Mùa văn chương Pháp và giải thưởng Goncourt 2010

Đã thành lệ, tháng Chín hàng năm là thời điểm văn chương Pháp “vào mùa” (“la rentrée littéraire”), hàng trăm tiểu thuyết mới ra mắt, hàng ngàn đầu sách thuộc đủ thể loại được xuất bản, tái bản… Ngày 6/9, ban giám khảo quốc gia công bố danh sách 14 tác giả (và tác phẩm của họ) được tuyển chọn tranh giải thưởng văn học Goncourt 2010. Ngày 5/10 và 4/11, danh sách này được “lọc” thêm hai lần nữa, trước khi giải thưởng được trao cho người xứng đáng vào ngày 8/11.

Nhân dịp này, phóng viên tờ Les Echos (Pháp) đã phỏng vấn bà Teresa Cremisi, tổng giám đốc nhà xuất bản (NXB) Flammarion (Pháp), về nghề xuất bản, về hiện tượng “best-seller hóa” (best-sellerrisation) đang diễn ra trong làng văn Pháp, cũng như những thách thức của ngành xuất bản số (sách điện tử)… Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Les Echos: “Vào mùa văn học” là một sự kiện mang tính chất rất riêng của văn chương Pháp. Đấy vẫn luôn là một “cuộc hẹn” quan trọng đối với các NXB?

Bà Teresa Cremisi: Đúng vậy, đó là thời điểm rất sôi động của văn học. Với những NXB như Gallimard, Grasset hay Seuil - vốn là những NXB có truyền thống tôn trọng “mùa vụ” - cuộc hẹn này đặc biệt quan trọng, là “cửa ngõ” dẫn đến các giải thưởng văn học. Ở Flammarion thì khác. Tất nhiên, “vào mùa” chúng tôi cũng cho ra mắt 5 cuốn tiểu thuyết Pháp và 3 cuốn khác của tác giả nước ngoài, nhưng nhìn chung sách “vào mùa” chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong hoạt động cả năm của chúng tôi. Mỗi năm, chúng tôi xuất bản khoảng 1.600 đầu sách (kể cả loại sách “bỏ túi”) thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có khoảng 60 cuốn tiểu thuyết. Mặt khác, đã vài thập kỷ nay, Flammarion không nhận được một giải thưởng văn học lớn nào…

- Công chúng vẫn say mê văn học như ngày nào?

- Tôi xin mạo muội được nói: Vâng, văn học vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng đối với độc giả Pháp. Và điều thứ hai: Vâng, nền văn học (tác phẩm văn học) có chất lượng (luôn) là một sự đầu tư tốt. Trên thực tế, nghề xuất bản bao gồm nhiều “nghề” khác nhau: “nghề” xuất bản sách đẹp, sách tiểu luận, sách giáo khoa, sách bỏ túi, sách dành cho giới trẻ… Trong số những “nghề nhánh” này, thì xuất bản (sách) văn học đương đại là nghề “mũi nhọn”, khó lường trước nhất nhưng có ảnh hưởng tới tất cả phần còn lại…


Cuốn La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ) của
nhà văn Michel Houellebecq được NXB Flammarion xuất bản. Ảnh: AFP.

- Một cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng mà chúng ta vừa trải qua có ảnh hưởng tới công việc của các nhà tiểu thuyết hay không?

- Hoàn toàn không. Văn học không tự động có “hiệu ứng gương” (ý nói không phản ánh một cách tự động). Văn chương là thứ mà người ta làm với những gì có ở trong mình. Nó được nuôi dưỡng bởi thời đại đồng thời ảnh hưởng lại thời đại. Nó có thể thấy trước những điều mà các sử gia hay các nhà báo còn chưa phát hiện thấy. Đấy là “bộ cảm biến”, ăng-ten nhận tín hiệu, là “máy” phát hiện, nhưng tính thời cuộc (temporalité) của văn học khác với tính thời cuộc của thời sự (l’actualité).

- Giống như mọi hoạt động khác, hoạt động xuất bản dường như không tránh khỏi tình trạng “thông tin đại chúng hóa” (mediatisation) ngày càng tăng. Các tác giả trải nghiệm điều này như thế nào?

* Doanh số hàng năm của NXB Flammarion vào khoảng 210 triệu euro, trong một thị trường trị giá 3,5 tỷ euro. Flammarion được xếp vào hàng thứ tư trong số các NXB Pháp.

* NXB Flammarion xuất bản cuốn La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ) của nhà văn Michel Houellebecq, được đề cử tranh giải Goncourt năm nay.

