Liệu pháp âm nhạc cho phụ nữ có thai

Liệu pháp âm nhạc có ảnh hưởng tốt tới việc hình thành và phát triển trí tuệ và tài năng của đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhạc cổ điển có lợi cho sức khỏe, nâng cao chỉ số thông minh và làm cho tâm thần được sảng khoái hơn. Chính vì thế các bà mẹ tương lai cần nghe nhạc cổ điển. Nhưng có nhất thiết phải đi nghe trực tiếp tại các phòng hòa nhạc không? Mà có cần áp ống nghe vào bụng người mang thai không?

Sự ích lợi của âm nhạc

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, âm nhạc có ảnh hưởng tốt cho người mẹ tương lai. Âm nhạc giúp thư giãn, giải tỏa sự căng thẳng (stress), làm cho tâm thần thư thái, sảng khoái và thậm chí chữa được bệnh đau đầu và mất ngủ. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, các bà mẹ tương lai thường nghe nhạc và hát trong suốt thời gian mang thai.

Ở Ai Cập cổ đại và nước Áo đương đại, người ta đã dùng âm nhạc phục vụ quá trình thai nghén và sinh nở. Bắt đầu từ tháng có thai thứ ba âm nhạc rất ích lợi cho đứa bé, còn đứa bé trong bụng thường có phản ứng nhạy bén hơn đối với những giai điệu quen thuộc mà nó từng được nghe ngay từ trước khi chào đời.

pic

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, nghe đều đặn và thường xuyên nhạc của Mozart, hệ số thông minh của đứa bé trong bụng mẹ tăng lên rõ rệt, vì thế liệu pháp âm nhạc có khả năng tác động đến việc hình thành trí tuệ ngay trong thời kỳ đứa trẻ nằm trong bụng mẹ.

Nghe nhạc thế nào mới tốt?

Bất kỳ bác sĩ hay nhà tâm lý học nào cũng đều khuyên các bà mẹ tương lai nghe các tác phẩm của Mozart, Vivaldi và Tchaikovsky, nhưng chớ có ham nghe nhiều.

Trước hết, nếu bạn không thích nhạc cổ điển, thì không nên tự ép buộc mình nghe, sẽ không có lợi, mà chỉ nên nghe những bản nhạc mình yêu thích.

Hai là, không cần thiết phải nghe hòa nhạc “sống” (tức là không nhất thiết phải đến nhà hát để nghe hòa nhạc trực tiếp). Nghe những băng đĩa nhạc hay rất tốt; nhạc cổ điển có sự phối âm hiện đại không hề mất những tính ích lợi.

Ba là, cần kiểm tra độ to nhỏ của âm thanh và cũng không nên nghe nhạc bằng ống nghe.

Bốn là, hiện đang có những phương pháp hoàn chỉnh với cách nghe đặc biệt những băng (đĩa) nhạc mang tính chuyên đề trong những ngày, giờ nhất định.

Các tác giả những phương pháp như vậy thường đưa ra những kết quả khó tin: hình thành nên những đứa trẻ thiên tài có thể bắt đầu nói chuyện khi mới 1 tháng tuổi, chập chững đi khi 6 tháng tuổi và khi đầy năm sẽ có thể chơi được các loại nhạc cụ.

Tuy nhiên, khoa học không công nhận những kết quả này, vì chúng chưa được kiểm chứng dưới ánh sáng khoa học. Nếu người ta nói rằng tóc trở nên óng mượt hơn 70%, còn đứa bé thông minh hơn 23%, thì đó chẳng qua chỉ là “quảng cáo”. Chính vì thế các bà mẹ tương lai thường được tư vấn mua những bộ đĩa nhạc nào đó có kèm theo những tài liệu hướng dẫn cách sử dụng.

Nên nghe gì?

Để nghỉ ngơi hay trước khi đi ngủ, các bà mẹ tương lai có thể nghe những bản nhạc dân gian khác nhau được đệm theo bằng những dụng cụ khác như tiếng chuông, tiếng thìa, bát gõ vào nhau hay các nhạc cụ dân tộc bằng giây, ví dụ như đàn tranh, đàn tì bà của Việt Nam, đàn balalaika của Nga…

Những âm thanh thiên nhiên như tiếng mưa, tiếng sóng, tiếng lá xào xạc, tiếng chim hót… cũng rất tốt cho phụ nữ mang thai. Những bản tình ca, những tác phẩm nhạc không lời, hay bất kỳ loại nhạc nhẹ nào cũng đều thích hợp.

Nếu bạn là người lần đầu tiếp xúc với nhạc cổ điển, thì bạn hãy cùng với đứa bé trong bụng bắt đầu làm quen với những tác phẩm đơn giản của Tchaikovsky như Album trẻ thơ hay Bốn mùa trong năm, những khúc nhạc ngắn với giai điệu nhẹ nhàng của Musorsky, những tác phẩm của Schumann trích từ Album tuổi trẻNgười nông dân vui tính.

Các chuyên gia liệu pháp âm nhạc đã lập một danh mục tên các loại “thuốc” âm nhạc cho tất cả các trường hợp riêng biệt khác nhau của đời sống con người.

Dưới đây là danh mục tên các loại “thuốc” âm nhạc:

Để loại bỏ sự căng thẳng (stress) và lo sợ: nên nghe bản MadurcaKhúc dạo đầu của Chopin, Những điệu valse của Strauss, Những giai điệu của Rubinstein.

Để giảm bớt tâm trạng bực tức cáu giận: nên nghe Bản hòa tấu Ý của Bach; Sonate Ánh trăng, Bản giao hưởng cung la thứ của Beethoven.

Để tâm trạng luôn ở trạng thái bình yên và hài lòng: nên nghe Bản giao hưởng số 6 của Beethoven,  phần hai Khúc hát ru của Brahms, Ave Maria của Schubert, Nocturne cung son thứ của Chopin và Ánh trăng của Debussy.

Để huyết áp không tăng cao: nên nghe Bản concerto cung rê thứ cho đàn violon và Cantata 21 của Bach, bản Sonate cho pianoKhúc tứ tấu 5 của Burtoc, Messa la thứ  của Bruckner và  bản Nocturne rê thứ của Chopin.

Để giảm đau đầu do căng thẳng về tình cảm: nên nghe Don Juan của Mozart, Rhapsodie Hungary của Liszt, Fidelio của Beethoven, Tổ khúc Mascarad của Khachaturian.

Để nâng cao sức khỏe, làm cho cơ thể dễ chịu và phấn chấn:  nên nghe Bản giao hưởng số 6 của Tchaikovsky, chương 3 bản Ouverture Egmont của Beethoven, Khúc dạo 1 opus 29 của Chopin và Rhapsodie Hungary của Liszt.

Để dễ ngủ: nên nghe Điệu valse buồn của Sibelius, Giai điệu của Glyuk, Mơ màng của Schumann và những khúc nhạc ngắn của Tchaikovsky.

(Theo báo mạng của Nga)


Đào Hùng