Làng thuốc nam cùng tuổi với Hà Thành

TRƯƠNG HUYỀN

Có một tên làng mà không ít những Việt kiều xa xứ mỗi khi trở lại Hà Nội đều nhắc đến với niềm trìu mến, thân thương: làng thuốc nam Đại Yên (phường Ngọc Hà – Ba Đình). Sống trong xã hội hiện đại dù đầy đủ các phương tiện khám chữa bệnh Đông – Tây y phải chăng người dân Đại Yên nói riêng, người dân Hà Nội nói chung vẫn không quên thói quen dùng lá thuốc nam trong sinh hoạt và chữa bệnh…? Từ ngôi làng nhỏ bé này, dược liệu được đưa đi khắp các chợ Hà thành…

Con ngõ nhỏ dẫn vào Đại Yên cũng không khác hàng ngàn con ngõ ở khắp Hà Nội, chỉ có điều ngay từ những bước chân đầu tiên ta đã cảm nhận được mùi hương nhu ngào ngạt đưa theo gió. Gọi là làng mà cửa nhà san sát, chẳng tìm đâu ra một vườn thuốc nam đủ loại thảo mộc xanh tươi như ngày trước.


Tía tô

Bà cụ có mái tóc bạc trắng, ngồi bán thuốc ở cổng làng, miệng bỏm bẻm nhai trầu cười hiền từ: Làm gì còn đất vườn mà trồng thuốc hả con!? Bây giờ thuốc được thu hái từ Canh, Diễn. Ở đó có nhà đã bỏ hẳn nghề trồng lúa để trồng cây thuốc nam như lá sả, hương nhu, tía tô, sài đất… bán cho dân làng Đại Yên làm thuốc. Dược liệu khô thì nhập từ nhiều vùng khác nhau như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên… Mọi loại thảo mộc đều phải qua tay người làng này thì mới thực sự có giá trị…


Hương Nhu

Gần 1000 năm nay dân làng đã sống bằng nghề làm và bán thuốc nam. Có những gia đình gần chục đời cha truyền con nối nghề này. Trong thần tích của Đại Yên còn ghi lại: Bà Ngọc Hoa công chúa chính là tổ nghề, người đem thuốc nam phổ biến cho dân làng. Để tưởng nhớ công lao ấy người dân đã tôn bà là thành hoàng làng đời đời bảo trợ cho nghề và hàng năm cứ đúng dịp 13 đến 15 tháng Ba âm lịch, hội làng được tổ chức linh đình, con cháu dù ở xa cũng cố tề tựu đông đủ.


Sả

Người xưa vẫn bảo nghề làm và bán thuốc nam chỉ hợp với đàn bà con gái bởi nó mát mẻ, nhẹ nhàng, có lẽ chính vì thế mà hiện nay người làm nghề ở làng đa phần là phụ nữ. Trên khắp các chợ Hà Nội, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Đại Yên tần tảo bên gánh hàng gồm đủ các loại dược liệu, thuốc nam và cả một số gia vị thường dùng trong bữa ăn hàng ngày…

Một điều thú vị là người Đại Yên không chữa bệnh theo cách bắt mạch và kê đơn như thường thấy ở các nhà thuốc y học cổ truyền. Người ta lắng nghe khách hàng kể các triệu chứng, hỏi các biểu hiện của bệnh và dựa vào kinh nghiệm sẵn có để bốc thuốc. Kinh nghiệm bốc thuốc của người làng được ông bà cha mẹ truyền lại cho từ tấm bé. Các bậc cao niên kể lại rằng: Ngày trước một trong những trò chơi của trẻ làng là đố nhau các loại lá thuốc. Nhỏ tuổi thì thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng, rồi đố nhau gọi tên. Lên 8 – 9 tuổi đã biết đi cắt lá rồi sao thuốc để mẹ đem đi bán. Những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức những kinh nghiệm quý báu. Có những cụ bà dù nhắm mắt mà vẫn có thể nói được mình cầm loại lá gì, héo hay tươi và chữa được những bệnh gì…

