Để chào mừng Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, người ta ước tính có đến 5 phim về Lý Công Uẩn, vừa là phim nhựa, phim truyền hình, vừa phim hoạt hình 3D. Sự trùng lặp đề tài này có lẽ xuất phát từ sự an toàn trong khâu duyệt kịch bản, ai cũng đổ xô làm phim về vị vua đầu tiên dời đô về Thăng Long. Đề tài này đã và đang bị khai thác triệt để đến nỗi chưa xem phim mà tâm lý khán giả đã bị bão hoà. Vì thế, tiếng đàn sâu lắng của Long Thành cầm giả ca đã nổi lên giữa rừng gươm giáo ngựa xe ấy như một nét đẹp thẳm sâu của người Thăng Long…
4 bài thơ mở đầu cho tập Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du có hai bài viết về Thăng Long và hai bài viết về sự tàn úa của hai nàng ca nữ tài danh. Hai bài thơ về Thăng Long là sự đối chiếu giữa xưa và nay, cũ và mới: Thiên niên cự thất thành quan đạo. Nhất phiến tân thành một cố cung (Những ngôi nhà đồ sộ xưa nay thành đường cái. Một dải thành mới làm mất dấu cung điện cũ).
Với bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ (Gặp lại nàng ca nữ cũ của em): Áo hồng giọng hát những ngày/ Bạc đầu gặp lại chốn này lênh đênh… ông đã biểu lộ nỗi niềm thương cảm cho một kiếp hồng nhan. Đến Long Thành cầm giả ca cái tứ ấy dường như được nhân đôi từ những nỗi niềm thương cảm cũ, nhưng nó bộc lộ mạnh mẽ và thương tâm hơn, nhà thơ đã tràn lệ để khóc cho kiếp phù du của nàng ca nữ tài danh, và bùi ngùi trước lẽ còn - mất của cuộc đời.
Người đọc thơ ông và hiểu từng sợi tơ rung cảm trong tâm hồn ông, một khoảng cách 20 năm, một triều đại rực rỡ đã trôi qua, một nhan sắc, tài danh đã tàn úa… Trái tim nhạy cảm và tràn đầy tình yêu thương con người ấy đã dạo nên khúc hát bi thương không phải chỉ riêng một cô Cầm mà là của số phận những nàng ca kỹ, những con người tài hoa mà thân phận bèo bọt chỉ để mua vui cho người…
Long Thành cầm giả ca khi được chuyển thành phim thì trái tim đau cùng nỗi đau nhân thế ấy được giới hạn trong nhịp đập của một mối tình lãng mạn. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đây là phim, mà phim thì phải có tình tiết, cốt truyện. Vì vậy, Long Thành cầm giả ca ở đây được gói trong mối tình của cậu Chiêu Bảy, em quan Tham tụng Nguyễn Khản, với một nàng ca nữ tài danh nức tiếng kinh thành Thăng Long. Một mối tình lênh đênh theo dòng biến cố lịch sử từ loạn kiêu binh, Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh, quân nhà Thanh tràn vào theo sự cầu viện của vua Lê Chiêu Thống và đại bại trước sức mạnh uy dũng của quân Tây Sơn, rồi đến lượt triều Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên ngôi…

Nàng ca nữ tài danh trong đêm chiếu nhạc Tây Sơn.
Hơn 20 năm, từ cậu Chiêu Bảy nhà quan Tham tụng đến quan Chánh sứ tóc nhuộm sương, mối tình ấy cứ như lênh đênh, tan tác theo chiều dọc của lịch sử, lúc vừa chớm nở lại vụt lụi tàn. Câu chuyện bắt đầu từ cô bé gái có gương mặt gợi cảm, con nhà ca kỹ, lên Long Thành học đàn, và được chọn đào tạo trong đội nữ nhạc cung đình. Mối tình của Tố Như và Cầm bắt đầu từ lúc chàng chỉ được nhìn trộm nàng ở bên ngoài và lắng nghe tiếng đàn của nàng giữa sự ngưỡng mộ của hàng quý tộc cùng vai vế với anh mình.
Rồi loạn kiêu binh quấy nhiễu khắp kinh thành, và như một sự hạnh ngộ, họ gặp nhau trên con đường chạy loạn, ở bên nhau một đêm với tình cảm sáng trong và lãng mạn. Họ chia tay nhau, cả hai mỗi người một ngã, để đến khi gặp lại ở Long Thành trong một đêm chiếu nhạc ở nhà Nguyễn Đề, người anh kế trong đội quân Tây Sơn. Nàng giờ đã hoàn toàn biến đổi, không còn vẻ e ấp, sáng trong ngày cũ, mà đã trở thành một ca kỹ lừng danh. Nàng vẫn đẹp, nhưng là nét đẹp dạn dày sương gió. Họ gặp nhau, tình yêu bùng cháy, nàng đã đến với chàng bằng sự quyến rũ thành thạo của người ca nữ. Và đó chính là lý do làm cho trái tim chàng nguội lạnh...
