Cháu Nhung về. Ông tiến sĩ về thăm mẹ!
Tin đó lan nhanh cả làng Ngọc. Bà Hoa ôm chặt lấy cậu con trai như ngày nào nó còn bé bỏng. Bà vui mừng. Miệng bà cười mà hai má bà ròng ròng nước mắt. Bà thắp hai nén hương cắm vào bát hương trên bàn thờ. Bàn thờ không có ảnh. Chỉ có tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Bà Hoa chắp hai tay kính cẩn lầm rầm khấn vái. Bà báo với người đã khuất rằng đứa con trai đi xa đã về.
Đêm khuya, bà mở khung kính ra. Bà trân trân nhìn vào hai tấm ảnh khổ 3x4, đặt phía sau tấm bằng. Màu ảnh đã ố vàng. Đó là ảnh hai anh bộ đội ngồi sát bên nhau – Việc này đã mấy chục năm nay chỉ có riêng bà biết. Tay bà run run. Mắt bà nhòa đi. Bà cúi mặt xuống. Bà không dám nhìn vào hai tấm ảnh. Bà cảm thấy bốn con mắt đều dõi thẳng vào bà. Các ánh mắt ngời ngợi ấy như dò hỏi, như căn vặn, như trách móc bà... Bà rùng mình. Bà cảm nhận rằng dù đứng về phía nào, bà cũng là người có lỗi. Biết bao lần bà đã khấu đầu trước bàn thờ, khấn vái xin các anh đại xá… Khói hương bay lên. Mùi hương phảng phất mơ hồ làm cho bà lâng lâng như mơ, như tỉnh. Nó gợi bà nhớ về chuyện ngày nào...
***
... Ngày ấy ở làng Ngọc này có bốn cô gái chơi thân với nhau: Hoa nụ (bầu bạn gọi vậy vì trông cô mượt mà như nụ hồng nhung buổi sớm), Phúc son (vì có đôi môi lúc nào cũng mọng lên như đánh son), Thành điệu (vì ăn mặc chải chuốt, dáng vẻ điệu đà) và Hạnh tóc quăn (vì có mái tóc quăn tự nhiên). Họ cùng học với nhau ở một lớp trong cái trường có tiếng ở bên hồ. Lớn lên, cùng trở thành vợ của lính. Thời chiến, các anh đều vào chiến trường xa. Ở nhà, họ như bốn chị em gái gắn bó với nhau chia sẻ nỗi niềm thiếu thốn tình cảm.
Rồi một ngày kia, cả bốn cô đều nhìn thấy người Hoa nụ có sự khang khác. Nước da nõn nà trở nên xanh bợt. Đôi lông mày lá liễu đẹp thế, mượt thế nay dựng lên. Cái cổ kiêu ba ngấn của Hoa như ngẳng ra nhìn rõ cả thóp thở. Rồi Hoa ốm vặt. Trong trò chuyện với bạn, hình như Hoa đang giấu kín một điều gì... Hạnh tóc quăn vặn hỏi, Hoa chỉ khóc. Mãi sau cô mới kể hết ngọn ngành. Hạnh ngồi lặng. Hôm sau, cô bàn với các bạn: “Tình cảnh Hoa nụ đáng thương hơn là đáng trách…”. Lặng đi một lát, cô nói tiếp:
- Thời buổi này, chúng mình cùng cảnh phải thương lấy nhau, đùm bọc lấy nhau. Rồi ai đã dám chắc nắm tay qua ngày. Mẹ tao thường rào gần đón xa con gái khôn ba năm dại một giờ. Đằng này Hoa nụ lại có cái đáng thương riêng.
- Ừ – Phúc son đưa lưỡi khẽ chạm vào làn môi mọng đỏ – Giá như đặt tao vào hoàn cảnh đó, cũng khó... Thời chiến ấy mà, chúng mày ạ!
