Lưu Huỳnh từ Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử đến Lấy chồng người ta…

Lưu Huỳnh sinh trưởng tại TP.Hồ Chí Minh và rời Việt Nam sang Mỹ năm 16 tuổi, anh theo học ngành nghệ thuật thương mại tại Đại học Minnesota. Sau đó, anh chuyển qua học trường The Art Center College of Design and Filmmaking tại Pasadena, California. Năm 1994, anh về Việt Nam và thực hiện phim truyện Em và Michael. Áo Lụa Hà Đông  là phim truyện thứ hai do Lưu Huỳnh viết kịch bản và đạo diễn. Phim nhận được giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006. Áo lụa Hà Đông còn đoạt giải thưởng Khán giả bình chọn tạiLiên hoan Phim quốc tế Pusan (Hàn Quốc) và giải Kodak Vision Award/Khán giả bình chọn tại Liên hoan Phim quốc tế Fukuoka (Nhật Bản).

Nhưng thực sự Áo lụa Hà Đông không phải là bộ phim xuất sắc của Lưu Huỳnh, dù nó nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Thực sự, nó chỉ là một sự lắp ghép nhiều tình tiết góp nhặt để làm nên câu chuyện đầy thương tâm của đôi vợ chồng nghèo từ miền Bắc trôi giạt vào miền Trung. Nhưng do thiếu hiểu biết về lịch sử, nên đường dây câu chuyện đã diễn ra cực kỳ khiên cưỡng với rất nhiều sai sót. Đạo diễn chăm chút và cố gắng tạo đường dây từ chiếc áo dài, và do không tiết chế, nên đã bị cuốn vào những trường đoạn trữ tình không ăn nhập gì với câu chuyện khiến cho phim chỉ còn lại những mảnh ghép đẹp, nhưng không thể hình thành một bộ phim hoàn chỉnh theo ý đồ của đạo diễn.

Sự xuất thân của anh Gù trong phim cũng là một cố tình cho một huyền thoại, khi bị bỏ rơi dưới  gốc đa làng và được quấn bằng chiếc áo lụa Hà Đông. Và chiếc áo ấy đã đi suốt cuộc đời của anh và đến cuối phim, nó được giơ cao lên như một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh. Xem phim, người ta hiểu điều tác giả muốn hướng đến, nhưng đã lực bất tòng tâm.

Với một nhịp phim chậm, lê thê, với ý muốn bày biện những món ăn đặc trưng Việt Nam bằng nhiều  cảnh đầy chất phong tục…, phần đầu của bộ phim là những mảnh ghép được lấy từ Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan. Mà đỉnh điểm là chuyện Dần (Trương Ngọc Ánh) đi làm vú sữa cho ông Thoòng, nhưng được tác giả đẩy lên đến cao trào là không phải chỉ vắt sữa như chị Dậu mà còn bày ra trò cho ông già bú bằng chính bầu ngực của mình mới ghê?!

pic

Dần (Trương Ngọc Ánh) trong phim Áo lụa Hà Đông

Cuối cùng ở trường đoạn hai vợ chồng đi vớt củi giữa đêm giông, thuyền bị chìm và một lần nữa tác phẩm Anh phải sống của Khái Hưng xuất hiện khi chị Dần buông tay chồng và chìm dưới đáy sông. Cả chuyện hai chị em cùng đi học chỉ có một cái áo dài và phải chạy về thay đổi cho nhau làm người ta nhớ đến chuyện hai anh em chỉ có một đôi giày đi học và cũng phải chạy về đổi giày cho nhau trong bộ phim nổi tiếng Đôi giày đỏ từng đoạt giải Gấu vàng của Iran. Có cảm giác như đạo diễn muốn bày biện tất cả những gì mà anh hiểu biết được về Việt Nam qua sách vở và anh hình thành đường dây về chiếc áo dài, ra tay gọt dũa bằng ấy những câu chuyện mà anh biết để hình thành nên một tác phẩm của anh, nhưng tiếc thay, nó khá sống sít, nên khán giả dễ dàng nhận ra từng mảnh ghép không vừa vặn của anh khi bày lên màn ảnh.