Nhiều năm nữa trôi qua, khi mái đầu đã điểm bạc, trở lại Long Thành, chàng giờ là quan Chánh sứ triều Nguyễn, được quan Tuyên thủ thết tiệc với đoàn nữ nhạc trẻ trung… Và chính tiếng đàn đã cho họ nhận ra nhau. Giữa tiếng ca sênh của những nữ nhạc đang thời xuân sắc, chỉ có Nguyễn Du mới nhận ra tiếng đàn trác tuyệt ngày nào, dù cô Cầm ngày xưa giờ đã héo gầy, xơ xác…
Cô Cầm kéo lê chiếc đàn trở về quê cũ, soi gương mặt tàn tạ của mình bên miệng giếng ngày trước cô đã từng soi ở tuổi xuân thì. Và từ đó người ta chỉ còn thấy chiếc đàn nằm trơ trọi bên cạnh giếng, còn người đàn không thấy nữa, tiếng đàn cũng tắt ngấm.
Đạo diễn Đào Bá Sơn với mối hoài vọng của người con đi xa Hà Nội, đã làm nên một bộ phim tràn đầy chất thơ và đậm chất Thăng Long. Những hình ảnh giếng làng, cây đa, trẻ con hát đồng dao, và nhất là cảnh đoàn nữ nhạc học hát trong chum cho giọng vang xa, ngâm tay trong chậu thuốc rải hoa cho bàn tay mềm mại là những cảnh đắt nhất của phim.
Không gian, bối cảnh chất chứa cả hồn dân tộc, như một nét thơ được lồng vào một cách tinh tế và đậm nét… Cả những nét chấm phá để làm nên tính cách con người: cô Cầm trong sáng thơ ngây thời tuổi trẻ, cô Cầm dạn dày trong nghiệp cầm ca và cô Cầm héo gầy tàn tạ khi khóc chỉ có một giòng lệ một bên mắt. Cô không khóc bằng hai dòng lệ như người thường, một đặc trưng không cần giải thích, nhưng là một cách gây ấn tượng trong người xem.
Cả hai diễn viên Nhật Kim Anh (cô Cầm) và Ngọc Ngoạn (Nguyễn Du) đều tròn vai, nhưng có lẽ vì đây là lần đầu đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện trên phim nên người xem vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa nơi Ngọc Ngoạn một nét diễn sâu lắng hơn và đôi mắt biểu cảm, trí tuệ của một nhà tư tưởng lớn.

... Và lúc về già, hiu hắt...
Người xem lại càng tiếc hơn ở cảnh “lên giường” giữa Nguyễn Du và cô Cầm. Ta không hề thần thánh hoá Nguyễn Du, vì với một nghệ sĩ như ông, đây là chuyện thường tình, nhưng thật khó lý giải cho sự từ chối giữa chừng của nhà thơ với người ca nữ ông yêu. Nên chăng hãy để cho mối tình ấy hoàn toàn trong sáng, nên chăng hãy để cho cô Cầm dạn dày với tất cả mọi người, nhưng với người nàng yêu thì không thể, bởi cô Kiều của nguyễn Du đã bật lên tiếng khóc thắt lòng với chàng Kim “Chữ trinh còn một chút này” thì hãy để cho cô Cầm đẹp hơn trong mắt người cô yêu và trong mắt người xem.
Nguyễn Du đã nâng giá trị nàng Kiều bằng tất cả sự chăm chút thương yêu ấy, và đó mới là tình yêu thực sự. Vì vậy, sự đồng cảm của tác giả phim với thân phận cô Cầm vẫn còn có một khoảng cách với Nguyễn Du, bởi nó đã đi theo logic của thời hiện đại: đã là ca nữ thì với ai cũng dạn dày, dù với cả người mình yêu. Đó là chưa kể những danh xưng trong phim vài chỗ chưa hợp lý, quan Tham tụng Nguyễn Khản chỉ gọi em trai bằng chú Chiêu Bảy chứ không thể gọi tên hiệu Tố Như..., Ngô Thì Nhậm chỉ ở chức Tả Thị Lang của nhà Lê chứ không phải là Lại Bộ Thượng Thư. Và cuộc gặp thân mật giữa một vị quan Chánh sứ với nàng ca nữ như trong phim là điều không thể…
Nhà văn Văn Lê đã đưa Nguyễn Du lên phim với sự trân trọng của một trái tim đồng cảm. Đó là sự rung động của những tâm hồn nhạy cảm trước sự biến đổi tang thương của một kiếp người, một thời đại. Sắc đẹp, tài hoa với Nguyễn Du bao giờ cũng đi liền với bạc mệnh, nàng Kiều, Tiểu Thanh, cô Cầm, tất cả đều cùng chung số phận… Sự đồng cảm ấy chính là sự đồng cảm của những tâm hồn nghệ sĩ, không có giới hạn không gian, thời gian và thời đại. Vì vậy, 300 năm sau và sẽ còn nhiều trăm năm nữa, người hậu thế vẫn hiểu ông và khóc cùng với nỗi đau của ông…