bản hợp với phong cảnh ở đó – phong phú lắm nhà đạo diễn ạ.
Mày có biết đồi thông Thanh Hóa chứ. Đồi thông mình thấy ở đây, đẹp hơn nhiều, cây to cả hai người ôm không giáp, cao và rộng vô cùng, ở dưới chân trống trải, thấy nó cứ muốn nằm nghỉ chơi, nó mát rười rượi thôi.
Mày có thích?
Trong một khu rừng thông rộng mênh mông, cao ngất, ở dưới đám rừng thông ấy mày sẽ thấy tăng, tăng bộ đội ấy mà, từng dãy, từng dãy, nó giống như tụi mình quay tụi thiếu nhi “Sao đỏ” cắm trại ở rừng phi lao ven biển Thanh Hóa ấy. Nó na ná như vậy đó. Họ nấu cơm lúc sáng sớm khi mặt trời mới lú lên. Ánh nắng chiếu xuyên qua rừng thông khói tỏa lên… Có thấy đẹp chưa? Còn nữa chứ: Ngoài ra còn hàng trăm chiếc xe đạp thồ, hàng tiểu đoàn bộ binh hành quân trong khung cảnh như vậy đó. Mê chứ nhà đạo diễn?
Ninh này, mày có thấy cầu treo chưa? Trong phim Trung Quốc có đấy. Người dân tộc họ làm bằng dây mây, cứ từng sợi dài như vậy mà họ kéo thành một cái cầu dài hàng 200m ấy, chắc mà lại đẹp. Họ khéo thật, họ căng từ mỏm núi này qua mỏm núi kia, hoặc từ ngọn cây này qua ngọn cây kia. Khi mình đi qua nó dịu quặt he, mang nặng đi cà nhún cà nhảy, yếu bóng vía, yếu tim như mày là không dám qua đó đâu. Thương nhất mấy anh bộ đội khiêng DK75 qua đó chứ. Nhưng không sao, nó cũng chắc lắm. Chỉ khi nào máy bay nó phát hiện quẳng bom xuống thì may ra mới đứt được nó.
Mày thử tưởng tượng người dân tộc thổi khèn tỏ tình yêu trên đó, bóng in nhập nhoạng dưới nước mày không thích sao?
Đó là tao nói chuyện mơ thôi chớ thiếu gì việc đặt trên cái cầu treo đó mậy.
Còn rừng dầu, rừng dầu Khu 5 tiếp giáp Khu 6, mày đi một tuần lễ chưa hết. Nếu mày chịu khó, tao nói mày chịu khó là vì cái dòng họ “Đạo” mày lười leo hơn là cái dòng họ “Quay” của tao. Chịu khó leo lên mỏm núi hoặc đồi thật cao mà nhìn xuống thì y như cảnh lúa mì bát ngát của Liên Xô vậy mày ạ. Lần đầu tiên tao xúc cảm mạnh về cái đẹp. Vì đi một tuần lễ chưa hết rừng dầu thì mình nhìn nó chạy xa biết là dường nào. Nó ác một điều là không phải trông thấy xa không đâu mà chỗ đậm chỗ nhạt, có lớp có lang lắm chứ, có chỗ thì mây che, có chỗ thì sương mù còn đọng lại. Nhìn xa nữa thì lại thấy những dãy núi xanh, thấp chạy dài làm một cái nền tuyệt đẹp. Dùng ống kính răng-tăng mà mở rộng thì phải biết… Độc đáo chứ mày. Ngon lắm chứ chơi đâu!
Cái gì đối với tao cũng có cảm giác mới lạ. Không biết mày có thấy người dân tộc họ đốt rừng làm rẫy chưa nhỉ. Mày thử tưởng tượng coi cảnh như vầy dùng vào phim truyện có đẹp không nhé. Tất cả là màu đen xám, một vùng rộng lớn, cây cối đều cháy ngã liệt địa, chỉ còn trơ lại những cái gốc to bằng hàng ôm. Nó lô nhô, theo như cái kiểu cảnh ở trong phim Bức thư không gởi sau khi rừng thông bị cháy rồi vậy. Những loại cây nhỏ bé đều cháy rụi hết, để lại những cái cây lớn nằm dài thượt ra. Nó dài cỡ 1, 2 chục thước lận, tạo những đường thẳng vút vào chiều sâu, xen lẫn với những gốc cây còn trơ lại. Ánh nắng sớm tạc mạnh vào thân cây và gốc cây, mày có thấy được cái vẻ đẹp của nó rồi chứ. Đâu có phải 1, 2 cây mà hàng ngàn cây vậy mày ạ. Tao nghĩ nhà đạo diễn thông minh như mày, không bỏ qua được cái bối cảnh thú vị này chứ.