… Vào dạo tháng 12 năm ấy, B-52 rải thảm bom xuống Đông Anh, Yên Viên, xuống phố Khâm Thiên, đánh sập ga Hàng Cỏ. Đêm nào đất trời Hà Nội cũng chao đảo rung lên bần bật. Chớp đỏ, chớp xanh lòe sáng đầy trời. Mảnh bom đạn rơi rào rào như mưa đá trên mái nhà. Đạn ta bắn lên. “Rồng lửa” ta bay lên. Máy bay B-52 bị xé xác cháy rực như những đống lửa trên bầu trời đêm.
Khi Hoa trở dạ, Phúc son, Thành điệu, ông bà lang Du bế Hoa lên cáng. Ông lang Du cởi vội chiếc áo bông đang mặc ra trải rộng lót mặt cáng. Bà lang Du chạy về nhà vơ chiếc mền đắp lên người Hoa. Hạnh tóc quăn ôm chiếu trải lót sàn hầm. Xong cô chạy tắt lối xóm đến trường làng Yên. Cô vời chị hộ sinh của trạm xá mới sơ tán về đó. Hoa trằn trọc, đau đớn, kêu khóc trong tiếng bom rung. Bầu bạn chưa ai “qua cơn vượt cạn”, Phúc son, Thành điệu khóc nấc lên, thương Hoa lắm.

|
Minh họa: ĐINH DŨNG |
Tiếng bom dậy đất. Hầm kèo chữ A rung rinh. Đất rơi lả tả. Hạnh tóc quăn lấy tấm vải nhựa màu xanh căng che trần hầm. Đèn hoa kỳ vặn nhỏ ngọn, ánh sáng lung lay. Trong hầm một màu sáng vàng xanh mờ ảo, ốm yếu. Cái rét tháng chạp buốt đến xương. Gió mùa hun hút. Mưa dầm. Trong hầm kín ẩm, hôi hám. Thế nhưng lúc này sự sống chết chỉ cách nhau nháy mắt, lại chứng kiến cảnh Hoa đau đớn như thế này, không ai còn biết lạnh lẽo nữa… Cháu bé lọt lòng. Nó thiếu tháng. Èo ọt. Nhợt nhạt. Bà Du đặt nó lọt thỏm trong hai lòng bàn tay. Bà nâng lên trong tiếng thở phào nhẹ nhõm. Bà nói to như reo: “Thằng cu. Thằng cu. Chúng mày ơi!”. Bà vỗ nhẹ vào lưng nó vài cái. Đứa bé cất tiếng khóc oe oe chào đời. Bên ngoài tiếng loa vẫn giục người xuống hầm trú ẩn. Chị hộ sinh đội mũ rơm chạy len lỏi băng vườn. Đến nơi, chị sờ bên hông thì túi đồ nghề đã rơi mất lúc chị bị ngã. Không có dao để cắt rốn cho cháu bé. Phúc son lao vào nhà bấm đèn pin. Mặt gương đèn đã được che kín. Ánh sáng rọi ra chỉ bằng đồng xu. Cô loay hoay mới vớ được con dao tỉa hoa. Thành điệu tìm phích nước nóng để rửa dao. Nhưng phích đã vỡ vì bom rung chuyển. Bí quá, ông lang Du đội mũ rơm ngồi ở cửa hầm lau con dao vào áo. Rồi, Phúc son cầm lấy đưa lưỡi dao lên miệng ngậm một lát. Cô nghĩ rằng nước bọt cũng có thể làm sạch được lưỡi dao hoặc ít ra cũng diệt bớt vi trùng. Vì khi cắt hoa bị đứt tay, cô đã ngậm ngón tay vào miệng đó sao. Chị hộ sinh cởi chiếc áo đang mặc lau cho cháu bé. Chị gọi Hạnh tóc quăn đến. Chị chỉ tay vào ngực Hạnh. Hạnh ngơ ngác. Chị nói: “Cô cởi xu chiêng ra đưa cho tôi!”. Hạnh vẫn không hiểu. “Nhanh lên. Để quấn thêm vào giữ chặt rốn cho nó”. Đôi mắt cháu bé ti hí. Nó nhìn ánh đèn...
