“Luận ngữ” như một tác phẩm văn học

Cái gì được coi là văn học ở giai đoạn giữa của thời cổ đại Trung Quốc (tức thế kỷ III – thế kỷ VIII TCN). Trả lời câu hỏi này vừa dễ lại vừa khó. Dễ khi liệt kê các tác phẩm mô tả chúng: tất thảy đã được biết đến từ lâu, còn nói khó là ở chỗ chúng ra đời khi nào, ai là tác giả và chúng là như thế nào về phương diện văn học. Hơn nữa, ngay cả vấn đề khái quát chung cũng được nêu ra: tác phẩm là cái gì vào thời đại này, chúng ta hiểu gì về thời gian xuất hiện của tác phẩm, ngay cả việc tác phẩm nói chung là cái gì lúc này và cùng với điều đó vậy thì văn học là cái gì?

Hãy lấy hai tác phẩm mà về sau được biết đến nhiều hơn cả, là thành tựu tột bậc – mỗi tác phẩm có phạm vi độc giả của mình – mà thời cổ đại đã đưa lại: Luận ngữLão tử (*).

Luận ngữ - “xét đoán và bàn luận” – đấy là tên của tác phẩm thứ nhất trong số hai tác phẩm này và cũng chính là nội dung của nó. “Xét đoán” của ai? Của Khổng Tử, phần nào cả của những người đàm đạo với ông, còn “bàn luận” là sự đàm đạo của ông với các học trò và cả những nhân vật khác nhau.

Khổng Tử là một nhân vật có thật trong lịch sử. Chúng ta biết ông sinh khi nào – năm 551 TCN. Chúng ta biết phần lớn cuộc đời ông: ông sống ở quê hương mình, nước Lỗ, nơi mà có lúc ông từng giữ một chức quan nhỏ, năm 497 khi đã 56 tuổi bắt đầu “những năm viễn du” của ông kéo dài gần 14 năm, khi đó ông đã tới 10 quốc gia của thời kỳ này; vào năm 484 tức khi 69 tuổi, ông trở về tổ quốc và mất sau đó 5 năm, lúc 74 tuổi. Luận ngữ là sự “xét đoán” và “bàn luận” ở những năm viễn du này.

Những ai là người ghi chép chúng? Lại không phải là chính ông: trong tác phẩm, ông được nói đến ở ngôi thứ ba. Luận ngữ không phải là ghi chép tiểu sử. Có lẽ học trò thực hiện việc ghi chép này. Ai vậy? Không rõ! Khi nào vậy? Cũng không rõ! Người ta giả định là vào khoảng năm 400 cuốn Luận ngữ hẳn nhiên là đã có mặt dù dưới hình thức này hay hình thức khác.

Khi ta mở cuốn sách này ra, ở ta ngay lập tức xuất hiện câu hỏi: Chả lẽ đây là ghi chép các xét đoán và bàn luận? Bởi lẽ cũng cần giả định là Khổng Tử trò chuyện với những người đàm đạo mà không nói thành lời. Đôi khi, ở một chừng mực nào đấy, những lời bàn luận có mặt trong văn bản (chẳng hạn đàm đạo với nhóm học trò ở thiên IX), nhưng thường là trong Luận ngữ, Khổng Tử không trò chuyện mà thốt lên: “Nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở…, hạng người đó ít có lòng nhân (I; 3)”. “Học mà không suy nghĩ thì mờ tối. Suy nghĩ mà không học thì nguy hại” (II; 15). “Khi cần nói với ai mà không nói thì mất người (tốt). Khi không cần nói mà nói là phí lời. Người anh minh không bỏ mất người, không phí lời”. (XV; 8). “Khi người ta không nghĩ về cái xa, thì ắt sẽ mất cái ở gần” (XI; 1).

