Đám cưới của người Khmer ở Nam Bộ

Trần Phỏng Diều

Nam nữ người Khmer khi đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương. Họ không hề chịu bất cứ sự quy định nào từ phía gia đình hoặc xã hội. Về quan hệ huyết thống trong hôn nhân thì trừ anh em ruột không được lấy nhau, còn ngoài ra họ có thể kết hôn rộng rãi. Thậm chí, những gia đình giàu có còn khuyến khích họ hàng lấy nhau, để bảo vệ dòng họ và giữ gìn của cải không cho lọt ra ngoài.

Khi gia đình có con cái trưởng thành mà họ yêu nhau hoặc do mai mối, được cha mẹ đồng ý thì họ tiến hành làm lễ cưới, gọi là Apea Piea. Đám cưới được tiến hành theo ba giai đoạn:
 

Giai đoạn thứ nhất

Khi đã đồng ý cô gái nào thì nhà trai nhờ một, hai người có tuổi, hoạt bát thay mặt gia đình đến nhà gái để xin cưới hỏi.

Sau khi mai mối có kết quả, hai bên tiến hành tổ chức đám nói, gọi là Thngay Lơng Maha. Trước ngày đám nói, nhà trai phải báo cho nhà gái thời gian đến, số người đến để nhà gái chuẩn bị tiếp khách.

Khi đi đến nhà gái, nhà trai đem theo ít lễ vật để ra mắt và hỏi thăm sức khỏe nhau. Lễ vật gồm có bánh, trầu cau, trái cây… mỗi thứ phải đủ đôi. Cứ thế, nhà trai đến nhà gái đúng lần thứ ba họ mới định ngày tháng tổ chức lễ cưới[1]. Lần này, nhà trai dẫn chú rể đến trình diện, và nhà gái cũng đưa cô dâu ra mắt. Bên nhà gái làm cơm cúng tổ tiên, còn bên nhà trai tặng đồ kỷ niệm cho cô dâu như: quần áo, đôi bông và một số tiền, gọi là Chun Kâm Uất.

Giai đoạn thứ hai

Sáng sớm, nhà trai làm lễ, chuẩn bị đoàn để sang nhà gái. Dẫn đầu là ông Achar Pêlea (người hướng dẫn hôn lễ) và hai ông Maha (người mai mối, hiểu biết phong tục cưới), theo sau là các thanh niên nam nữ đội mâm đựng các lễ vật như: vịt luộc, đầu heo, mứt, rượu, bánh, trái cây, trầu cau, thuốc hút, trong đó quý nhất là buồng bông cau, gọi là Phka Sla (Bông cau còn trong bẹ được phủ tấm lụa hồng. Bông cau phải cắt theo nghi thức, chọn người biết cắt, dùng một loại dao riêng biệt, cắt để hình vòng cung như sừng trâu). Thường Phka Sla do người chị hoặc người cô của chú rể bưng. Đi theo đoàn, người ta còn tổ chức dàn nhạc đi theo phục vụ cho thêm phần sinh động.

Bên nhà gái khi biết đàng trai đến thì đóng cửa lại hoặc cài nhánh gai ở cổng để đàng trai không vào được. Khi nhà trai tới cổng, ông Achar Pêlea phải dùng gươm gỗ múa đủ ba điệu, gọi là múa mở cổng, nhà gái mới mở cổng, hoặc ông Achar Pêlea phải vạch nhánh gai để mở cổng cho đoàn nhà trai vào. Lễ cưới bắt đầu nhộn nhịp. Giàn nhạc nổi lên, những người đến dự cưới cùng hát:

Người ta nói ông vua
Không bao giờ đi bộ
Khi thì vua cưỡi ngựa
Khi thì vua cưỡi voi
Phải có quan theo hầu
Đằng sau rồi đằng trước
Nào khiêng, nào đưa rước
Rằng hết sức tưng bừng
Sấm vang nghe đùng đùng
Như nổi lên hát múa
Cho tới khi vua ngồi
Ới nàng theo hầu ơi.

Lời hát vui đã thúc giục mẹ cô dâu cùng cô con gái (nếu nhà không có con gái thì con trai thay thế) ra cửa đón nhà trai, mời nhà trai vào. Lúc chú rể bước đến cửa, em gái, hoặc em trai của cô dâu bưng thau nước ra rửa chân cho chú rể, sau đó bưng nước trà mời anh rể uống lấy thảo. Lúc đó, chú rể tặng một món quà nào đó cho em cô dâu, rồi mới được mời vào nhà. Sau đó, làm lễ cắt tóc cho cô dâu, chú rể tượng trưng cho sự làm đẹp, đưa chú rể đến vái ông Tà để ông Tà bên nhà gái nhận thêm thành viên mới của cộng đồng. Đoạn, tới “lễ cắt tóc”. Lễ này cũng diễn ra trong không gian đầy ắp âm thanh đầm ấm, thiết tha:

Bởi vì em yêu anh
Nên anh yêu em mãi
Muốn tình yêu chung thủy
Em cắt tóc tặng anh
Hỡi em yêu hiền lành
Mái tóc mềm đen nhánh
Anh mong điều may mắn
Trong chiếc kéo trên khay
Em hãy ngồi xuống đây
Dưới tàn cây so đũa
Mái tóc em buông xõa
Thay lời em yêu anh

Tối hôm đó, họ mời ông Lục đến tụng kinh chúc phúc cho đôi trai gái. Cô dâu chú rể mỗi người ngồi một nơi. Sau khi tụng kinh, người ta chọn bốn cặp nam nữ để gói bánh, trước cúng phật sau dâng cúng cha mẹ nhà gái, tượng trưng cho sự báo hiếu công ơn dưỡng dục sinh thành. Sau đó, hai ông Maha bên nhà trai và nhà gái bàn nhau chọn giờ lành để đưa cô dâu về nhà trai theo đúng tục lệ quy định.