Chớp lửa lại lóe đỏ liên hồi. Trời đêm sáng rực. Một thứ ánh sáng chấp chới, ma quái. Ba loạt bom nối nhau nổ rền ở phía nam thành phố. Hầm kèo lại rung lên chao đảo như võng đưa. Hạnh tóc quăn ngồi quay lưng ra che cửa hầm. Loa phòng không của thành phố nói đứt quãng: “Đồng bào chú ý… Máy bay B-52 đã rải bom hủy diệt bệnh viện Bạch Mai và vùng phụ cận. Lực lượng phòng không và không quân ta đang đánh trả quyết liệt… Đồng bào bình tĩnh xuống hầm trú ẩn...”.
Đêm 30 tháng 12, một đêm yên ả, tĩnh mịch đến lạ lùng. Sự tĩnh mịch làm cho giá lạnh như sắt se hơn. Tiếng khóc của cháu bé nghe như to hơn, vang hơn. Tiếng bom đạn đã im bặt. Kẻ gieo chết chóc đã thua.
Buổi sáng Hoa bế con lên cửa hầm. Ánh nắng mùa đông hanh vàng nhưng Hoa cảm thấy chói chang lắm, lóa mắt. Lúc ấy Hoa mới nhìn rõ mặt con. Ôi đứa con trai của mẹ. Mẹ đã chịu trăm cơ nghìn cực. Mẹ đã đổi cả cuộc đời của mẹ để có con. Buổi sáng ấy bầu trời xanh ngắt. Không khí lạnh giá nhưng trong suốt. Ai cũng hít thở cho đầy lồng ngực, bõ những ngày nằm trong hầm ẩm tối và đầy lo âu. Lúc đó người cả thành phố lũ lượt đổ về làng Ngọc. Người đông nghìn nghịt. Họ đứng vây quanh cái ao trước đền thờ ông “Tiến sĩ Thành hoàng làng”. Nơi đó máy bay B52 đã đâm đầu xuống chìm nghỉm trong bùn đen. Cái đuôi nhô lên như một cánh tay chới với. Tiếng reo vui mừng chiến thắng vang dậy. Những luống hoa hồng, hoa thược dược trong các vườn làng Ngọc vào cữ Tết, nửa tháng nay không có người chăm tưới thế mà vẫn đơm nụ, xanh chồi.
Hoa đã đặt chữ đệm cho tên con trai là Mai – Hoàng Mai Nhung – Vì chữ Mai là họ của “người đó”. Tên anh là Mai Hùng.
... Rồi nắng mưa, năm tháng trăm chuyện bộn bề. Ai cũng tần tảo lo toan cho cuộc sống thời chiến phải giật gấu vá vai. Ai cũng trăn trở tới chuyện người mất còn ở chiến trường, chuyện vật lộn với công việc hàng ngày, chuyện tem phiếu, chuyện xếp hàng giành giật nhau mua cân gạo, lạng thịt, que củi, mớ rau... Những chuyện đó làm nhạt nhòa dần các điều vụn vặt riêng tư. Nhưng nỗi đau của Hoa, thì cứ như nút dây thừng xoắn xiết từng khúc ruột mỗi khi cô nhớ lại...
... Hoa với Hoàng Nhu lớn lên từ làng Ngọc, là bạn học cùng trường. Họ thân nhau. Rồi yêu nhau. Cảm giác hạnh phúc, hương vị nồng nàn ngọt ngào của tình yêu thời chiến chỉ được hưởng gần tháng thì Hoa tiễn chồng ra trận. Cô cũng xin vào làm công nhân nhà máy thuốc lá Thăng Long. Thế rồi tháng 4 năm 1971, tin từ mặt trận Đường 9 - Nam Lào về: “Dũng sĩ Hoàng Nhu đã hy sinh trên cao điểm 500”.
