Từ khi có nền dân chủ, người Pháp đã áp dụng ba lý tưởng: Tự do, bình đẳng, bác ái vào cuộc sống cho cả dân tộc. Tất nhiên là giới chủ nhân, không phải ai ai cũng đồng tình… Nhưng đa số nhân dân lao động – những người làm ra của cải – họ có truyền thống cách mạng khi dám chém đầu vua và hoàng hậu vào năm 1793, thì họ đã không ngừng chiến đấu để đòi được áp dụng quyền bình đẳng trong cuộc sống, mà ý nghĩa chính yếu là được tôn trọng quyền lao động chân chính, xóa bớt sự bóc lột giữa con người.
Tuy nhiên, trong một xã hội tuy dân chủ, bình đẳng… nhưng sức cạnh tranh không phải ai ai cũng giống nhau. Trí tuệ, học vấn, tay nghề của mỗi cá nhân vẫn có sự khác biệt. Ở Pháp, dù con em của bất cứ gia đình nào cũng được học hành miễn phí cho đến đại học nhưng có phải vậy mà tất cả đều… giống nhau? Vẫn có người giàu, kẻ nghèo, người học rộng, kẻ thiếu may mắn…

Hoa hậu Thu Trang bên nhà thờ tỉnh Amiens xây vào thế kỉ XIII với phong cách Gothique
Về học vấn, tại Pháp vẫn có những trường tư đắt tiền cho con nhà giàu. Các đại học không hẳn đều có điều kiện tối ưu giống nhau. Có các “trường lớn” (grandes écoles) là loại phải thi vào và rất khó. Sinh viên vào được đều là ưu tú, học giỏi có tiếng từ nhỏ… Khi điều tra về giới sinh viên các trường này, rất ít người xuất thân trong các gia đình bình dân, lao động. Thỉnh thoảng báo chí cũng loan tin là có một cô, cậu người nước ngoài đã thi đỗ vào EMA là trường Hành chính cao cấp, chuyên đào tạo những công chức cấp cao cho chính quyền.
Viết sơ qua việc học vấn để bạn đọc thấy là vào mùa hè ở Pháp, sinh viên cũng phải “học gạo” như bất cứ nơi nào. Còn nhân dân lao động các giới thì có một tháng lương mà không phải làm việc để đi nghỉ vào mùa nóng…
Mùa hè có thể nói là quan trọng về nhiều mặt đối với người dân Pháp. Trước tiên là được nghỉ ngơi. Được lương, dù không đi làm. Và là mùa đẹp, có nắng ấm, ai ai cũng hăm hở với niềm vui là sẽ đi về quê, đi lên núi, hay xuống bờ biển để cùng gia đình thư giãn, hưởng thụ!
Người Pháp đi nghỉ hè có hàng ngàn kiểu. Tùy ý thích và túi tiền của mỗi cá nhân hay gia đình. Rất ít ai, dù dân lao động hay kể cả người cao tuổi mà không di chuyển trong mùa hè ít nhất vài hôm. Những gia đình còn họ hàng ở quê nội hay ngoại, nếu có điều kiện nhà ở là họ sẽ về quê nghỉ hè, đa số dân Pháp vẫn còn thích kiểu này.
Những ai không có điều kiện trên thì họ đi cắm trại. Đó là giới trẻ hay các gia đình đông con bình dân, đôi khi cũng là giới trung lưu thích sống ngoài trời. Mấy năm trước, đi cắm trại là mốt của đa số (tức là cắm lều vải ở một nơi nào đó có đất rộng, có đủ điện nước, có các sân thể thao, gần biển và gần núi…). Đi cắm trại là vậy, cách sống trẻ trung, gần thiên nhiên, ngủ trong lều vải, không cần nhiều tiện nghi. Hè đối với một số người là đi đôi với lối sống tự do, không câu thúc, ăn mặc đơn giản, không cần các giải trí đắt tiền… mà chỉ cần nghỉ ngơi và đi du lịch.
Hiện nay ở châu Á, có lẽ cả Việt Nam ta đã có nhu cầu đi nghỉ hè. Một thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Tại châu Âu đó là một nhu cầu hết sức cần thiết, quan trọng cho sức khỏe. Và cũng quan trọng đối với một số đông giới trí thức, lợi dụng thời gian ấy để đi du lịch, để tìm tòi hoặc đáp ứng các sở thích văn hóa: Đi dự các Festival (lễ hội) kịch, nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh… Ở Pháp, vùng miền Nam có khá nhiều các Festival kiểu ấy. Thí dụ ở mỗi tỉnh đều có truyền thống tổ chức một Festival như Avignon năm nào cũng có. Phải giữ chỗ, mua vé trước một năm…

Một tòa lâu đài ở Pháp
Nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người Pháp rất cao và là sự cần thiết cho cuộc sống về tư duy, tinh thần và tri thức. Gia đình chúng tôi cũng vậy, dù không giàu có, nhưng năm nào cũng đi nghỉ hè đôi ba tuần.
Năm nay, chúng tôi chọn loại hình du lịch của người cao tuổi. Nghĩa là không có tính thể thao mà là kiểu nghỉ dưỡng Zen (Thiền). Người châu Âu trong vài năm trở lại đây đã dùng kiểu nói: Tôi rất Zen, gợi ý đi nghỉ, đi ăn, đi chơi – kiểu Zen. Một ảnh hưởng của Phật giáo? Không hẳn. Vì Thiền là không vội vã, không nóng nảy, làm việc bất cứ lĩnh vực nào cũng nhẹ nhàng, thư giãn… Người châu Âu họ không mấy chú ý về tôn giáo, dù biết là tinh thần Thiền trong đạo Phật đã triển khai và quần chúng hóa ở châu Á.
Kể về du lịch mùa hè, riêng tôi thích nhất là trở lại vùng hai bờ sông Loire (Loa đọc theo giọng Việt Nam). Những tỉnh nhỏ dọc hai bờ con sông dài 1010 kilômét này có truyền thống lâu đời, in dấu nhiều nét của các gia đình quý tộc Pháp mà họ đã định cư nhiều ở vùng này từ thế kỷ XV, XVI. Do vậy, họ đã xây dựng lâu đài khá nhiều trên hai bờ sông Loa thơ mộng. Có đến hàng trăm lâu đài đủ kiểu rất đẹp, mỗi gia đình chọn một phong cách. Hoặc theo kiểu Ý hay thời bảo hoàng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…
Đi tham quan các lâu đài ấy, mỗi nơi lưu lại cho đời sau dấu ấn riêng biệt của một công hầu bá tước và lịch sử lâu đời hàng mươi thế kỷ của một dòng họ nào đó. Người hướng dẫn có khi là con cháu của chính chủ nhân lâu đài. Khi cần làm việc, ngay giới quý tộc đều không có mặc cảm bị “coi thường”. Vì vậy, đi tham quan mà được mở mang tri thức khá nhiều về lịch sử thì thật thú vị.