Cuộc bầu cử ở tầm mức «vùng» (élections régionales) năm 2010 với kết quả vòng 2 vào ngày 21/3/2010 đã đem lại hai chi tiết đáng lưu ý. Tổng số cử tri năm 2010 lên đến 43.354.968 phiếu, nhưng có đến 21.148.548 người không đi bầu, chiếm tỷ lệ 48,78% số cử tri.
Những con số này nói lên sự chán nản của dân chúng, bầu hay không bầu, cũng chẳng thay đổi được gì.
Tuy cánh tả đang trên đà chiến thắng chính trị, nhưng việc giải quyết nội bộ về nhân sự của cánh tả sẽ còn đem lại nhiều sôi nổi, một số nhân vật lãnh đạo cánh tả bị phê bình là "la gauche caviar" (cánh tả tiền, chỉ bảo vệ thành phần giàu có).
Có thể nói, từ sau khi de Gaulle từ chức năm 1969, nước Pháp, trong thời Đệ ngũ Cộng hòa dần dần đi vào quỹ đạo của sự kiện chính trị «toàn cầu hóa» (mondialisation, globalisation), đằng sau hậu trường sân khấu chính trị là các thế lực tài chính dần dần chi phối nghiêm trọng mọi nền kinh tế. Kể từ đầu những năm 1980 việc «tư hữu hóa» được đẩy mạnh, trong khẩu hiệu «công là xấu, tư là tốt» và theo lý luận cùng hứa hẹn rằng, tư hữu hóa đẩy mạnh cạnh tranh thị trường, rồi mọi giá sinh hoạt sẽ được giảm xuống.
Thực tế bây giờ, ba mươi năm sau, cho thấy một kết quả ngược lại, khuynh hướng chiếm hữu địa vị độc tôn thị trường (monopole) khiến cho cá lớn nuốt cá bé, nhiều hãng đóng cửa, nhiều hãng dời cơ xưởng sản xuất, tình trạng thất nghiệp và giá sinh hoạt không giảm mà lại tăng lên. Năm 2001 đồng euro của khối Liên minh châu Âu (Union Européenne, hiện nay lên đến 27 quốc gia thành viên) được phát hành chính thức. Hai năm kế tiếp theo đó, dân chúng khổ sở cùng cực vì mọi giá sinh hoạt đều tăng vượt bậc, mà lương thì không tăng.
Hiện nay đồng euro đang trở thành «ngòi nổ» xã hội và có nhiều tiếng kêu trở về đồng tiền quốc gia cũ của từng nước.
Qua chương trình tranh cử 2007 và những hứa hẹn đổi mới của họ, các ứng cử viên tổng thống đã chính thức thừa nhận một thực trạng xã hội với nhiều vấn đề cần phải giải quyết để giữ hòa bình nội địa, vấn đề hàng đầu vẫn là vấn đề thất nghiệp, khoảng cách giàu/nghèo.
Mỗi ứng cử viên có một lựa chọn ưu tiên khác nhau để hứa hẹn đổi mới trong các lãnh vực: tiểu công nghệ, bình đẳng xã hội, giáo dục và nghiên cứu, cải cách guồng máy hành chánh, dân chủ, sức khỏe, hưu trí, công lý pháp luật, bình đẳng nam nữ, an ninh nội địa, ngoại giao và tương quan lực lượng thế giới, tôn giáo, xã hội, môi trường và sử dụng năng lượng.
Những thành phố hào nhoáng tráng lệ, những đường sá đầy ngập xe hơi, những tiệm ăn đầy thực khách, những phi trường và nhà ga xe lửa tấp nập kẻ đi người đến, những cửa tiệm rất sang trọng với những món hàng rất đắt tiền, một đôi giầy giá 500 euros cũng có người mua, các siêu thị đầy ắp hàng hóa... tất nhiên không nói lên sự khó khăn của đa số dân chúng, vì nước Pháp là một trong những quốc gia thu hút nhiều du khách nhất thế giới và thượng tầng xã hội Pháp có sức tiêu thụ mạnh. Thành phố Paris vẫn xứng đáng là một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị hàng đầu thế giới.

Thành phố Paris về đêm
Nhưng nếu sống gần gũi với người dân thường và hiểu những khó khăn hàng ngày của họ thì cái nhìn có khác đi. Hòa bình xã hội cần phải được xây dựng trên một nền tảng cân bằng xã hội, dù là tương đối. Tình trạng "miệng nhà quan có gang có thép" trước cửa quan và cửa quyền vẫn phổ biến. Đặc biệt thành phần trẻ không còn tin tưởng vào các biện pháp nhằm bảo đảm hệ thống xã hội nữa. Một người trẻ nêu lý luận, nếu bị bắt buộc phải đóng liên tục và tối thiểu vào quỹ hưu những 41,5 năm trời mà phải chờ đến 67 tuổi, nay mai sắp sửa bị tăng lên thành 69 tuổi mới được xin lương hưu thì có bao nhiêu người chết rồi mà không được lương hưu?!
Mỗi gia đình thuộc hạ tầng cơ sở, nếu chỉ là một tập hợp của ba thế hệ, đang phải đương đầu trực tiếp mỗi ngày với nhiều khó khăn thực tế: lương hưu quá thấp (tối đa là 50% mức lương cũ), trong khi đó tuổi về hưu bị kéo dài, đẩy lên đến 65/67 tuổi, giáo dục, tuổi trẻ, thất nghiệp, nhà ở, di chuyển, mức lương căn bản tối thiểu theo luật định (SMIC) được ấn định vào ngày 1/1/2011 là 9 euros/giờ, hoặc 1.365 euros/tháng cho 35 giờ lao động/tuần.
