Âm nhạc Việt Nam trong cơ chế thị trường - hội nhập

Nhạc sĩ: ĐỖ HỒNG QUÂN
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

… Chỉ cần khảo sát các giờ vàng của phát thanh truyền hình ở các địa phương và Trung ương, chúng ta thấy ngoài thời gian 19 giờ đến 20 giờ dành cho thời sự, thì từ 20 giờ đến 22 giờ, thậm chí đến 23 giờ dành cho âm nhạc vui chơi giải trí gắn liền với quảng cáo cho các tập đoàn, các hãng kinh doanh.

Ảnh: CD Anh không muốn làm người thứ ba với những ca khúc nhạc nhẽo

… Những hiện tượng nổi cộm, nguy cơ và thách thức

Nguồn thu nhập quá lớn nhờ vào các giờ vàng ấy đã khiến các nhà đài đưa chương trình âm nhạc giao hưởng thính phòng, dân ca, âm nhạc truyền thống vào các giờ khuya sau 23 giờ.

Các trung tâm văn hóa và các tụ điểm ca nhạc, các nhà sản xuất hãng đĩa cũng chạy theo doanh thu bằng các xuất diễn, các CD, VCD dành cho nhạc nhẹ, nhạc giải trí là chính.

Và người ta chỉ biểu diễn âm nhạc truyền thống dân tộc, âm nhạc giao hưởng thính phòng, ca khúc cách mạng trong các dịp lễ, kỷ niệm, các hội diễn hoặc những dịp riêng thưa thớt trong năm.

Tình hình đó dẫn đến một sự lệch lạc về thưởng thức nghệ thuật đặc biệt là trong giới trẻ. Nếu chúng ta chịu khó đến các tụ điểm âm nhạc, phòng trà, cà phê, truy cập trên mạng, lướt qua các cửa hàng bán băng dĩa, cũng như những nơi bán băng dĩa lậu ở vỉa hè sẽ hiểu giới trẻ ngày nay nghe thứ âm nhạc rẻ tiền đến mức nào.

Có thể kể ra hàng trăm ca khúc gây sốc cho các ca sĩ như: Lâm Chấn Huy, Lưu Chí Vỹ, Ưng Hoàng Phúc… mà 2/3 trong số đó không ghi tên tác giả. Vài chục bài của Nguyễn Hoài Anh, hơn chục bài của Quang Huy, Nhật Trung và của các ca sĩ tự viết với các tiêu đề và lời lẽ thô thiển như: “Bạn tôi em cũng không chừa”; “Tôi khóc cho em ai khóc cho tôi”; “Cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông”; “Vấp một cục đá”; “Yêu một người là dại khờ”... (Nguồn: http://www.cakhucvietnam.com).

Tại sao lại có những bài hát kém phẩm chất ra đời?

Tất cả đều do sự quản lý lỏng lẻo và không đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc.

Một dĩa hát ra đời do nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ biểu diễn và người biên tập cùng hãng kinh doanh phải có sự phê duyệt dán tem của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Nhưng thường thì các hãng không giao cho các nhạc sĩ có tay nghề cao biên tập mà thường giao cho những nhân viên tháo vát làm con thoi giữa người hát, người phối âm, thu âm và làm sao cho ăn khách là được.

Những người kiểm duyệt quan niệm bài hát không chống Đảng, chống chế độ là được. Họ đâu hiểu rằng, ca khúc kém chất lượng nghệ thuật, lời lẽ ngô nghê thô tục có tác dụng xấu đối với tâm hồn, tư tưởng những người trẻ tuổi và có tác hại lâu dài, giết chết thẩm tâm lành mạnh của không chỉ một thế hệ khán thính giả.

Thủ tục duyệt một bài hát cũng không thống nhất. Ví dụ: Khi một bài hát, dĩa hát không duyệt được ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các hãng dĩa chạy về các Sở của các tỉnh thành, địa phương.

Chúng tôi chỉ nêu lên chuyện phát hành và phổ biến bài hát, còn nhiều vấn đề khác xin trình bày dịp sau.

Trong cơ chế thị trường. Nguy cơ là các tác phẩm âm nhạc có giá trị sẽ phai mờ cùng năm tháng. Đến một lúc nào đó giới trẻ sẽ không còn thuộc bất cứ bài hát nào của các nhạc sĩ cha ông đã viết bằng xương máu qua hai cuộc kháng chiến và những năm tháng dựng xây đất nước. Lúc đó, dù cố tình khôi phục lại từ đầu thì đã muộn. Vì phá một thói quen (thẩm mỹ âm nhạc) thì dễ, nhưng lấy lại nó thì khó vô cùng, vì đòi hỏi thời gian của nhiều thế hệ.

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nếu cần có bộ phận đặc trách để kiểm duyệt chất lượng âm nhạc (nội dung nghệ thuật, hình thức trình bày…) ,tăng cường thêm nhiều chuyên viên âm nhạc tham mưu cho Bộ. Để không xảy ra việc cho ra đời những bài hát kém chất lượng như trong thời gian dài vừa qua.

Có lẽ, cần có chế tài như cửa hàng bán Tân dược phải có dược sĩ, thì các hãng băng dĩa, các nơi kinh doanh âm nhạc phải có biên tập viên là nhạc sĩ có trình độ đại học.

Các trung tâm nghe nhìn, các phương tiện truyền thông, truyền hình cần được kiểm soát bằng chế tài buộc phải dành nhiều thời gian hợp lý cho việc phổ biến âm nhạc có chất lượng cao, có nội dung tốt.

Cuối cùng Ban Tuyên giáo phải nắm vai trò đầu mối để tập hợp ý kiến của các nhà chuyên môn ở Hội Nhạc sĩ, các Hội âm nhạc, phân hội âm nhạc địa phương để chỉ đạo kịp thời.

Thách thức lớn nhất hiện nay trước việc bung ra những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng. Liệu chúng ta có đủ bộ máy và lực lượng để kiểm soát và kiềm chế hay không? Nếu không có một cơ quan đầu não tối cao xem xét điều phối định hướng thì ở các ngành, các bộ, các địa phương có kinh doanh quảng bá văn hóa văn nghệ, âm nhạc sẽ tiếp tục có sự buông lỏng và còn cho ra đời những sản phẩm văn hóa xấu độc hại.