Ly hôn văn minh

Theo Tổ chức Liên Hiệp Quốc, hiện nay ly hôn là vấn đề toàn cầu, ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước châu Á. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ ly hôn tăng cao, theo ngành Tòa án thống kê, tỷ lệ ly hôn năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, án ly hôn tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là ở các gia đình trẻ, đã đến mức báo động và đặc biệt là những vụ ly hôn ở tuổi xế chiều cũng xuất hiện nhiều hơn.

KHÔNG ĂN ĐẠP ĐỔ?

Ngạn ngữ pháp có câu: “Một cuộc ly hôn tốt còn hơn một cuộc hôn nhân xấu”. Đó là khi hai người trong cuộc chia tay, là giải thoát cho mình và cho người kia khỏi cuộc sống chung đôi tù túng, không tình yêu, không hạnh phúc hoặc là triền miên trong lục đục, hành hạ nhau bằng nhiều cách.

Ly hôn là lúc giải quyết được vấn đề, chấm dứt những mâu thuẫn, oán hờn để cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhàng hơn, có chất lượng hơn. Thế nhưng, tâm lý “không ăn đạp đổ” của rất nhiều người trong cảnh ly hôn đã làm cuộc sống sau ly hôn càng tồi tệ hơn. Nhiều người muốn rằng, người chồng cũ hay vợ cũ không mang được hạnh phúc cho mình thì cũng không được mang hạnh phúc cho người nào khác, họ muốn người ấy tiếp tục đau khổ, không được hưởng một niềm vui sống nào.

Suốt thời kỳ “trước ly hôn” họ đã dằn vặt, bạo hành nhau chưa đủ, khi ra tòa còn tiếp tục mạt sát nhau. Khi đường ai nấy đi họ vẫn đeo bám và quyết tước hết mọi niềm vui của người kia thì mới hả dạ. Như tiếp tục kiện tụng, tranh giành tài sản, con cái, nói xấu, không cho con gặp mặt, đến nhà mắng nhiếc và nhiều người vẫn tiếp tục “phá đám” như ghen tuông, đánh đập, tạt acid người cũ khi thấy họ có “mầm mống” một hạnh phúc mới.

CHIA TAY VĂN MINH

Một lần về thăm quê, một ngôi làng heo hút tận miền Trung, nép mình bên dãy Trường Sơn, tôi tình cờ được dự một đám cưới của một đôi bạn trẻ. Cô dâu có cha mẹ ly hôn từ khi cô còn rất nhỏ, giờ đã là một cô giáo trung học. Nhưng nay đám cưới cô có đủ cả cha ruột và người vợ sau của ông, mẹ ruột và người cha dượng. Hai cặp cha mẹ ấy cùng nhau tổ chức, lo lắng, góp công góp của và đứng ra đại diện đón nhà trai và rõ ràng cô dâu rất mãn nguyện trước sự kiện đó. Để ý hai đôi cha mẹ ấy, thấy họ trò chuyện thân mật, nhìn thẳng vào mặt nhau cười vui tôi biết rằng không phải họ “màu mè” vào lúc này.


Ảnh minh họa.

Thăm dò thêm, tôi biết rằng từ bao nhiêu năm nay họ vẫn xem nhau như bạn bè, không oán hờn gì nhau mà cùng lo cho con chung, dù ai cũng có thêm con riêng. Lạ một điều, đó không phải là những người học hành cao, chỉ là những nông dân chất phác, ở một vùng quê xa các đô thị lớn… Rồi tôi không thể không liên tưởng đến những “nhà này nhà nọ” tôi quen ở TP. HCM, họ tổ chức đám cưới cho con trong những nhà hàng sang trọng, đến dự ngày vui của con nhưng không thực sự “hợp tác” với nhau mà vẫn làm mặt lạnh, thù ghét nhau không giấu nổi, khiến đôi trẻ vẫn như côi cút, tự dắt nhau lủi thủi đi chào khách.

Chị H. ly hôn đã gần chục năm nhưng chị không suy sụp như mọi người tưởng, trái lại trông chị thanh thản hơn. Chẳng may lấy phải người chồng có bệnh “trăng hoa mãn tính” nên chị cũng một thời ghen dữ dội, đi rình, đánh ghen… khiến gia đình chị thường xuyên lục đục. Thế nhưng, một khi ra tòa ly hôn người chồng vẫn tỏ ra “hào hoa”, để lại nhà cửa cho vợ con, chu cấp cho con đầy đủ, còn chị vẫn nhắc nhở con đến thăm cha, chăm sóc khi cha đau ốm, tặng quà nhân “Ngày của Cha”.

Rõ ràng cuộc sống của họ êm dịu hơn trước đây. Các con họ cũng cảm thấy ít mất mát, chúng có đủ mẹ cha khi cần, cha mẹ chúng ở riêng chứ không phải là “tan đàn xẻ nghé”… Còn chuyện ly hôn của một nữ bác sĩ nổi tiếng ở TP. HCM từ lâu đến nay còn được nhiều người nhắc đến, như một điển hình của một cuộc ly hôn văn minh. Cô con gái của họ, nay cũng là một bác sĩ giỏi kể lại: “Chị em tôi lúc ấy không biết ba mẹ chia tay, vì ba vẫn về nhà chăm sóc, chơi đùa với chị em tôi; ba mẹ vẫn cư xử, nói năng với nhau bình thường, trân trọng”.

Thật ra cách cư xử đẹp đầy tình người này không hề là chuyện lạ ở những nước văn minh. Chẳng hạn Tom Hank, diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ khi nghe vợ cũ bị tai nạn, anh ta bỏ hết mọi việc bay qua nhà vợ cũ để chăm sóc. Hay Demi More, cũng là một ngôi sao điện ảnh, khi có hợp đồng đóng phim thì hai người đàn ông, một ông chồng mới và chồng cũ, cha của ba đứa trẻ cùng hợp tác để chăm sóc chúng. Có những gia đình khi ly hôn xong, ai cũng có chồng mới, vợ mới và con mới, nhưng họ vẫn thăm viếng nhau, giúp đỡ nhau khi cần, vẫn rủ nhau đi chơi chung, đi picnic, đi cắm trại như hai gia đình là bạn bè thân thiết.

Khi đang yêu, đang sống trong hạnh phúc ai cũng muốn chứng tỏ mình là người tốt, nhân hậu, tử tế… Nhưng bộ mặt thật chỉ được thấy rõ khi họ không còn yêu nhau nữa, không thể sống với nhau nữa. Người nào còn muốn vợ cũ, chồng cũ của mình được tiếp tục vui sống thì đó mới chính là người có “đẳng cấp” văn minh cao nhất…

THÚY ÁI