Lật tẩy sự gian trá của KHRUSHCHEV

GROVER FURR
LÊ SƠN giới thiệu và dịch

Mới đây, trên các quầy sách ở Nga vừa xuất hiện một cuốn sách thuộc thể loại non-fiction (không hư cấu) gây chấn động dư luận. Đó là cuốn “Trò hèn mạt chống Stalin” (“Antistalinskaja podlost”) của nhà Sử học Hoa Kỳ, giáo sư trường đại học Monclair là Grover Furr do Nhà xuất bản Algoritm ấn hành năm 2008, 462 trang. Trong cuốn sách này, tác giả đã phân tích cặn kẽ bản “báo cáo nội bộ” của N.S. Khrushchev nhằm chống lại Stalin tại đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1956) và đã phát hiện ra 61 điều sai sự thật. Chúng tôi xin giới thiệu lời nói đầu của cuốn sách này mang tên “Bản báo cáo có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX hay…”.

Dịp kỷ niệm 50 năm bản báo cáo nội bộ của N.S.Khrushchev, đọc ngày 25 tháng 2 năm 1956 tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã gây nên những lời bình phẩm và nhận xét từng được tiên liệu. Tờ London Telegraph (Điện tín Luân Đôn) đã đánh giá về bản báo cáo như một bài diễn văn “có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX”.


Joseph Stalin.

Còn trong một bài báo được công bố cùng ngày hôm đó trên tờ NewYork Times (Thời báo Nữu Ước) William Taubman, người được tặng giải thưởng Pulitzer năm 2004 cho cuốn Tiểu sử của Khrushchev, đã gọi bài diễn văn của ông ta là “một chiến công”, xứng đáng được ghi vào cuốn biên niên sử của thế kỷ”.

Cách đây ít lâu, tôi nảy ra ý định đọc lại bản “báo cáo nội bộ” của Khrushchev sau một quãng thời gian gián đoạn khá dài (1). Trong khi đọc, tôi đã chú ý tới nhiều chỗ phi lý trong bản báo cáo ấy.

John Arch Getty cũng có những nhận xét tương tự trong công trình đồ sộ của ông có tên là “Nguồn gốc của những cuộc đại thanh trừng”: Trong số những điều vô lý ở các chứng cứ của Khrushchev có việc thay thế hiển nhiên Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Liên Xô Ezhov bằng Beria. Mặc dầu, cái tên Ezhov thỉnh thoảng mới được nhắc tới, những lời buộc tội đối với nhiều tội ác và những cuộc trấn áp được nêu lên là nhằm chống lại Beria; trong khi đó, trước năm 1938 Beria chỉ giữ cương vị Bí thư khu ủy.

Vậy bằng cách nào Khrushchev trong bản báo cáo của mình đã trắng trợn đánh tráo Ezhov bằng Beria? Ông ta còn có thể làm những điều mờ ám gì nữa đây? Dù sao chăng nữa, án tử hình Beria do Khrushchev và ban lãnh đạo hồi đó thi hành cách đây không lâu đã biến Beria thành vật hy sinh. Lẽ cố nhiên, việc sử dụng tên tuổi Beria vào mục đích tình thế thuần túy đã gieo rắc sự ngờ vực đối với tính trung thực của các điều khẳng định khác do Khrushchev nêu lên (2) (tôi nhấn mạnh. G.F.).

Nói tóm lại, tôi đã suy nghĩ rằng, bằng cách dựa vào tài liệu của các kho lưu trữ Xô Viết mà trước đây hoàn toàn giữ bí mật nhưng hiện nay đã mở hé cửa cho các nhà Sử học, có thể tiến hành việc nghiên cứu vốn cho phép ta tìm ra trong bản báo cáo của Khrushchev nhiều hơn nữa “những lời tố cáo” dối trá đối với Stalin.

Trên thực tế, tôi đã phát hiện ra được một điều hoàn toàn khác. Trong số tất cả những ý kiến khẳng định của bản “báo cáo nội bộ” nhằm trực tiếp “tố cáo” Stalin hoặc Beria, không có lấy một ý kiến đúng đắn nào. Nói một cách chính xác hơn là như thế này: Trong số tất cả những lời tố cáo đã được kiểm tra ấy, tất tần tật đều là dối trá.