Dù có tính chất hình thức, sự đối thoại vẫn hiện diện phổ biến trong Luận ngữ và không hơn một thủ pháp nghệ thuật nhằm làm nổi bật hơn cho việc trình bày một tư tưởng nào đó, mà thực chất là sự bộc bạch:

“Tử Cống hỏi việc điều hành quốc gia thế nào. Khổng Tử đáp: “Lương thực cho đủ, binh bịnh cho đủ, dân tin chính quyền”. Tử Cống hỏi: “Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì điều nào trước?”. Khổng Tử đáp: “Bỏ binh bị”. Tử Cống lại hỏi: “Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa thì bỏ điều nào trước?” – Khổng Tử đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ” (XII; 7).


Khổng Tử

Không, Luận ngữ không phải là ghi chép về sự “xét đoán” và “bàn luận”. Đây là một cái gì đó có tính sáng tác, dù thế nào đi nữa thì cũng là sự chế tác một cách có chủ ý, nói ngắn gọn đây là một tác phẩm văn học có nhân vật chính là của mình. Và nhân vật chính này là Khổng Tử.

Nhân vật được soi chiếu trong tác phẩm từ nhiều phía và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khổng Tử trong Luận ngữ, đấy trước hết là lời của riêng ông: qua chúng mà cho thấy những quan điểm của ông, cả tính cách của ông. “Có thể ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay gối đầu để ngủ, trong cảnh đó cũng có cái vui. Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang thì ta coi như mây nổi” (VII; 16). “Phàn Trì xin Khổng Tử dạy làm ruộng, Khổng Tử bảo: “Ta không bằng một nông dân già”. Phàn Trì xin Khổng Tử dạy bảo làm vườn, Khổng Tử bảo: “Ta không bằng người làm vườn già”. Phàn Trì ra rồi, Khổng Tử bảo: “Phàn Trì bỉ lậu thay! Người trên ham điều lễ thì dân không dám phục tùng; người trên ham điều đức thành tín thì dân không dám không trung thực. Được như vậy thì dân bốn phương sẽ địu, cõng con mà tới, hà tất phải học làm ruộng” (XIII; 4).

Khổng Tử còn được mô tả về phương diện sau “Khổng Tử ôn hòa mà nghiêm trang, oai vệ mà không dữ dằn, cung kính mà thư thái” (VII; 38). “Khổng Tử câu cá thì không dùng lưỡi, bắt cá không dùng lưới, bắn chim đang bay mà không bắn chim đang đậu” (VII; 36). “Khổng Tử hát với ai, ai hát hay thì bảo người ấy hát lại để mình cùng hát” (VII; 32). Ở thiên X, mô tả Khổng Tử giữ mình ở nhà, ở tôn miếu, triều đình như thế nào; ông nằm, ngồi, đi lại bằng xe ra sao, ăn gì và ăn như thế nào… Người đọc nhờ vậy mà thấy được toàn bộ hình vẻ nhân vật một cách cụ thể và nhiều mặt. Cả về phương diện này, Luận ngữ cũng là một tác phẩm văn học.

Nó không chỉ có nhân vật chính mà còn có cả cốt truyện – “những năm viễn du” của nhân vật. Bởi lẽ ở tất cả những người mà Khổng Tử gặp đều có tên gọi và không hiếm khi cả tính cách nữa, nên bức tranh không chỉ có tính nghệ thuật mà còn sống động, không chỉ sáng rõ mà còn cụ thể.

Tác phẩm này cũng có chủ đề của mình – sự tuyên truyền cho một chế độ xã hội lý tưởng theo cách nhìn Khổng giáo, sự ngợi ca con người hoàn thiện và nguyên tắc nhân tính. Nhưng tất cả những điều này được thể hiện bằng một cách thức đặc biệt – biểu dương cái hiện thực mà con người cần hướng tới, cái hiện thực đã được xác nhận bởi bức tranh về “thế kỷ vàng” với những nhân vật của nó (Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang Vương, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công).

Một số nhân vật trong số ấy ở một chừng mực nhất định là nhân vật lịch sử: Văn Vương – lãnh tụ của nước Chu đã tham gia cuộc chiến tranh Ân; Vũ Vương – con trai ông là người cầm quyền đầu tiên của vương triều Chu. Chu Công – người cầm quyền vương triều này nhân danh vị vua nhỏ tuổi Trang Vương, người kế tục Vũ Vương. Nghiêu, Thuấn, Vũ là những nhân vật của truyền thuyết lịch sử, nhưng được mô tả cụ thể. Hơn nữa, toàn bộ bức tranh “thế kỷ vàng” này cũng được mô tả cụ thể.