- Nhiều trường hợp xảy ra. Đôi khi, thông tin đại chúng “ủng hộ” quá đến mức nực cười. Nhưng lại cũng có những tác giả thích “mai danh ẩn tích”. Như Milan Kundera chẳng hạn, suốt 30 năm ông không bao giờ để ai chụp ảnh mình, không chấp nhận một cuộc phỏng vấn nào. Còn Michel Houellebecq thì cứ khoảng 5 năm mới cho ra một cuốn tiểu thuyết. Trong thời gian đó, không ai nhìn thấy ông, chẳng ai nghe thấy ông nói. Không có “công thức” chung. Mỗi tác giả quan hệ với thông tin đại chúng theo cách riêng của mình. Tôi không cho rằng, hiện tượng “nổi tiếng hóa” (peopolisation) tác giả là do thời đại của chúng ta sinh ra. Hãy nhớ lại những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi ấy Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir đã là những “ngôi sao” thực sự, luôn hiện diện trên văn đàn…

- Đôi khi người ta có cảm giác là yêu cầu “viết kỹ” (l’exigence d’ecriture) đang dần biến mất. Ví dụ, có những tác giả mỗi năm cho ra một tiểu thuyết. Việc này có làm bà “phiền lòng” không?

- Không, không… Luôn có một nền văn chương đại chúng và những tác giả đại chúng, trong số đó có những người viết tốt. Còn văn học “kỹ tính” vẫn luôn tồn tại. Nước Pháp “giàu” những nhà văn giỏi. Việc họ viết sáu tháng một cuốn sách hay sáu năm không làm thay đổi gì nhiều.

- Thế nhưng, ngày nay mỗi nhà xuất bản đều cần sách “best-seller” để sống. Đó chẳng phải là một trở ngại đối với chất lượng (nói trên) mà bà mong muốn duy trì?

- Trong một thời gian dài, ngành xuất bản Pháp tránh được sự “best-seller hóa” quá mức như điều đã xảy đến ở các nước nói tiếng Anh hay nước Ý. Nay thì Pháp bị “nhiễm” rồi. Người ta đếm được khoảng 30 nhà văn Pháp có khả năng vượt “ngưỡng” 100.000 bản in. Bên cạnh đó, người ta cũng nhận thấy sự suy giảm của những loại sách mà trước kia có thể bán được từ 5.000 tới 15.000 bản. Ai cũng bị “hút” vào sách “best-seller”: nhà xuất bản, nhà phân phối (vì con số, vì lợi nhuận), thậm chí cả các hiệu sách nữa. Giờ đây, những hiệu sách nào dám bảo vệ “gu” (văn học) của riêng mình chính là những “anh hùng” thực sự.

- Bà định nghĩa công việc xuất bản của bà ngày nay như thế nào?

- Đó là công việc kết nối giữa một bên mang tính chất tượng trưng - là văn hóa - và một bên là thực tại - là thương mại (giữa “le symbolique” và “le réel”). Không phải tôi nói mà đấy là Diderot nói! Công việc của người xuất bản giống như dây cu-roa truyền chuyển động vậy. Trong công việc đó, vai trò của thương mại không kém phần quan trọng. Không có nó, mọi sự sẽ mất đi tính thực tiễn…


Cuốn Naissance d'un pont (Sự ra đời của một cây cầu)
của nhà văn nữ Maylis de Kerangal, NXB Verticales xuất bản,
được đề cử tranh giải Goncourt năm nay.

- Công việc này đã thay đổi theo dòng thời gian?

Tôi muốn nói trước tiên về những điều không hề thay đổi. Như mối quan hệ với các tác giả chẳng hạn. Người ta không thể trở thành nhà xuất bản nếu không biết điều gì là quan trọng đối với các nhà văn. Phải có chút mẫn cảm với những gì đang diễn ra (“Une certaine sensibilité à l'air du temps”). Không thể trở thành người làm công việc xuất bản nếu không “đồng hành” cùng thời cuộc. Phần “nghệ nhân” (nghệ thuật thủ công) của nghề không hề thay đổi.

Thay đổi nhiều nhất là các “mắt xích” của “dây chuyền” xuất bản: các công nghệ mới giúp thay đổi quá trình sản xuất sách, ít tốn kém hơn, hiệu quả hơn; hệ thống phân phối ngày càng hoàn thiện; cuối cùng là sự tham gia của tài chính. Người xuất bản có thể biết được giá thành hay lợi nhuận của mỗi cuốn sách, mỗi bộ sách. Những thông tin này rất quan trọng, nó giúp điều chỉnh cách quản lý một bộ sách, thậm chí một thể loại sách, giúp người xuất bản đưa ra những quyết định thích hợp…

- Sự kiện lớn nhất lúc này hiển nhiên là sự xuất hiện của ngành xuất bản số. Điều gì sẽ thay đổi?

Tôi cho rằng, mỗi nước sẽ phát triển những thói quen tiêu thụ sách khác nhau. Người ta đã có thể nhận thấy điều đó. Người Nhật, người Hàn đọc tiểu thuyết và truyện tranh trên điện thoại di động của họ. Ở Mỹ, “sách điện tử” Kindle của Amazon, và bây giờ là iPad của Apple, đã tạo nên những “kiểu” đọc mới, nhất là đối với các thể loại tiểu luận (essai). Tại Pháp, công chúng vẫn chưa thực quen với sách điện tử. Ví dụ, tác phẩm mới nhất của Jean-Christophe Rufin bán được 138.000 bản in giấy, nhưng bản trên mạng chỉ được 400 người tải về.

NINH HÀ NGUYỄN QUỐC