Lại bàn về bốn chữ Hán trên cổng Đền Hùng - Phú Thọ

Hồn Việt số tháng 6-2014 có bài Về bốn chữ “Cao sơn cảnh hàng” trên cổng Đền Hùng – Phú Thọ của Lê Xuân Vũ. Đây là một bài khảo cứu công phu về cách đọc 4 chữ trên, về nguồn gốc ý nghĩa của chữ qua nhiều triều đại, có in kèm toàn bộ nguyên bản chữ Hán bài thơ Xa hạt trong Kinh Thi kèm bài thơ dịch.

Ngay phần đầu, bài báo có nhắc tới sự chú ý của giới nghiên cứu năm 2007 và năm 2010 và cuối bài (tr.13) đã kết luận: bốn chữ trên gốc ở 8 chữ, nên đọc là “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hàng hành chỉ” rút gọn lại thành một danh ngôn “Cao sơn cảnh hàng”. Vì bốn chữ trên đã ghi sâu vào tâm trí hàng triệu người từng về yết đền Thủy tổ nên xin được bàn thêm vấn đề này.

Nguồn gốc và ý nghĩa

Trên cổng đền Thượng là bốn chữ Hán. Một trong bốn chữ ấy là chữ “hành” có thể đọc theo ba cách: hành, hàng, hạnh. Tác giả đã chọn cách thứ hai “Cao sơn cảnh hàng” với nghĩa “núi cao, đường lớn”, cách đọc này cũng là cách đọc của Tạ Quang Phát trong bản dịch Thi kinh tập truyện, tập II, Trung tâm học hiệu Bộ Giáo dục của chính quyền miền Nam năm 1959. Sau khi xác định cách đọc là “Cao sơn cảnh hàng” tác giả bài báo tìm cách “lý giải” 4 chữ trên qua các triết gia kế tiếp nhau ở Trung Quốc. Bắt đầu từ Tư Mã Thiên thời Đông Hán dựa vào 4 chữ để tán dương Khổng Tử là bậc “chí thánh” và cho “cảnh hành”, “cảnh hàng” là cuộc đời “chí thánh” của Khổng Tử. Sự tán dương 2 câu thơ tiếp tục đến các đời sau qua các triều đại Tống, Minh, Thanh, đến hiện tại và tác giả phê phán cách đọc “cảnh hành” và “cảnh hạnh” là không đúng (tr.10).

Về việc đánh giá cao hai câu thơ trên như hình tượng việc trau dồi đạo đức, bản dịch Thi kinh của Tạ Quang Phát (sách đã dẫn, t.1233) trích dẫn lời chú của Chu Hy ghi câu của Khổng Tử trong Lễ ký tập thuyết khen những người chuộng đường nhân nghĩa trong Kinh Thi “cứ hướng tới con đường mà đi, nửa đường kiệt sức mới chịu dừng”.

Bài thơ Xa hạt chủ yếu nói về cuộc hành trình đón cưới vợ đi qua hoang vu có núi cao phải ngửa mặt nhìn, noi theo con đường rộng lớn dành cho xe bốn ngựa. Núi cao, đường rộng đã trở thành những biểu tượng của việc tu dưỡng: núi cao coi như gương đạo đức cao đẹp cần ngưỡng mộ, đường tu tập ngời sáng cần tuân thủ kiên trì.
Đặt 4 chữ trên cổng đền Thượng có thể coi là rất thích đáng cho đền Thủy tổ, tỏ sự tôn kính biết ơn và quyết tâm noi theo gương sáng.

Triết “hàng” hay triết “hạnh”?

Trong các từ điển chữ Hán thông dụng các mục từ thường gồm 2 hay 3 chữ, khá hiếm những mục từ 4 chữ. Trong số những từ này có thể kể “Cao sơn cảnh hàng” bao gồm 4 chữ Hán viết theo chính thể “Cao sơn cảnh hành” nêu trên Hán ngữ đại từ điển của Tập đoàn xuất bản Thế kỷ Thượng Hải 2000 (có thể kể thêm Từ nguyên Bắc Kinh 2004) có từ mục ghi 4 chữ Hán “Cao sơn cảnh hành” chính thể “Cao sơn cảnh hành” tiếp theo ghi xuất xứ bài Xa hạt trong Kinh Thi Tiểu Nhã. Sau là lời giải thích: “núi cao” là hình ảnh ngưỡng mộ đạo đức được noi theo; “cảnh hạnh” là phẩm hạnh sáng ngời ngời được thực hiện.

Hiểu theo nghĩa trên, lời thơ “Cảnh hạnh hành chỉ” hợp với việc yết đền Thủy tổ, không nói tới đường đi (cảnh hàng), chỉ nhấn mạnh việc ngưỡng mộ đạo đức ghi vào tâm trí, được thể hiện trong cuộc sống thường ngày. Quá trình chuyển biến trong ý thức gắn liền với vận động của cơ thể trong hành vi leo núi yết đền, ngước mắt trông lên 4 chữ “Cao sơn cảnh hạnh”. Hiếm thấy một di tích kết hợp được nhuần nhuyễn hài hòa vị trí quy mô tác động của thưởng lãm thắng cảnh với ý thức dân tộc yêu cầu thâm thiết của sự hoàn thiện tâm hồn, mọi thứ thâu tóm vào trong ý nghĩa của 4 chữ trên cổng đền Thủy tổ dân tộc.

Kết hợp hai vế thành một khối “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hạnh hành chỉ” có thể dịch “Thực hiện sự tri ân ngưỡng mộ nền đạo đức cao vời của các vị thờ trên đền bằng cách trau dồi phẩm hạnh sáng ngời trong cuộc sống”.

Tháng 9-2014

TẢO TRANG