Ngày thứ ba, sau khi lạy họ hàng xong, ông Achar Pêlea dẫn cô dâu chú rể đến bàn ông Thiên, ngồi xoay về hướng đông để chờ lấy giờ tốt. Đến khi mặt trời mọc, ông Achar Pêlea dẫn chú rể vào nhà ngồi xếp bằng ở nơi đã quy định, sau đó dẫn cô dâu ra ngồi chung một bên. Sau đó, ông Maha làm lễ, múa rải hoa cau lên người đôi trai gái và đường đi từ chỗ ngồi đến buồng tân hôn.


Lễ buộc chỉ cổ tay. Ảnh: T.P.D

Kế đến là lễ buộc chỉ cổ tay. Người ta dùng chỉ hồng buộc tay hai người, tượng trưng cho cuộc sống lứa đôi bền vững lâu dài. Họ đàng trai thường buộc tay phải của cô dâu, chú rể; còn họ đàng gái buộc tay trái. Mỗi lần buộc tay, người ta đều cho tiền cô dâu, chú rể, và mỗi khi buộc tay xong, cô dâu chú rể đều phải bái ba cái để tạ ơn người buộc tay. Buổi lễ được điểm xuyết bằng những âm thanh, tiết tấu và giai điệu du dương của bài hát “lễ cột tay”. Nhiều người đến chúc phúc, bài hát lại càng tha thiết với những lời hát cứ được lặp đi lặp lại:

Loại chim sáo thích ở rừng
Vui hát tưng bừng khi đậu cành cây
Mà cũng thích đó thích đây
Nhưng không thèm cám gạo xay sẵn rồi
Để anh đặt bẫy gài mồi
Ngay dưới tổ sáo, em ơi hãy chờ.

Sau lễ buộc tay, người ta cho cô dâu, chú rể vào buồng tân hôn. Cô dâu đi trước, chú rể theo sau nắm vạt áo cô dâu, theo truyền thuyết hoàng tử Thoông phải nắm vạt áo nàng công chúa Rắn đi xuống thủy cung vì hoàng tử là người trần tục không thể đi xuống nước được.

Khi cô dâu, chú rể vào phòng liền có một người già, khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu mang chiếc chiếu ra và hỏi: “Có ai chuộc chiếu không?”. Ai chuộc chiếu này sẽ có uy thế lớn và giàu có, đông con. Chàng rể đứng ra chuộc để trải cho vợ nằm.

Khi cuộc vui sắp tàn, người ta hát bài “Tiễn khách ra về”. Bài ca có nội dung như sau:

Ôi, những người lớn tuổi trong làng ta
Đã có mặt trong nhà phía sau rồi phía trước
Các ông đã ban cho ta lời chúc phúc
Mọi việc trên đời được suôn sẻ ấm êm
Anh đã cắt rau và buộc lại, em ơi
Rau anh đã cắt rồi buộc lại
Hãy tha thứ cho những gì còn non dại
Như cắt rồi buộc lại thì mọi việc sẽ xong.

Giai đoạn thứ ba

Tối đến, người ta tổ chức lễ chung mùng cho đôi vợ chồng mới. Nhà gái chọn hai phụ nữ đứng tuổi có con đông đúc và vợ chồng hòa thuận để trải chiếu cho cô dâu chú rể. Họ úp đôi chiếu mặt phủ vào nhau, mặt trái ở dưới. Kế đến họ dọn bánh trái, trà, cau, nhang đèn cúng tổ tiên rồi cho hai vợ chồng chia nhau ăn. Trong đó có việc đút chuối, chia nước dừa cho nhau để tạo nên một tình yêu đậm đà. Ăn xong, cô dâu chú rể đi vào mùng. Cô dâu đi trước, chú rể đi sau. Sau đó, hai người phụ nữ lớn tuổi dặn dò cô dâu, chú rể những điều cần thiết cho đêm tân hôn và khuyên bảo hai người phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau đến trọn đời.

Ba ngày sau đám cưới, cô dâu, chú rể sửa lễ đến chùa lạy Phật và cúng dường để cầu phúc. Sau đó, hai người sắm sửa trầu cau, bánh trái đi thăm hỏi bà con thân tộc hai họ để làm quen và tạo tình đoàn kết trong tộc họ.


1

Họ phải lựa 8 ngày tốt trong tháng: 7, 9, 10, 11, 17, 19, 24, 25.