Sáng, nghe tin cụ Phan Huỳnh Điểu đã ra đi, tuổi trời 91. Tự nhẩm, mình biết được và thuộc được bao nhiêu bài hát của cụ?! Chả mấy. “Chả mấy” thì không phải là duy nhất một. Thế mà tại sao, cứ chỉ duy nhất một câu hát ngân lên, lặp lại như lời tụng: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá…”.
Tôi là dân hoàn toàn ngoại đạo về nhạc lý, cũng không biết bình thơ luận văn cho ra hồn. Tôi không biết những người có chuyên môn đánh giá ra sao về bài hát vốn là bài thơ của Xuân Quỳnh được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc đó. Nhưng bao lâu nay Thơ tình cuối mùa thu như hạt ngọc trai đã được lấy ra khỏi vỏ mà cấy trở lại vào trái tim tôi. Thuyền và biển hay lắm. Ai cũng bảo thế. Rất nhiều người hát, minh chứng cho cảm xúc dạt dào trong lòng mình. Thuyền và biển - bài hát ấy xứng đáng là “Tình khúc vượt thời gian”.
Nhưng tại sao, mỗi khi đối diện mình với mình, tôi lại chỉ nhớ nao nao câu hát “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/…/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ/ Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại…”.
Chuyện là có một lần, bố mẹ tôi cho đi xem ca nhạc: Đêm diễn của nhóm Du ca Đồng nội – Trần Tiến. Nhiều bài hay lắm, Trần Tiến lắm (cả nhà tôi thích nhạc Trần Tiến). Bỗng nhiên trái tim thiếu nữ, chưa từng biết yêu của tôi như lỗi một nhịp, khi Hồng Ngọc cất tiếng nhỏ nhẹ, da diết: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá…”. Tôi “ơ” lên một tiếng. Thơ Xuân Quỳnh! Ai phổ nhạc thế? – Phan Huỳnh Điểu. “Ồ! Hay hơn [bài hát] Thuyền và biển” – Tôi đã nghĩ ngay như thế. Và tôi: yêu thơ “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh qua nhạc Thơ tình cuối mùa thu của Phan Huỳnh Điểu.
Hẳn là từ cơn cớ nào, mới có tôi và biết bao người khác yêu bài hát mộc mạc ấy chứ. Bài hát – lời kể nhẩn nha, chậm rãi. Dường như hồn thơ Xuân Quỳnh đã được Phan Huỳnh Điểu chuyển hóa thành một câu chuyện cổ, một bài phong dao về tấm chân tình đẹp như lời ru của bà, của mẹ. Có phải cái kết có hậu của câu chuyện tình cô Tấm với hoàng tử “như hàng cây đã yên mùa bão gió…, như dòng sông đã yên ngày thác lũ”? Có phải cái kết câu chuyện tình của nàng Kiều với Kim Trọng “ba sinh đã phỉ mười nguyền/ duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”, khi mà “thời gian như ngọn gió… đi cùng tháng năm”… để “chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại”?! Lời ca như ngậm ngùi, như đắng đót, như nhẫn chịu, mà lại như có niềm tự hào của người phụ nữ thơm thảo tin ở tình yêu.
“Chỉ còn anh và em là của mùa thu cũ...” – nhưng anh ơi, anh biết rồi đó, mùa đi, mùa lại về, thu này, thu cũ, thu mới sẽ vẫn mãi chỉ là một mùa - mùa yêu của đôi ta. Vả dẫu heo may có cuốn theo những dấu chân tình nhân trên cỏ mà nhạt dần, cũng vẫn còn đây tình ta, sẽ vẫn còn “anh và em cùng tình yêu ở lại”. Hãy tin như vậy! Và hãy để em tin như vậy!
Lời yêu mà đến như thế là tận cùng rồi đấy.
Hẳn rằng, những ai yêu Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh – Phan Huỳnh Điểu không phải đều sinh ra vào dịp “mùa thu vào hoa cúc”, như tôi. (Phan Huỳnh Điểu nói: “không phải vàng, không phải và, mà là vào – “vào hoa cúc” mới đúng là Xuân Quỳnh).
Hẳn rằng, không phải những ai nghe bài hát Thơ tình cuối mùa thu cũng có cảm nhận như tôi.
Nhưng hạt ngọc trai đó với những ẩn tình đó đã được cấy vào trái tim tôi thật ngọt từ những ngày còn thiếu nữ ấy. Để mỗi khi đối diện với tình mình, tôi lại nhớ câu hát “Mùa thu vào hoa cúc, chỉ còn anh và em là của mùa thu cũ, chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại”./.
29/6/2015