Làm mới nhà, làm mới tổ ấm, làm mới bản thân…

Một điều dễ thấy trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt chúng ta là mọi thứ đều được làm mới. Từ làm mới nhà cửa như sửa sang, sơn quét lớp vôi mới cho đến mua sắm thêm tiện nghi, trang trí lại không gian sống cho đẹp hơn… theo tôi, quan trọng hơn cả là “quét dọn” tinh thần, hướng đến tâm hồn thanh sạch trong những ngày xuân để bắt đầu một năm mới an lành, hạnh phúc…

Tết đến, không chỉ là trẻ con mới nao nức quần áo mới để mặc trong mấy ngày Tết mà nhiều người lớn hoặc người già cũng muốn đón măm mới với bộ quần áo mới may, mái tóc mới cắt gội và cả với một tâm thế mới. Họ dám “quét dọn” tinh thần, vứt đi những thứ “rác rưởi” như thù hận, ghen ghét và biết từ bi - hỷ xả để có một tâm hồn nhẹ nhàng, thanh sạch hơn…

Cuộc sống sẽ nhàn chán đơn điệu biết bao nếu không có mùa xuân mà Tết như là một cái mốc của thời gian, để người ta dừng lại, ngoái nhìn lại chặn đường vừa qua, chiêm nghiệm cái được, cái mất, cái hay, cái dở để chào đón một giai đoạn mới với những hi vọng, đổi thay, làm mới, hướng về những điều tốt đẹp hơn…

Với phái nữ, xuân về Tết đến làm xôn xao thức dậy những ước mơ thầm kín về tình yêu, hạnh phúc, sự trẻ trung… Khát vọng yêu đương của họ vẫn ẩn nấp đâu đó trong trái tim, rộn rã gõ nhịp khi xuân về… Giống như nàng thiếu phụ trong một bài thơ cổ nổi tiếng.

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mịch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu

Phụ nữ luôn muốn đón Tết với một dung nhan mới. Điều này thấy rõ ở những nơi mua sắm quần áo, mỹ phẩm đặc biệt là các thẩm mỹ viện luôn “hốt bạc” vào dịp này.

Có chị quá bận rộn cho đến tối giao thừa mới kịp ra tiệm làm tóc và về nhà khi đồng hồ gõ những nhịp cuối cùng tiễn năm cũ…

Từ trong vô thức, người phụ nữ nào cũng hiểu rằng nếu mình cứ “một ngày như mọi ngày” thì chồng sẽ chán. Vì đàn ông là chúa mau chán, họ ưa cái lạ, với họ “một ký cái lạ bằng một tạ cái quen”. Cho nên người vợ phải có những “điểm nhấn”, nếu không được thường xuyên thì phải biết “lợi dụng” những thời khắc thật đặc biệt như lễ hội, ngày Tết, làm cho mình nổi bật để chồng cũng phải… quay đầu nhìn lại.

Thế nhưng, không phải phụ nữ nào cũng có điều kiện làm mới mình, có người muốn làm mới nhan sắc nhưng không đủ tiền bạc hoặc thiếu thời gian. Có nhiều người vợ dồi dào tiền bạc nhưng chỉ biết làm mới hình thức để giúp chồng thấy thú vị nhưng nội dung thì cứ như cũ…

Đành rằng quần áo đàn bà làm ấm lòng đàn ông. Nhưng nếu sống cạnh một người đẹp có nhiều quần áo, mỹ phẩm, đeo nhiều trang sức mà tâm hồn đơn điệu, não trạng cũ kỹ, lối sống an phận, quan hệ tẻ nhạt thì quả thực là “chán hơn cơm nếp nát” với nhiều ông chồng.

