Lạm dụng quyền lực, chức vụ để ép buộc, ức hiếp người “thấp cổ bé miệng” tưởng chỉ là hiện tượng thường xảy ra ngoài xã hội, ở các cơ quan, xí nghiệp, ở những nơi được gọi là “tập quyền”… Thế nhưng, trong thực tế, ở nhiều gia đình hiện tượng “lạm quyền” lại vô cùng phổ biến nhưng nhiều khi “thủ phạm” lẫn “nạn nhân” không hề nhận ra, dù họ phải chịu đựng, đau khổ trong nhiều năm liền và chất lượng sống của họ bị giảm sút rõ rệt…
Quyền của quý ông
Nếu so sánh với những quý ông xứ sở theo Hồi giáo cực đoan, thì các đức ông chồng ở xứ ta còn kém xa họ về “quyền lực” nhưng không hiếm những người đàn ông định cư ở những nước phát triển như Pháp, Mỹ, Đức… mỗi khi về thăm quê hương thường thèm muốn cái “quyền làm chồng” của quý ông… nội địa. Anh Khoa, là một chuyên gia ngân hàng sống ở Đức đã lâu và lấy vợ Đức, vừa rồi về quê, đến thăm một người bạn học cũ nay là một nhà giáo. Rõ ràng về nhiều phương diện anh Khoa hơn hẳn bạn, nhất là thu nhập của anh cao ngất ngưởng so với lương của một nhà giáo Việt Nam.

Thế nhưng chỉ cần ngồi chơi với bạn một lát trong phòng khách và sau đó là màn ăn uống, anh nhận ra bạn mình quả là người quan trọng trong gia đình…Vì trong khi hai người đàn ông say sưa đàm đạo, thì vợ chủ nhà, cũng là một cô giáo và con gái, là một cô sinh viên ngành báo chí năm thứ ba, cũng… say sưa phục vụ. Người chồng cần gì là vợ đáp ứng ngay, chị lăng xăng chạy lên chạy xuống chẳng bao giờ được ngồi yên và xem sự tận tụy ấy là tự nguyện, là niềm vui. Thấy anh bạn Việt kiều áy náy, chủ nhà liền trấn an “Không sao đâu, cô ấy quen rồi”. Anh Khoa vỗ vai bạn, “Anh sung sướng thật, tôi có lúc là sếp nhưng về nhà vẫn phải hầu vợ, chưa bao giờ được như thế này!”. Anh còn nói đùa “Chắc tôi phải về Việt Nam, lấy vợ lại…”
Chuyện chồng ngồi chơi, đọc báo còn vợ “ôm” hết việc nhà hình như là quyền đương nhiên của rất nhiều ông mà nhiều bà vợ chẳng dám hé răng.
Nhưng Thanh Thủy, một phụ nữ trẻ mới về nhà chồng đã bị sốc vì chồng cô tự cho có quá nhiều quyền. Ngoài việc đi làm, thì mỗi khi về thăm cha mẹ, thăm anh em, bạn bè, chị đều phải… xin phép chồng, nếu anh ta “duyệt” thì mới được đi, nếu không sẽ có chuyện ngay. Về trang phục của chị cũng vậy, nếu mặc một cái áo, cái váy nào chồng không cho phép cũng không được mặc. Một hôm, Thanh Thủy thử lên tiếng “Anh không thích nhưng em thích, em cứ mặc!”. Chồng cô tuyên bố “Anh sẽ xé”. Có một điều khiến Thanh Thủy được an ủi và chấp nhận “sống chung với lũ” vì cô biết chồng rất yêu và cưng mình ở những chuyện khác, vì cô xinh và trẻ hơn chồng đến 12 tuổi.
Thế nhưng có những ông chồng không còn yêu vợ nhưng vẫn thích “cai trị” vợ bằng quyền lực của một lãnh chúa. Thậm chí là bạo chúa. Chẳng hạn bản thân nhiều ông chồng cho mình có quyền ăn nhậu, đi chơi, đèo bòng… Và còn “leo thang” quyền lực bằng cách bạo hành vợ dưới nhiều hình thức, về thể chất lẫn tinh thần… Như chê bai, mắng mỏ, có quyền đánh đập, thậm chí giết vợ như từng xảy ra trong những vụ án đau lòng.
Quyền của quý bà
Với phái nữ, chuyện lạm quyền kín đáo hơn nhưng không kém phần “bạo liệt”. Họ “cai trị” chồng bằng bàn tay sắt có bọc nhung. Có nhiều cô vợ lấy quyền “tay hòm chìa khóa” để “tịch thu” hết tiền bạc của chồng và có khi còn “thòng” thêm một câu “Đàn ông giữ tiền nhiều chỉ tổ cho gái”. Chụp “cái mũ” ấy thì ông nào chả sợ, nhất là với ông còn có thiện chí giữ gìn tổ ấm. Không hiếm ông dở khóc dở cười khi gặp bạn bè, vì tuy vị trí xã hội, bằng cấp ngon lành, nhà cửa, xe cộ quần áo bảnh bao nhưng lắm lúc họ thực là những… tỉ phú không tiền. Chịu.
Cũng có nhiều cô vợ hùng hổ công khai cấm tất: cấm nhậu nhẹt, cấm đàn đúm bạn bè, nhất là có bạn là phụ nữ. Có một giảng viên đại học nọ, bị cô vợ đập bể điện thoại di động chỉ vì thỉnh thoảng có vài cô sinh viên dám gọi hay nhắn tin cho anh. Có ông nhà văn tự bạch rằng hơn 30 năm nay vợ ông không cho ông ra đường vào buổi tối (cứ như là ban ngày thì không thể xảy ra tội lỗi!). Chị Hòa là hiệu trưởng một trường tiểu học nhưng nhiều năm nay chị không cho chồng về quê thăm mẹ một mình vì gần nhà mẹ ruột của anh có cô người yêu cũ thời trung học còn sống ở đấy. Mà chị thì mấy khi rảnh để về thăm mẹ cùng chồng!
Điều gì tạo nên “quyền lực” thực sự?
Trong thâm tâm, mỗi người đều thấy mình quan trọng hơn, hạnh phúc hơn khi có một chút quyền lực nào đó với người bạn đời, để chứng tỏ đó là “một nửa” đúng nghĩa của mình. Sự lạm quyền nếu có là vì sức khỏe, ích lợi của người kia. Chẳng hạn, vợ cấm chồng uống rượu, hút thuốc là vì bác sĩ dặn cấm. Chồng không cho vợ đi một mình trong trường hợp sẽ nguy hiểm cho vợ…
Còn những cách thể hiện quyền lực khác, chỉ vì bản thân mình, sự ích kỷ, háo thắng, nhất là để thỏa mãn quyền can thiệp thô bạo, đề cao mình… là điều không thể chấp nhận. Bởi dù bước vào cuộc sống hôn nhân, mỗi con người vẫn được hưởng đầy đủ quyền tự do của một con người. Họ được quyền có nghề nghiệp riêng, thú vui riêng, bạn bè riêng… miễn là không đi ngược lại với quyền lợi gia đình. Vì nếu cấm đoán, can thiệp thô bạo, lạm quyền chỉ càng phản tác dụng.
Còn quyền lực cao cấp, sâu xa trong hôn nhân thường thuộc về người nào sống có trách nhiệm hơn, mẫu mực hơn và biết thương yêu, “cho” đi nhiều hơn.