Virginia Morris là Tiến sĩ ngành Cơ khí, hiện đang làm việc ở Luân Đôn, Thủ đô nước Anh. Virginia Morris – lúc còn là sinh viên – đã bắt đầu quan tâm đến nhân chủng học, đến lịch sử và đã đi thăm nhiều nước trên thế giới, nhưng sau này lại quan tâm đến châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nơi cô muốn tìm hiểu về cuộc chiến tranh chống Mỹ mà tất cả những gì cô biết đều từ Hollywood kể lại. Cô – vì lẽ đó – quyết định sang Việt Nam.
Khi tới Népal, cô gặp người em trai (lúc đó dạy âm nhạc tại Ấn Độ) nên đã rủ em cô cùng đi (bằng tiền của cô). Hậu quả là khi đến Thái Lan cô không còn đủ tiền để bay sang Việt Nam nữa. Vì vậy, cô phải qua Lào làm việc cho tổ chức UNDP.
Cô kể lại rằng: “Nếu tôi đến được Việt Nam như dự tính ban đầu, nghĩa là không sang Lào thì có lẽ tôi chẳng bao giờ bước chân đến Đường mòn Hồ Chí Minh, vì phần lớn con đường này xuyên qua Lào. Thực là trong cái rủi lại có cái may, chính nhờ hết tiền mà tôi khởi nghiệp viết lách của mình”.
Trong hai năm sống ở Lào cô đã đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh để thực hiện việc nghiên cứu cho cuốn sách nêu trên của mình. Chính ở đây, cô đã gặp Clive Hills, tuy tốt nghiệp Cử nhân về truyền thông ở Đại học Westminster nhưng lại rất say mê nhiếp ảnh. Anh đã từng phục vụ 6 năm trong binh chủng nhảy dù và đã làm phóng viên tự do tại chiến trường Afghanistan.
Khi quen Clive Hills, cô ngỏ ý muốn đi khám phá Đường mòn Hồ Chí Minh. Clive đã nói với cô: “Nếu cô đi một mình thì chắc chắn sẽ bỏ mạng trong rừng sâu”. Và anh đã bỏ cả công việc đang làm ở Hồng Công để cùng đi với cô và lo phần chụp ảnh. Rất may, Virginia và Clive lại gặp được một người bạn Lào tên là Thammavong Phiphatsely (gọi tắt là Vong) đã dẫn đường cho và đã xin cho giấy tờ cần thiết để đi. Ba người đã sống một năm trời trong rừng sâu để nghiên cứu Đường mòn Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Đức Trường
Virginia đã kể lại rằng:
“Thật là kinh hoàng. Có những đoạn, tôi gần như ở tư thế bò bằng hai tay và hai đầu gối vì đường rừng rất trơn và nếu trượt ngã thì có thể té vào những cành tre sắc nhọn. Trong rừng nhung nhúc đủ loại kiến lớn nhỏ. Khi cắn, chúng chỉ nhả ra khi bị phủi xuống và những chiếc càng của chúng cắm sâu vào da của tôi. Máu cũng rỉ ra từ những vết cắn cũ ở chân và dính bết vào đôi dép… Tôi mệt lả vì đói và nhất là vì khát. Lưỡi của tôi khô dính vào vòm miệng khiến tôi rất khó thở. Mắt của tôi cũng bị mờ đi. Người tôi đau ê ẩm… Lúc đó, tôi chỉ thèm có được một cục đá lạnh để làm dịu cái đầu đang bừng nóng. Tôi không có nước uống. Nguồn lương thực duy nhất của tôi có là phong sữa khô để mút và nó cũng làm cho nước bọt đặc lại”.
Cô Virginia đã phải trải qua những ngày gian khổ như thế để thu thập những tài liệu liên quan đến quá trình thiết kế, xây dựng, sử dụng con Đường mòn Hồ Chí Minh để viết nên quyển sách. Có thể nói, cô và Clive là 2 người phương Tây đầu tiên đi bộ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh vào thời bình, bao gồm cả đoạn 700 kilômét tại Lào.

Biên giới Việt - Lào trên đồi Mu Gia
Cô đã ghi nhận rằng: “Qua 16 năm, vào giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, Đường mòn Hồ Chí Minh đã xuyên từ Bắc chí Nam, qua hai nước Lào và Campuchia. Khoảng 4 triệu tấn bom đã được phi cơ Mỹ dội xuống khu vực này nhưng vẫn không cản trở được mọi hoạt động của các đoàn quân nhu tiếp tế cho lực lượng giải phóng từ miền Bắc xâm nhập vào. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, hơn một triệu tấn quân nhu đã được đưa vào Nam theo con đường mòn này. Ở giai đoạn cao điểm của cuộc chiến có khoảng 120.000 người làm việc dọc theo đường mòn. Trong cuộc chiến, có khoảng 20.000 người hy sinh, 30.000 người bị thương tật nặng, còn số người bị ảnh hưởng của chất độc da cam và bom mìn còn sót lại hiện vẫn chưa được thống kê chính xác”.
Chính vì đi khám phá như vậy nên cô đã biết rõ được các căn cứ quân sự, các đường hầm, các đường dây liên lạc và có được những bản đồ chi tiết. Cô đã phỏng vấn những dân làng sống dọc theo đường mòn. Với tất cả những điều mắt thấy tai nghe ấy, cô cho rằng: “Nó thực sự là một kinh nghiệm duy nhất đối với tôi”.