|
Vợ chồng Hồng Sến - Kim Chi những ngày gian khổ mà hạnh phúc trong chiến khu |
Còn về mặt gian khổ thì có bút giấy nào tả hết được. Thôi, nên hiểu là có gian khổ là được rồi. Không bỏ cuộc là đã được giải khuyến khích rồi. Mày nghĩ trong phim này mà tỷ lệ gian khổ chiếm nhiều quá thì làm sao phát hành họ nhận được. Nói cho đúng là kịch bản sẽ bị chê ngay. Không nêu được cái khí thế hừng hực của cuộc chiến đấu ác liệt hiện nay của nhân dân miền Nam đối với đế quốc Mỹ. Nhưng cũng không chỉ nêu cái lạc quan, cũng phải nói qua chút mày nhỉ.
Trên đường từ ngoài đó vào tới nơi làm việc, Kim Chi (Hồng Anh) chỉ đau có nửa ngày thôi còn tao thì bị một trận sốt rét quá mạng. Tao tưởng tao không về đến quê chứ. Một tuần lễ mê mệt. Đoàn phải đi trước. Kim Chi ở lại nuôi mình, mình ốm (gầy) không thể tưởng được, và tất nhiên Kim Chi phải giúp mình nhiều thứ lắm. Mà cũng kỳ thật, phụ nữ họ đi rất cừ, họ ít hay đau…
Trong khoảng thời gian đi mình được tín nhiệm cái món nhóm lửa nhất đấy. Vì bất cứ ở trường hợp nào dù cho mưa gió như thế nào mình cũng nhúm lửa cháy lên được hết. Vũ Sơn chuyên xách nước. Kim Chi nấu cơm. Thép Hồng (An Sơn) và Mai Lộc chuyên lấy củi.
Trên đường đi đoàn đã quay được một số phim đã gởi ra ngoài đó hết.
Vì làm việc dọc đường nên đúng 4 tháng ròng rã tụi tao mới tới nơi. Nghĩa là từ 5/3/1964 đến 5/7/1964 thì đến cơ quan làm việc.
Về đến cơ quan tao lại bị một trận sốt dỉ chí nữa, chưa hết hẳn là tao với Mai Lộc lại đi quay ngay.
Kim Chi vào Đoàn văn công Giải phóng, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên ngay. Trên đường đi vô Nam, Kim Chi thái độ và tinh thần chịu đựng và giúp đỡ anh em trong đoàn rất tốt. Phải nói là một chuyển biến lớn trong cuộc đời của Kim Chi mày ạ. Từ ngày vào Đoàn văn công Giải phóng đến nay Kim Chi tiến bộ nhiều lắm. Tinh thần, đạo đức tốt lắm. Chuyên môn tiến bộ nhanh chóng được anh em, bạn bè yêu mến. Lao động giỏi. Đóng kịch, hát, làm thơ, viết bút ký nữa, làm được khá nhiều việc. Được các đồng chí lãnh đạo và anh em khen. Nghĩa là cũng nổi tiếng đấy.
Đặc biệt đối với Hồng Sến, Kim Chi rất yêu thương, yêu thương hơn lúc nào hết.
|
Kim Chi hát bài Chiếc khăn tay trong chiến khu, năm 1966 |
Ờ quên, nói thêm. Kim Chi đã đi biểu diễn nhiều nơi trong chiến trường miền Nam. Đi phục vụ bộ đội giải phóng, các cơ quan Trung ương. Về khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Về vùng Củ Chi, nơi đầu của tuyến đầu chống Mỹ đó mày ạ, vô tận các ấp chiến lược biểu diễn cho đồng bào xem. Nhiều phen cũng hú vía vì bom đạn của đế quốc Mỹ.
