Âm án của Hải Thượng Lãn Ông

TRẦN NHẬT THU

Trước danh y Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh - 1330), dưới thời Trần Dụ Tông, hầu hết các thầy thuốc Đông y ở nước ta vẫn làm thuốc theo các sách “Thần Nông bản thảo” và “Nội kinh Hoàng Đế” của người Trung Hoa để chữa bệnh cho thiên hạ. Bất kể con bệnh nào, dù có địa lý, phong tà, phong thổ khác nhau thì cứ y sách vở của họ mà làm. Chữa được bệnh thì gọi là thầy thuốc giỏi, còn người chết thì đổ tại vì “mệnh bạc mà chết yểu”!

Cho đến khi Tuệ Tĩnh với câu sấm truyền “Nam dược trị Nam nhân”, và chính ông hễ nghe đâu đó trong dân gian có cây nào chữa được bệnh tật, cũng không ngại đường sá xa xôi vất vả, cố tìm cho bằng được đem về trồng trong vườn nhà chùa. Đêm đêm ông chong đèn đọc sách thánh hiền, tìm các phương thuốc quý hiếm, thấu đạt vị thế và tố chất của từng loại cây cỏ, rồi tinh lọc ra những vị thuốc để cứu người, cứu đời…

Còn đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh vào thời Lê Hiển Tông, nguyên quán xã Liêu Thượng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, sau đó ông dời vào quê mẹ là đất Tình Diễm, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lãn Ông là người học rộng, am hiểu sâu sắc về các sách thuốc và có rất nhiều kinh nghiệm chữa bệnh trên lâm sàng. Ông để lại cho đời bộ trước tác “Y Tôn tâm lĩnh” với hơn 3.000 trang chia làm nhiều tập.


Hải Thượng Lãn Ông.

Nhưng tiếc thay vào cuối thời Lê, trải qua bao nạn binh đao khói lửa, các sách quý của ông bị thất truyền, trong đó có “Y phương hải hồi”, “Cơ yếu” và đặc biệt là tập “Ấu khoa”. Nhưng ngần ấy sách thuốc của ông cũng đã để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu, cho đời và đã làm nên một tên tuổi lớn trong nền y học cổ truyền nước nhà. Vì thế vua Khải Định đã phong cho ông là “Việt Nam Y Thánh”. Trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có nhân vật nào mà nhân dân quý mến Thượng Lãn Ông (Hiện đền thờ của hai bậc danh y nằm trong một ngõ nhỏ của Hà Nội).

Nhưng có lẽ, ám ảnh đối với tôi mãi là tập “Âm án” của ông! “Âm án” gồm những điều ghi lại tỉ mỉ về các con bệnh không chữa được, để đời sau lấy đó làm gương, may ra tìm được những vị thuốc khác mà cứu người được chăng? Đó là một cách sống nhân ái và cao đẹp của người thầy thuốc!

Ông kể, vào một buổi chiều mưa gió, có người đánh cá đến mời ông đi thăm bệnh cho vợ mình. Người đánh cá năn nỉ hết lời mà ông không đi vì ngại đường xa, mưa gió, vả lại ban sáng ông vừa bắt mạch kê đơn thuốc cho người đàn bà ấy. Người chồng về rồi, ông trằn trọc không ngủ được. Nửa đêm, bèn giục người nhà chèo thuyền đến thăm người bệnh. Đến nơi, người bệnh đã cận kề cái chết. Ông tự dằn vặt mình, tự làm khổ mình, giá như lúc chiều ông đến thì cũng có thể, cũng có thể…

Một lần, có hai người đến cầu cứu ông cùng một lúc, một người nghèo ở gần và một người giàu ở xa. Ai cũng cho rằng người nhà mình bệnh nặng mong ông đến trước cứu giúp. Nghèo cũng là một mạng người, giàu cũng là một mạng người. Trước cái chết, ai cũng như ai.

Và ông xử sự như một nhà hiền triết, ông ghé qua nhà người nghèo trước, bắt mạch và xem sắc mặt, biết sẽ không đến nỗi nào, ông cho thuốc uống rồi bảo hãy đợi ông về. Ông lại vượt đường xa cách trở để đến với người bệnh nhà giàu. Lúc đến nơi, người bệnh đang mong manh mạng sống… Ông nhanh tay, thức trắng đêm bốc thuốc. Sau ba ngày đêm, ông cùng các môn đồ cứu được một mạng người qua cơn nguy kịch. Người nhà mang lễ vật để tạ ơn, ông một mực từ chối, rồi ông tất tả quay trở lại với người bệnh nghèo… Ông không bỏ sót ai trong cơn hoạn nạn!

Lại có một ông Giải nguyên họ Đinh, là bậc danh nho ở trong huyện bị bệnh, cho người đến vời ông. Ông đến thì ông Giải nguyên đầu đã ngoẹo đi, chân tay nề phù, sờ vào rắn như đá, ngực đầy chướng, ăn uống hạ trệ, cuống họng như có vật gì chặn lại. Ông thăm bệnh và cũng biết trước ông, có nhiều thầy lang đã cho nhiều thang thuốc khác nhau, nhưng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Bọn người nhà và đầy tớ giấu ông, nhưng chỉ nhìn thoáng qua là ông biết, những thuốc ông Giải nguyên đã uống đều không đúng mà hại thêm cho bệnh tình.

Nếu Lãn Ông vì tự ái hoặc sợ uy quyền, thì cái chết sẽ đến trong phút chốc với ông Giải nguyên. Nhưng với tấm lòng đức độ, nhân ái, ông vẫn bắt mạch kê đơn và ở lại đó mấy ngày cho đến khi ông Giải nguyên qua khỏi cơn bạo bệnh… Ông ra về và dặn dò kỹ lưỡng cách pha thuốc, uống thuốc cho người bệnh.

Thấy em mình sắc mặt đã trở lại hồng hào, mà không hề hấn gì, người anh bèn cho uống liều gấp hai để mong em mình chóng khỏi. Nhưng vừa uống thuốc xong, người em lịm dần và tắt thở. Nghe tin, Lãn Ông chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời: Than ôi, tiên hiền có câu: thà đem phương pháp chữa cho người yếu chữa chứng thực, còn hơn là đem phương pháp chữa chứng thực để chữa cho người yếu. Ông còn nói: Thà nhầm về thuốc ôn bổ còn hơn là nhầm về thuốc hàn lương.


Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông

Ông ân hận là không ở lại thêm mấy ngày nữa thì người nhà ông Giải nguyên không sơ suất đến vậy! Từ đó đêm nào ông ngủ cũng không yên giấc, trằn trọc vì nghĩ mình bất cẩn, trời đất quỷ thần sẽ xem xét đến lỗi lầm của ta, mặc dù cái chết không phải từ tay ta!

Ta hãy nghe Lãn Ông bộc bạch những điều sâu kín tự đáy lòng trong “Âm án”: Thói thường của người thầy thuốc, chữa được một bệnh thì thời vỗ ngực khoe khoang, nếu bệnh nhân chết thì giấu kín không dám nói ra… Ai biết thì bảo là do trời định… Như tôi thời khác hẳn, sống trong trời đất sao không xấu hổ với nhân thuật mà bỏ ngoài tai sự khen chê, gặp bệnh nhân nhà quyền quý, tôi không hám danh lợi, mà nhà bần tiện cũng không dám coi thường. Chỉ nghĩ những bệnh nhân như ở tay mình, những bệnh nặng tôi cứu sống được không biết bao nhiêu người, mà thúc thủ không chữa được cũng không phải là ít.

Tôi nghĩ: gặp chứng nguy mà không chữa là mang tiếng tránh sự chê bai, thời không phải là thầy thuốc, vì thế ngoài những bệnh tôi chữa được tôi đã chép lại trong tập “Dương án”, còn những chứng không chữa được thời ghi lại ở tập “Âm án”, may ra sau này các bậc quân tử thấy ưu điểm của tôi dù không bắt chước, mà chỗ khuyết điểm cũng để lại làm gương, để mọi người đừng vì quá yêu tôi mà bảo: chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh!

Đọc những lời tâm huyết của Hải Thượng tiên sinh, tôi không khỏi giật mình: thì ra y đức có từ thời xa xưa, chứ đâu phải đợi đến bây giờ mới có 12 điều y đức dán đầy các vách tường bệnh viện!?

Y đức - chính là thái độ sống của người thầy thuốc, chứ đâu vì một lẽ gì khác!