Lu bù lễ hội

Quê tôi một năm cũng có vài lễ hội, như Hội Cướp phết, Hội Chọi trâu, Hội Thả diều, Hội thi nấu cơm… Các hội này do bà con trong làng, trong xã chung tay đứng ra làm chủ tế, mở hội. Hội thường tổ chức vào kỳ nông nhàn, vào một ngày trời đất quang quẻ nên bà con cô bác các nơi đến dự hội khá đông, có hội người chen vai chật đường làng, ngõ xóm, vui như tết.

Hàng huyện, hàng tỉnh cũng có những lễ hội dân gian như thế.

Vài năm nay, xem ra lễ hội nhiều hơn xưa. Cách nay 5 năm, thống kê của ngành văn hóa trên toàn quốc có chừng 5.000 lễ hội. Vậy mà chỉ sau vài năm, con số lễ hội đã tăng gấp đôi, chừng một vạn. Sở dĩ, con số lễ hội đột biến tăng lên 100% là vì nhiều địa phương, nhất là các địa phương vốn chưa có lễ hội, thì bây giờ cố phục chế lại một lễ hội nào đó, chứ nhất định không chịu kém chị, kém anh! Chẳng hạn ở quê tôi, trước kia các cụ làm pháo đất chỉ là một trò chơi cho con trẻ, một trò của hội làng, nay chính quyền xã nâng trò chơi thành Hội Pháo đất!

Cứ theo đà khai thác, phục chế vốn cổ, cả nước lu bù lễ hội, diễn ra quanh năm. Sáng mở báo, tối mở ti vi, thế nào cũng thấy có lễ hội ở đâu đó, cứ như là nước Việt Nam ta quanh năm có “festival”, đất nước của lễ hội.

Xưa, hầu hết lễ hội dân gian do dân tự đứng ra lo liệu, bà con có đóng góp cũng chỉ chút ít thơm thảo, để cùng mở hội cho làng trên xóm dưới cùng vui, lấy hội để mở vòng tay thân ái, nhắc nhớ con cháu những mỹ tục và truyền dạy những tấm gương đạo cao, đức trọng của cha ông, nhớ gìn giữ và noi theo. Lễ hội như vậy không tốn kém lại được nhiều về văn hóa tinh thần.


Ảnh minh họa.

Còn nay xem ra các lễ hội vốn là hoạt động văn hóa tự giác của nhân dân, phát tích từ trong lòng cuộc sống đã biến tướng thành lễ hội của các cấp chính quyền và tổ chức xã hội, gắn lễ hội với các mục đích kinh tế, chính trị, xã hội, gây tốn kém cơ man nào là thì giờ và tiền bạc.

Thay vì chủ tế là nhân dân tự đứng ra lo liệu, nay các cấp chính quyền dành lấy. Chủ tế là Nhà nước, đương nhiên Nhà nước cấp kinh phí, phân cắt cán bộ lo liệu công việc. Chi càng nhiều tiền, lễ hội càng hoành tráng, tầm vóc làng xã nay mang tầm vóc tỉnh, khu vực hoặc quốc gia. Tầm vóc lớn, lại cõng theo các mục đích biến lễ hội thành nguồn thu nhập, thành sự kiện quảng bá hình ảnh của ngành nghề hoặc địa phương, của đất nước… Từ đó, lễ hội khác xa dần với truyền thống, giống như mít tinh, phải có trên có dưới, có lớp lang quan khách phát biểu, có trình diễn nghệ thuật… Lễ hội bị hành chính hóa biến tướng xa dần các ý nghĩa và trình thức vốn có của dân gian tự nhiên và giàu màu sắc văn hóa.

Trộm nghĩ, toàn dân, toàn Đảng ta đang lúc phải dồn sức cho công cuộc xây dựng, phát triển, xóa nghèo, tiến lên cơm đủ ăn, áo đủ mặc và con cái được học hành tử tế như ước vọng của Bác Hồ, nên cần xem lại việc lu bù lễ hội tốn kém thì giờ và tiền bạc đang đua nhau diễn ra khắp nơi. Hãy trả lễ hội lại cho nhân dân tự nguyện đứng ra tổ chức, để lễ hội là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng như vốn có trong truyền thống của dân tộc.


Bài liên quan:

HÀ ĐÌNH