Về phần tao thì bắt đầu rời khỏi cơ quan để về đồng bằng (quê nhà) vào ngày 27/8/1964 để quay bộ phim tài liệu Sống và chiến đấu. Thời gian đi quay là 15 tháng kể từ tháng 8/1964 cho đến tháng 11 năm 1965. Mình đã đi qua các tỉnh như Long An, Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, Bến Tre. Đi một mùa khô và hai mùa nước quay tất cả là 3.000m phim 16mm (số phim này gởi ra ngoài Bắc).
Bác Lái và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã xem – phim quay chưa xong, hiện nay đang tiếp tục quay mày ạ. Mày hỏi bác Lái thì rõ đấy, mày nói nhỏ với bác để xem biết thêm về miền Nam, giúp thêm vốn sống cho mày, đồng thời cũng nhìn thấy sức lao động nghệ thuật của bạn mày nữa. Quay vất vả quá mày ạ. Tất cả số thước phim quay được đều là xương là máu. Hầu hết quay dưới tầm đại bác và dưới làn bom đạn của kẻ thù. Hoàn cảnh chiến tranh gay go ác liệt như vậy mà phải quay những sự kiện quá lớn. Thần chết nó cũng dọa tao nhiều lần lắm. Tao ra trận rất nhiều lần nhưng quay được ít.
Vì chiến tranh ác liệt, chúng bị mình nhiều cú quá nên nó cũng nhát. Lừa hắn hoài để vô vòng phục kích của mình mà cũng không được. Mình đánh lớn hay bị lộ lắm vì chiến trường đồng bằng mà lại. Nếu đánh kết quả thì quay sướng lắm mày ạ.
Tất cả số phim tao quay được, dù được dù hỏng đều gởi ra ngoài ấy tất cả. Cũng là một điều đau khổ đối với người quay phim, hay nói cách khác là người sáng tác. Gởi ra ngoài ấy tất tần tật. Mày nghĩ xem vì hoàn cảnh trong này nên tao quay số phim đó mãi đến 15 tháng sau tao mới được xem bản nháp của mình quay. Ngày xem bản nháp cũng là ngày kết thúc đợt quay phim Sống và chiến đấu. Xem như vậy thì thử hỏi làm sao rút kinh nghiệm bổ sung cho kịp được. Tụi bây ở ngoài ấy thông cảm cho hoàn cảnh của tao.
Hải Ninh thương yêu! Trong đợt đi quay phim Sống và chiến đấu, Hồng Sến đã về thăm nhà được 3 lần. Hôm về giao liên đường dây gởi mình đúng ngay cái nhà ông già mình. Trời ơi! 15 năm qua, mười lăm năm xa cách. Tức nhiên, ba mình không thể nào nhớ ra mình nữa…
Hẹn mày thơ khác nói tỉ mỉ về đoạn này, đoạn gặp lại gia đình, bạn bè thân thuộc.
Hải Ninh thân yêu! Cho mãi đến tháng 11 năm 1965 mình mới trở về cơ quan. 15 tháng xa cơ quan, xa Kim Chi, người vợ thân yêu của mình. Cũng trong 15 tháng ấy Kim Chi làm được rất nhiều việc.
Mình về cơ quan chỉ kịp xem xong bản nháp Sống và chiến đấu là mình lại đi ra quay mặt trận ngay - 5 tháng liền. 5 tháng ấy mình theo bộ đội. Mình đã đi qua các tỉnh: Tây Ninh, Bình Long, Phước Thành, Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh, Bình Thuận (Khu 6). Nghĩa là đi quá xá mạng mày ạ. Vất vả lắm, nhưng rồi cũng vui. Tuy có mệt nhưng lại biết thêm nhiều tỉnh mới. Vốn sống trong người lại phong phú hơn.
