Suốt 21 năm, dưới chế độ cũ, không hề nghe trong ngôn ngữ trao đổi thường ngày hoặc đọc thấy trên sách báo những tiếng như là tuổi teen, M.C, cũng chẳng chào tạm biệt nhau bằng tiếng “bái bai”. Thay vì M.C, người ta dùng tiếng Việt là dẫn chương trình, thay vì tuổi teen, người ta nói tuổi ô mai, tuổi ngọc, tuổi hoa, tuổi hồng… Có sự rạch ròi ở trong ngôn ngữ hẳn vì, thời ấy, nhiều người thông thạo tiếng Anh, nên không cần sự pha trộn như nhiều kẻ dốt muốn khoe ta đây cũng biết ngoại ngữ như ai!
Ngôn ngữ thể hiện bản sắc dân tộc và người sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình không chỉ thể hiện tự trọng đối với chính mình mà còn đối với dân tộc mình nữa.

Chúng ta chỉ nên dùng tiếng nước ngoài khi trong tiếng Việt chưa có tiếng thay thế nó, và ngoài những người “dốt hay nói chữ” thì sự pha trộn như thế còn được xuất phát từ một di chứng nô lệ, bởi với những con người này thì xài đồ ngoại mới là loại xịn, loại sang!
Ngày nay, các cuộc chiến tranh xâm lược đang được thay thế bằng sự xâm lăng văn hóa, bởi nó ít tốn kém hơn mà lâu bền hơn. Điều này đã được Bách khoa toàn thư thế giới ấn hành vào năm 1993 xác định, qua câu nói của Azias: “Cuộc chiến tranh diệt chủng ngày nay không bằng phương tiện bom đạn mà bằng phương tiện văn hóa, trong đó ngôn ngữ có một vai trò chủ yếu”.