May bộ đồ bà ba đen cho vị khách nước ngoài

Wilfred Graham Burchett (người Úc, 1911-1983) là một phóng viên cánh tả nổi tiếng, là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt và đưa tin tại Hiroshima, Nhật Bản sau khi Mỹ thả bom nguyên tử. Ông cũng là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh của người Việt Nam chống lại quân đội Pháp và Mỹ.

Năm 1963, vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5, đang làm việc tại Văn phòng cơ quan Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại khu căn cứ Long Nguyên, chúng tôi nhận được một xấp vải đen cùng kéo, kim chỉ, bộ nút áo kèm một bức thư ngắn giao nhiệm vụ.

Thư của lãnh đạo cấp trên dặn phải may gấp một bộ bà ba đen cho một vị khách người nước ngoài khoảng 50 tuổi, to con, không cao lắm nhưng bụng khá bự. Mảnh giấy giao nhiệm vụ chỉ ghi bấy nhiêu, không nêu kích cỡ ly tấc rõ rệt, lại còn dặn phải tuyệt đối bí mật.

Do yêu cầu “quái ác” như vậy nên chỉ hai người được chỉ định thực hiện là chị Mười Châu và tôi biết công việc mà thôi. Cũng vì phải giữ bí mật tuyệt đối nên chúng tôi bàn nhau phải may tay trong căn cứ, vì mang ra ngoài xóm ấp may nhờ máy may của bà con thì mau, nhưng với kích thước quá khổ độc đáo của người mặc như thế này, sợ người ta sẽ để ý, dễ lộ!

Cuối cùng không biết lấy ai làm mẫu, chị Mười Châu thì ốm nhom, chị Mười quyết định cứ dựa theo thân hình của tôi vì tôi cũng khá “đồ sộ”, rồi cộng thêm 1, 2 tấc vào. Như vậy, về chiều cao sẽ đo từ trên vai tôi xuống tới gần đầu gối làm vạt trước, vạt sau đo từ trên vai của tôi xuống tận phía sau đầu gối, vòng bụng của chiếc quần lấy vòng bụng của tôi là 80cm cộng thêm 80cm nữa để vòng lưng quần được rộng 1,60m. Về chiều dài của ống quần sẽ nhắm theo chiều dài chiếc quần của chiến sĩ bảo vệ nào cao nhứt rồi cộng thêm khoảng 15cm. Về đáy quần phải khá thấp, bù vào độ cao của chiếc bụng bự.

Để giữ kín việc may bộ bà ba đặc biệt này, chúng tôi xuống hầm rộng chống bom pháo, trải ni lông lót dưới sàn đất, mang vải ra đo đạc, cắt may, chẳng bị ai nhòm ngó. Hai chúng tôi tranh thủ may suốt ngày không xong, đêm đến đốt đèn bão làm tiếp. Chúng tôi khâu bằng tay, bảo nhau nắn nót từng đường kim mũi chỉ, giữ sao cho đẹp, cho khéo. Hết sức cố gắng cũng phải mất 3 ngày 2 đêm, hai chúng tôi mới may xong bộ đồ bà ba đen có một không hai này!

Để nhìn rõ hình dáng của bộ đồ bà ba đen “đặc biệt”, chúng tôi bèn giăng cao chiếc áo rồi chiếc quần. Đúng là chúng không giống ai hết! Áo giăng ra chiều rộng gần bằng chiều dài, tức là vuông vức, hai ống tay rộng và dài y như hai ống tay của chiếc áo lễ mà các vị bồi tế thường mặc khi dâng rượu cúng đình!

Nghịch ngợm hơn, tôi xỏ cả bộ đồ vào người, xỏ chiếc quần xong, tôi kéo lưng quần, chạy tuốt lên đến cổ, rồi cột giây vào cổ, y như trẻ con. Phía dưới ống quần phải xếp lớp 3 lần, 4 lần mới ló được bàn chân ra. Chiếc áo bà ba rộng thùng thình, dài tới đầu gối. Hai ống tay rộng và dài lê thê như hai ống tay áo thụng của vị bồi tế khi dâng rượu tế lễ ở đình làng.

Một tuần sau, lãnh đạo cơ quan là anh Tám Chí cho biết anh sẽ đi rước một ông khách người nước ngoài về đây làm việc và dặn dò rất kỹ anh em bảo vệ, cán bộ nhân viên cơ quan phải hết sức cảnh giác, yêu cầu soát lại hầm hào thật chu đáo, cảnh giới biệt kích, dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà lá trung quân bên bờ trảng thơ mộng bìa rừng Long Nguyên để đón tiếp khách!

