Mùa sếu gọi đàn

Hằng năm, cứ ra giêng là mùa các đàn sếu đầu đỏ từ phương xa bắt đầu bay về Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim. Khi tiết trời còn hơi lạnh, mùa khô phương Nam bắt đầu ấm nắng, trên bầu trời vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) lại xuất hiện những đàn sếu thân thuộc với du khách và người địa phương.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, những đàn sếu đầu tiên đã có khoảng trên 100 con bay về VQG Tràm Chim. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc VQG Tràm Chim cùng chúng tôi đứng trên bờ kênh dưới bóng mát hàng tràm, nói:

- Lại đến mùa đàn sếu bay về. Năm nay lũ lớn, trong nội đồng ở Tràm Chim có nơi nước dâng cao hơn mùa lũ lịch sử năm 2000. Nhưng nhờ VQG Tràm Chim chủ động lo chắc chắn bờ bao trước khi lũ về, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra. Chúng tôi lo nhất là cánh đồng cỏ năng g kim và cánh đồng lúa ma đang hẹp dần. Cỏ năng  kim là món ăn khoái khẩu của sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm đã đưa vào Sách đỏ quốc tế.

pic
Đàn sếu đầu đỏ ở tỉnh Kiên Giang

VQG Tràm Chim có diện tích 7.588ha. Đây là một Ðồng Tháp Mười thu hẹp với hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật phong phú, đa dạng của vùng đất ngập nước, là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật, gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới.

Loài chim điển hình nhất và được nhiều người biết đến ở đây là sếu đầu đỏ. Ðến đây, du khách được tận mắt ngắm nhìn những con sếu đầu đỏ - một trong số 15 loài sếu còn tồn tại trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sếu to cao trên 1,7m, bộ lông xám mượt, cổ cao, đầu đỏ, đôi cánh rộng. Khác với nhiều loài chim trong vùng, sếu chỉ kiếm ăn trên mặt đất khô ráo và bùn mềm nên vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp Mười chúng phải đi kiếm ăn ở nơi khác. Vì vậy, chỉ có thể xem sếu từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau.

Sếu đầu đỏ, hay còn gọi là sếu cổ trụi, có tên khoa học là Grus antigone, là một loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của thế giới (IUCN). Sách đỏ IUCN, gọi tắt từ tiếng Anh, là danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng hóa của các loài động vật và thực vật trên thế giới. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài của IUCN, chính phủ nước ta cũng công bố Sách đỏ Việt Nam nhằm hướng dẫn, thúc đẩy công tác bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên. Đây cũng là tài liệu khoa học được sử dụng vào việc soạn thảo và ban hành các quy định, luật pháp của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên, tính đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Trong các loài chim biết bay, sếu đầu đỏ là loài chim có chân và thân hình cao nhất thế giới. Sếu đầu đỏ có lông sơ cấp và lông bao cánh sơ cấp màu đen; đầu và cổ trụi lông, đầu và da trần trên cổ màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám; mỏ và trước đỉnh đầu màu xanh sừng; chân đỏ. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn.

Hơn 10 năm qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã được Nhà nước tăng kinh phí đầu tư, được nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tài trợ để trở thành một bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Sếu đầu đỏ cao tới 1,5m, nặng 8-10kg, là loài lớn nhất trong các loạisếu. Tiếng kêu của nó vang xa tới 2km. Chúng sinh sản mỗi năm một lần, mỗi lứa có hai trứng. Tổ làm trên mặt đất. Sếu đầu đỏ sống trong các vùng đất ngập nước (nước cạn) và ăn củ của một loại cỏ mọc ở vùng đầm lầy. Đó là củ năng kim và mầm, lá non cây cỏ bàng.

Theo nhận định của cán bộ chuyên môn VQG Tràm Chim, sau Tết Nhâm Thìn có thêm 4 đàn sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim. Đây là những đàn sếu đầu đỏ di cư đầu mùa, thời gian tới vẫn còn một số đàn sếu khác lần lượt tìm về.

Những năm gần đây, lượng sếu đầu đỏ về VQG Tràm Chim trung bình khoảng 180-200 con/năm, những năm số lượng đông nhất đến 300 con (trước năm 1980 có khoảng 1.000 con). Những năm gần đây, chúng tìm thêm những vùng đất mới để kiếm ăn ở Hòn Đất, Kiên Lương, Vĩnh Điều (tỉnh Kiên Giang) và một vài nơi khác.

Theo các nhà khoa học, môi trường và hệ sinh thái ở các nơi này đang thay đổi với tốc độ nhanh, những cánh đồng cây cỏ năng kim và cỏ bàng thu hẹp dần, ít củ, là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tới việc trở về của đàn sếu.