Câu chuyện này có thể được khán giả nước ngoài ưa thích vì nó có vẻ Việt Nam, vì nó có phong cảnh đẹp Việt Nam, có cây đa giếng làng, có cả những cảnh đời nghiệt ngã trong tiếng súng đạn ì ùng và hơn hết có chiếc áo dài là biểu trưng giơ lên cao ở cuối phim. Phim này nhận được giải thưởng của khán giả ở nước ngoài thì dễ hiểu, nhưng ở ngay giải của hội nghề nghiệp trong nước mới là điều lạ!

Với Huyền thoại bất tử, Lưu Huỳnh cũng bắt đầu bằng một huyền thoại, đó là Lý Tiểu Long. Nhưng đặc biệt là tuy từ một huyền thoại võ thuật Trung Hoa, nhưng nhân vật của anh chỉ sử dụng Võ Việt Nam.

Cảnh đánh nhau chỉ là bộ khung cho một nội dung đậm chất nhân văn. Đặc biệt nhất là nhân vật anh hùng trong phim không hề là một chàng trai mã thượng, đẹp trai, hào hoa như tất cả những phim võ thuật khác, mà đó chỉ là một thanh niên bị thiểu năng trí tuệ. Một đứa con bị bỏ rơi, trí óc chỉ dừng lại ở lớp ba nên  học võ để hộ thân,  Long (Dustin Trí Nguyễn) được người mẹ là võ sư truyền dạy công phu và khắc ghi trong tim lời mẹ dạy: “Học võ chỉ để tự vệ, không để đánh nhau”. Đầu óc ngây ngô của cậu hướng về người cha tên Lý Tiểu Long và chỉ muốn đi tìm cha ở Mỹ. Đó chính là huyền thoại mà mẹ cậu đã vẽ lên cho con trai, để tiếp thêm cho cậu sức mạnh và niềm tin về chính bản thân mình. Long tin tất cả mọi người xung quanh anh một cách thành thật và ngây thơ.  Anh bị lừa gạt, bị đánh đập mà không phản ứng, vì điều đó chỉ chạm đến bản thân anh. Nhưng anh đã vùng dậy, quyết tử với bọn xấu khi chúng chạm đến vong linh người mẹ mà anh yêu kính nhất, và khi anh biết chắc đó là những người xấu trước tiếng kêu cứu thất thanh của Trinh, cô gái anh chỉ mới quen trên xe.

pic

Long (Dustin Nguyễn) và mẹ Lan (Kim Xuân) trong phim Huyền thoại bất tử

Phim hành động mà đầy ắp tình người, mà làm cho người xem phải rơi nước mắt  bởi sự ngây ngô, chân thực của Long. Và người ta hiểu vì sao tác giả muốn tạo dựng mẫu người hùng từ một con người không hoàn chỉnh như Long. Huyền thoại bất tử chính là sự hướng thiện trong mỗi con người. Sự hướng thiện ấy được nuôi dưỡng và truyền đi từ một trái tim trong suốt, không  suy nghĩ  hơn thiệt, không một chút vụ lợi. Phải chăng chỉ có những người thiểu năng như Long mới có đủ sự hoàn thiện tuyệt đối của con người? Đó chính là dấu hỏi ngậm ngùi trong lòng khán giả sau khi bộ phim khép lại…


pic

Lụa (Đinh Y Nhung) bị Linh (Thái Hòa) làm nhục giữa chợ

Lấy chồng người ta, bộ phim mới của Lưu Huỳnh hiện đang chiếu trên mạng lưới rạp được báo chí khen ngợi nhiều, nhưng thực ra cũng lại là một cách may chiếc áo gượng ép ngay từ  tên phim. Câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ sống ở khu làng nổi La Ngà (Đồng Nai), Khánh (Huy Khánh) bị vô sinh, nên Lụa (Đinh Y Nhung) muốn đem hạnh phúc cho chồng bằng cách kiếm đứa con ngoài luồng từ Linh (Thái Hòa), người đã từng theo đuổi cô từ trước.