Một hôm, Hoa nhận được thư của người cùng đơn vị với chồng. Người đó đã ra Bắc đang điều dưỡng vết thương. Anh mời cô đến trạm thương binh nhận tư trang của chồng để lại. Đến nơi, Hoa mới nhận ra người nhắn tin cho cô chẳng phải ai xa lạ. Đó là Mai Hùng. Hùng ở làng Yên kề bên làng Ngọc. Cả ba người là bạn học với nhau.
Hoa ngồi vừa lau nước mắt vừa nghe Hùng kể lại những chuyện về Nhu: “Vào chiến trường, tớ và Nhu ở cùng Trung đội. Nhu ở tiểu độ một, tớ ở tiểu đội ba. Chúng tớ thân nhau lắm. Lính cậu Hà Nội mà. Phong lương khô chúng tớ cũng bẻ đôi chia nhau – Giọng Hùng sôi nổi, cười nói ào ào, vô tư, như ngày cậu ta đá cầu, đá bóng ở sân trường – Lá thư nào ở nhà gửi vào chúng tớ cũng đưa cho nhau đọc. Chúng tớ không giấu nhau điều gì. Nhiều lúc Nhu nhớ cậu, thương cậu, hoặc sau đêm hành quân nằm mơ gặp cậu, nói với nhau điều gì trong mơ, sáng sớm Nhu tìm tớ tâm sự ngay. Những lời cậu dặn dò, Nhu cũng không giấu tớ. Lính chúng tớ là thế mà. Thỉnh thoảng Nhu lại lấy ảnh của cậu ra xem. Nhu cứ hôn vào ảnh...”. Một lúc sau, Hùng nói tiếp: “Sau Tết năm ấy, đơn vị chúng tớ được lệnh diệt bọn “Cọp đen” vừa đổ xuống cao điểm 500. Chúng định phá đường ống dẫn dầu và chặn đường ta chi viện vào chiến trường. Trung đội chúng tớ nằm trong đội hình chủ công đánh vào cửa mở. “Cọp đen” bắn ra như đổ đạn. Đạn M-79 rào thành một tuyến lửa. Nhu ném liền hai quả lựu đạn rồi cắp AK xông lên. Bọn “Cọp đen” bâu về phía ấy. Các mũi xung kích của ta tràn vào. Nhu bị nhiều vết đạn. Khi đồng đội đưa ra, Nhu nói thều thào: “Hùng tiểu đội 3 đưa giúp tư trang của tôi về cho... Hoa...”. Lúc đó tớ cũng đã bị thương. Mảnh đạn cối phạt đứt phăng chân phải. Cánh tay đây – Hùng đưa cánh tay phải ra – bị cháy bỏng. Bàn tay bị đạn xuyên. Khi anh em chuyển tớ về phía sau, họ chuyển cả tư trang của Nhu và nhắc lại lời dặn ấy”.
Nói đến đó Hùng khóc nấc lên... Hoa không cầm lòng được nữa. Cô khóc tức tưởi. Rồi như không làm chủ mình được nữa, cô ôm chặt lấy Hùng, cô gục đầu vào ngực Hùng thổn thức. Nước mắt Hoa nóng hổi thấm ướt ngực áo Hùng. Hùng khẽ đỡ Hoa ra. Hoa ngỡ ngàng như vừa tỉnh cơn mê. Hoa e thẹn, lúng túng. Hai má cô đỏ ửng. Cô đưa ống tay áo lên thấm nước mắt, nói lảng: “Cám ơn Hùng nhiều lắm. Chủ nhật sau Hoa lại đến thăm Hùng”. Hoa cầm chặt lấy bàn tay Hùng. Bàn tay rộp bỏng, sần sùi vì vết đạn.
Rồi ngày chủ nhật, và những chủ nhật nối tiếp, Hoa đều đến thăm Hùng.
Và cơ sự xảy ra… Hoa bàng hoàng khi biết mình có mang với Hùng. Khi cô báo cho anh biết, Hùng đứng bật dậy trên cái chân còn lại. Anh mừng rỡ: “Đó là món quà vô giá của số phận đã ban tặng cho chúng ta, gắn kết chúng ta lại với nhau. Ôi! Con của chúng ta. Anh sẽ về với con. Anh sẽ về với Hoa...!”.