Thì ra trong bài diễn văn của mình, Khrushchev không nói một điều gì đúng sự thật về Stalin và Beria cả. Toàn bộ bản “Báo cáo nội bộ” được thêu dệt bằng những sự xuyên tạc đổi trắng thay đen kiểu đó. Và, đây chính là cái bản báo cáo “chiến công” mà Taubman đã tâng bốc Khrushchev lên chín tầng mây! (Tất nhiên, người được giải thưởng Pulitzer này xứng đáng với một vài lời nhận xét (dù rất ngắn) về những tuyên bố gian trá của chính ông ta trong báo cáo đăng trên tờ New York Times nhân dịp kỷ niệm bản báo cáo của N.S. Khrushchev (3).

Đối với tôi, với tư cách là một nhà khoa học, phát hiện này rất khó chịu và thậm chí không mong muốn. Công trình nghiên cứu của tôi, tất nhiên, cũng gây nên sự ngạc nhiên và thái độ hoài nghi, nếu như, theo giả định của tôi, mọi người thấy rõ rằng, chẳng hạn một phần tư những điều tố cáo của Khrushchev hoặc gần xấp xỉ như thế là giả tạo.

Nhưng có một điều đã và đang khiến tôi băn khoăn cho đến nay: Nếu như tôi sẽ khẳng định rằng bất cứ một lời “tố cáo” nào của Khrushchev cũng đều là giả dối thì liệu mọi người có tin vào những luận cứ của tôi hay không? Nếu như không tin thì lúc ấy sẽ chả còn ý nghĩa gì, mặc dù tác giả đã sưu tầm và khái quát một cách thận trọng và kỹ lưỡng những bằng chứng nhằm chứng minh cho sự đúng đắn của những nhận định của mình.

Chính bài diễn văn có ảnh hưởng của thế kỷ XX (nếu như không phải của tất cả mọi thời đại!) lại là kết quả của trò gian lận? Bản thân ý nghĩa đó có vẻ như là quái đản. Bởi lẽ, vấn đề không chỉ là ở bài diễn văn ấy mà còn ở những hậu quả tiếp theo sau.

Thử hỏi có ai muốn “từ một con số không” bắt đầu xem xét lại quá khứ của Liên bang Xô Viết, của Quốc tế Cộng sản, và thậm chí cả Lịch sử thế giới chỉ vì điều đó xuất phát từ cái logic của những kết luận do tôi đưa ra? Hẳn sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu quan niệm rằng, dường như tác giả đang làm cái việc bôi bác mang tính chất ngụy lịch sử, đang che dấu sự thật, đang mưu toan buộc tội Khrushchev một cách bậy bạ trong việc tùy tiện xuyên tạc các sự kiện. Với quan điểm như vậy thì kết quả những tìm tòi của tôi có thể bị xếp xó và vấn đề tự nó sẽ tiêu ma.

Nhưng vấn đề còn là ở chỗ tác giả của những dòng này được nổi tiếng nhất định vì thái độ kính trọng, mặc dầu cũng mang tính chất phê phán, đối với cá nhân Stalin cũng như vì thiện cảm của mình đối với phong trào Cộng sản Quốc tế mà người đứng đầu có uy tín trong nhiều thập kỷ là Stalin.

Khi nhà nghiên cứu đi tới những kết luận vốn phù hợp với thiên hướng chính trị sẵn có của anh ta thì điều khôn ngoan nhất có thể làm được, là nghi ngờ tác giả đó trong việc thiếu tính khách quan, nếu như không phải trong việc tồi tệ hơn. Bởi vậy, tôi sẽ yên tâm hơn nếu như trong công trình khoa học này chỉ có 25% những lời tố cáo của Khrushchev đối với Stalin và Beria là chắc chắn sai lầm.


Joseph Stalin và Nikita Khrushchev (1936).

Song, do chỗ tất cả những lời “tố cáo” của Khrushchev đều không đúng sự thật, cho nên gánh nặng của sự chứng minh cho tính gian trá của chúng đè lên vai tôi với tư cách là nhà khoa học càng nặng nề hơn so với những trường hợp thông thường này.