Trong “thế kỷ vàng”, những người cầm quyền chỉ cần xứng đáng còn xuất thân từ đâu cũng được. Vì thế, ngai vàng của vương triều cổ không được thừa kế mà được chuyển giao cho người cầm quyền cao tuổi và xứng đáng nhất. Thể thức này do Nghiêu, người cầm quyền đầu tiên của “thế kỷ vàng” xác lập. Luận ngữ dẫn ra những lời long trọng của ông: “Hỡi ông Thuấn! Mệnh Trời về tay ông. Cần giữ vững lấy với toàn bộ sự thành thực! Khi mà nước khốn khó thì lộc trời sẽ mất hẳn đấy”. Về sau “Thuấn lại truyền những lời này cho Vũ” (XX; 1).

Vũ là vua nhà Hạ - vương triều đầu tiên của lịch sử huyền thoại, và vương triều này tồn tại cho đến Kiệt Vương, một người cầm quyền đã vi phạm những lời di huấn của Nghiêu, Thuấn, Vũ. Và tất nhiên “mệnh trời” được truyền cho người khác. Đó là Thang Vương, người đã quật đổ Kiệt Vương và vương triều của ông ta rồi dựng trên đó vương triều Thương – về sau gọi là Ân. Luận ngữ dẫn những lời của Thang Vương: “Đứa tiểu tử mạo muội, dùng bò đực đen để tế lễ, mạo muội báo cáo với Đấng chí tôn rằng:

“Kẻ có tội (tức Vua Kiệt) tiểu tử không dám tha. Với kẻ tôi tớ của ngài trẫm không dám che giấu. Sự chọn lựa là ý của ngài. Nếu trẫm mắc tội, thì điều ấy không liên quan gì đến dân chúng muôn phương. Nếu dân chúng muôn phương có tội, thì riêng mình trẫm chịu hết” (XX; 1).

Những nét ấy vẽ nên hình ảnh của một nhà cầm quyền lý tưởng. Tiếp đó nói về thể chế của vương triều Chu: “Thời Chu định lại cái cân và đồ đo lương, hoàn chỉnh pháp định, khôi phục lại những chức vị, chính lệnh được thi hành khắp thiên hạ; phục hưng lại các nước chư hầu đã bị diệt, cho người tiếp nối các dòng họ đã đứt, đề bạt những người ẩn dật, vì vậy mà dân chúng trong thiên hạ quy phục. Điều được coi trọng nhất: Lương thực, Tang lễ, Tế tự” (XX). Những lời sau đây vang lên như là một kết luận chung.

Vì khoan hậu – nên được lòng người.

Vì thành thực – nên được trăm họ tín nhiệm.

Vì cần mẫn – nên được thành công.

Vì công bình – nên mọi người vui vẻ.

Luận ngữ như một tác phẩm văn học có kết cấu nội tại của mình. Để làm sáng tỏ nó thì phải phân tích toàn bộ tác phẩm. Ở đây chỉ giới hạn việc xem xét hai thủ pháp kết cấu: mào đầu và kết thúc.


Khổng Tử dạy học

Dĩ nhiên mào đầu và kết thúc bị quy định bởi chủ đề chung của tác phẩm. Chủ đề này, như chúng ta đã thấy là xã hội lý tưởng của loài người; nó được xem như kết quả của công việc lớn lao của con người, công việc đối với chính mình trước hết và công việc sau đó đối với xã hội. Như vậy công việc đối với chính mình là khởi đầu cho tất cả. Và Luận ngữ đã mở đầu bằng yêu cầu đối với con người. “Học và bằng mọi cách tập nhận thức” – Học nhi thời tập chi (I, 1).

Yêu cầu này làm nên cái mào đầu của kết cấu Luận ngữ. Rồi sau khi đã chỉ rõ con đường học tập như thế nào, phác họa một xã hội cần có, rồi đưa ra phần kết thúc với một công thức dứt khoát về xã hội này: “Tử Trương hỏi Khổng Tử:

- Cần điều hành quốc gia như thế nào?

