Hình thành và phát triển của phong trào “Lực lượng thứ ba” ở miền Nam...
Nhìn chung xã hội vùng đô thị miền Nam dưới chế độ quản lý của Mỹ và chính quyền Sài Gòn chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt, mầm mống của những đợt bùng nổ đấu tranh mà địch không thể lường nổi, càng rất khó kiềm chế.
Từ những chuyển biến xã hội khác hẳn trước đây, việc hình thành phong trào nhân sĩ, trí thức yêu nước, yêu hòa bình, làm nòng cốt cho “lực lượng thứ ba” sau này ở chính trường Nam Việt Nam, đã diễn ra theo sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh các giới ở đô thị miền Nam, kết quả của những mâu thuẫn xã hội phát triển ở đỉnh cao.
Sự phát triển của phong trào có thể chia làm 3 giai đoạn phát triển sau:
1. Từ 1954 đã có Phong trào Bảo vệ hòa bình, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, đứng đầu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo... Mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố ác liệt, nhưng những nhân sĩ trí thức của phong trào vẫn đứng vững.
Năm 1960, khi cuộc nổi dậy đồng loạt (Đồng khởi) nổ ra ở nhiều vùng nông thôn thì mâu thuẫn giữa chế độ Ngô Đình Diệm và giới trí thức nhân sĩ càng gay gắt. Cuộc đảo chánh của binh chủng nhảy dù Sài Gòn năm 1960, và sự kiện “Trao cho Ngô Đình Diệm bản kiến nghị của “nhóm Caravelle””, dẫu do Mỹ dàn dựng để gây sức ép với Ngô Đình Diệm, nhưng đã báo hiệu sự bùng nổ mâu thuẫn xã hội miền Nam. Sự hình thành bước đầu của lực lượng đối lập với Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nhen nhóm ngay trong giới thường được chế độ ưu đãi; xu hướng đòi dân chủ, tự do, hòa bình, trung lập… ngày càng được đề ra rõ ràng.
2. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi nhóm tướng lãnh quân đội Sài Gòn do tướng Dương Văn Minh đứng đầu (sau đó vài tháng thì Dương Văn Minh bị Mỹ bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh chỉnh lý), Phong trào Dân tộc tự quyết do luật sư Nguyễn Long làm Chủ tịch thành lập năm 1964, đã quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức miền Nam. Địch kết án tù từ 10 đến 20 năm ba người đứng đầu là luật sư Nguyễn Long, giáo sư Trần Hữu Khuê, ký giả Nguyễn Quý Hương.
Tuy nhiên khát vọng hòa bình của nhân dân miền Nam đã được các nhân sĩ trí thức tiếp tục dũng cảm thể hiện trong việc thành lập Phong trào Vận động hòa bình, khởi xướng do bác sĩ Phạm Văn Huyến, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, nhà báo Cao Minh Chiếm... Cuộc họp công bố tuyên ngôn của Ủy ban Vận động hòa bình năm 1965 tại nhà hàng Thanh Thế ở trung tâm Sài Gòn (quận 1) đã gây tiếng vang lớn. Địch bắt giam nhiều người, đưa một số vị qua cầu Hiền Lương gọi là “tống xuất” ra miền Bắc.
3. Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân giải phóng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là cái mốc lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược Mỹ với sự thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Liên minh gồm rất nhiều trí thức nhân sĩ tiêu biểu như bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, nữ sĩ Vân Trang… Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam không phải là một thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tuyên ngôn của Liên minh nhấn mạnh vấn đề hòa bình và trung lập, sẵn sàng liên kết với các thành phần chính trị khác nhau ở miền Nam để đưa đến một giải pháp chính trị cho cuộc chiến, tránh kéo dài một cuộc chiến tranh mà Mỹ đã bắt đầu cảm nhận là không thể thắng được.
Việc hình thành Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đánh dấu bước phát triển rất nhanh các xu hướng đấu tranh cho hòa bình, trung lập trong các tầng lớp trí thức và tư sản dân tộc chống xâm lược Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Liên minh tạo tiền đề cho việc hình thành khái niệm Chính phủ Liên hiệp ba thành phần đang được bàn thảo tại Hội nghị Paris được bắt đầu từ cuối năm 1968.