Và từ đó, bi kịch rơi xuống hai vợ chồng khi Linh trở thành nỗi ám ảnh tàn khốc bởi bản tính hung bạo và điên loạn của anh ta. Linh vẫn đòi tiếp tục quan hệ với Lụa, và đòi lại đứa con, anh ta bước vào mái gia đình êm ấm của Lụa như một con quỷ dữ. Đạo diễn do muốn đẩy câu chuyện phim lên tới điểm đỉnh của tội ác và có lẽ muôn tạo đất diễn thật dữ dội  cho Thái Hòa, nên đã tạo dựng cho Linh một thứ tính cách khá xa lạ với người Việt Nam. Xem hành vi và cách xử sự của các nhân vật, ai cũng thấy lạ. Linh mới đúng là kẻ lấy vợ người ta và anh ta mới đúng là kẻ bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị và phải bị anh chồng là Khánh hành hung. Vậy mà ngược lại, anh ta có quyền đánh đập tàn nhẫn, lôi sểnh Lụa giữa chợ như một con thú, và lột trần truồng cô ra bắt đứng giữa chợ với tấm bảng “Lấy chồng người ta” cho mọi người bu quanh đàm tiếu.

Người xem không hiểu Lưu Huỳnh đặt nhân vật vào bối cảnh của thời đại nào, ở đất nước nào mà trái khoáy đến như thế. Bởi vì Linh hiện đang sống độc thân, vợ hắn đã bỏ hắn từ lâu, nếu Lụa lấy hắn thì chính hắn mới là kẻ lấy vợ người ta, và chính Khánh, anh chồng đáng thương kia mới có quyền hành hung kẻ đã lấy vợ mình. Ngược lại, anh chồng bị cặm sừng lại không hề  biết ghen khi biết đứa trẻ không phải là con của mình mà còn trở thành nạn nhân cho những cuộc hành hung đẫm máu của hắn. Cái ác chưa có lúc nào được lên ngôi một cách trái đạo lý đến thế.

Cả phần cuối phim, người xem có cảm giác như đang xem một bộ phim bạo lực bởi một kẻ tâm thần của Mỹ. Linh muốn đòi con, thiết tha đến điên dại vì đứa con này, dù trước kia hắn đã từng có con với người vợ trước và thản nhiên để hai mẹ con bỏ hắn ra đi mà không hề tỏ có chút tình phụ tử nào. Vậy thì vì lý do gì hắn trở thành một con quỷ khát máu vì đứa con vụng trộm này? Tất cả những tình huống trong phim lại tiếp tục là những mảnh lắp ghép, bối cảnh là của Việt Nam, khá đặc trưng ở làng nổi La Ngà, nhưng con người và tính cách lại gần giống với phim bạo lực Hàn Quốc và Hollywood...

Lưu Huỳnh làm phim không nhiều, mỗi bộ phim đều do anh viết kịch bản và đạo diễn. Có lẽ đó chính là chỗ yếu của anh. Bởi  dù anh có khó tính và tâm huyết với đứa con của mình bao nhiêu thì nó chỉ nằm trong tư duy của một người. Tư duy ấy chỉ xoay quanh những gì anh hiểu biết về đất nước này qua sách vở cộng với cái vốn học từ Mỹ, với quá nhiều bộ phim Mỹ đã ngấm vào trong anh như máu thịt. Vì vậy, không lạ, nếu anh cố gắng làm phim có đầy bản sắc Việt Nam như Áo lụa Hà Đông thì người xem lại thấy đó là những mảnh ghép đẹp của văn hóa Việt chứ không phải chính là bản sắc Việt. Và khi anh muốn làm phim về đề tài xã hội tâm lý Việt Nam như Lấy chồng người ta thì lại không thấy đó là tâm lý người Việt mà là của Mỹ. Chỉ duy nhất với Huyền thoại bất tử, đó chính là suy nghĩ của anh, và nhân vật chính mà anh dựng nên rất nhẹ nhàng, rất nhân loại thì bộ phim mới thực sự đi vào lòng người. Do vậy, mọi cố gắng để làm nên những gì mình chưa thực sự thấm sâu đều mang cảm giác của sự pha trộn.

Nhưng qua những bộ phim Lưu Huỳnh thực hiện cho thấy cái tâm của anh đối với quê hương rất rõ. Hy vọng những năm tháng sống cùng quê hương anh sẽ thực sự thấm đẫm cùng nó để không phải cố gắng và vận dụng làm nên cái gọi là bản sắc Việt. Bởi bản sắc là cái gì rất trừu tượng, nhưng cũng rất dễ nhận biết sự sống sít nếu thực sự anh không sống máu thịt cùng nó…

Ngô Ngọc Ngũ Long