Cụ bà Lê Thị Mớ năm nay tuổi đã hơn 80 nhưng da dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn đủ sáng, đôi tay vẫn đủ mạnh để ngày hai buổi dọn hàng ra chợ bán. Cụ bảo: Nhà tôi đã 6 đời bán thuốc nam ở chợ Kim Liên. Cái nghề ấy chỉ đủ sống mà chẳng thể giàu, nhưng được tiếng là làm phúc cho đời…

Theo chủ định từ trước chúng tôi đến tổ 44 phường Ngọc Hà tìm vợ chồng chị Thủy anh Dũng, những người đã trên dưới 30 năm gắn bó với nghề thuốc nam. Chị Thủy thường nhập cây lá thuốc từ những thợ buôn trong Canh, Diễn và bán lẻ tại nhà, anh thì chuyên bỏ hàng cho một số khách sạn, nhà hàng đặt trước làm nước tắm, xông hơi. Trừ các khoảng chi phí lặt vặt mỗi tháng anh chị cũng thu về 3,5 - 4 triệu đồng, chị Thủy tâm sự: Nghề bán thuốc nam gắn với tôi từ thủa 13, nhiều khi muốn tìm một nghề khác để làm nhưng rồi lại quay về với nó, Tuy thu nhập không cao nhưng cái tâm được thanh thản, chẳng phải suy nghĩ, tính toán phức tạp… Quả thực để kiếm được đồng tiền từ cây lá thuốc nam đâu có nhẹ nhàng. Người làng thường gọi nghề trồng cây thuốc vất vả như việc “bới đất kiếm ăn”. Ngày nắng cũng như ngày mưa cứ phải phơi lưng ngoài vườn cùng cây cỏ.


Ngải đắng

Trước đây ở Đại Yên, gia đình nào cũng có một vườn cây lá thuốc. Những thập niên 80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc Đông dược cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và hàng thuốc nam còn bày bán rộng khắp các chợ ở đồng bằng Bắc bộ. Ở Đại Yên bây giờ chỉ có người già còn lưu luyến với nghề này. Lớp trẻ vốn quen “ăn xổi ở thì” cứ sẵn xe ra ngoài Canh, Diễn mua nguyên liệu đem về làng chế biến rồi đem ra bỏ mối ở các chợ.

Quá trình đô thị hóa trong những năm gần đây đã “xúi” dân làng đua nhau bán đất cho người ngoài, những vườn cây lá thuốc xanh non dần bị thu hẹp và biến mất. Người ta chẳng còn mặn mà với cái nghề vất vả, cầu kỳ mà lại thu nhập thấy này bởi ngoài phố giờ có nhiều việc nhàn nhã mà thu nhập lại cao hơn. Cũng như bao nhiêu nghề thủ công truyền thống khác ở Hà Nội, nghề làm thuốc nam ở làng Đại Yên đang dần bị mai một, quên lãng.

Đã có không ít những người con đi xa, sau mấy chục năm trở về làng cũ đúng bần thần trước những khu công nghiệp cao tầng, án ngự trên mảnh đất từng là vườn cây lá thuốc xanh tốt thủa nào. Hàng ngàn năm qua, cha ông đã sống và trị bệnh bằng thuốc nam, bằng chính những cây cỏ hiền lành xung quanh mình, chẳng lẽ giờ đây khi Tây y phát triển, người đương đại quay lưng với thuốc nam…?

Đến đây người viết chợt nhớ đến lời phát biểu rất sâu sắc của một Nhà dân tộc học trong một hội nghị gần đây, xin trích lại để thay lời kết: Những người làm thuốc nam, họ là những nghệ nhân đang nắm giữ một vốn văn hóa phi vật thể quý giá mà hàng ngàn năm qua ông cha ta truyền lại. Sự mai một của vốn văn hóa ấy khó mà định lượng được nhất là khi người ta vô tình bỏ quên nó. Đã đến lúc nhà nước cần có một chính sách đãi ngộ và tôn vinh những người làm thuốc nam Đại Yên. Đừng để làng nghề truyền thống ấy biến mất giữa xã hội hiện đại.