Trước thái độ ngoan cố của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, một mặt trận liên hiệp các lực lượng chính trị ở Sài Gòn dưới danh nghĩa “Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình” do bà luật sư Ngô Bá Thành chủ xướng, đã quy tụ các tổ chức có trước đó ở Sài Gòn như Ủy ban đòi quyền sống, Phong trào Dân tộc tự quyết, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Nghiệp đoàn Giáo học tư thục Việt Nam, Tổng công đoàn Lao động Việt Nam… với mục tiêu đấu tranh là đem lại hòa bình cho đất nước. Khẩu hiệu của phong trào là “Chúng tôi cần Việt Nam hóa hòa bình, chứ không cần Việt Nam hóa chiến tranh”.
Như vậy, từ khi Mỹ trực tiếp đưa quân viễn chinh Mỹ qua xâm lược Việt Nam, trong xã hội miền Nam xu hướng hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh, tán thành hòa giải hòa hợp dân tộc thu hút nhiều giới trung gian, bên cạnh phong trào đấu tranh của các giới lao động cơ bản, đã hình thành một thế lực chính trị quan trọng gồm những nhân sĩ, trí thức, dân biểu, nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Sài Gòn, giới công kỹ nghệ gia, giới ký giả báo chí công khai xuất bản tại Sài Gòn… thường được gọi là “Lực lượng thứ ba”.
Đảng đã kịp thời chủ trương đưa lực lượng trí thức, nhân sĩ tiến bộ làm nòng cốt trong một số phong trào đô thị, đã tạo thêm điều kiện, cơ hội cho sự phát triển nhanh chóng “Lực lượng thứ ba”, cô lập cao độ nhóm phản động, hiếu chiến trong chính giới Sài Gòn. Đại tá Quân đội Nhân dân Dương Thanh Nhựt, em của tướng Dương Văn Minh, đã vào Nam từ năm 1962, có nhiệm vụ tiếp cận vận động Dương Văn Minh nghiêng về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam tăng cường cán bộ vận động giới sĩ quan quân đội Sài Gòn, trong đó có Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh vốn là sĩ quan thân cận của tướng Dương Văn Minh, trở thành nòng cốt cách mạng trong quân đội Sài Gòn. Các hội đoàn giải phóng đều tổ chức bộ phận trí vận, binh vận, nhằm vào tầng lớp bên trên, hình thành sự phối hợp nhịp nhàng của lực lượng cách mạng ngay trong vùng bị địch chiếm.
Tướng Dương Văn Minh, nhờ uy tín và đức độ của ông đáp ứng nhu cầu của các xu hướng khác nhau trong những người họp thành “Nhóm Dương Văn Minh”, là người đại diện tiêu biểu cho “Lực lượng thứ ba”. Trong cuộc họp mặt đầu năm 1974, kỷ niệm 1 năm ký Hiệp định Paris tại nhà riêng - Dinh Hoa Lan - tướng Dương Văn Minh nói: “Chúng ta tin rằng không thể giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng giải pháp quân sự thuần túy,… con đường hòa giải là con đường duy nhất đưa tới hòa bình”.
Lúc đó nhóm Dương Văn Minh cho rằng tình hình còn có thể thực hiện được điều 12 của Hiệp định Paris.
Nhưng tình hình đã diễn biến ngày càng phức tạp do Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu quyết phá hoại Hiệp định Paris. Lúc đó, Đại sứ Mỹ Graham Martin muốn duy trì chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhưng trong chính giới Mỹ đã có xu hướng không tin cậy tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, muốn rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Nước Pháp thông qua đại sứ ở Sài Gòn là Jean Marie Mérillon cũng có ý đồ nắm Dương Văn Minh để trở lại Đông Dương. Đích thân Jean Marie Mérillon đã chính thức đến Dinh Hoa Lan bằng xe cắm cờ ngoại giao gặp Dương Văn Minh; việc cố tình vi phạm nguyên tắc ngoại giao này của Pháp là một dấu hiệu khá đặc biệt của phe đế quốc trước tình hình ở Nam Việt Nam nghiêng về việc tìm giải pháp chính trị khi Mỹ đã không thể cứu nổi chế độ Sài Gòn.