Mai Hùng lắp chân giả. Anh miệt mài tập đi. Anh tính tháng, tính ngày con anh ra đời, anh sẽ về thăm nó. Hùng chi tiêu dè xẻn, anh dành dụm tiền phụ cấp thương tật. Anh lo mua đường, mua sữa, mua sắm cả áo trẻ sơ sinh cho con. Anh gửi mua tam thất, mua thuốc bổ cho Hoa. Hùng gói tròn, buộc chặt thứ nào ra thứ ấy để đầy ba lô cóc. Hùng đạp xe đi trong đêm. Gần đến cửa bệnh viện Bạch Mai, Hùng gặp trận bom B-52 dội xuống...
Đứa con trong bụng Hoa như cảm thương nỗi đau và sự bất hạnh của mẹ nó. Nó đã quẫy đạp dữ dội và ra đời thiếu tháng.
… Nghỉ với con hơn tháng thì Hoa đạp xe đi làm. Thời đó các bà mẹ sinh con chỉ được nghỉ hai tháng cả trước và sau khi sinh. Lương công nhân của Hoa chỉ vẻn vẹn 36 đồng. Phúc son làm ở nhà máy cao su lương có cao hơn chút đỉnh cũng chỉ 45 đồng. Hoa nụ, Phúc son, Hạnh tóc quăn thường đạp xe đi làm với nhau vì ba nhà máy cùng ở khu Cao – Xà – Lá. Phúc son ái ngại cho cuộc sống của mẹ con Hoa. Cái xe đạp hỏng cũng không đủ tiền để sửa. Đôi pê đan hư đã rời rụng cao su. Hai cái lõi mòn nhọn như dùi cũng phải để chân lên mà đạp. Phúc son dàn xếp: “Lương đằng ấy ít hơn nên việc bơm vá, sửa xe tớ sẽ hỗ trợ”. Hôm công đoàn bình xét phân phối cho cái lốp xe đạp loại hai, Phúc son cũng nhường cho Hoa. Thành điệu làm công nhân nhà máy gạch Đại La được mua bao xi măng hạ giá, trăm gạch phế phẩm cũng gọi Hoa nụ đến lấy về xây cái bể hứng nước mưa tắm cho con. Còn cái khoản xà phòng giặt giũ thì Hạnh tóc quăn kham cho hết. Cô mua lại tiêu chuẩn của anh chị em cùng ca để bao cấp cho Hoa. Hôm bé Nhung đái dầm, Hạnh tóc quăn thay tã cho nó, cô mới biết tã đều là những mảnh màn cũ, áo rách can nối lại. Ngay tối đó, Hạnh gọi Phúc son, Thành điệu sang bàn: “Chúng mày ạ. Đợt này ta phải góp phiếu vải lại để mua chung vải sô đi thôi. Vì nếu khéo lựa chiều cắt thì ta có thể để dôi ra được vài ba mét đấy. Số còn lại để Hoa làm tã lót cho con nó. Khổ quá. Tao thấy nó phải lấy màn rách, áo cũ khâu vá lại làm tã đấy. Tao thương thằng bé quá”.
Cứ đầu mỗi tháng, sau giờ tan ca, Hạnh tóc quăn lại ghé vào chợ Xanh, rồi cô đạp vội xe về đưa cho Hoa cái gói giấy báo. Hạnh nói: “Hai lạng phiếu thịt tiêu chuẩn tháng này tao chen ngang mới mua được bốn lạng sườn. Mày hầm lấy nước nấu cháo cho nó ăn”. Hoa ôm lấy bạn mà khóc: “Mày mua thịt ăn để có sức đạp xe đi làm chứ”. “Ối dào, ngày hai nắm mì luộc, tao vẫn cứ béo quay. Tóc tao vẫn quăn tít. Mày đừng lo cho tao” - Hạnh cười vô tư. Cô nói tiếp với Hoa: “Chúng tao hỗ trợ mày. Mày gắng sức mà nuôi nó. Sau này may ra nó có trở thành người làm chứng lịch sử thì chúng tao cũng được thơm lây. Mày ơi, người ta ăn nhau cái hậu vận đấy mày ạ...”.