Anh Tám Chí đi 2 ngày, đến trưa ngày thứ ba anh trở về vẻ mặt rất vui tươi, theo sau có 3 thanh niên và một người khách lạ. Gương mặt ông khách này nhìn rất Tây! Ông mặc bộ đồ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, đầu đội nón tai bèo xanh lá cây, tấm vải dù ngụy trang vẫn đang rủ trên vai ông, lúc bấy giờ đã hơn 2g chiều.

Chúng tôi tập họp trong hội trường cơ quan đón chào khách. Hội trường tuy nhỏ nhưng được trang trí đẹp, có bàn chủ tọa, phông vải màu xanh hòa bình rất mát mắt, có bàn thờ Tổ quốc, bình hoa rừng tươi thắm, đặc biệt có bức ảnh Bác Hồ rất trang trọng.

Anh Tám dẫn vị khách đặc biệt vào bàn chủ tọa, mời ông ngồi. Nhưng ông không ngồi ngay mà tiến đến trước bàn thờ Tổ quốc, đứng nghiêm cúi đầu làm lễ chào Bác Hồ. Cử chỉ cung kính nghiêm trang này chiếm ngay tình cảm thân thương của mọi người, ai cũng thấy mến mộ quý trọng ông như người thân trong một gia đình.

Anh Tám giới thiệu: “Đây là ông Wilfred Burchett, một nhà báo người Úc rất có cảm tình với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Hôm nay ông đến đây trước để thăm anh chị em trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, sau sẽ làm việc với Ban lãnh đạo của Mặt trận”, rồi anh Tám giới thiệu với ông khách: chúng tôi là cán bộ và nhân viên chiến sĩ của cơ quan Mặt trận Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông khách vụt đứng dậy mừng rỡ, nét mặt hớn hở, cúi chào chúng tôi rất vui vẻ.

Nhìn ông khách, tôi mới nhớ lại lời dặn trong thơ, người to con, bụng hơi bự… Tôi và chị Mười cố nhìn kỹ ông khách, tự nhủ: Bộ đồ bà ba chúng tôi may theo trí tưởng tượng không ngờ vị khách mặc vừa vặn, chiếc áo bà ba rộng như thế lại hợp với thân người to béo của ông, vạt áo phía trước phù hợp với cái bụng bự nên ông rất thoải mái trong bộ đồ này. Duy cổ ông hơi to mà cổ áo hơi hẹp nên không gài được nút, thay vào đó nhờ có chiếc khăn rằn quấn cổ thả trước ngực tạo cho ông nét hiên ngang của người chiến sĩ quân giải phóng! Dường như ông rất khoái bộ trang phục “giải phóng” này. Hai chúng tôi chăm chú nhìn ông khách, tủm tỉm cười thú vị, không ngờ “cắt đại” theo trí phỏng đoán mà ông khách lại mặc rất vừa. Anh Tám khen: “Tay nghề hai cô cũng vào loại khá đấy”.

Ông khách vui vẻ thuật lại con đường mòn trong rừng rậm, hai anh bảo vệ thay phiên chở ông trên porte-bagages (cái đèo hàng) của chiếc xe đạp cũ, anh phiên dịch đạp xe theo sát đoàn - luôn nhắc ông trùm miếng vải che mặt để khỏi lộ diện! Đường mòn vòng vèo khó khăn, ông nói đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông được đi trong vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam. Điều gây ấn tượng sâu ở ông là lúc nghe tiếng máy bay giặc từ xa, anh bảo vệ thính tai, kêu lên: “máy… bay!”, tất cả vội vàng nhảy xuống, đẩy xe vào bụi rậm rồi chui sâu núp kín trong bụi. Tiếng rè rè của chiếc máy bay trinh sát L-19 bay rất chậm, rất thấp, ngang qua rồi bay đi luôn. Khi máy bay địch đã xa hẳn, hai anh bảo vệ mới mời ông lên xe đạp để tiếp tục đi! Ông thuật lại cảnh này với nhiều xúc động vì là lần đầu tiên ông được “nếm” mùi vị chiến tranh thực sự: Từ trong bụi rậm, trùm tấm vải dù, lá cây xum xuê che kín, ông chăm chú theo dõi chiếc L-19 đang là là, hai cánh nghiêng ngó, săm soi. Nó bay rất thấp ngay trên đầu ông, mà nó không thể thấy được ông ngay phía dưới chỉ cách nó khoảng ngàn thước… Ông thân mật dùng tiếng Pháp nói với anh Tám Chí là ông rất khen tinh thần sáng suốt và ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân Việt Nam, ông rất vui, tự hào và hạnh phúc khi được sống trong cảnh chiến đấu hào hùng có một không hai của nhân dân Việt Nam như thế này!