Sau Hiệp định Paris 27-1-1973, “Lực lượng thứ ba” đã có những chuyển biến mới, thu hút thêm nhiều nhân sĩ, trí thức, sĩ quan quân đội Sài Gòn, dân biểu Quốc hội Sài Gòn, nhà báo, tu sĩ, chức sắc tôn giáo, công thương gia… có khuynh hướng chống Nguyễn Văn Thiệu, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ theo xu hướng hòa hợp hòa giải dân tộc mà nòng cốt là các nhân sĩ trí thức yêu nước, như bà luật sư Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, các giáo sư Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luân, nhà kinh tế Nguyễn Văn Diệp, các thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, Trần Thúc Linh, các dân biểu, nghị sĩ Quốc hội Sài Gòn Lý Quý Chung, Dương Văn Ba, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Hàm, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Hữu Chung, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Đôn, các linh mục Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, các vị chức sắc Phật giáo Thích Pháp Lan, Thích Hiển Pháp, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Hạnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Hồ Văn Minh, nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Văn Cước, các nhà báo Tô Nguyệt Đình, Huỳnh Bá Thành, kỹ sư Tô Văn Cang, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Nguyễn Hữu Thái…, đặc biệt là vai trò của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Sau chiến dịch ở Tây Nguyên tháng 3-1975, cuộc rút lui thảm hại của quân Sài Gòn ở Quân khu 1 và 2 theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu, báo hiệu nguy cơ sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Nhân viên phân tích CIA Frank Snepp mô tả: “Các tuyến phòng thủ của Sài Gòn đã nát vụn như vỏ củ hành”.
...Thời khắc lịch sử và vai trò của Chính phủ Dương Văn Minh
Trước các tác động nhiều chiều đan chéo nhau của các thế lực, xu hướng, tướng Dương Văn Minh đã có những suy nghĩ riêng và những hành động khá đặc biệt trong vài ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Dương Văn Minh đã gởi văn thư chính thức cho Đại sứ Mỹ, Văn thư số 003TT-VT ngày 28-4-1975, yêu cầu quân Mỹ “rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ kể từ 29-4-1975”(1).
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh thuật lại: Sáng ngày 30-4-1975 sau khi nghe báo cáo tình hình, “Minh Lớn” (biệt danh của tướng Dương Văn Minh) hỏi Hạnh: “Bây giờ “toa” (em) muốn gì?”. Hạnh nghĩ: Đầu hàng sớm là tốt nhứt; nhưng Hạnh không nói thẳng ra điều đó, mà trả lời: “Giải quyết chính trị như thế nào là quyền của Đại tướng, riêng về quân sự thì Đại tướng phải giải quyết gấp, tình hình quá nguy ngập không cho phép chúng ta chần chờ nữa!”(2).
Trước 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, tướng Pháp Vanuxem đến xin gặp riêng Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Diệp có mặt trong buổi tiếp thuật lại(3):
Tại bàn trao đổi có Dương Văn Minh - Tổng thống, Nguyễn Văn Huyền - Phó Tổng thống, Vũ Văn Mẫu - Bộ trưởng Ngoại giao (đúng ra là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) và tôi (Nguyễn Văn Diệp được giữ lại)… Vanuxem nói:
- Tình hình không hết hy vọng đâu. Tôi đã thu xếp xong ở Paris. Đề nghị ông nhờ một nước thứ ba bảo hộ cho [ám chỉ Trung Quốc]. Tôi có thu xếp liên lạc rồi… và liên lạc tại đây! [có thể hiểu là tòa đại sứ Pháp].
Dương Văn Minh nói:
- Tôi không còn ngày giờ nữa. Một ngày tôi cũng không có…
Tới đó kể như Dương Văn Minh đã dứt khoát hẳn lời gạ gẫm của Vanuxem. Vậy là Vanuxem đi.
Sau lúc ấy, chúng tôi còn ngồi lại giây lát… Trong cái không khí im lặng ấy, tự nhiên ông Minh thốt lên: “Chúng ta đã bán nước cho Mỹ rồi. Bây giờ họ lại bắt chúng ta bán nước cho một nước thứ ba nữa!”.
