Dõi theo hơn 400 trang sách chữ nhỏ, bên mạch chính là chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi, thỉnh thoảng chúng ta lại được nghe Thành và chị Tư Trà tâm sự những nỗi niềm hậu chiến.
Dù vậy, Nguyễn Hoàng vẫn là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm, được tác giả dày công xây dựng thành điển hình có chiều kích một lãnh tụ có tài đức, có tầm nhìn xa rộng. Tác giả cũng bám sát hành trình của Nguyễn Hoàng và các thuộc hạ từ khi đặt chân lên Ái Tử (1558) đến lúc ông qua đời (1613), thậm chí nhiều sự tích, tư liệu trong sử sách đã được đưa nguyên văn vào tiểu thuyết.
Thái Bá Lợi là một nhà văn cựu chiến binh từng có kinh nghiệm viết tiểu thuyết - năm 1983, tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai của anh đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; năm 2003, tiểu thuyết Trùng tu đoạt Giải A của Uỷ ban Toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật… Tôi có dịp cùng dự Trại Sáng tác tiểu thuyết với Thái Bá Lợi, được biết anh đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho tác phẩm này.
Chỉ riêng về đề tài, tác giả đã phải vượt những “chướng ngại” không nhỏ: Trước hết đó là nguồn tư liệu thiếu thốn hoặc không chính xác vì khác với những vua chúa của những triều đại “chính danh” thường được sử sách ghi chép kỹ càng, Nguyễn Hoàng ở vị thế một quan “trấn thủ” vùng đất mới khai phá, thậm chí là kẻ đào thoát khỏi vòng kềm toả của thế lực đương quyền, nên sử liệu về ông thiếu sót và thiên lệch là điều dễ hiểu; và gần đây thôi, như tác giả đã viết ở trang cuối sách, “một thời, người ta xoá tên ông khỏi những trường học, những công trình, những con đường mà người trước đặt ra để nhớ ơn ông…”; còn nữa, vùng đất “mở cõi” lại chứa đựng rất nhiều dấu ấn của người Chăm, quan hệ Việt-Chăm vốn là một vấn đề “nhạy cảm”…
Có thể là chính thái độ, cách ửng xử của Nguyễn Hoàng trước vấn đề “nhạy cảm” này là một “hướng” tiếp cận đề tài quan trọng của tác giả - nó là chuyện ngày xưa mà cũng là chuyện hôm nay của dân tộc và rộng ra là của của cả nhân loại: vấn đề hòa hợp giữa những con người, những vùng miền khác nhau về văn hoá, chính kiến, tôn giáo.
Nhân vật Thành - nhà nghiên cứu lịch sử, hóa thân của tác giả, lần theo bước chân của Nguyễn Hoàng, đồng thời đi theo chị Tư Trà tìm lại dấu tích của chồng, dần “ngộ” ra vấn đề hệ trọng này của dân tộc. Chị Tư Trà hóa ra còn có con với một sĩ quan “Việt Nam cộng hoà”, do chồng chị đi tập kết mãi không trở về. Và “cuộc đi” của chị hết trở về quê hương, đến chiến trường xưa rồi ra Hà Nội… Sau mấy chục năm đất nước thống nhất chỉ là để “tìm sự hoà hợp sau bao nhiêu chuyện nhiêu khê kia. Ngay các đứa con khác cha của chị, chị cũng không hiểu được chúng, không biết chúng có thực sự hòa hợp được với nhau không, dù bề ngoài chúng vẫn tử tế với nhau”.
Qua ngòi bút tác giả, Nguyễn Hoàng vĩ đại không chỉ vì có công mở rộng đất Việt mà vì ông biết tôn trọng những gốc rễ sâu xa của lịch sử, văn hoá một vùng “đất lạ” nên đã tập hợp được mọi nguồn lực đủ sức tạo dựng một “cõi” riêng, mở đầu giai đoạn hình thành Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Với một đề tài vừa phong phú vừa phức tạp như thời Nguyễn Hoàng mở cõi, với hơn bốn trăm trang sách, tác giả thật khó làm thoả mãn bạn đọc. Dù vậy, vẫn ước chi nhà văn đừng quá thận trọng theo sát bước chân cùng các sự kiện của đoàn quân mở cõi, mà dành nhiều trang hơn cho đời sống tâm lý nhân vật Nguyễn Hoàng trước những giằng xé của một con người khi phải hy sinh tình riêng, phải đối chọi với kẻ tham quyền như Trịnh Kiểm… - nói cách khác là mạnh dạn tưởng tượng, để sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật cho nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Hoàng tung hoành - thì có thể tác phẩm sẽ có nhiều trang hay như trong “Phần thứ năm” của tác phẩm và như thế, tiểu thuyết chắc sẽ có sức cuốn hút hơn nữa.
(*) | Tiểu thuyết lịch sử Minh Sư - Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi của Thái Bá Lợi, NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Phương Nam, 2010. |