Trong lúc chuyện trò trao đổi, ông lại thuật một việc ông làm lúc mọi người đạp xe theo đường mòn trong rừng. Đường mòn gập ghềnh rất khó đi, anh Long bảo vệ chở ông cũng nhỏ con, anh làm nhiệm vụ chở một người nước ngoài nặng ký cỡ Burchett rõ ràng là một cố gắng quá sức tưởng tượng của ông. Rất tình cảm và chân thật, ông thổ lộ: “Khi ngồi đằng sau anh Long nhìn áo anh ướt đẫm mồ hôi, gò lưng thở dồn dập, tôi thương anh quá, tôi không biết phải làm gì cho anh đỡ mệt. Hồi lâu nghĩ ra một kế “tiện một công đôi việc”: tôi bắt chước các anh bảo vệ bất ngờ la lên “may… bay, may… bay!”. Bây giờ tôi mới thú thật, lúc đó dù được ngồi trên cái đèo hàng đằng sau xe đạp anh Long chở, nhưng tôi to con, bàn tọa lớn, ngồi lâu cũng rất đau, rất mệt, rất muốn nghỉ… Lại quá thương anh Long, cũng muốn cho anh nghỉ đỡ mệt, nên tôi liều mạng bắt chước các anh bảo vệ hô lớn “may bay”… Lập tức đoàn dừng lại, giấu xe, anh Long được xả hơi, còn tôi cũng được dịp ngồi bẹp xuống cỏ cho giãn xương cốt”. Nói xong ông lắc lắc đầu tỏ vẻ ân hận về việc báo động giả này.

Rồi ông nhờ đồng chí phiên dịch dịch lời xin lỗi thành thực của ông. Lúc đó, ông rất xúc động, nắm hai tay đưa lên cao, vừa lắc lắc và ngó về phía hai anh bảo vệ. Cả hội trường xúc động, nín lặng một lúc rồi vỗ tay!

Anh em bảo vệ phục vụ vị khách với tất cả tình cảm thương yêu, gắn bó. Địch đóng tại Rạch Bắp, Đồng Dù và Dầu Tiếng đêm đêm thường bắn pháo cầu âu vào vùng căn cứ ta. Đêm ngủ anh em giăng võng trong hầm chống phi pháo để ông nằm chính giữa hầm, anh em nằm vây xung quanh che chắn cho ông. Ông Burchett ăn ở, làm việc tại căn cứ Long Nguyên này luôn trong 4 ngày, 4 đêm. Ngoài cuộc gặp gỡ lãnh đạo Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ông còn được tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức như bác sĩ Phùng Văn Cung, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Võ Văn Kiệt và người đi đón ông - kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (bí danh Tám Chí), lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGP miền Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban MTDTGP Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ban đêm, Ban căn cứ thường tổ chức biểu diễn văn nghệ, chiếu bóng… để ông thấy được tuy gay go gian khổ, bom đạn càn quét ác liệt nhưng quân dân ta rất lạc quan, vượt lên tất cả quyết tâm chiến đấu chống xâm lược Mỹ với niềm tin tất thắng.

Khi chia tay, cả khách và chủ nhà đều xúc động, ông siết chặt tay từng người, và hẹn sẽ gặp lại nhau vào ngày toàn thắng không xa tại Sài Gòn. Lúc lên đường, anh bảo vệ đạp xe đi trước, anh phiên dịch rồi đến ông Burchett ngồi trên chiếc đèo hàng sau lưng anh Long bảo vệ. Lần ra về này chắc ông đã quen ngồi xe đạp đèo rồi nên có vẻ ung dung thoải mái, quay đầu lại, tay vẫy vẫy, lại còn đưa tay lên miệng “hun gió” liên tục gởi chúng tôi…

* * *

Mãi sau này, khoảng tháng 7-1977, vào dịp nghỉ hè, tôi cùng một số anh chị em bạn đi nghỉ tại Vũng Tàu, tình cờ gặp lại ông Burchett trên bãi biển. Ông đang ngồi đó với một cô gái khoảng đôi mươi, mình ông mặc một áo thun lá, quần soọc - thân hình đồ sộ, áo thun rộng vẫn không che giấu nổi chiếc bụng bự. Trông ông có vẻ già hơn hồi gặp năm 1963 tại rừng Long Nguyên, mái tóc nâu mượt mà năm xưa nay đã điểm bạc.

Thấy tôi ông nhớ liền và giới thiệu ngay với cô con gái của ông.