Dân biểu Lý Quý Chung thuật lại trong tập Hồi ký không tên(4): Trong cuộc họp với các thành viên nội các vào buổi sáng 30-4-1975 tại Phủ Thủ tướng, số 7 đại lộ Thống Nhất (nay là đại lộ Lê Duẩn), sau khi trình bày tình hình nói chung không còn gì để cứu gỡ, tướng Dương Văn Minh kết luận: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa như đã xảy ra tại Đà Nẵng (cướp bóc, hỗn loạn) tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bản Tuyên bố đã soạn sẵn”. Ông đọc bản Tuyên bố. Phòng họp im lặng, không có ai phản đối… Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị cần có thêm bản Nhật lệnh của Tổng tham mưu trưởng. Đề nghị của tướng Hạnh được tướng Dương Văn Minh chấp thuận. Bản Tuyên bố của tướng Dương Văn Minh và Nhật lệnh của tướng Nguyễn Hữu Hạnh được Đài Phát thanh Sài Gòn phát lúc 9 giờ 30 phút.
Bản Tuyên bố của Dương Văn Minh lúc 9 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975, toàn văn như sau: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Chúng tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Dương Văn Minh nói với mọi người: “Bắt đầu từ giờ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình”.
…Khoảng 10 giờ ông Dương Văn Minh và các thành viên Chính phủ đều đến Dinh Độc Lập.
Bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến(5) tập II đã thuật lại cuộc đối đáp giữa tướng Dương Văn Minh và viên sĩ quan chỉ huy đội “Lôi hổ” (đội bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất): “Sau khi Tuyên bố được phát đi lúc 9 giờ 30, Dương Văn Minh có tiếp viên sĩ quân chỉ huy đội “Lôi hổ” tại Dinh Độc Lập, viên sĩ quan “Lôi hổ” hỏi: “Anh em chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Tại sao đại tướng lại đầu hàng? Tại sao?”. Dương Văn Minh trầm ngâm nhìn viên sĩ quan rồi nói: “Qua (tôi) cũng như em là quân nhân, đầu hàng thật là nhục nhã. Nhưng mà em nên nghĩ, nếu tiếp tục đánh nhau thì số phận anh em binh sĩ sẽ ra sao? Và đánh nhau rồi thì dân chúng sẽ chịu sao nổi?!”. Sau khi nghe Dương Văn Minh nói, viên sĩ quan “Lôi hổ” trở gót đi xuống, dáng thiểu não”.
Thời gian 48 tiếng kể từ khi nhận chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, các việc làm của tướng Dương Văn Minh thật dồn dập: vừa phải dè chừng số cực hữu do Nguyễn Cao Kỳ, Trần Hữu Thanh đứng đầu, đang lập ra “Ủy ban cứu nguy” chuẩn bị đảo chánh, vừa phải dồn sức vô hiệu hóa các lực lượng vũ trang, cảnh sát của chính quyền Sài Gòn lúc đó còn hơn 400.000 tên chốt ở các vị trí rải rác trong thành phố, thả tù chính trị để tránh một cuộc thảm sát (việc này do luật sư Triệu Quốc Mạnh đảm nhiệm), vừa phải tranh thủ để liên lạc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tránh một cuộc pháo kích ồ ạt vào trung tâm thành phố khi quân Giải phóng mở cuộc tổng tiến công…
Thực tế diễn ra trên chiến trường, kể từ sau tuyên bố của Dương Văn Minh lúc 9 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975, trừ vài cụm chống cự lẻ tẻ còn đại thể là quân Giải phóng hầu như không gặp sự kháng cự nào. Việc giải phóng thành phố gần như nguyên vẹn, không có cảnh hỗn loạn, tàn phá, cướp bóc…
Nhìn lại Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, chúng ta có thể thấy rõ:
- Ý đồ của Mỹ, Pháp muốn sử dụng Dương Văn Minh thực hiện giải pháp chính trị hòng ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng đã không thực hiện được. Dương Văn Minh đã không làm theo ý đồ của Mỹ, Pháp mà chọn con đường “bàn giao chính quyền “cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thời gian nhanh nhất, ít tốn xương máu nhất.