Trong thời gian ấy tao quay được một số vấn đề thời sự. Như Võ trang tuyên truyền trên quốc lộ 20, tức đường Sài Gòn đi Đà Lạt; Mít tinh trong sở cao su thuộc vùng của giặc kiểm soát, ăn mừng chiến thắng về quân sự của quân giải phóng…; Hàng loạt hàng binh ra với mặt trận; Du kích hạ hàng chục máy bay trực thăng; Vấn đề tố cáo bọn Mỹ dùng chất độc hóa học để giết hại đồng bào ta; Bộ đội ăn Tết một cái tết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Và hiện nay tao đang nghiên cứu để quay một số tiết mục của Đoàn văn công Giải phóng. Những phim tao vừa nói trên đã sản xuất, mày ở ngoài đó nhớ đón xem. Còn phim tài liệu Sống và chiến đấu hiện nay đang tiếp tục quay và thu thập tài liệu thêm. Trước đây phim Sống và chiến đấu định bó hẹp trên chiến trường Y2 (Đồng Tháp Mười) chính nơi đó là quê của tao đấy. Nhưng bây giờ thành phim của toàn miền Nam rồi. Cũng do mở rộng như vậy nên nó lại đòi hỏi, phải thêm nhiều mặt khác nữa, mày hiểu chứ.
Về phần bạn bè thì Nghiêm, Tây, Hạnh, Trí Việt, Việt Tân đã về tới nơi an toàn. Trên đường đi Tây bị biệt kích rượt mất máy quay phim. Thép Hồng, Xuân Thành, Phát (Ty-phôn) đi quay phim cho bạn Trung Quốc quay ở công trường 9 (bộ đội). Xuân Thành tao mới gặp nó vào ngày 15/7/1966 khi nó ở tiền phương về cơ quan lấy phim để quay. Nó về, hai đứa gặp nhau rất mừng.
Cái mừng chưa hết thì lại một tin đau đớn đến. Từ tiền phương điện về báo là thằng Phát (Ty-phôn) đã hy sinh trong khi quay trận trên đường 13 – hôm 9/7/1966. Tin này đã chính xác rồi đó. Tụi tao rất bùi ngùi. Như thế là tụi tao chưa được gặp nhau mày ạ.
Ở ngoài đó thiên hạ đồn tao chết rồi phải không? Tao chưa chết đâu, vì tao còn yêu nghề lắm, đợi thống nhất nước nhà để công tác với tụi bây chứ. Nói đùa chứ họ đồn cái kiểu ấy là một điều không tốt đâu mày ạ.
Thằng Hồ Văn Tây đã ra trận đầu tiên. Tưởng đâu ảnh không trở về cơ quan được nữa chứ. Người đi phụ quay cho nó bị hy sinh. Sao thời may nó còn sống đó. Hiện nay nó vẫn mạnh giỏi. Tao gặp nó từ tiền phương về cơ quan vào ngày 17/7/1966. Nó cũng gặp được Xuân Thành và An Sơn.
Thằng Nghiêm chuẩn bị đi quay phim về binh vận.
Từ hồi tao về trong này đến nay chắc mày mới làm được có Người lính trẻ phải không, nghe anh em khen tốt lắm. Tao nghe rất mừng. Thằng Xã Hội ra làm sao rồi, có những tác phẩm nào xuất sắc. Còn nó đã có tác phẩm… lớn của nó chưa. Thằng Lưu Xuân Thư sau tác phẩm Giới tuyến đã làm thêm được cái gì nữa.
Tụi bây cũng không có thằng nào làm siêng viết cho tao mấy chữ gọi là kể tình hình làm ăn ngoài đó. Thằng Bùi Đình Hạc, nó là thằng số đỏ. Nó vừa thành công phim tài liệu nói về anh Nguyễn Văn Trỗi phải không? Và hiện nó đang chuẩn bị cho cuốn phim truyện đó phải không? Chúc cho Hạc và những người cộng tác thành công tốt đẹp. Nó có vợ ở văn công, có phải không Ninh? Mày xem coi nó có còn run nữa không.
Anh Thụ cũng có vợ rồi phải không? Vậy mà ai nói nó ế vợ kia chứ? Còn nhôn trai lắm, ai mà không mê, lại đi học tốt nghiệp đạo diễn ở nước ngoài về. Chắc dạo này nhảy đánh bóng hết nổi rồi phải không.
|
Đạo diễn Hồng Sến (trái) và đạo diễn Hải Ninh |
Hải Ninh thân yêu! Hồng Liệu, cu Hải, cu Vân có được mạnh khỏe không? Thằng Hải chắc nó học giỏi lắm. Nó có khả năng học chuyên môn gì, mày thấy rõ chưa?
