Anh bạn tôi về quê lên, kể chuyện làng tôi vừa xây lại ngôi đình. Anh vui rồi lại thoáng buồn vì một chuyện nói ra cũng khó mà để bụng thì tấm tức khôn nguôi. Chuyện là: Làng anh – một làng cổ ven sông Đáy, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa dân gian, có những di sản phi vật thể khá nổi tiếng trong nước. Làng có truyền thống văn hiến và bề dày truyền thống cách mạng trong các thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước quê hương. Con cháu dân làng học hành tấn tới, nhiều người đi thoát ly làm cán bộ cao cấp, nhiều người có học hàm, học vị cao, có kha khá nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa. Thế mà ngôi đình làng sắp sửa khánh thành lại phạm một lỗi khó nói là: tên làng bằng chữ Hán bị viết ngược lại, sai nghĩa! Anh bảo chỉ tại các cụ làng anh sính dùng chữ Hán. Khốn nỗi, chữ thì đã đắp nổi trên nóc đình, đục đi cũng khó mà để thì nhiều tiếng xì xèo, chê trách, lắm chuyện nhiêu khê.
Tôi thông cảm và an ủi anh: Chuyện giống như chuyện làng anh bây giờ chả thiếu. Trong xu hướng hội nhập và đổi mới hiện nay, nhất là đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, gương mặt làng quê rạng rỡ từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của dân làng không ngừng được cải thiện. Ở nhiều làng quê nổi lên một trào lưu phục dựng, đắp mới đình, đền, miếu, phủ, nhà thờ gia đình, dòng họ… mà những việc này ắt phải liên quan đến chuyện chữ nghĩa. Nào là tên biển hiệu công trình (đình, đền, miếu, phủ, nhà thờ, cổng làng…), nào là hoành phi, câu đối, đại tự trang trí nội thất, ngoại thất, rồi cả bia mộ lăng tẩm… Và vì việc sử dụng chữ Hán cổ mà đẻ ra những hệ lụy khôn lường: tên công trình, tên làng, tên họ, tên người viết sai, viết lỗi; hoành phi, câu đối thì sáo mòn, có nhiều chỗ trang trí chẳng hợp cảnh, hợp tình mà cứ lóng lánh, đỏ vàng loạn xạ. Tôi đến dự nhiều đám cưới ở quê thấy họ treo chữ “song hỉ” ngược. Vào một vài gia đình treo chữ “Phúc” sơn son thiếp vàng lộn ngược, lại được gia chủ giải thích là “Phúc đảo” (hơi giống cách đọc chữ Phúc đáo - phúc đến). Rồi quần áo, đồ chơi con trẻ, đồ dùng gia đình gặp nhan nhản những chữ ngang, sổ linh tinh hình thù rối rắm… Ngay như Tết Quý Tỵ vừa rồi có nhiều làng, dân góp tiền mua đèn lồng Trung Quốc về trang trí khắp nơi, nào biết trên đèn lồng họ in chữ “Tam Sa”!
Biết rằng ở làng bây giờ số người đọc, viết, hiểu chữ Hán chẳng còn bao nhiêu mà những đồ bán sẵn thì ở đâu cũng có, có thứ nhập từ Trung Quốc, có thứ sản xuất tại làng nghề làm đồ thờ theo chữ nghĩa mấy ông đồ quá cố để lại. Thôi thì cứ vui mắt là được, chẳng cần biết nghĩa lý ra sao!
Tuy nói thế để an ủi bạn tôi, nhưng tôi vẫn băn khoăn suy nghĩ nhiều: Chữ quốc ngữ có từ giữa thế kỷ XVII, vào đầu thế kỷ XX được chính thức coi là chữ viết của người Việt (dùng mẫu tự Latinh với hệ thống 29 chữ cái). Nó có đủ khả năng diễn đạt cuộc sống của người Việt trên mọi lĩnh vực khoa học công nghệ và đời sống, kể cả văn học, nghệ thuật, lịch sử. Chữ Việt cũng có thể thể hiện dưới các hình thức nghệ thuật trang trí (cách điệu, thư pháp, thư họa…). Thế mà đến bây giờ vẫn xảy ra những chuyện buồn về việc sử dụng ngôn ngữ như nói ở trên.
Phải chăng nhà nước ta chưa chú ý đến vấn đề tiếng nói, chữ viết trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay? Trộm nghĩ, có nên chăng bổ sung vào điều 13 chương I, hoặc điều 45 chương II (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) một mục về tiếng nói, chữ viết chính thống của nước ta?
Phải chăng các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc sử dụng chữ Hán trong đời sống kinh tế xã hội? Các nhà nghiên cứu Hán - Nôm nói riêng và các nhà hoạt động khoa học xã hội nhân văn nói chung nên tăng cường đến các làng quê để giúp người dân sửa chữa những sai lệch về việc dùng chữ Hán và bớt đi những chuyện buồn cười, đáng chê trách.
Chuyện chữ nghĩa là chuyện rất nghiêm túc, đâu phải là phiếm đàm, chuyện nhỏ rải rác ở các làng quê Việt. Nhưng rồi sự việc sẽ ra sao khi con cháu chúng ta được tiếp quản những “thành quả” mà chúng ta bây giờ vẫn phải tù mù đoán định những ký tự Hán sai về ngữ pháp và cách viết?!
Lúc chia tay, cả hai chúng tôi cùng buông một lời than “Làng Việt ơi! Chữ Việt đi đâu?”.