- Phe cực hữu với một số ít người ngoan cố liều mạng, không chiếm được quyền bính, không thực hiện được ý đồ giữ một phần đất Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long để trả giá với cách mạng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong bài nói nhân kỷ niệm 30 năm Giải phóng miền Nam, đã xác định: “…(Vai trò) của chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ cần được quan tâm, nghiên cứu, đánh giá công bằng. Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Dương Văn Minh trước hết là do ý định cân nhắc của chính ông, nhưng không thể không tính đến hoạt động tích cực của “Lực lượng thứ ba”, sát cánh cùng các tầng lớp đồng bào ngay trong lòng chế độ Sài Gòn lúc bấy giờ”(6).
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm kết thúc thắng lợi ngày 30-4-1975. Bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến đã ghi ở chương Kết luận phần “Kháng chiến chống Mỹ” đoạn văn sau đây:
- Đó là thắng lợi sau hàng chục năm chống Mỹ trong một cuộc đọ sức thần kỳ, nhờ có sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Đó là thành quả của bao công lao và hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào cả nước, một mức hy sinh lớn lao nhưng cần thiết để giành trọn vẹn lại đất nước Việt Nam và hòa bình lâu bền cho dân tộc.
- Đó là sự phối hợp hiệu quả của các loại lực lượng trong Mặt trận đại đoàn kết dân tộc.
- Đó là sự cộng hưởng của tất cả các nhân tố mà cái nền là tinh thần dân tộc tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam, mà chính sách đại đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã khơi dậy; đến giờ phút quyết định tinh thần ấy đã bùng phát và góp phần quan trọng vào chiến thắng chung.
- Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kết thúc của cuộc đấu trí ở đỉnh cao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn các nhân tố quân sự - chính trị - ngoại giao, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, trong đó nhân tố quân sự có ý nghĩa quyết định trực tiếp.
* * *
Riêng nhân vật Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn, khi còn ở “Lực lượng thứ ba” (thời gian ông chưa cầm quyền) ông đã kiên cường cùng nhóm thân hữu chống lại bọn quan liêu, quân phiệt, hiếu chiến tay sai Mỹ; khi đứng ra nhận chức vụ đứng đầu chế độ Sài Gòn vào những giờ hấp hối của chế độ - lúc đó ông trở thành Lực lượng thứ hai trên thực tế - thì tâm nguyện và ý chí của ông trước sau như một đã giúp ông có những ứng xử đúng mực, quyết đoán và chọn lựa chỗ đứng chính trị cuối cùng để cùng với nhóm thân hữu có thể làm một điều gì đó giúp vơi nỗi đau tang tóc của quân đội và nhân dân, trong một tình thế đầy rủi ro, hiểm nghèo, rất khó lường… Đó là một cử chỉ đầy dũng cảm xuất phát từ chiều sâu của tinh thần dân tộc trỗi dậy trong ông sau bao năm chịu đựng, thăng trầm với thân phận người đứng trong hàng ngũ địch. Một nhân cách đáng cho chúng ta kính trọng.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 40 năm, việc đánh giá vai trò và hiệu quả đóng góp của giới nhân sĩ, trí thức nói chung, của cá nhân ông Dương Văn Minh nói riêng một cách khách quan và công bằng như nó đã thật sự diễn ra trong lịch sử, vừa là trách nhiệm của người viết sử vừa là một góp sức cần thiết vào công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chung trong giai đoạn hiện nay.
Việc đánh giá đúng mức và công bằng các sự kiện và con người lịch sử không chỉ là việc thực hiện sự phân tích khách quan, khoa học, thuyết phục công luận bằng chính sự thật lịch sử, mà còn khẳng định tính đúng đắn của đường lối cách mạng tiến công địch từ nhiều phía, trong đó có cuộc đấu tranh trong lòng địch, dựa vào tính chất đặc thù của nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định. Cuộc đấu tranh càng có ý nghĩa vì nó nối tiếp một cách sáng tạo những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc về chủ nghĩa yêu nước, khí phách, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
_____
* Nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Tổng thư ký công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến.
(1) Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, tr.963.
(2) Sđd, tập II, tr.978.
(3) Tạp chí Doanh Nhân số 86, ngày 19-4-2005.
(4) Hồi ký không tên. Lý Quý Chung. NXB Trẻ, TP.HCM, 2004.
(5) Lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng chủ biên. NXB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật, Hà Nội, 2010.
(6) Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc - Giai đoạn 1954-1975. Nguyễn Trọng Xuất chủ biên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM xuất bản, 2013, tập I, tr.436-437.