Huy Vân, Tuệ Minh, Minh Đức, Trà Giang, Thúy Vinh, Bích Hồng, Kim Oanh, Ngọc Diệp, Thụy Vân, Ngọc Lan, Thanh Thủy, Đức Lưu, Lịch Du, Minh Tân vẫn mạnh khỏe đấy chứ, mày cho tao gởi lời thăm tất cả.
Các chàng Quý An, Lâm Tới, Trung Tín, Anh Thái, Hồ Thái + Ngọc Vĩnh, Trần Phương, Hòa Tâm v.v… đã có nơi có chốn hết chưa, ai còn thêm được cháu nào nữa, hay vẫn hạn chế vì hoàn cảnh…
Mày cho tao gởi lời thăm mấy anh lớn tuổi trong hàng đạo diễn. Ông Phạm Văn Khoa, anh Vũ, Huy Thành, anh Hinh, Kỳ Nam, Bắc Xuyên, Vũ Phạm Từ, Nông Ích Đạt (hai nhà đạo diễn phim Kim Đồng quên tao rồi còn đâu), anh Tiến Lợi, chị Bạch Diệp.
Cho tao gởi lời thăm các nhà quay phim: Khánh Dư, Nguyễn Minh Tuấn, anh Khương Mễ, Xuân Quang, anh Đăng Bảy, Nguyễn Đảnh, Lý Cương, Trọng Quỳ, Xã Hội, Xuân Thư, Ma Cường, Lô Cường, anh Hoàng Thành, anh Trần Bảo, anh Nguyễn Tự, Huỳnh, Đức Hóa, Phạm Thự, Tr. Quỳ và tất cả anh em quay phim khác.
Gởi lời thăm anh em ở bộ phận ánh sáng, anh chị em hóa trang, phục trang, nói chung bộ phận thiết kế mỹ thuật.
Thăm các anh lãnh đạo: anh Phạm Tuấn Khánh, bác Lái, anh Vũ Năng An, anh Nguyễn Đắc, anh Nguyễn Hùng, anh Hoàng Huy, anh Lãng, anh Đức, anh Kháng, anh Mậu, anh Trung, anh Hinh.
Thăm tất cả anh em ở 3 xưởng. Mày nhớ cảm phiền chuyển lời giùm tao mày nghe. Đặc biệt thăm thằng Tùng (ánh sáng).
Hải Ninh thương yêu! Trong lúc tao viết thơ cho mày đây là tao với Kim Chi được sống chung với nhau mấy hôm.
Gởi đến mày một số ảnh của tao và Kim Chi để mày xem và nhớ tụi tao.
Nhiều chuyện cần nói lắm nhưng chưa nói hết được. Hẹn thư sau.
Ờ tao vẫn nhớ lời mày dặn là khi về tiếp quản Sài Gòn, dành riêng cho mày một chỗ phải không? Tao vẫn nhớ đấy.
Hải Ninh thương yêu! Mày nhớ đến bác Lái nói ổng cho mày xem số phim của bọn tao quay trong này gửi ra. Nhất là phim Sống và chiến đấu, nói chung là quay như thế nào là gởi nguyên xi như vậy, làm gì còn thời gian để chọn cảnh và cắt xén nữa. Xem phim ấy phải hết sức thông cảm với hoàn cảnh thực tế trong miền Nam đầy bom đạn này mới được. Có những đoạn bây giờ, với hoàn cảnh bây giờ khó lòng quay được mày ạ. Nó cũng là cái may cho tao đấy. Tức nhiên trong phim làm sao tránh được thiếu sót hở mày.
Mày được thơ này, mày viết gởi ngay cho tao mấy chữ.
Tao mong lắm đấy. Nói với thằng Hạc, Thụ cũng phải gởi cho tao nữa chớ. Lúc còn sống tụi bây không viết thơ thăm nhau thì đợi tao ngủm cù đèo rồi, rồi lúc đó tụi bây mới hối hận nghe không.
Thôi tao chẳng viết nữa.
Cho tao gởi lời thăm Hồng Liệu, cu Hải, cu Vân.
Chúc mày mạnh, hạnh phúc, làm ăn tốt.
Hôn mày, nhớ mày lắm.
Nguyễn Hồng Sến