Lịch sử phát triển của Thăng Long – Hà Nội

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chánh Thủ đô Hà Nội. Xin cho biết lược qua “lịch sử phát triển của Thăng Long – Hà Nội” kể từ khi vua Lý Thái Tổ lấy Đại La làm kinh đô cho đến nay khi Nhà nước sắp tổ chức kỷ niệm “Một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội”.

(Nguyễn Văn Học – Thành nội Huế).

Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời: Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phương án mở rộng địa giới hành chánh Thủ đô Hà Nội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2008.

Vấn đề ông đặt ra quá rộng lớn, chúng tôi chỉ xin trả lời tóm tắt như sau:

Theo sách sử thì vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Vị trí của thành ấy ở về phía đông, sát với sông Hồng, chu vi chỉ có 6 kilômét. Vì nhìn thấy có con rồng hiện ra, coi là điềm lành, nên nhà vua mới đổi tên thành Đại La là thành Thăng Long.

Kinh thành Thăng Long lúc đầu gồm Hoàng thành cùng khu dân cư ở về phía đông giáp với sông Hồng sau qua các triều đại mới mở rộng sang phía tây là khu nông nghiệp để trở thành khu trung tâm của thành Thăng Long. Hoàng thành có chu vi 4.700 mét trong có đắp những ụ cao là Nùng Sơn, Tam Sơn và Khán Sơn. Đến đời nhà Trần, từ năm 1225 đến năm 1400, triều đình cũng đóng đô ở Thăng Long.

Từ năm 1407 đến năm 1411 thì kinh thành gọi là Đông Đô, đối với Tây Đô là kinh thành của nhà Hồ ở Thanh Hóa. Năm 1430, khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được quân Minh thì đổi tên là Đông Kinh. Đến năm 1495, đời vua Lê Thánh Tôn thì Đông Kinh là phủ lỵ hạt Phụng Thiên. Từ năm 1527 đến năm 1592, nhà Mạc lại đổi tên kinh thành là Đông Đô, đối với Tây Đô là triều đình của nhà Lê ở Thanh Hóa.

Sau đến thời Lê Trung hưng thì triều đình lại đóng đô ở Thăng Long, mãi đến năm 1789, thời Tây Sơn mới gọi là Bắc Thành. Đời Gia Long, nhà vua cho dời đô vào Thừa Thiên – Huế, cho xây lại thành cũ nhỏ hơn và vẫn gọi tên là Thăng Long. Năm 1805, khi phủ Phụng Thiên được đổi là phủ Hoài Đức thì Thăng được đặt là phủ lỵ của phủ ấy. Đời Minh Mạng, năm 1831 mới đổi tên gọi là tỉnh lỵ Hà Nội.

Đến ngày 01/10/1888 thì mới có chỉ dụ đổi Hà Nội là nhượng địa cho nước Pháp.

Qua bao nhiêu biến thiên, Hà Nội tự bấy giờ mới ổn định được tên gọi.

Thành phố nằm ở về hữu ngạn sông Hồng, diện tích đo được hơn 7 km2, xưa là địa phận 106 xã thuộc địa phận tỉnh.

Cho tới năm 1924, Hà Nội mới chỉ có 102.000 dân chia ra như sau: Người Việt Nam 92.000, người Pháp 6.000, người Trung Hoa 4.000, người Nhật Bản 70, người Ấn Độ 60…

Cho đến năm 1999, Hà Nội đã được mở rộng với diện tích bằng 921 km2 và gồm 7 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy) và 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm và Sóc Sơn). Dân số đã lên tới 2.672.122 người.