Mùa nước lụt

Nhà tôi ở rìa làng An Thổ, tỉnh Quảng Ngãi, trước mặt nhìn ra cánh đồng, thường thì chỉ thấy lúa xanh, lúa vàng. Nhưng mùa nước lụt thì trước nhà nước mênh mông như sông rộng hồ lớn…

Ấn tượng tuổi thơ mà.

Hằng năm, khoảng cuối tháng 8 Âm lịch là “nước về”. Nếu là nước về muộn một chút thì tốt, nhưng nếu về sớm thì nhà nông vất vả lắm, vì lúa chưa gặt, khoai sắn chưa thu hoạch xong, phải thuê thuyền thuê người đi lặn xuống ruộng để vớt vát lúa, khoai… rồi còn phải phơi phóng…, ôi vất vả gấp bội. Ấy vậy mà lũ con nít chúng tôi nào có chia sẻ được, lại còn mừng vui, rồng rắn kéo nhau “đón con nước”, bằng cách đánh dấu lằn nước ở đâu đó, chốc chốc ra coi và vui mừng lắm khi nước lên nhanh!

Mùa nước lụt không gian như gần như hẹp. Làng Văn Trường vốn dĩ “cách biệt” và im lìm là thế mà nay trên biển nước mênh mông nó như gần lại và có phần ồn ào: tiếng chó sủa lợn kêu, tiếng gà gáy, tiếng người gọi nhau… rõ mồn một, lạ lùng và thú vị làm sao.

Rồi từng đoàn thuyền ở mạn trên nguồn sắp sẵn chờ đợi. Nước vừa lên hôm qua là nay đã thấy họ khi dong buồm, khi chèo gấp, trên thuyền đầy than củi và có lẽ là nhiều nông phẩm khác. Vài hôm sau lại ì ạch ngược về với những thứ từ biển.

Với lũ trẻ nhỏ chúng tôi thì nước lụt càng hay! Bởi được ngồi ở thềm nhà mà giải quyết mọi sinh hoạt; trước sân thì tắm rửa, vo gạo rửa rau, phía sau nhà bếp thì các sinh hoạt khác thường ngày của mỗi người. Cá và người cùng tung tăng ở sân… Thỉnh thoảng mấy thuyền nan nhỏ xíu thả lưới ở mấy đám ruộng gần nhà, rồi lướt đi vòng vòng, thỉnh thoảng lại gõ lên lụp cụp, lụp cụp hoặc dùng mái chèo đập lên nước kêu “bép” rõ to để đuổi cá.

Hồi nhỏ chúng tôi gọi nó là “ghe lụp cụp lưới gõ”. Khi gom lưới lại họ bắt cá mang vào làng bán. Ăn những con cá này mới ngon ngọt làm sao. Cá lớn thì kho ngót, cá nhỏ thì kho rim với gia vị là hành, gừng, nghệ, cù mén… giã nhỏ, thơm ngào ngạt “nứt mũi”. Hương thơm như còn vương đến tận bây giờ.

Rồi khi “nước rút”… Nước đã để lại trên cánh đồng bùn non màu mỡ cùng rất nhiều cá tôm. Từng tốp từng tốp năm ba người rải khắp cánh đồng để bắt của trời cho theo thời vụ này… Tôi thích nhất là đi soi cua vào buổi tối. Khi đó nước còn xâm xấp hai bên bờ ruộng.

Một tốp soi cua khoảng ba người: một người cầm bó đuốc giơ cao để soi sáng bờ ruộng, hai người đi hai bên bờ, đi đến đâu là bốc cua bỏ vào giỏ con vịt (hình con vịt nên gọi là “vịt cua”); cua đậu ở hai bên bờ cỏ, cua bò trên mặt đường mòn… nhiều lắm, chỉ một chặp là đầy vịt cua, hết vịt này đến vịt khác… Với lượng cua nhiều như thế gia đình ông tôi thường làm mắm.

Mắm cua, đó là đặc sản của vùng An Thổ chúng tôi, tuy chỉ làm dùng trong gia đình nhưng ai đã dùng qua thì bây giờ vẫn muốn được thưởng thức. Mắm cua được làm như sau: cua đem về rửa sạch bùn đất, nấu nước sôi dội qua - nói là để cho nó bài tiết hết… rồi tách yếm, tách mai những con lớn quá.

Con nhỏ thì để vậy đem giã nhuyễn với ít muối, lọc kỹ, được một dung dịch đậm đặc (đặc hơn để nấu riêu cua nhiều). Rồi đem đun nhẹ, nhớ là luôn khuấy đều tay không để vón cục một chút nào. Khi bắt đầu sủi tăm là tắt lửa, vẫn khuấy đều. Sau đó đem bịt kín và ủ trong tro nóng âm ấm. Khoảng bốn ngày sau giở ra, được một nồi mắm ửng màu tím đỏ thơm phức. Khi ăn rắc thêm một ít lá gừng xắt nhỏ, ớt tươi, ai thích có thể thêm tí sả.

Mắm cua thường được ăn với bún, nếu có thêm rau sống thịt luộc thì càng ngon. Thực ra chỉ riêng cua đã là ngon lắm rồi, mắm cua đậm hơn canh nhưng lạt hơn mắm cá nhiều, ăn có thể “lua” (húp) được ngọt xớt. Ôi biết khi nào mới được ăn mắm cua như thế. Bởi cua ngày nay, ai dám…

Mùa nước lụt. Nguồn: Internet

Lại nói về nước lụt, chẳng may năm trời nổi cơn hồng thủy, nước dâng đột ngột cuồn cuộn cuốn trôi theo cả nhà cửa trâu bò heo gà từ mạn trên về, nhìn thấy thật hãi hùng. Ai may mắn tránh khỏi đường đi của của thủy thần mới tin là thoát nạn.

Hồi đó ông tôi có qua lại với mấy ông ở vùng trên. Khi qua cơn nước lụt nghiệt ngã, gặp nhau mừng cho sự bình an của nhau. Bỗng một ông cười lớn nói, trong đợt lũ vừa rồi nhà ông ăn thịt bò đã vì khi bò trôi, một con dạt vào nhà, ông lấy dao cắt một đùi rồi thả nó đi! Ông tôi im lặng không nói gì, rồi từ đó không qua lại với ông này nữa, cho rằng đó là người có tâm ác.

Ngày nay xóm quê đã khác, có nhà mái ngói, có đường nhựa đã về tận làng, tôm cá ít đi, món ăn cũng khác đi nhiều, nhưng một số sinh hoạt, món ăn của mùa nước lũ khi xưa vẫn như những “kỷ vật” của riêng người An Thổ, da diết và hoài cổ.

Thiên nhiên ngày nay như một người đồng bóng khó tính, thân thiện đó rồi nổi giận đó. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tháng 6 tháng 7 Âm lịch là tôi lại theo dõi, lắng nghe, nước về hiền hay dữ… Cầu trời cho miền quê nghèo của tôi mưa thuận gió hòa, trời cho lộc vào mùa nước về cho người dân bớt khó bớt khổ…

Xuân Ba