Minh Hương - Đặng Thùy Trâm: “Bộ phim cho tôi hiểu thêm về tình người”

Minh Hương là lựa chọn gần như cuối cùng của NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho vai chị Thùy trong phim “Đừng đốt, bên trong đã có lửa” (kịch bản của NSND Đặng Nhật Minh, phỏng theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam - Hoda Film sản xuất). Sinh năm 1982, Minh Hương tốt nghiệp khoa tiếng Đức của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô hiện là Biên tập viên (BTV) của kênh VTC4 - Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, phụ trách chuyên mục thời trang “Đẹp...”). Đôi mắt sáng long lanh và khuôn miệng cười rất duyên, Minh Hương ngoài đời toát lên vẻ thông minh và đằm thắm.

* Sau hai tháng thử sức ở một vai chính trong phim truyện nhựa, bây giờ là lúc có thể nói về một Minh Hương - diễn viên?

- Trước khi thi tuyển vào lớp đào tạo diễn viên truyền hình (TH) ngắn hạn của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN, hồi học phổ thông, tôi đã tham gia đóng kịch trong các chương trình văn nghệ. Tôi có tố chất nghệ thuật và có năng khiếu diễn xuất nhưng để nói về Minh Hương - diễn viên, xin dành cho khán giả đánh giá. Bản thân tôi cũng có chút hài lòng sau vai diễn này.


Minh Hương trong vai chị Thùy.

* Một số học viên cùng khóa với chị ngày ấy tiếp tục theo đuổi nghề diễn, còn chị lựa chọn công việc của một BTV truyền hình là vì sao?

- Mỗi người có một mục tiêu riêng trong cuộc sống. Tôi thi vào lớp diễn viên khi đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Tiếng Đức, trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Lúc ấy, tôi đơn giản muốn được thử sức ở một “sân chơi” mới, dù rằng ở công việc nào tôi đều cố gắng.

Sau đó, tôi tham gia một số êkíp sản xuất game show của VTV3 và được mời dẫn chương trình Văn nghệ Chủ nhật suốt 4 năm liền, sau khi chị Hương Ly chia tay vị trí này.

Tôi đến với công việc TH một cách tự nhiên vì cảm thấy làm BTV TH phù hợp với tôi hơn làm diễn viên. Bởi không phải lúc nào cũng có nhân vật phù hợp với mình. Tôi đóng vai cá tính chưa chắc đã tốt. Trong khi đó, diễn viên chuyên nghiệp thì phải nhập được nhiều loại vai. Sau vai chị Thùy, nhiều người hỏi tôi có muốn tiếp tục đóng phim nữa không, tôi trả lời nếu có kịch bản mới phù hợp thì sẽ nhận lời. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nghề diễn viên sẽ là công việc chính của mình…

* Không giống chị Thùy về ngoại hình, chị được kỳ vọng chuyển tải thần thái, tính cách và tâm hồn chị Thùy Trâm trên phim. Điều này có gây áp lực với chị?

- Vai diễn này đến với tôi hết sức tự nhiên. Sau khi nhận được cú điện thoại của đoàn phim, tôi nghĩ buổi đầu chỉ để đạo diễn xem mặt nhưng bất ngờ tôi được vận trang phục và làm tóc ra dáng một cô bộ đội… Tôi đã thử vai với tâm lý thoải mái, nghĩ rằng nếu không được là do mình không hợp vai. Bất kỳ một diễn viên nào khi vào vai một nhân vật đều có những áp lực nhất định và tôi cũng vậy….

* Cảm xúc của chị về nhân vật trước và sau khi bộ phim đóng máy có khác nhau nhiều? Chị được chọn vào vai chị Thùy trước lúc bộ phim khởi quay không lâu, liệu thời gian có quá cập rập để chuẩn bị cho vai diễn?

- Mặc dù tôi được chọn vào vai gần ngày khởi quay nhưng đoàn phim tạo điều kiện cho tôi được tiếp xúc với người thân trong gia đình Bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Những cuộc trò chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh, Phó đạo diễn Anh Hoa và được bác Minh cho đi thực tế giúp tôi hiểu thêm nhiều về vai diễn này. Tôi đọc kịch bản nhiều lần, tìm kiếm thêm tư liệu để trau dồi những hiểu biết về nhân vật trước lúc bước vào phim.Vào phim là được sống cuộc sống của anh hùng, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm nên những ngày quay đầu tiên đến những ngày quay cuối cùng với tôi là một chặng đường dài đầy ắp cảm xúc…


Một cảnh trong phim Đừng đốt.

* Không ít người lo lắng, người trẻ “8X” vào nhân vật chị Trâm sẽ khó tránh được khoảng cách thế hệ?

- Tôi vốn thích đọc sách từ nhỏ. Hồi sinh viên, tôi vẫn dành tiền mua sách. Năm 2005, như nhiều bạn trẻ, tôi háo hức tìm đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi 20… Những cuốn sách đã giúp tôi hiểu được phần nào cuộc sống của những anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân mình cho Tổ quốc.

Là thế hệ lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, tôi không kỳ vọng mình có thể hiểu hết nhân vật và những tình huống mà nhân vật trải qua. Tuy nhiên, chính bối cảnh trong phim giúp tôi có thể hiểu và đồng cảm với những người của ngày ấy.

Chẳng hạn, có bối cảnh bom đạn, nghe tiếng nổ của những quả nổ 0,2 - 0,4 ký, tôi sợ khủng khiếp. Chính nỗi sợ đó làm cho tôi hiểu áp lực mà phụ nữ ngoài chiến trường phải đối mặt đến nhường nào. Hay cảnh chị Trâm dìu thương binh giữa làn bom rơi đạn lửa, giữa sự sống và cái chết mong manh, cho tôi hiểu thêm về tình người. Sau bộ phim, tôi trân trọng cuộc sống và tình yêu thương con người hơn. Không có những trải nghiệm thực tế nhưng bộ phim làm cho tôi có thêm nhiều hiểu biết và cảm xúc để nhập vai…

* Cảm xúc ấy còn được “lên men” từ chính tình cảm của chị với nhân vật?.

- Gia đình chị Thùy có kể lại, nhà chị có 4 chị em gái thì 3 cô em thường vui cười, còn chị Thùy ngồi nhìn các em nô đùa. Chị là người sống nội tâm chứ không ồn ào bề ngoài. Có cảnh diễn thể hiện nét nữ tính, tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của chị. Chẳng hạn, cảnh chị chữa cho anh thương binh bị bỏng nặng. Ánh mắt chị phải tránh đi cái nhìn của bà mẹ anh thương binh. Có lúc, tôi gồng mình diễn cho ra vẻ đau đớn nhưng bác Minh bảo tôi diễn giản dị như ngoài đời. Tôi thấy đồng cảm với nhân vật nên vào vai “ngọt” chứ không cảm thấy gò bó.


Diễn viên Minh Hương.

Đừng đốt, trong đó đã có lửa không chỉ xoay quanh nhân vật chính - Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm - mà còn là câu chuyện về số phận cuốn nhật ký của chị. Nó đã là nỗi ám ảnh của những người lính Mỹ và người thân họ; hình ảnh chị Trâm hiện lên nhiều lần trong giấc mơ màu đỏ của Trung tá Frederic Whitehurst (người đã tìm thấy và đưa cuốn nhật ký của chị Trâm về Mỹ)…

Bộ phim khắc họa hình ảnh Nguyễn Trung Huân (ngoài đời là Nguyễn Trung Hiếu), người đã cùng Frederic Whitehurst phát hiện và cứu cuốn nhật ký khỏi bị đốt và anh Phạm Văn Đức, người phiên dịch của quân đội Sài Gòn cũ. Toàn bộ bối cảnh tại Mỹ diễn ra ở hai bang New Jersey và Texas – nơi lưu giữ cuốn nhật ký của anh em nhà Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst.

Ngoài những trích đoạn nhật ký, bộ phim còn sử dụng những dòng lưu niệm của người đã đến viếng chị Trâm tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm (Hà Nội): “Đây là bộ phim khẳng định cái Đẹp, cái cao cả trong con người. Chúng tôi cố gắng huy động tối đa các phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ điện ảnh để đem đến cho người xem những cảm xúc không kém khi đọc cuốn nhật ký”, Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

* Vừa lập gia đình chỉ mấy tháng trước lúc nhận vai chị Thùy, lịch sinh hoạt bị đảo lộn trong thời gian đóng phim, chưa kể những chuyến xa nhà…, vậy “ông xã” có chia sẻ với chị những khó khăn này?

- Người đàn ông nào cũng đều không thích vợ thường xuyên xa nhà. Cuộc sống thay đổi có lẽ làm anh ấy không thích, nhưng anh ủng hộ tôi với vai diễn này. Anh là người đưa tôi đi tuyển và đón đưa tôi trong những ngày quay ở Hà Nội… Tôi có thể đi đây đó nhưng vẫn trở về là người phụ nữ của gia đình. Tôi có thể thay đổi để hóa thân vào nhân vật, nhưng sau đó vẫn là người bình thường giữa đời thường.

* Thúy Hường, Thu Thủy… sau khi đóng phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh đều được biết đến nhiều hơn ở vị trí diễn viên. Với vai diễn có tầm ảnh hưởng lớn và bộ phim được kỳ vọng nhiều mặt, chị đã chuẩn bị tâm thế để… làm người nổi tiếng?

- Đồng nghiệp ở Đài đùa vui với tôi rằng, tôi hãy sắp sẵn visa và hành lý, sẵn sàng để đi nhiều nước, được nhiều người phỏng vấn. Tôi không thích “bệnh sao” và không thấy có gì thú vị khi cho mình ở tầm cao hơn người khác. Tôi luôn nghĩ đồng nghiệp là bạn bè…

* Sau vai diễn, chị có nghĩ rằng cần phải cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, hay đi ra ngoài phải ý tứ hơn vì mọi người sẽ soi xét chị?

- Khi có hình ảnh thì trách nhiệm giữ gìn hình ảnh trước công chúng là cần thiết. Tôi phần nào hiểu được những giá trị cuộc sống để không phải gò mình vào khuôn mẫu nào đó hay sống khác mình. Nhưng kể từ khi bộ phim đóng máy, nói chung là tôi cũng… hồi hộp và lo lắng…

* Cảm ơn Hương và mong sớm được gặp chị trên phim!


Bài liên quan:

VÕ THÂM (thực hiện)