Xin nói ngay rằng: Có đấy! người ta tạc chữ to tướng, sơn đỏ hẳn hoi! Trước năm 1991, vị trí ấy có vài cây mít tỏa bóng mát. Ban đầu mấy bà mấy chị gánh rau, quẩy hàng tạp thường dừng nghỉ, dần dần hình thành một cái chợ tự nhiên.
Sau khi tỉnh Lào Cai tái lập, đường phố tỉnh lỵ được xây dựng rộng dài, tất nhiên mấy cây mít bị đốn ngã cùng chung số phận với mấy cây gạo cao vút trời và rực đỏ màu hoa đã thành biểu tượng của thị xã Lào Cai (sau năm 1991 mới viết là Lào Cai).
Chợ Gốc Mít thuộc địa phận phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) vẫn là tên gọi dân dã thân thương của người dân dù chợ họp 2 bên vỉa hè đường Nguyễn Du. Sau đó chợ được xây dựng khang trang bên đường Lý Công Uẩn. Tháng 7/2007 khi vừa hoàn thành, lãnh đạo tỉnh đã cho Hội Văn học Nghệ thuật đăng cai triển lãm tranh, tượng của giới hội họa các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau cuộc triển lãm, tên chợ được tạc lên.
Nhìn tên Chợ Nguyễn Du như là trêu ngươi, như là xúc phạm nên nhiều người dân bàn luận và lên tiếng phản đối nhưng dư luận chẳng động đến lông chân ai. Có người lên tiếng bằng giấy mực đăng báo chí địa phương hẳn hoi cũng không ai động lòng. Một tiếng nói bay tới Hội đồng nhân dân phường Kim Tân. Chắc hẳn người viết thư kém hiểu biết nên đích thân ông Chủ tịch Hội đồng viết một bức công văn giải thích cho tác giả bức thư nọ hiểu rằng, Chợ Nguyễn Du bên đường Lý Công Uẩn là tên dự án đã được đóng triện.
Cùng bức thư đó của tác giả nọ cũng đồng gửi tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo thành phố Lào Cai nghiên cứu nhưng lãnh đạo bận trăm công ngàn việc, chẳng ai hơi đâu để ý cái chuyện vặt vãnh của mấy anh văn nghệ sĩ xóm rởm đời và mấy cụ hưu trí thích nổi máu om sòm. Vậy nên, tuy Ban quản lý dự án đã giải thể sau khi chợ được xây xong, nhưng đại thi hào Nguyễn Du vẫn là “niềm tự hào” của mấy người “phát kiến vĩ đại” đặt tên cho chợ và mặc cho người dân cứ tự gọi theo tên dân dã: Chợ Gốc Mít! Và dòng chữ tạc nổi CHỢ NGUYỄN DU vẫn nghiễm nhiên đỏ chói chọc vào mắt mọi người vào chợ hoặc qua đường.
*
Thưa Mã Tiên Sinh
Nếu như cái Chợ Gốc Mít – Nguyễn Du ấy mà thành siêu thị mười tầng hiện đại mang tên Nguyễn Du thì tiên sinh có chịu không? Hay mình cho không nên mang tên đại thi hào ra chợ? Nguyễn Du có coi đồng tiền ra cái gì đâu: “nê thổ kim tiền” (tiền như bùn đất). Nhà Nho mà. Trung Quốc có lẽ cũng vì lẽ đó nên không đặt tên đường (tên chợ) bằng tên người. Thôi thì dù sao họ cũng còn nhớ đến Nguyễn Du, thế là may cho văn học rồi Tiên Sinh ạ.
Ngọc Tỉnh