Quê tôi ở vùng Kinh Bắc, nhưng gia đình đã nhập cư Hà Nội được ba đời. Làng gốc thuộc phủ Thuận Thành, từ hơn chục năm nay do buôn bán nên làm ăn khấm khám thay da đổi thịt. Không còn nhà đất mái tranh nữa, mà tuyền nhà gạch mái bằng, rất nhiều nhà hai ba bốn tầng kiểu lai căng. Thời kháng chiến lần thứ nhất, để trả thù du kích, quân Pháp đã đốt sạch đình chùa. Giờ tìm lại những vết tích xưa của làng truyền thống, hầu như không còn nữa. Những kỷ niệm thời thơ ấu không còn bóng dáng: không còn ngôi đình với giếng làng, tam quan chùa, cây đa, bụi tre… Nhiều ao bị lấp, lấy đất làm nhà.
Do chiến tranh, kinh tế thị trường, ảnh hưởng văn hóa phương Tây, các làng truyền thống hầu hết ít nhiều bị “ô nhiễm” về văn hóa.
Ngày 20/2/2000, nhân trở lại xã Đường Lâm (cách thị xã Sơn Tây 4 kilômet về phía Tây), dự lễ tuyên dương xã anh hùng, tôi mới có dịp xem ấp cổ này khá kỹ để đồng tình với ý kiến nhiều nhà quan sát: Đường Lâm có thể coi là mẫu làng truyền thống Việt Nam duy nhất còn lại khá hoàn hảo, ít bị “ô nhiễm” văn hóa nhất. Phải chăng do đó mà một nhà nghiên cứu Thái Lan, ông Thainatis, đã nhận định:
“Cần thiết phải cảnh báo với người dân nhận thức về di sản đó trước khi nó bị lãng quên và bị thời gian hủy diệt. Tôi nghĩ Đường Lâm vừa là thắng cảnh đẹp vừa được tạo nên bởi chính bàn tay của người Việt Nam - đó chính là văn hóa và văn minh của đất nước Việt Nam có một lịch sử lâu dài… Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long là do thiên nhiên tạo nên, không giống như làng Đường Lâm là do con người tạo dựng nên. Và điều này mới thực sự hấp dẫn…”.

Làng cổ Đường Lâm là tập hợp các làng Việt cổ truyền vùng trung du Bắc Bộ.
Riêng cảnh quan Đường Lâm vẫn giữ gìn được như xưa, nhìn chân trời không bị nhức nhối bởi những tầng gác lô nhô, thành thị hóa một cách lố lăng. Tôi ngạc nhiên là không hiểu sao nhân dân ở thị xã rất gần không về đây xây dựng kiểu ấy như ở nhiều làng quanh các thị trấn khác. Anh bạn họa sĩ Phan Kế An, con cụ Phan Kế Toại cũng người Đường Lâm, giải thích: “Trước kia, theo tục lệ trong làng, không ai được xây dựng nhà cao quá đình. Tuy lệ ấy đã nhạt đi, có vài ba nhà tầng cao được xây dựng nhưng không đáng kể. Cái chính ít xây là do dân nghèo, nông nghiệp là chính, buôn bán ít, nghề phụ chỉ có một số nghề truyền thống: giò chả, nuôi gà Mỹ, làm kẹo bột, chè lam, bánh bỏng, dệt vải, làm tương…”.
May quá, cái nghèo đã cứu vớt được di sản văn hóa. Cũng phải nói ngay là chữ “nghèo” đây là nghèo hàng hóa xa hoa ở nước ngoài nhập vào, nghèo về những tòa nhà bê tông lố lăng. Thực ra, so với thời trước, mức sống đã khá rõ rệt. Toàn xã đã ngói hóa một trăm phần trăm, 200 hộ có nhà xây kiên cố. 62% hộ có mức sống khá, 34% hộ giàu, chỉ còn 4% hộ nghèo. Toàn xã có 600 người có trình độ đại học, xã đã phổ cập trung học cơ sở.
Cảnh sắc mới nhìn qua cũng thấy ngay đúng là một làng cổ điển hình thuộc vùng trung du đất đá ong. Dạo quanh những đường, ngõ, hẻm lát gạch và rộng rãi, thật là cảm động thấy phong thái xưa vẫn còn giữ được. Những cổng nhà, những tường bao quanh làm bằng khối đá ong rất đẹp, giếng cổ rất sâu… Có một quần thể di tích liên hoàn ở các thôn với đủ hạng mục: đình, chùa, phủ, miếu, am, quán, lăng mộ, nhà thờ danh nhân, di chỉ cổ đại thời đồ đá mới. Di tích đáng kể có cổng cổ đầu làng Mông Phụ với cây đa lớn, đình Mông Phụ bằng gỗ lim lớn có thể xếp vào loại xưa nhất, nhà thờ họ Thám Hoa Giang Văn Minh, đền thờ bà Chúa Mía (cung phi của Chúa Trịnh), lăng và đền Ngô Quyền, đền Phùng Hưng… Tiếc thay, Cầu Quán và Văn Miếu (nơi trường Cao đẳng Mỹ thuật đã từng về tản cư thời Nhật đóng Đông Dương) đã bị phá hủy.

Đường Lâm xưa là đất hai vua - hai vị anh hùng dân tộc
là Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Bao trùm lên cảnh vật là “khí thiêng” của đất địa linh nhân kiệt với hai vua là hai vị anh hùng dân tộc cùng biết bao nhiêu hào kiệt.
Phùng Hưng (thế kỷ VIII) khởi nghĩa chống ách đô hộ Trung Quốc đời Đường. Ông nhà giàu, nhân đức, sức khỏe đánh ngã trâu diệt hổ. Ông giải phóng đất nước, trị vì 7 năm lâm bệnh mà mất, được tôn là Bố Cái (cha mẹ) Đại Vương.
Ngô Quyền (thế kỷ X) mở đường cho độc lập dân tộc sau hơn nghìn năm bị Trung Quốc đô hộ. Ông phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Nay còn rặng duối rất xưa, tục truyền là nơi buộc voi ngựa tập trận của Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Giang Văn Minh (thế kỷ 17) đời Lê đi sứ Trung Quốc, không chịu để nhà Minh làm nhục quốc thể. Bọn Minh ra câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng trụ đến nay rêu còn xanh - ý nhắc lại việc Mã Viện cắm cột đồng khẳng định đô hộ ta). Ông đối lại: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu (địch) vẫn đỏ) - ý nhắc lại những trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược phương Bắc). Người Minh nổi giận cho mổ bụng giết ông. Xác ông được đưa về nước, bia trên mộ còn ghi việc này.
Phó bảng Kiều Oánh Mậu (cuối thế kỷ 19) dạy ở Đông Kinh nghĩa thục, để lại một bản Kiều nôm chú giải có giá trị.
Thời hiện đại, qua hai cuộc kháng chiến, Đường Lâm đã được tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang.
Với tất cả những yếu tố vật chất và tinh thần sơ bộ kể trên, Đường Lâm thật là một di sản văn hoá quý báu, cần mau mau thực hiện kế hoạch tổng hợp bảo vệ, có sự cộng tác của Nhà nước, đoàn thể và nhân dân. Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá là nếu nhân dân không giác ngộ và có ý thức tham gia thì công việc chỉ là nửa vời.