Toàn bộ cuốn sách được chia ra làm hai phần độc lập nhưng về một mặt nào đó lại có liên quan với nhau.

Phần thứ nhất (từ chương 1 đến chương 9): Phân tích những luận điểm trong bản báo cáo vốn được coi là cốt lõi trong những lời “tố cáo” của Khrushchev. Ở đây tác giả đã chọn ra được sáu mươi mốt điều khẳng định.

Mỗi một lời “tố cáo” được đón đầu bằng một trích đoạn rút ra từ bản “Báo cáo nội bộ”. Sau đó, nó được xem xét dưới lăng kính của những chứng cứ lịch sử mà phần lớn được trình bày như những trích đoạn được lấy ra từ các nguồn tài liệu gốc.

Và, trong một số trường hợp hãn hữu, từ các nguồn tài liệu khác. Tác giả đặt ra cho mình nhiệm vụ giới thiệu những bằng chứng rõ nhất hiện đang có trong tay; chúng chủ yếu được khai thác từ các kho lưu trữ của Liên bang Xô Viết nhằm chứng minh cho tính chất gian dối của bài diễn văn do Khrushchev đọc tại phiên họp kín của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX.

Phần thứ hai (các chương 10 đến chương 11): dành cho những vấn đề mang tính phương pháp luận cũng như những kết luận được rút ra từ công trình của tôi. Đáng chú ý, đặc biệt ở phần này là sự phân định loại hình các thủ đoạn mà Khrushchev đã sử dụng trong bản báo cáo hoàn toàn dối trá của mình và việc cứu xét các tài liệu minh oan cho những cán bộ lãnh đạo của Đảng, mà tên tuổi được nêu lên trong bản diễn văn “nội bộ”.

Cần phải nói đôi lời về việc trích dẫn các nguồn tư liệu. Để bổ sung cho những bị chú mang tính chất truyền thống, ở bất cứ chỗ nào có thể, tác giả cố gắng chỉ rõ những xuất xứ có đầy đủ hoặc từng phần trên mạng.

Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn những đồng nghiệp của tôi ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và ở Liên bang Xô Viết đã đọc và cho nhận xét về những bản viết đầu của công trình này. Dĩ nhiên, họ không chịu trách nhiệm về bất cứ một thiếu sót nào vẫn còn trong cuốn sách. Bất luận thế nào, tác giả cũng xin bày tỏ lòng tri ân tới độc giả về những ý kiến nhận xét và bình phẩm đối với công trình nghiên cứu này.

Tháng 10 năm 2006


(1)

Nikita S, Khrushchev. The New Leader. The Crimes of the Stalin Era. Introduction by Anatol Shub, notes by Boris Nikolaevskky. New York: The New Leader, 1962.

(2)

Ibid, p268, n28

(3)

Một vài vụ: Chính Beria, chứ không phải Khrushchev, đã thả nhiều người bị giam giữ, mặc dầu không phải “hàng triệu” như Taubman đã viết một cách không đúng. Thời kỳ “tan băng” mà ông ta đề nghị kỷ niệm, đã bắt đầu vào những năm cuối đời của Stalin.

Khrushchev đã hạn chế tác động và ảnh hưởng của thời kỳ ấy bằng cách thu hẹp trong khuôn khổ những tài liệu mang tính chất chống Stalin. Stalin muốn xin nghỉ hưu vào tháng 10 năm 1952, nhưng Đại hội Đảng lần thứ XIX đã từ chối thực hiện lời thỉnh cầu đó của ông.

Taubman khẳng định rằng Khrushchev nói dường như ông ta “không can dự” vào những vụ trấn áp; tuy nhiên trên thực tế, Khrushchev chẳng những không nghe những lời khuyên can của Stalin mà trong vấn đề này còn chủ động tăng những mức hình phạt cao hơn so với những gì mà sự chỉ đạo của Stalin mong muốn. Taubman khẳng định rằng: “Khrushchev bằng cách này hay cách khác vẫn giữ được lòng nhân đạo của mình”. Đúng ra là phải nói ngược lại. Dường như Khrushchev chứ không phải là ai khác, giống như một kẻ liều mạng và tên sát nhân.

Bài liên quan: