Sau khi Hòa thượng Quảng Đức vị pháp thiêu thân, Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam Thích Tịnh Khiết kính ngưỡng suy tôn Ngài ngôi vị Bồ tát. Hồng danh “Nam mô đại hùng đại lực Quảng Đức Bồ tát” khởi đầu từ đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11-6-1963 và sau đó, cho trang trọng công bố đôi câu đối kính viếng, thể hiện tấm lòng của Người và của đồng bào cả nước, đối với Hòa thượng Thích Quảng Đức:
爲法燒身萬古雄輝天日月
留名不死百年正气地山河
“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt;
Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”
Tạm dịch:
“Vị pháp thiêu thân muôn thuở hùng huy trời nhật nguyệt;
Lưu danh bất tử trăm năm chính khí đất sơn hà”
Là một vị lão thành cách mạng, Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu nói: “Xin có một vài ý kiến tự đáy lòng… Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân. Trong lòng tôi, mấy mươi năm nay chỉ biết Thích Quảng Đức vị quốc thiêu thân. Và tôi thường nói Hòa thượng Thích Quảng Đức là một người yêu nước. Không biết [tôi nói] có đúng không, nhưng Thích Quảng Đức cũng là một vị đại anh hùng của dân tộc…”(1).

Đài tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tại TP. Hồ Chí Minh
Đại nguyện và hành động cúng dường của Hòa thượng Thích Quảng Đức không những là công đức to lớn đối với Phật giáo, mà đồng thời là một đóng góp cao quý, sâu sắc, đầy hiệu lực mạnh mẽ vào đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc và đối với Tổ quốc.
Bản chất và sức phát huy của ngọn đuốc và trái tim Thích Quảng Đức là đại hùng đại lực đại từ bi.
1. Đối với Mỹ, “ngay sau ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, cả thế giới bị sốc, Tổng thống J.F. Kennedy cũng vậy”. “…Chỉ qua một đêm, cả thế giới nhận ra Mỹ… đã chọn đúng một bạo chúa để hà hơi tiếp sức”. “…Chỉ riêng vụ tự thiêu ngày 11-6 này thôi đã gây cho J.F. Kennedy nhiều rắc rối nhất kể từ vụ khủng hoảng tên lửa Cuba; vì vậy ông cương quyết sửa chữa”(2).
Lịch sử đã chỉ ra sự gặp gỡ giữa việc “thảo kế hoạch đảo chính” của nhóm tướng lĩnh Sài Gòn từng được Ngô Đình Diệm tin cậy và ý tưởng “cương quyết sửa chữa” của Tổng thống Mỹ Kennedy. Sau ngày 11-1-1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Đảo chính ở Sài Gòn, dù là do Hoa Kỳ gợi ý, vẫn là một bước tiến trên hướng tốt”(3). Rõ ràng ảnh hưởng và nguồn lực thúc đẩy của ngọn lửa Quảng Đức hết sức to lớn và trực tiếp!
2. Tất nhiên, một cách trung thực và khách quan, lịch sử cũng tính đến những yếu tố tác động cùng góp phần quyết định khác vào việc đánh đổ ngụy quyền Ngô Đình Diệm, như của công cuộc “Đồng khởi” mở đầu từ Bến Tre, của chiến thắng “chiến thuật trực thăng vận” khởi đầu với trận Ấp Bắc, cùa cái gọi là “quốc sách Ấp chiến lược” bị phá banh từng mảng lớn ở nông thôn, và trực tiếp của phong trào nhân dân các thành thị và vùng địch tạm chiếm dưới ngọn cờ Phật giáo, với đông đảo phật tử và đồng bào các tầng lớp tham gia, trực diện tấn công chế độ Diệm - Nhu dưới nhiều hình thức…
Trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ vĩ đại và lâu dài, sâu sắc và quyết liệt ở miền Nam trước đây, nhân dân ta đã chiến thắng trận đầu chiến lược, đánh sập chính quyền và quân đội Sài Gòn, làm phá sản chiến tranh đặc biệt. Chính trên nền tảng thắng lợi trận đầu chiến lược đó mà nhân dân ta chủ động đoàn kết xông lên đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, “đuổi Mỹ lật ngụy”, giải phóng toàn miền Nam, hoàn thành hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trong trận đầu làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt, việc đánh đổ lực lượng tay sai phản động Ngô Đình Diệm có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực đến cả quá trình chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, qua trải nghiệm lịch sử, những công dân và phật tử Việt Nam trung thực có điều kiện để nhận rõ: Con đường đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thực dân đế quốc, thực hiện độc lập hòa bình thống nhất Tổ quốc, tiến tới thiết lập và kiện toàn chế độ dân chủ, xây dựng xã hội công bằng văn minh tiến bộ ngang tầm thời đại là đạo lý và chính nghĩa của dân tộc; là vận mệnh không thể cưỡng lại được; không chỉ là nguyện vọng và công sức của riêng lực lượng dân tộc nào và không thuộc về riêng ai. Sự minh bạch và lợi ích khách quan của bài học lịch sử ấy đòi hỏi phải nhận định và phân tích đúng đắn vị trí, vai trò cũng như sức mạnh đóng góp của cuộc vận động liên tục vì Đạo pháp và Dân tộc, mà tiêu biểu và đỉnh cao là ngọn lửa Quảng Đức. Thực chất cuộc vận động đó là phong trào đấu tranh dân chủ, hòa bình và yêu nước của đông đảo phật tử cùng đồng bào các thành thị đóng góp vào cuộc vận động dân tộc dân chủ sâu rộng của toàn dân miền Nam và của cả dân tộc.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc ta là đoàn kết-đại đoàn kết đưa tới thành công-đại thành công. Phong trào đấu tranh của Phật giáo, mà công lực và ánh sáng của ngọn lửa Quảng Đức tiêu biểu, xứng đáng là một dòng mạnh mẽ trong đại hợp lưu của công cuộc đoàn kết vận động vĩ đại vì yêu nước, dân chủ, tiến bộ xã hội và hòa bình của dân tộc!
Nhân đây, chúng ta nhớ lại một câu chuyện về Hòa thượng Quảng Đức mà Hòa thượng Thiện Hào, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là nhân chứng trong cuộc. Hòa thượng Thiện Hào thường nhắc kỷ niệm về đêm nghỉ lại, đàm đạo suốt sáng và bữa cơm đưa tiễn thắm thiết tình-Đạo-nghĩa-Nước sớm hôm sau với Hòa thượng Quảng Đức ở chùa Thiên Phước - Cai Lậy (Tiền Giang) giữa năm 1960, lúc Hòa thượng Thiện Hào bắt đầu thoát ly ra chiến khu Đồng Tháp Mười rồi lên căn cứ trung ương của Cách mạng miền Nam. Năm 1963, từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), khi được tin Hòa thượng Quảng Đức dũng cảm tự thiêu vì đại nghĩa, Hòa thượng Thiện Hào khóc và nhuốm bệnh nhiều ngày. Hòa thượng Thiện Hào đã nghẹn ngào kể với các vị ở Cơ quan thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam:“Nhớ lời Hòa thượng [Hòa thượng Quảng Đức] dặn: Thầy [Hòa thượng Thiện Hào] vô trong lo việc lớn, tôi ở ngoài này xin đóng góp sức nhỏ nhoi của mình. Hòa thượng nói mình chỉ “góp sức nhỏ nhoi” mà việc làm của Hòa thượng thật là vĩ đại…”(4).
Trong “Lời nguyện tâm quyết” trước khi tự thiêu, Hòa thượng Quảng Đức nêu rõ 4 điều chí nguyện, mà Điều 4 là: “cầu nguyện cho Đất nước thanh bình, nhân dân an lạc”(5).
3. Về phẩm chất tu hành, suốt đời Hòa thượng Quảng Đức tinh cần, mẫu mực cả mấy phương diện: tu học, giáo hóa đệ tử, trưởng dưỡng Tăng đoàn, tu tạo tự viện, thiệp thế độ sanh, hoằng truyền và bảo vệ Phật pháp… Bình sinh, ngài tu theo kinh Đại thừa Diệu pháp Liên Hoa, bao gồm nhiều pháp tu của Mật, Thiền và Tịnh độ. Trước ngày tự thiêu, tại chùa Ấn Quang, ngài trì tụng một tuần lễ trọn bộ kinh Pháp Hoa. Ngài luôn giữ đúng các thời công phu khi mờ sáng, hành thiền và tu luyện lúc giữa khuya. Trong nửa thế kỷ hành đạo, ngài đã tôn tạo 31 ngôi chùa ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Campuchia; ngôi cuối cùng nay là Tổ đình Quán Thế Âm, ở quận Phú Nhuận - TP.Hồ Chí Minh. Ngài đã dìu dắt trên 200 môn đệ xuất gia “truyền đăng tục diệm”. Liên tục đảm nhận các vai trò Trụ trì, Chứng minh đạo sư, Kiểm tăng, Trưởng ban nghi lễ… được tăng ni phật tử giao phó, ở đâu lúc nào ngài cũng tận tụy chu toàn Phật sự. Luôn gần gũi hàng phật tử tại gia, thương yêu gắn bó với quần chúng lao khổ, ngài hỉ xả thực hành các pháp phương tiện độ sinh, như làm chủ sám trai đàn chẩn tế, siêu độ chư linh; chữa bệnh cứu người bằng thuốc Nam và y học cổ truyền… Ngài quý trọng chăm lo sự sống, thương xót cả sự sống của côn trùng thảo mộc… Ngài không đành nhìn cỏ cây, hoa kiểng khô héo dưới nắng gắt, thường lo tưới xong mới dùng cơm và dạy các đệ tử: “Dù cây là vô tri vô giác, nhưng nó cũng có tánh sống”. Với tâm từ bi vô lượng như thế, ngài phát nguyện tự thiêu thân cúng dường chư Phật, cũng chính là đề hồi hướng công đức cứu độ chúng sinh, trực tiếp để cảnh tỉnh kẻ ác và hộ trì nhân dân lương thiện:
“Thân cháy nát tan ra tro trắng,
Thần thức nương về giúp sinh linh”.
