Đêm Gò Tháp trăng mờ, càng thêm vẻ mông lung, hiu quạnh. Chiếc tác-ráng của công trường, máy mới nên nổ lên giòn giã và phóng tới như bay trên dòng kinh. Đôi bờ kinh 27 và nhà khá sầm uất. Tiếng sóng vỗ bờ từ con thuyền rẽ nước cùng với tiếng máy nổ, tạo nên sự hào hứng lạ thường; ánh trăng mờ ảo chừng thôi quạnh hiu, dồn cả không gian trên một dòng kinh cho thêm phần ấm cúng.
Chiếc tác-ráng cặp bến, chúng tôi vào nhà. Cả nhà ông Bảy chộn rộn hẳn lên. Từ ngọn đèn ống khói trứng vịt được thay bằng ngọn tọa đăng. Mấy em gái cùng thím Bảy nằm trong mùng trên bộ ván bên phải cũng đã chui ra. Ở xứ muỗi và thắp đèn dầu, nên mới chập tối vô mùng cũng phải.
Chú Bảy tiếp chúng tôi nơi bàn giữa đặt trước tủ thờ. Phút chốc đã thấy bình trà và dĩa kẹo đậu phộng đặt trên bàn. Được Sáu – phụ trách công trường giới thiệu, chú Bảy coi tôi thân tình ngay. Chú sẵn sàng kể chuyện Tháp Mười ngày xưa, nghe ông bà kể lại: Tháp Mười thời chú lớn lên từ bé cho tới Tháp Mười ngày nay.
Nghe chú kể, trước mắt tôi Gò Tháp hiện ra xanh um những cây cổ thụ và những miếu đền uy nghi, giữa bốn bề là đầm sen đang mùa hoa nở, ửng hồng lên một góc trời. Nếu mà lấy hột sen thì hằng hai, ba trăm giạ. Rộng ra nữa là rừng tràm bạt ngàn. Rùa, rắn, trăn, cua đinh, cần đước... thì lền khênh.
Cá nhiều đến đỗi sấu vào ăn rồi làm hang ở và con sấu to đến mức “hì” lên nghe rợn người, nên ở đó nay còn thành danh là Đìa Sấu hì! Và con kinh 27 này, còn gọi là kinh Ba Tháp, hồi đó còn hẹp, tới mùa làm cá mắm, đèn dầu cá thắp dài hai bên cả ngàn thước, tiếng dao thớt làm cá cùng tiếng hát hò nhộn nhịp thâu đêm...
Rồi chú kể về dân gian “khảo cổ”, từ những di vật bắt gặp tình cờ mà ngày nay các nhà khảo cổ học đang gia công nghiên cứu và làm cơ sở để tiếp tục khai quật...
Nhưng những chuyện đó thì dài lắm. Cái nóng lòng của tôi là muốn được nghe chú hò Đồng Tháp. Tất nhiên là vui lòng, nhưng chú còn đang lựa bài, dọn giọng thì cô con gái chú nhanh nhẩu lên tiếng:
- Ba hò như hồi đó ba hò với má đó! Hò thua bắt xác! Cưới má về nè!
Tôi nhìn thoáng qua cô gái vừa nói, nhận ra cô rất đẹp. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng dưới ánh đèn dầu, đặc biệt đôi môi đỏ như son đang tươi cười. Hình như cô cũng đang nóng ruột chờ đợi ba minh. Tôi hỏi :
- Em có biết hò không?
Em không trả lời, chỉ cười cười. Và tôi quay về chú Bảy, lắng tai chờ đợi. Chú Bảy hỏi:
- Muốn nghe hò gì?
- Tùy chú. Tôi nói: - Nhưng nếu chú còn nhớ, hò cho nghe những câu hò xưa nhất mà chú biết hò đầu tiên.
- Ôi, hồi đó là những câu hò ghẹo gái. Chú Bảy hơi nhếch mép làm cả nhà cùng cười rộ lên. Vậy muốn nghe hò ghẹo gái héng?
Tưởng là chú Bảy sẽ cất giọng, nhưng rồi chú lại lục soạn những giấy tờ mà chú ghi chép. Thấy vậy thím Bảy vui vẻ góp lời, kể rằng:
- Hồi tôi còn con gái, đi gặp mấy ông nhậu rượu, hò thách với nhau là:
“Thấy anh hay chữ, hỏi thử đôi lời Hồi tạo thiên lập địa ông trời ai sanh?” |
Uống rượu hoài, không ai đáp được, uống riết gần chết! Thấy tội nghiệp, tôi mới đáp:
“Anh An-nam, quốc ngữ, hỏi chữ bất bình Hồi tạo thiên lập địa hai đứa mình có chưa?” |
Chừng đó mới chịu thôi hỏi ông trời ai sanh.
Chú Bảy lúc này cũng cười theo cả nhà, rồi chú mời mọi người ăn kẹo uống nước. Chú năm nay khoảng bảy mươi, nhưng tóc còn đen mướt, da ngăm chắc, trông tráng kiện lắm. Chú biết hò hồi 18 tuổi. Còn lên ở xứ này hồi mới bốn tuổi, theo ông già vì có dính với phong trào cách mạng Thiên Địa hội, bị Tây lùng.
Gia đình có ba anh con trai đi bộ đội. Anh Ba hy sinh hồi Mậu Thân, anh Tư là thương binh đang ở trại điều dưỡng của tỉnh Tiền Giang, anh Năm là Nguyễn Hồng Tăng, từng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 502 – Đồng Tháp, người thứ Sáu, ở ngã Sáu; thứ Bảy, em trai đang đi học. Còn thứ Tám tên là Nga, chính là cô gái lên tiếng hồi đầu: “Hò thua bắt xác!”. Rồi còn thứ Chín, thứ Mười, thứ Út, thứ Mười Hai.