Cô Morris đang vượt qua Nam Ta Le
Và cô cho biết thêm tại sao cô đã đặt tên cho quyển sách là CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN TỰ DO: “Tôi đã đặt cái tên ấy vì đó là con đường đi đến tự do của những người đã xây dựng nên nó. Nó cũng khiến cho chúng ta suy nghĩ về cái giá phải trả của sự tự do, cho dù bạn là ai đi nữa, với hình ảnh những hàng mộ dài in trên bìa sách đã nói lên tinh thần hy sinh cao độ đáng kính ấy”.
Sau khi đã khám phá con Đường mòn Hồ Chí Minh rồi, cô Virginia Morris muốn qua Việt Nam để được gặp các vị tướng lãnh đã chỉ huy trên chiến trường ấy. Cô đã liên lạc với chúng tôi qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Ngọc Tri, khi ấy làm Trưởng phòng Thư tịch Việt Nam tại Thư viện nước Anh ở Luân Đôn. Chúng tôi đã nhờ GS.TS Mai Quốc Liên – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, đứng ra tổ chức cho cuộc hội kiến với thiếu tướng Nguyễn An và thiếu tướng Phạm Khắc Hy, là hai vị nguyên Phó tư lệnh ở Trường Sơn.
Sáng ngày 8/8/2003, hai vị Thiếu tướng đã tiếp Tiến sĩ Virginia Morris tại khách sạn Majestic do sự giới thiệu trực tiếp của chúng tôi. Cô đã trình bày hành trình khám phá Đường mòn Hồ Chí Minh và muốn được phỏng vấn hai Thiếu tướng về chiến dịch Trường Sơn để có thêm tài liệu cho quyển sách sẽ viết.
Hai vị Thiếu tướng sau khi nghe cô Virginia kể lại những vất vả ở dọc đường đã gắn tặng cho cô Huy hiệu chiến sĩ Trường Sơn.
Cô Virginia lại muốn ra Hà Nội để được gặp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi đã phải đích thân ra ngoài đó để nhờ Trung tướng Phạm Hồng Cư giúp cô có được hai cuộc hội kiến ấy mà chúng tôi đều có tới tham dự.
Ngày 3/9/2003, Tiến sĩ Virginia đã được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh chiến dịch Trường Sơn, tiếp tại Bảo tàng Đường mòn Hồ Chí Minh. Cô đã trình bày tất cả những điều đã quan sát được trong chuyến đi khám phá con đường mòn. Cô cũng xin được phỏng vấn Trung tướng để biết thêm cho chính xác một số tư liệu về chiến dịch Trường Sơn. Trung tướng cũng lấy làm ngạc nhiên về sự khám phá của cô Virginia, đã hết lời ngợi khen cô và đã trao tặng cho cô và Clive mỗi người một Huy chương Chiến dịch của Binh chủng Trường Sơn…

Cô Morris và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội
Ngày 5/9/2003, cô Virginia đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại tư thất. Cô cũng đã trình bày tất cả những sự vất vả của cô khi đi khám phá con Đường mòn Hồ Chí Minh mà nguy hiểm nhất là bom mìn còn sót lại, thú dữ trong rừng, tà phép của người dân bản địa và bệnh sốt rét. Chính cô cũng đã mắc phải bệnh này. Cô đã kể lại với Đại tướng rằng:
“Tôi nhớ như in từng bước chân đầy gian khổ của mình suốt dọc đường mòn… Tôi tưởng không cách gì có thể chiến đấu trong những điều kiện cực khổ như vậy”.
Đại tướng đã vui vẻ khích lệ cô: “Tôi nghĩ rằng nếu sinh ra là một phụ nữ Việt Nam vào thời điểm đó, chắc chắn cô cũng đã tham gia chiến dịch Trường Sơn”.
Theo dự trù, Đại tướng chỉ tiếp Tiến sĩ Virginia Morris trong thời gian nửa giờ nhưng rồi hấp dẫn qua nhiều vấn đề Đại tướng đã nói chuyện tới một giờ rưỡi.
Cô Virginia rất phấn khởi sau những buổi được tiếp kiến ấy – mà cô cho là ngoài sự mong đợi của cô – và khi về nước, cô đã cố gắng hoàn thành quyển sách để kịp in xong vào đầu năm 2006.
Sách đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét:
“Tác giả đã tường thuật một cách trung thực và hấp dẫn những thành tích đặc biệt về mặt kỹ thuật và chiến thuật của chiến dịch Trường Sơn mà Đường mòn Hồ Chí Minh có thể được xem là yếu tố quyết định việc đánh bại quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam”.