Hòa thượng Quảng Đức cũng phát đại nguyện:
“Thân tôi dù cháy linh thiêng máu,
Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà”.
“Đạo nhà” nói đây là tín ngưỡng tâm linh căn bản và truyền thống, là đạo lý sống còn của dân tộc. Ở nước ta, đạo nhà là thờ Tổ tiên và kính, thờ Phật. Đạo Phật ở Việt Nam đã hội nhập và hòa hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng thờ Tổ tiên, thống nhất sâu sắc với những giá trị tinh thần tốt đẹp Việt Nam và đã trở thành đạo Phật dân tộc. (Tôn giáo dân tộc, về thực chất, khác với tôn giáo nhà nước, với “quốc đạo”).
Ngày nay, đất nước đã hoàn toàn độc lập và hòa bình thống nhất. Đường lối văn hóa của chúng ta là bảo tồn phát huy bản sắc, tinh hoa văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời lựa chọn tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiên tiến của nhân loại, bao gồm tinh hoa của những nền đạo đức và tín ngưỡng khác nhau. Trong đó, chúng ta làm rõ và khẳng định vai trò của “đạo nhà”, của tín ngưỡng, đạo lý thờ tổ tiên và kính, thờ Phật trong đời sống văn hóa tâm linh và tôn giáo vốn có của dân tộc và của xã hội ta.
Cốt lõi của Tư tưởng của Hồ Chí Minh về tín ngưỡng tôn giáo gồm hai mặt, như hai vế ghép lại thành một cơ chế: “tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Lương bao gồm thờ Tổ và kính, thờ Phật, rộng hơn là thờ Tam giáo. Thờ Tổ và kính, thờ Phật là bản chất, cội nguồn và truyền thống của đời sống tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa tâm linh dân tộc. Lương chiếm đại bộ phận nhân dân. Yếu tố tín ngưỡng bao gồm thờ Tổ tiên và kính, thờ Phật của đa số nhân dân chính là hạt nhân, là trung tâm của quan hệ lương - giáo. Đó là lập trường quan điểm, là chỗ dựa căn bản của dân tộc ta, nhân dân ta trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Cần xuất phát từ đó mà có quan điểm, thái độ và đường lối chính sách đúng đắn đối với tín ngưỡng thờ Tổ tiên và đạo Phật dân tộc, đồng thời đoàn kết và đối xử bình đẳng với các tín ngưỡng, tôn giáo khác. (Ở nước ta, đạo Phật dân tộc bao hàm tín ngưỡng thờ Tổ và ngày nay, đa số các tín ngưỡng, tôn giáo đều đã quy ngưỡng thờ Tổ tiên dưới những hình thức khác nhau). Như quan điểm và chủ trương “Đề cao tín ngưỡng tôn giáo dân tộc, bảo hộ thờ cúng Tổ tiên”(6) mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX).
______
* Nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ.
(1) Trần Văn Giàu, 2007, Phát biểu của Giáo sư Trần Văn Giàu/ Bồ tát Quảng Đức - Ngọn lửa và Trái tim, NXB Tổng Hợp TP.HCM, tr.151.
(2) Bradly S.O’Leary & Eduard Lee, 2003, Cái chết của những ông vua thời chiến tranh lạnh: Vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J.F. Kennedy, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, tr.44.
(3) Dẫn theo Cao Huy Thuần, Toàn trị và ngoại thuộc – Bài viết kỷ niệm 40 năm 1963. Tài liệu của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.11.
(4) Ung Ngọc Ky (Nguyên Ủy viên Thư ký UBTƯ/ MTDTGPMNVN), Kỷ yếu Lễ tang Hòa thượng Thích Thiện Hào, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1988, tr.31; Thích Thông Bửu (Trưởng tử Hòa thượng Thích Quảng Đức, Trụ trì chùa Quán Thế Âm), Tài liệu “Đại lễ kỷ niệm năm thứ 37 Ngày Bồ tát Quảng Đức tự thiêu”, Tổ đình Quán Thế Âm xuất bản, tr.14.
(5) Hòa thượng Thích Quảng Đức, Lời nguyện tâm quyết (viết tại Tổ đình Ấn Quang - Q.10 - TP.HCM ngày 4-6-1963).
(6) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IX), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về công tác Tôn giáo, năm 2003.