Cô Mười Hai đang học lớp 7 trường Mỹ Hòa. Một gương mặt trong sáng, ngây thơ, chỉ nằm trong mùng ló đầu ra, thỉnh thoảng cười lên khúc khích...
Hồi còn trẻ, chú Bảy là một cây hò nổi tiếng nhất Tháp Mười, chỉ có thua ông Sáu Chơi ở Mỹ An. Chú ca ngợi:
- Ông này xấu trai, mặt rỗ lại “bới củ tỏi”. Vậy mà chỉ có hò mà chồng vợ nên đôi. Hò mà người ta theo mới tài chứ. Nói hò thua bắt xác cũng đúng thiệt vậy.
Rồi khi đưa cho tôi miếng giấy đã nhàu cũ mà chú ghi câu hò, chú khoan thai cất giọng. Mắt ông già nhăn ra xa xăm như cùng đưa hơi theo giọng hò ngân mênh mông. Tuy giọng già, hơi rè, ngân có ngắn hơi, nhưng từng lời thoát ra nghe thiết tha, ấm một cách nồng nàn...
“Hò ơ... Chiều nay phân tay kẻ Nam, người Bắc, nhìn em anh rơi nước mắt, ruột thắt rã rời tâm can...
Hò ơ... Nghe tiếng anh than lòng em đau đớn, kẻ Hớn người Hồ lòng dạ xốn xang...”
Đêm Tháp Mười lặng yên như chỉ còn có giọng hò đi vào lòng người.
“Con cá lư ngư sầu tư biếng lội... Em xa anh rồi anh trông đợi biếng ăn. Mang bộ xương cách trí, anh leo lên tháp mười từng; trông vượt Bảy Núi, trông tuốt Nam Vang, trông quàng Châu Đốc, trông dọc Long Xuyên, trông lên Cao Lănh, trông thẳng cánh cò bay lên Sài Gòn… Ối! thôi thôi em ơi! Con mắt anh mòn!Em mải mê xứ lạ, anh đâu còn trông thấy em!...”
Hết hò về tình yêu lứa đôi mà chú Bảy gọi là hò ghẹo gái, đến hò nội dung cách mạng ca ngợi Hồ Chủ tịch do chú Bảy sáng tác, và từng lên hò vào dịp những cuộc lễ thời kháng chiến chống Pháp mà các cơ quan của Quân - Dân - Chính – Đảng Nam bộ từng đóng ở vùng này. Đây là hai câu trong bài hò của chú sáng tác gần đây:
“Hò ơ… Nay giang san thống nhất, nước nhà phong phú tài nguyên, nhớ công lao biết bao gian khổ nay Cha hóa ra người thiên cổ, để cho đều đớn đều đau! Nhớ công lao Cha dạy dỗ con lời vàng tiếng ngọc, bảo bọc con từ lúc bé thơ nay được trưởng thành. Nhờ ơn Cha giành thắng lợi để lại mà nay con không được thấy Cha, con ngậm ngùi…”.
Câu hò nào cũng dài dằng dặc, và làn điệu thì êm ả, phóng khoáng, mênh mông, cốt là diễn đạt tâm hồn, chớ không câu nệ, g̣ò bó theo khuôn khổ, niêm luật nào.
Những lúc chú Bảy ngừng nghỉ hơi thì thím Bảy xen vào. Dường như cái điệu tâm hồn nó vốn hay lây lan. Thím kể:
- Hồi còn con gái (lại vẫn hồi còn con gái), tôi đi ghe cùng với ba chị em. Cũng tại vì hò mà không làm sao chèo ghe được. (?) Tại vì ghe họ tấp vô ghe mình, có chỗ đâu mà đưa mái chèo! Vậy là tôi cột dây ghe mình vô cột chèo ghe họ; ghe họ tới, ghe mình cũng tới! Tiếng mấy cô con gái cười khúc khích.
- Đâu thím hò cho nghe thử. Tôi khẩn khoản.
- Hò truyện, dài lắm. Và thím chỉ đọc nội dung. Tôi ngồi nghe mà bắt hình dung: đêm trăng thanh trên dòng kinh, một chùm thuyền ghe kết bè nhau lướt trôi, trong khi giọng hò êm ả của người con gái Tháp Mười, như là một con thuyền đang chở những tâm hồn, lướt bay trên không trung mênh mông...
Đêm chừng đã khuya mà câu hò chưa muốn dứt. Còn cô Nga ngồi bên cạnh mẹ đây, gương mặt vẫn đang tươi cười như là tâm hồn cũng bồn chồn xao xuyến. Quả nhiên, khi tôi gợi, cô sẵn sàng lên tiếng. Nhưng cô chỉ đọc lên câu hò, như không quen phải cất giọng lên trong nhà. Tuy nhiên, giọng cô như là đang hát:
“Anh đi mần về bước ngang cửa ngạch, Thấy hai chai rượu bạch sáng ngời Anh hỏi em: rượu này cha mẹ uống hay rượu giáp lời của em?...” |
Sáu đang nằm ở bộ ván bên kia, vụt ngồi dậy, nghe xong, anh lý thú hỏi:
- Rồi bên gái đáp sao?
Cô gái ngập ngừng. Chợt có tiếng ai lặp lại chính lời cô lúc ban đầu:
- Hò thua bắt xác!
Và tiếng cười hưởng ứng nổi lên râm ran.