Khổng Tử đáp:

- Phải trọng năm điều tốt và loại trừ bốn điều xấu thì điều hành quốc gia được.

Tử Trương lại hỏi:

- Năm điều tốt là gì vậy?

Khổng Tử đáp: Người quân tử ban ân huệ (cho dân) mà không hao tốn, khiến dân làm việc khó nhọc mà không oán, có lòng muốn mà không tham, thư thái mà không kiêu căng, uy nghiêm mà không dữ tợn.

Tử Trương lại hỏi:

- Thế nào là ban ân huệ cho dân mà không hao tốn?

Khổng Tử đáp: Nhân cái lợi của dân mà làm lợi cho dân. Đó không là ban cái lợi cho dân mà không hao tốn là gì? Chọn việc làm và lúc nào đáng làm khiến cho dân làm, như vậy thì có ai oán? Muốn được điều nhân mà được điều nhân thì có gì là tham…

Tử Trương hỏi:

- Còn thế nào là bốn điều xấu?

Khổng Tử đáp: Không giáo hóa dân, để dân phạm tội rồi giết như vậy là tàn ngược. Không cắt đặt, răn bảo trước mà muốn có thành tích, như vậy là hung bạo. Khi ra lệnh không bảo là cấp bách rồi đột nhiên bắt dân phải làm xong trong một kỳ hạn gấp, như vậy là hại dân. Khi cho dân cái gì mà còn so đo bủn xỉn với dân, như vậy là có thói nhỏ nhen của viên chức thấp”.

Những lời cuối cùng của Luận ngữ dẫu sao cũng chưa phải chỉ như vậy: “Không biết Mệnh trời (tức tiến trình chung của sự vật) thì không phải là người quân tử, không biết lễ (những quy tắc xã hội) thì không biết cách đi đứng ở đời; không biết lời nói (cái mà người ta dùng để trình bày tư tưởng, tình cảm của mình) thì không biết người (XX; 3).

Vậy là phần kết thúc cũng được xem gần như phần mào đầu.

Bây giờ ta hãy hình dung tiến trình của tư tưởng xã hội một cách khác, không phải là tuần hoàn.

Luận đề khởi điểm trong Luận ngữ là: sự không hài lòng đối với tình trạng xã hội – sự hằn thù, chiến tranh, sự đói nghèo của dân chúng, mà mục đích tối hậu là tìm lối thoát ra khỏi tình trạng này.

Để xác định con đường có thể đi tới việc thủ tiêu tất cả những cái này, cần xác định nguyên cớ của chúng. Khổng Tử thấy nó ở sự chưa hoàn thiện của cá nhân con người, mà vì thế mà của toàn bộ xã hội. Thành thử, đối với ông, con đường để đạt đến một trạng thái xã hội cần thiết phải thông qua việc nâng cao phẩm chất của chính con người.

Có thể làm tăng phẩm chất tốt đẹp của nó bằng cách dựa vào tính nhân trong con người, dựa vào chính bản chất tự nhiên của nó. Phương tiện nâng cao trong mọi người phẩm chất nhân tính của họ, đấy là văn – giáo dục, giáo hóa, văn hóa tinh thần và đạo đức cao. Mà bởi vì tính nhân trong bản chất con người là yếu tố tích cực được thể hiện trong hành động, trong công việc, nên văn hóa tinh thần là cái do hoạt động của bản thân con người sáng tạo nên. Đạo của Khổng Tử chính là như vậy.

TRỊNH BÁ ĐĨNH (dịch)


(*)

Ở đây tôi chỉ dịch phần N.Konrad viết về Luận ngữ. Những đoạn trích Luận ngữ N.K. không nói rõ là ông căn cứ theo bản nào. Khi dịch, tôi có tham khảo bản dịch L.N của Nguyễn Hiến Lê và đôi chỗ mượn cách dịch của ông. Đầu đề là của người dịch đặt tạm.

N.I.KONRAD