Hiện nay, loài chim quý này đang có nguy cơ bỏ vùng đất quen thuộc này để tìm nơi khác sinh sống. Giữ được đàn sếu quý hiếm hay không? Không phải ai khác mà chính là con người. Việc quản lý và bảo vệ hệ sinh thái không hợp lý, cùng với sự lấn lướt của các loài cây trồng thực liệu, sự lan nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và kể cả việc săn bắt của con người trong thời gian dài đã làm thay đổi khá nhanh môi trường các vùng đất ngập nước.

Mực nước bên trong VQG Tràm Chim luôn được giữ ở mức cao quanh năm nhằm phòng chống cháy rừng, dẫn đến việc giảm sút đáng kể diện tích các vùng đồng cỏ là nơi sinh sống của sếu và nhiều loài sinh vật khác. Đồng cỏ năng , nguồn thức ăn chính của sếu, vừa giảm diện tích vừa không tạo củ.

Năng kim là loài cỏ hiếm, chỉ mọc ở nơi đất lầy có một mùa khô ráo. Làng tôi (ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) năm xưa có Đồng Si hoang hóa từ lâu đời, rộng mênh mông, có rất nhiều cỏ năng . Đây là loài cỏ thân cũng là lá, hình lăng trụ, nhỏ hơn đầu đũa, cao chừng nửa mét. Củ năng kim to nhất cũng chỉ bằng đầu ngón tay cái, thông thường chỉ phát triển bằng đầu ngón tay trỏ là ăn được.

Bên trong lớp vỏ màu nâu tươi hoặc đen nhạt là lớp tinh bột trắng, ăn vừa giòn, ngọt vừa béo ngậy, lại có hương thơm rất đăc biệt. Ngày nhỏ, đi chăn trâu ở Đồng Si, chúng tôi chỉ thích ăn củ năng kim và ngồi ngắm nhìn đàn sếu. Cánh đồng rộng lớn có rất nhiều cỏ năng kim bây giờ phần lớn đã khai hoang, làm thủy lợi để cấy lúa, nên gần 40 năm rồi, đàn sếu không bay về nữa.

Tôi về quê, cứ nhìn lên bầu trời mà nhớ đàn sếu da diết. Vẫn đọng mãi trong tôi hình ảnh từng đàn sếu từ phương Bắc bay về, bay rất thẳng hàng, có khi bay thành hình chữ V (mũi tên) rất đẹp mắt. Người ta nói, con sếu đầu đàn bao giờ cũng bay trước. Tùy theo kiểu vỗ cánh của nó mà cả đàn sếu biết là bay theo đường thẳng hay hình mũi tên.

Từ hơn 10 năm qua, VQG Tràm Chim đã được Nhà nước tăng thêm kinh phí đầu tư, nâng cấp, mở rộng thành một bảo tàng thiên nhiên, một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế cũng tài trợ để bảo vệ tràm chim quý hiếm này. Đây chính là điểm hẹn lý tưởng cho du khách bốn phương.

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hòa An (trường Đại học Cần Thơ), làm cách nào để giữ lấy những cánh đồng cỏ năng kim đang là vấn đề vô cùng khó khăn. Vì thế, đàn sếu đầu đỏ về Tràm Chim cứ mỗi năm một thưa dần. Dự án “Quản lý cảnh quan và phát triển sinh kế bền vững trong và xung quanh VQG Tràm Chim” do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ, nhằm nâng cao chất lượng mức sống và khuyến khích trách nhiệm bảo vệ VQG cho nhân dân 7 xã sống trong vùng đệm khu rừng ngập nước độc đáo và còn rất hiếm này.

Dự án còn thúc đẩy việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, thí điểm phương án cộng đồng cùng tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên hợp lý để tài nguyên có thể tái tạo, tái sinh và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc kiểm soát cây mai dương - một loài cây nguy hiểm đang xâm lấn VQG Tràm Chim.

Đây là tiến trình từng xã hội hóa công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong VQG một cách bền vững, góp phần hạn chế thấp nhất nạn cháy rừng xảy ra vào mùa khô.

Ngoài loài chim quý hiếm nhất là sếu đầu đỏ, VQG Tràm Chim mới đạt được 7/9 tiêu chuẩn của Công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước, hiện nay đang được phục hồi nên đã thu hút hơn 250 loài chim nước, hơn 100 loài cá nước ngọt, 190 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác…

Trong đó, có 32 loài chim quý hiếm của thế giới như: ô tác, cò thìa, cò quắm, công đất, già đãi, giang sen, diệc, trích, sâm cầm… Và hàng năm, cứ vào tháng giêng, chúng tôi lại lên Tràm Chim để được ngắm nhìn những đàn sếu bay về.

Bùi Văn Bồng