Trên số lương này người dân còn phải trả tiền thuế thu nhập cá nhân và đóng tiền vào các quỹ bảo hiểm xã hội, thí dụ như bệnh tật và hưu trí, cho nên đời sống của những gia đình chỉ kiếm được mức lương tối thiểu rất eo hẹp, chỉ còn lại 1.073 euros/tháng, trong khi tất cả mọi giá sinh hoạt, hàng hóa tiêu thụ đều tăng cao, trở nên đắt đỏ.
Mức lương tối thiểu này không cao hơn trợ cấp xã hội RSA là bao nhiêu (trợ cấp RSA được ấn định từ ngày 1/1/2011 cho một người là 466,99 euros/tháng, một đôi vợ chồng có hai đứa con là 980,68 euros, không con cái thì được lãnh 700,49 euros). Thành phần những người thất nghiệp lớn tuổi mà chưa đến tuổi được lãnh lương hưu, một số tiền mà chính họ đã đóng suốt trong nhiều năm làm việc, phải sống nhiều năm trời với mức trợ cấp xã hội RSA(*) rất thấp.
Con số những người hay cả gia đình phải sống bằng các loại trợ cấp xã hội (vì thất nghiệp, già yếu, bệnh tật, góa bụa...) để có được một mức sống tối thiểu lên đến 3.502.155 trường hợp trong năm 2009, trong số này có đến 1.730.154 người lãnh trợ cấp RSA. Trợ cấp RSA được coi là trợ cấp hàng đầu trong các loại trợ cấp xã hội, để hỗ trợ cho các gia đình thu nhập thấp (lương thấp, chỉ có một lao động, có nhiều con...) có thể có một thu nhập tối thiểu để sống, có thể nói một cách đơn giản rằng, những gia đình, cá nhân phải sống bằng trợ cấp xã hội là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội Pháp hiện tại.
Cái bức xúc nhất trong các gia đình là viễn ảnh không có tương lai cho giới trẻ và tình trạng giảm thu nhập tối đa, giảm sức tiêu thụ vì thất nghiệp. Giữa năm 2011 con số thất nghiệp chính thức do viện INSEE cung cấp là 9,5% trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Trên thực tế, số người thất nghiệp bị «lọt sổ» (đi huấn luyện nghề nghiệp, không đăng ký xin việc, đau ốm dài hạn, nuôi con, ăn xã hội...) cao hơn con số này.
Vào tháng 3/2011 toàn thể nước Pháp có 4,30 triệu người thất nghiệp, trong đó có 37,9% đã thất nghiệp dài hạn ít nhất là hơn 1 năm. Đa số thành phần thất nghiệp lâu dài là những người trên 50 tuổi, nhưng trong lớp tuổi từ 25-49 cũng có nhiều trường hợp thất nghiệp lâu dài. Khi một người thất nghiệp thì cả gia đình vợ chồng con cái đều cùng khổ, cùng thiếu thốn. Tuy nhiên phải công bằng mà nói, hệ thống xã hội của nước Pháp còn rộng rãi và tốt hơn các nước chung quanh, đồng thời cũng được kiểm soát khá nghiêm ngặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2007 đã mở ra một cuộc tranh luận mới về nguyên tắc đề cử ứng cử viên tổng thống của các đảng phái. Nhiều «rào cản» phụ, nhưng quan trọng, như tiền thế chân của mỗi ứng cứ viên, 500 chữ ký ủng hộ được công bố danh tánh và địa điểm... khiến cho chỉ có các đảng phái, dù to dù nhỏ, dù chỉ có một số rất ít đảng viên so với thành phần đại đa số cử tri, mới có đủ điều kiện tài chánh, cộng thêm sự ủng hộ của giới lãnh đạo và hệ thống truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, sân khấu, mạng internet...) để «đưa» ra một ứng cử viên tổng thống của đảng mình.
Và người dân chỉ còn có thể lựa chọn trong những nhân vật của các đảng phái đã lựa chọn sẵn, dù những ứng cử viên đó có nhiều điểm yếu về tư cách cá nhân, quá khứ, lập trường chính trị, và nhất là không được lòng dân.
Hiện nay, nước Pháp đang vào mùa tranh cử tổng thống cho nhiệm kỳ 2012-2017. Các đảng phái đang ráo riết bầu chọn ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2012.
(*) | RSA là tên viết tắt của «Revenu de solidarité active». Nguồn: Cnamts, Cnaf, Msa, Drees, Pôle emploi, Fsv, Cnav, Cdc, régime des caisses des DOM. Tài liệu tham khảo:
|
- | Georges et Janine Hémeret, République Française – Les présidents, Socadi, Paris 1985. |
- | Các dữ liệu của INSEE (Viện Thống kê Pháp, Institut National de la Statistique et des Études Économiques). |
- | Các văn kiện công bố chính thức của Bộ Nội vụ Pháp (Ministre de l‘Intérieur et de l‘Aménagement du Territoire), Thượng nghị viện (Sénat). |
- | Các văn kiện công bố chính thức của Bộ Kinh tế, Tài chánh và Kỹ nghệ (Ministère de l'Économie, des Finances et de l'Industrie). |
- | Tạp chí Der Spiegel – CHLB Đức. |