Mỗi lần đạp xe đi làm với nhau, Hoa nụ, Phúc son, Hạnh tóc quăn cứ quanh quẩn bàn thảo chuyện chi tiêu. Hạnh tóc quăn nhờ Phúc son xếp hàng đặt sổ mua gạo. Hoa nụ hỏi Hạnh cắt ô nào trong bìa gia đình thì được mua thêm cá biển, cửa hàng dầu nào vắng để lúc tan ca vào xếp hàng mua... Có bữa Hoa nhờ Phúc son bán tam phiếu cả tháng đi mới lo được cho con thêm lạng đường trắng, lạng thịt thăn.
Cứ thế bé Nhung lớn lên trong sự đùm bọc chở che của bè bạn, xóm làng…
Những chiều ngồi ăn cơm với mẹ, Nhung thường thấy mẹ cầm đũa ngồi im, nhìn Nhung. Nét mặt mẹ lặng buồn. Rồi đôi mắt thâm quầng nhòe ướt của mẹ nhìn vào khoảng không xa xôi. Học hết bậc phổ thông, Nhung được xếp vào diện chính sách ưu tiên. Nhà nước cho Nhung đi du học.
***
… Cụ lang Du cứ say mê ngắm dáng đi, nước bước, nét mặt, nụ cười của Nhung. Ánh mắt từng trải của cụ như đã hình dung ra được điều gì sâu xa, thú vị... Cụ gật gù cười. Khuôn mặt nhân hậu của cụ tỏa rạng sự nồng ấm. Cụ hỏi Nhung: “Cháu đã sang làng Yên chưa?” - “ Thưa cụ. Cháu đi cùng mẹ cháu lên thắp hương khấn báo với tổ tiên rồi ạ! Cháu cũng đã sang nhà thờ họ Hoàng thắp hương và tiến cúng bộ lư hương đồng rồi cụ ạ!” - “Ừ thế là phải. Cháu ơi người làng Ngọc ta ở đất Hà thành thanh lịch vốn có hiếu nghĩa từ xưa là thế...”.
Nhung mở túi lấy quà biếu cụ lang Du hộp thuốc bổ, hộp chè ngon. Nhung biếu bà Phúc, bà Hạnh, bà Thành tấm khăn len trùm đầu, chiếc áo ấm, tấm vải hoa. Bàn tay bà Hạnh, bàn tay đã từng chăm bẵm Nhung, quấn tã cho Nhung ngày nào cứ vuốt ve, vỗ về Nhung như ngày anh còn bé bỏng. Bà nói: “Cháu ạ, bõ cái ngày oe oe trong hầm kèo đêm B-52 năm ấy nhỉ”.
Bà Hoa rót chén nước nhân trần cho con uống, bà kể cho cậu nghe chuyện cụ lang Du tháng bảy vừa rồi, lặn lội xe tàu vào tận Tây Ninh tìm đến nghĩa trang liệt sĩ thăm mộ anh con trai cả.. Nhung ngồi nghe mẹ nói. Nét mặt anh trầm ngâm thoáng vẻ buồn kín đáo như ngày còn nhỏ. Anh nhìn lên phía bàn thờ. Anh nói: “Mẹ ạ, con sẽ đưa ra hiệu làm lại hai tấm ảnh ấy. Bây giờ kỹ thuật đã làm được ảnh cũ như mới đấy” . “Mẹ cũng nghĩ tới điều ấy. Nhưng nay con đã về...” - bà trả lời cậu con trai. Bà nói tiếp: “Vào dịp tháng 12 này, mẹ con mình làm càng có ý nghĩa hơn con ạ!”