Cho nên phụ nữ không chỉ thỉnh thoảng nên đổi mới kiểu tóc, cách trang phục, trang điểm, làm trẻ bằng những loại thực phẩm, dược phẩm cao cấp mà chính là làm mới từ bên trong, đó là kiến thức, suy nghĩ hay nghề nghiệp, lối sống hoặc “làm mới” mình bằng tài năng…

Bà D. từng là hoa khôi, dù không ngôi vị hay vương miện nhưng nhiều văn nghệ sĩ, những người sành điệu về cái đẹp rất mê bà. Bà đã chọn người đàn ông yêu mình say đắm, nồng nhiệt nhất, kiên trì nhất để làm chồng.

Ông là họa sĩ và hơn bà cả chục tuổi. Từ ngày lấy chồng, bà ở nhà lo nội trợ, tuy được sống rất sung túc, nhàn hạ nhưng bà vẫn khốn khổ vì ghen.

Nhiều năm sau, con cái khá lớn nhưng tính ông vẫn vậy, không cô này thì cũng cô kia. Bà mệt mỏi và gần như bất lực khi thấy không quyến rũ nổi chồng, dù chuyện chăm sóc sắc đẹp thì bà không bao giờ xao lãng.

Lúc ấy con gái lớn của họ lấy chồng và qua Mỹ định cư. Vài năm sau bà đi du lịch và thăm con gái. Cuộc sống bên Mỹ thảnh thơi, không vướng bận hờn ghen, tự dưng bà thấy muốn vẽ.

Thế là xách giá, cọ ra ngoài trời vẽ vì khu nhà của con rể bà có phong cảnh khá đẹp. Bà vẽ một cách tự nhiên, bản năng, thích gì vẽ nấy, một phần vì đã quen nhìn chồng vẽ nên việc cầm cọ, pha màu với bà chẳng mấy khó nhọc. Nhiều người địa phương tình cờ nhìn ngắm bà vẽ và hỏi mua tranh…

Nhiều người mua, rồi được báo chí, truyền hình địa phương đưa tin. Ông chồng bên này biết được vợ tự dưng… nổi tiếng hơn mình. Qua những hình ảnh của vợ gởi về qua thư điện tử, ông thấy càng vẽ bà càng… đẹp như xưa dù ở tuổi U50. Chưa kể vẻ đẹp của một trái cây chín muồi, nồng nàn mà những “trái xanh” không bì kịp. Ông lập tức triệu hồi vợ.

Về Việt Nam, bà bận rộn vẽ, vừa có thêm bạn bè, sáng đi cà phê, tối đi nghe nhạc và những buổi đi xem tranh, đi sáng tác.

Thế là ông chồng họa sĩ nổi cơn ghen và bắt đầu giữ vợ, thường kè kè theo vợ cho dù ông vẫn còn rất phong độ và có thể “đốn ngã” những cô nàng trẻ, đẹp hơn vợ. Vì cũng nhờ bận giữ vợ, ông không còn thời gian để lăng nhăng.

Thật ra, bà không có tình ý gì với người đàn ông nào khác ngoài chồng nhưng khi được phái nam ngưỡng mộ khiến bà rất thích thú, điều đó như một chất men làm cuộc sống bà vui tươi và thấy mình trẻ ra, hào hứng sống, hào hứng vẽ.

Có lần, vài người bạn thân nhắc lại chuyện xưa rằng bà từng khổ sở vì ghen còn bây giờ thì… gió đã xoay chiều, ông mới là người lo giữ vợ, hay ghen.

Họ hỏi bà có còn lo giữ chồng nữa hay không. Bà bảo “Người phụ nữ nào cũng luôn muốn giữ chồng (nhất là những ông chồng hào hoa, ham của lạ (mà ông nào chẳng thế!) để gia đình được êm ấm. Nhưng thật ra không có người vợ nào giữ nổi chồng nếu bản chất ông chồng là người bay bướm. Nếu muốn gia đình êm ấm, chỉ có cách là làm sao để ổng phải giữ vợ, đó là điều… chắc ăn nhất”.

THÚY ÁI