Mối tình của người cộng sản

Ngày 1/8/1921, tại làng An Bình Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, cậu bé Nguyễn Văn Vạn cất tiếng khóc chào đời. Sinh ra trong một gia đình giáo chức nghèo, có 8 anh chị em nhưng Vạn được cha mẹ kỳ vọng, cho đi học. Lên 7 tuổi, chính mắt cậu bé Vạn chứng kiến cảnh lính mã tà bắt cha cậu trói, đánh đập tàn nhẫn cho đến chết vì tội tham gia “Hội kín” Nguyễn An Ninh.

“Phải, tao là Thanh niên cao vọng đây. Thanh niên cao vọng không bao giờ phản bội để bán đứng Tổ quốc và đồng đội. “Hội kín” của chúng tao không có mục đích nào ngoài đòi tự do độc lập, giải thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị của người Pháp. Vạn, Thọ con, hãy nhớ lấy lời cuối của… cha”.

Một tiếng “phịch” khô khan nện xuống sàn nhà. Những tên đồ tể hạ dây. Giáo Long nằm sóng xoài trên mặt đất. Máu từ người ông bắn ra, tung tóe, in những hình tia trên bức vách bổ kho. Một trận mưa đòn tới tấp vào giáo Long. Những tiếng “hự” liên tiếp vang lên, yếu dần rồi tắt hẳn. Vợ giáo Long sinh đứa con út đúng vào lúc chồng trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin chồng bị bọn Pháp tra tấn cho đến chết, quá xúc động, bà thổ huyết, nằm liệt giường. Bà phải cho đứa con mới sinh vào một gia đình hiếm muộn. Với Vạn, mùa xuân năm 1929 đánh dấu một quãng đời bi thảm.

Nhưng làng Bến Tranh năm ấy rất mến phục một cậu bé hiếu thảo hiếu học. Thương mẹ yếu bệnh, thương em yếu đuối, Vạn cáng đáng mọi việc, không một lời than thở. Mỗi sáng, cậu lê gánh hàng hơn 20kg xuống chợ cách đó khoảng một cây số cho chủ nhà, rồi mới vào trường gần đó. Tan trường, cậu lại xuống chợ để quảy gánh về nhà. Sống trong nghèo khổ, cực nhọc nhưng Vạn học rất giỏi. Chỉ cần nghe thầy giáo giảng bài trên lớp, Vạn đã thuộc. Vạn cần mẫn học bài dưới ánh đèn con cóc phát ra ánh sáng lờ mờ. Những đêm không trăng sao, cậu cùng em đi bắt đom đóm bỏ vào chai tạo nguồn ánh sáng.

Bất chấp gian khổ, cực nhọc, Vạn vẫn mang về khoe với mẹ những điểm 10 sáng chói. Mẹ cậu cười vui mà mắt rưng rưng ngấn lệ. Đêm đêm, khi đã làm xong hết việc nhà, Vạn ngồi vào chiếc bàn nhỏ, mối mọt ăn lỗ chỗ, thắp lên chiếc đèn con cóc học bài. Rổ bánh ít trĩu nặng trên mái đầu trẻ thơ của Vạn hơn.

***

Một năm sau ngày mẹ Vạn qua đời, đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ ấy vẫn tiếp tục làm thuê làm mướn nuôi sống bản thân và tiếp tục theo học hết tú tài 2, đậu hạng giỏi và được tuyển vào Đại học Y khoa Hà Nội. Cái chết của cha do tội “làm quốc sự” luôn đi theo suốt đời Vạn. Hoàn cảnh ấy, cũng dễ hiểu vì sao chàng sinh viên y khoa Nguyễn Văn Vạn sớm đến với cách mạng.

Anh tham gia phong trào học sinh sinh viên chống chế độ thống trị Pháp-Nhật. Hưởng ứng phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, Vạn về Nam, sau khi đã nộp luận án về “loét dạ dày”. Năm 1944, Vạn được ông Mai Văn Bộ phân công hoạt động bí mật trong tổ chức cách mạng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 25/8/1945 tại Sài Gòn. Với mối liên hệ nhân thân đặc biệt, có người anh nằm trong giới chức sắc Cao Đài, Vạn xâm nhập vào hang ổ Cao Đài thân Nhật chống Pháp. Số phận run rủi cho anh gặp Jeannette - một người Pháp gốc Phi, con gái nuôi của quan Tổng thuế Đông Dương.


Jeannette thời trẻ năm 21 tuổi.

Thời cuộc cũng đã cuốn Jeannette vào cơn lốc xoáy của số phận. Để cứu gia đình thoát khỏi lưỡi hái tử thần của lực lượng vũ trang thân Nhật chống Pháp do Hoàng Huyên cầm đầu, Jeannette lúc ấy là cô nữ sinh mới 17 tuổi phải làm vợ Nagamoto - một sĩ quan tình báo Nhật.

Trong một lần đi cùng thủ lĩnh Cao Đài đến ngôi biệt thự của Nagamoto, Vạn gặp Jeannette. Lúc ấy, nàng đang mang thai, lặng lẽ rót nước mời khách. Bỗng mắt họ gặp nhau. Và định mệnh đã ập đến họ ngay trong cái nhìn đầu tiên. Sau đó, anh không ngờ gặp lại Jeannette trong một tình huống trớ trêu. Nhật thất trận, Nagamoto bị quân Pháp bắt. Giữa lúc đó, Jeannette chuyển dạ, được người nhà đưa vào nhà bảo sanh. Anh vội vàng đạp xe vào bệnh viện thăm cô. Nhiều cảm xúc ập đến, như sau này Nguyễn Văn Vạn đã có những hồi ức:

“Cậu lên xe đạp như bay thẳng một hơi đến nhà bảo sanh. Nhưng khi gần đến rồi, cậu lại đạp xe chậm lại và tự hỏi: “Mình có nên đến không? Mình sẽ nói gì đây?”. Cậu dựng xe đạp trước cửa bệnh viện mà còn do dự chưa dám vào… Cậu hít một hơi khí trời vào lồng ngực để tăng thêm phần can đảm dù nhịp tim cậu đập càng lúc càng mạnh. Cậu cố giữ vẻ thản nhiên bước từ từ vào hành lang bệnh viện… Một phút xuất thần đã qua, cậu mới thấy cô mở mắt nhìn. Cậu bủn rủn tưởng chừng cô đã đọc được ý nghĩ mình vừa rồi, vụng về cậu cúi đầu chào cô mà chưa thốt được nên lời. Cô mở mắt và mỉm cười chào lại mà không để ý đến vẻ bối rối trên gương mặt cậu, giống như đứa trẻ đánh cắp viên kẹo bị mẹ bắt gặp”.

Số phận đưa đẩy anh chia sẻ với Jeannette nỗi đau mất đứa con mới chào đời, nỗi bơ vơ khi chồng bị an ninh Pháp bắt. Cũng từ đó, Vạn gánh vác công việc quản lý đội xe cho “cô Sáu” Jeannette. Tình yêu giữa họ bùng cháy mãnh liệt. Cũng từ đó, Jeannette trở thành một chiến sĩ binh vận cho chi đội 12, cùng Vạn mua vũ khí từ binh lính Pháp rồi dùng những chiếc xe của “người Pháp” chuyển về các tỉnh cho kháng chiến.

Cô gái Pháp gốc Phi ấy chia sẻ với Vạn hạnh phúc lẫn hiểm nguy, những tình huống trên bờ vực sống chết. Hôm ấy, Vạn và Jeannette đang mải tiếp nhận vũ khí từ những tên lính Pháp trong thành ném ra ngoài, chợt ô tô của tên sĩ quan Pháp rọi đèn thẳng vào hai người. Rất nhanh, Vạn ôm lấy Jeannette hôn say đắm. Mấy tên lính cười vang, tỏ ra thích thú phát hiện: “Ô, thằng Việt Nam biết hôn tụi bây ơi!”. Chiếc xe chạy thẳng. Đôi tình nhân chưa hết bàng hoàng nhận ra mình vừa thoát chết trong gang tấc.

Ngày 1/8/1947, Vạn bị địch bắt, bị tra tấn, đánh đập tàn bạo. Để cứu Vạn, Jeannette liên tục bị những tên sĩ quan Pháp lừa gạt, hãm hiếp. Thật may mắn khi cô gặp dược sĩ Nguyễn Văn Cao - một nhà xuất nhập khẩu thuốc Tây lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Cảm động trước mối tình của Vạn và Jeannette, ông Cao tặng cô số tiền lớn để lo lót, cứu Vạn thoát khỏi nhà tù. Nhưng tên sĩ quan Pháp lập hồ sơ cho Vạn nhìn cô cười cay độc:

- Số tiền này không đủ cứu tên cộng sản ấy đâu - Anh ta gằn từng tiếng - Tôi yêu cô nhưng cô từ chối. Không chiếm được cô thì tôi cũng không ngu dại thả thằng cộng sản ấy ra để các người đoàn tụ, hạnh phúc. Nó sẽ chết rục trong tù, cô nghe rõ chưa?!

Cả Ammont, ông chủ đồn điền người Pháp Memot đã được Vạn cứu sống trong những ngày chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám, cũng không cứu được Vạn. Ammont khi ấy nhận nhiệm vụ kiểm soát tù nhân, căn dặn Vạn chuẩn bị sẵn mọi thứ, lợi dụng tình hình náo nhiệt giờ thăm nuôi buổi trưa cho Vạn đi ra bằng cửa sau. Nhưng tên sếp khám phát hiện được đã trừng trị anh bằng trận đòn tàn bạo.

Vạn bị đưa ra Côn Đảo. Vì tình bạn với người ân nhân đã cứu sống mình, Ammont xin đổi ra Côn Đảo. Ông căn dặn Vạn đừng nóng vội kết bè vượt ngục, đợi thời cơ thích hợp, Ammont sẽ tạo điều kiện cho Vạn vượt thoát. Nhưng một cuộc đấu tranh của tù nhân chống chế độ hà khắc của nhà tù do Vạn lãnh đạo đã diễn ra.

Với vai trò Chủ tịch Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo, kiêm Bí thư Chi bộ, Nguyễn Văn Vạn đã dũng cảm đối mặt với địch. Những người bạn tù đã che chở cho ông nhưng Vạn bị đánh đập gần nát lá phổi. Chúng nhốt ông vào phòng biệt giam. Những ngày khốc lieät ấy, ông được con chó phèn cứu sống. Chú chó đã mang thức ăn từ những người bạn tù đến xà lim cho ông.

Sau hiệp định Genève, Vạn không được trao trả dù ông là một người cộng sản. Lấy cớ ông bị bắt vì tội ký “séc” không có tiền bảo chứng (lúc Vạn làm nhiệm vụ mua vải, thước men chuyển ra kháng chiến), địch khép ông vào tội thường phạm. 15 năm bị giam cầm trong các nhà tù, Vạn đã sống bằng những kỷ niệm hạnh phúc, ngọt ngào, đau đớn ông dành cho Jeannette, bằng tình yêu thương của đồng đội dành cho ông, có cả lòng trung thành cảm động của con chó phèn mà ông đã chăm sóc, nuôi dưỡng…


Bức ảnh do bà Jeannette tự ghép ảnh của hai người.

Trong 15 năm ấy, Jeannette dù phải lấy chồng, sinh con nhưng bà không bao giờ quên ông. Bà vẫn lặng lẽ gửi quần áo, thực phẩm vào nhà tù cho ông. Và người ông nghĩ đến đầu tiên sau khi ra tù, chính là Jeannette. Bà không nhận ra ông, người thanh niên với thân hình cường tráng ngày nào, nay như bộ xương, hom hem vì bệnh tật. Khi biết đó là Nguyễn Văn Vạn, bà lao vào ông, bật khóc nức nở.

Vạn vẫn ở bên Jeannette, trong vai trò thư ký của công ty chuyển vận do em trai bà làm chủ hãng. Ông lặng lẽ nhìn người mình yêu thương đau khổ vì người chồng trăng hoa, vì khoảng cách mà bà và ông đều phải gìn giữ. Rồi Vạn móc nối được với tổ chức, tiếp tục hoạt động trong lực lượng biệt động F100, do đồng chí Châu Bình Phong làm tổ trưởng và đồng chí Trần Hoài Nam làm cán bộ công vận.

Trong vai thư ký và thầy giáo dạy học cho gia đình Jeannette, ông Vạn lặng lẽ thực thi nhiệm vụ của một chiến sĩ biệt động, xây dựng cơ sở cách mạng ở bến cảng, tổ chức rải truyền đơn, vận động công nhân khuân vác phá chìm hai chiếc sà lan chở đạn vào Nhà Bè.

Những năm Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, Sài Gòn tràn đầy ổ mại dâm, nhiều đứa trẻ lai ra đời. Ông lập gia đình với một người phụ nữ có đứa con lai, tận đáy xã hội. Jeannette đau đớn nhưng bà tin trong trái tim ông chỉ chứa đựng tình yêu dành cho bà…

Dù lấy vợ, có con, ông vẫn sống trong khắc khoải, khổ đau. Khi ông chết rồi, qua những dòng nhật ký để lại, Jeannette mới thấu hiểu nỗi đau khổ đó của ông: “Anh hình dung Jeannette rồi Thu - mẹ của những đứa con anh. Nàng là cây thập mà anh phải mang trong đời. Không, đó là một ý nghĩ không tự trọng và không công bằng. Anh không thể lên án Thu tội nghiệp. Nàng dễ thương, đáng yêu và khi mà chính anh không có gì để cho nàng thì đâu phải là lỗi của nàng. Anh thuộc về Jeannette. Điều ấy là không thể khác được và sẽ không bao giờ thay đổi, chỉ trừ trong cái chết!”.

Nỗi đau khổ, bất hạnh của ông không dừng lại ở đó. Tôi lặng người khi đọc dòng lý lịch của ông, ghi ngày 27/4/1978: Hai đứa con bé bỏng của ông bị kẻ ác xâm nhập vào nhà, giết chết một cách dã man.

Dù không thể ở bên ông, Jeannette luôn đồng hành cùng nỗi đau khổ, bất hạnh của ông. Trong những ngày cuối tháng 4/1975, khi hàng vạn người tìm cách rời khỏi Việt Nam, Jeannette đang ở Pháp tìm mọi cách trở về Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975, bà có mặt ở Sài Gòn, chỉ đường cho một trong những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập. Bà được an ủi vì phút cuối cùng cuộc đời ông, bà đã ở bên ông. Và những năm cuối đời, bà trở về Việt Nam, dựng nên mái nhà cổ xưa dưới chân núi ở Long Hải, sống cùng ông trong những kỷ niệm tình yêu, với ước nguyện khi chết đi, tro cốt của bà quyện cùng ông, cùng trở về với dòng sông mẹ.


Bài liên quan:

TRẦM HƯƠNG