Ấm trà của bố tôi

Nhà tôi thuộc làng Đan Hà, nằm trong vùng chè chủ lực của Phú Thọ. Ngày ấy gia đình tôi có mấy hecta chè, tôi không nhớ, nhưng vẫn nhớ như in những đồi chè nằm như bát úp. Chè đốn theo vụ xanh tăm tắp rất đẹp mắt, và cũng nên thơ. Ai đem trăng sáng rải lên đồi chè... Câu thơ của Nguyễn Bính gợi tình biết bao.

Nghỉ hè năm lớp năm (hệ phổ thông mười năm), tôi quyết xin với mẹ đi hái chè và gánh chè đi bán để kiếm mấy đồng mua sách. Đứng trên đồi chè dưới cái nắng chang chang, đeo một cái gùi to sau lưng, mới biết hái chè khó nhọc thế nào.

Đồi chè mênh mông, những cây chè bị đốn thấp chỉ cao ngang thắt lưng, thi thoảng mới để những cây cao lấy bóng mát để nghỉ giải lao hoặc nghỉ ăn cơm trưa. Hái chè tức là phơi nắng, lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Tiếng là con dân đất chè, nhưng ngày đó tôi uống chè thì ít, uống nước mưa thì nhiều.

Năm hết lớp chín tôi đi bộ đội. Làm lính, ăn cơm đại táo, uống nước cơm cháy (chủ yếu để khử mùi tanh) hoặc có sang thì uống chè bồm. Ít lâu sau, một lần tôi về phép, bố tôi pha ấm trà ngon bảo tôi ngồi lại nói chuyện. Nghĩa là ông đã coi tôi là người lớn.

Tôi cầm chén trà, một làn hương thơm thanh khiết tỏa nhẹ khiến tinh thần tôi như được gột rửa lâng lâng. Bố tôi bảo đó là chè xuân, bố hái lúc mặt trời chưa mọc, về sao lên để dành chờ con về cùng uống.

Một dịp đi công tác ở Trung Quốc, tôi mua tặng bố tôi bộ đồ trà gồm ấm chén làm bằng đất nung và các dụng cụ kèm theo bao gồm khay đựng chén, những chiếc gắp, que thông, giá đựng bằng gỗ.

Bố tôi rất vui. Ông bảo, trà là một thứ đồ uống thật trân quý, sang trọng. Uống trà là một cách để hưởng thụ tinh thần, là một thứ nghệ thuật, là một cách để tu thân dưỡng tính.

Ông còn bảo, người Trung Hoa coi cái đĩa đựng chén là đất (địa), cái nắp đậy chén để giữ nhiệt là trời (thiên), cái chén là người (nhân). Thiên - Địa - Nhân hợp nhất, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Uống chè là sự tu dưỡng tư tuởng, nâng lên thành triết lí.


Ảnh minh họa

Bố tôi chỉ học lấy bằng Sơ học yếu lược, nhưng chữ Nho thì học đâu những hơn mười năm. Ông có đọc sách, những điều ông nói làm cho tôi sáng ra rất nhiều.

Ông bảo, chế trà cần phải công phu, đầu tiên là lựa búp, lựa thời điểm hái và sao chè.

Sao chè là một nghệ thuật, phải chăm chút cái chảo, ngọn lửa, vò búp... Không làm được những thứ đó thì chẳng bao giờ có trà ngon uống. Còn pha trà mới thật kỳ công.

Đầu tiên, bố tôi đun một siêu nước sôi, thật sôi, tráng rửa thật kỹ ấm chén. Sau đó, ông mở gói trà được bảo quản kỹ, dùng chiếc thìa gỗ lấy một ít trà vừa đủ, đưa ra trước ánh đèn bảo tôi nhìn xem, trà có đẹp không.

Tôi nhìn những cánh trà xoắn xuýt, nằm bên nhau, ôm lấy nhau, kỳ thú như những tác phẩm nghệ thuật, cảm nhận công sức của bố tôi đã đổ ra như thế nào.

Ông cho trà vào ấm, đậy nắp lại, bảo để cho hơi nóng thấm vào trà, một khoảng thời gian vừa đủ rồi mới châm nước. Uống ba người thì châm nước đủ cho ba tách trà, uống năm người thì châm nước đủ cho năm người, rót xong để lại một ít rồi châm nước tiếp.

Bưng tách trà lên không nên uống ngay, mà nên thưởng thức hương thơm của nó trước, uống rồi hãy thưởng thức vị trà. Trà ngon là trà có dư vị.

Bố tôi có một chum nước đích thân bố đi gánh về, chuyên để nấu nước pha trà. Có trà ngon rồi còn phải có nước tốt, bố dạy tôi thế. Uống trà là truyền thống của gia đình tôi.

Nghe nói cây chè vùng tôi được lấy giống đâu tận bên Trung Hoa, bên ấy người ta uống trà từ cả ngàn năm. Trà bây giờ không chỉ làm người Á Đông mê hoặc mà còn mê hoặc cả thế giới. Không ở đâu không uống trà.

Người Anh coi trà là thứ đồ uống bổ dưỡng, làm tươi da mặt, làm đẹp nhan sắc. Trà từ trong cung đình truyền ra ngoài dân gian, tạo nên trà sớm, trà trưa, trà tối.

Người Pháp coi trà là thứ ôn nhu nhất, là thứ lãng mạn nhất, là thứ có chất thơ nhất. Người Nhật coi trà là thuốc chữa bách bệnh, là đồ uống thời đại nguyên tử. Người Trung Hoa coi trà là “quốc ẩm”, là một trong thất bảo (cầm, kì, thư, họa, thi, tửu, trà) của văn nhân.

Người Việt ta coi uống trà là sự hưởng thụ đời sống, là thứ thuốc tốt cho sức khoẻ, là thứ làm tăng sự minh mẫn tinh thần.

Uống trà, nâng uống trà lên thành một thứ nghệ thuật đã có lịch sử hàng ngàn năm, ở Trung Hoa được đúc kết thành trà kinh là từ đời Đường. Cũng vào thời đó, một nhà sư Nhật Bản đem giống trà Trung Hoa về Nhật, từ đó tạo nên một thứ văn hóa trà, nhưng nâng nghệ thuật uống trà lên thành đạo trà thì mới có gần đây.

Đạo là gì? Đạo là học thuyết tư tưởng hoàn chỉnh, nó nói đến quy luật của vũ trụ, nói đến nguyên tắc sống, vì thế không thể khinh thị mà gán ghép.

Trà đạo có hai nội dung. Một là nói đến kĩ thuật chuẩn bị, quy phạm và cách thức uống trà. Hai là nội hàm tư tưởng của nó, nâng lên thành triết lí. Người Nhật coi trà đạo là nghệ thuật lấy động tác của thân thể làm môi trường để diễn xuất, bao gồm bốn yếu tố: nghệ thuật, xã giao, lễ nghĩa và tu hành. Hạt nhân của trà đạo là THẦN.

Với tôi, uống trà là để thanh lọc tâm tư tình cảm, là để tu thân dưỡng tính, còn có gì cao sang hơn.

HÀ PHẠM PHÚ