Và hình như những kỷ niệm thân thương dồn nén bao lâu nay trong lòng, ông bắt đầu kể lại với con gái… Ông nói không ngừng, dường như cũng muốn nhắc lại với tôi những kỷ niệm về căn cứ Long Nguyên đã ghi sâu trong tâm hồn ông hồi năm xưa: “Tôi còn nhớ rất rõ con đường mòn nhỏ xíu ngoằn ngoèo trong rừng, được chở đi trên cái đèo hàng của chiếc xe đạp bánh xe loại 650 - mặc dù có anh thanh niên khỏe mạnh chở tôi, tôi khỏi phải đi bộ, nhưng con người khá to của tôi, bàn tọa lớn mà phải ngồi hàng giờ trên một cái đèo hàng nhỏ xíu, tôi chưa từng ngồi như vậy nên rất mệt”. Ông vừa nói vừa ra dấu kích thước quá nhỏ của cái đèo hàng (porte-bagages) với con gái ông, ông cười cười, nói tiếp: “Bố bắt chước hai anh thanh niên chở bố, bố tập nói lơ lớ tiếng Việt “may bay”! Nghe vậy mấy anh thanh niên tưởng có máy bay thật rất mau lẹ dừng xe, đỡ bố xuống, và cùng lủi vào bụi rậm với chiếc xe đạp! Mấy anh ấy đâu có biết do bố phải ngồi lâu trên chiếc đèo hàng nhỏ quá đau đành phải xí gạt các anh như vậy!”, rồi ông lại cười, tỏ ra rất thương cảm cho hai anh thanh niên thay phiên nhau chở ông trên chiếc xe đạp cũ suốt 3, 4 ngày len lỏi đi trong cánh rừng già Long Nguyên.

Rồi ông nhắc đến bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn cổ, và chiếc nón vải tai bèo màu xanh lá cây cùng tấm vải dù ngụy trang đã che ông khuất mắt bọn giặc mỗi khi máy bay L-19 bay rất chậm, rất thấp để dòm ngó quan sát khu rừng!

Ông nói với tôi với một giọng buồn buồn và tiếc rẻ: “Bộ quần áo vải đen may cho tôi, tôi nhận được lúc đến trạm giao liên số 1, tôi không ngờ nó rất vừa với tôi, và tôi cảm thấy rất thoải mái khi mặc nó, ngồi bệt xuống đất cũng dễ, không cảm thấy gò bó. Đây là một vật kỷ niệm rất quý đối với tôi, tôi muốn giữ nó bên tôi suốt cuộc đời để nhớ lại những kỷ niệm thân thương mà tôi được sống cùng với các anh chị em giải phóng quân kháng chiến chống Mỹ. Từ các anh lãnh đạo đến anh em nhân viên, du kích nam nữ đều mặc như thế, và tôi cũng muốn hòa nhập với các anh các chị trong bộ đồ đen như vậy, tôi cũng trở thành một chiến sĩ kháng chiến chống Mỹ như các bạn. Tôi muốn giữ mãi bộ đồ bằng vải đen nhưng đến trạm chót, trước khi từ giã khu kháng chiến để ra thành phố, nhằm giữ an toàn cho tôi, anh trưởng trạm đã xin tôi giao lại tất cả, bộ đồ vải đen, cái khăn rằn quàng cổ, chiếc nón vải tai bèo màu xanh lá cây đậm. Những vật này đã bảo vệ tôi suốt thời gian gần mười ngày sống và đi lại len lỏi trong rừng già”. Và ông cũng thiết tha: “Tôi rất muốn trở lại thăm cảnh rừng già, nơi tôi được gặp các nhà trí thức, các nhân sĩ và các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở phía Nam”.

Để ông yên tâm, tôi nói: “Thưa ông, việc ông muốn trở lại thăm cảnh cũ cánh rừng mà ông đã gặp các vị lãnh đạo năm xưa giờ đây rất dễ! Đất nước chúng tôi đã hoàn toàn giải phóng, chúng tôi sẽ đưa ông về Long Nguyên, về Củ Chi thăm địa đạo, các hầm trong căn cứ địa cũ. Lần này ông đi rất thoải mái, không phải vất vả như khi còn kháng chiến, ông không còn phải la “may bay” để được xuống xe đạp và có cơ hội chui vào bụi để nghỉ mệt đâu!”. Nghe xong ông cười vui, gật đầu và bảo với con gái: “Để một lúc nào đó bố sẽ đưa con đi tham quan các địa đạo, các hầm chống phi pháo của thời kỳ miền Nam Việt Nam chống Mỹ, nhưng khi đó đưa con đi bố sẽ khỏi phải la “may bay” nữa! Vì đất nước Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng và độc lập, thống nhất rồi!”.

 

_____

* Cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định.

TRẦN THỊ MỸ*