Tôi và anh Mai Cao Chương gặp và hiểu nhau gần nửa thế kỷ, từ năm 1962, khi chúng tôi vào học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1966 chúng tôi cùng được giữ lại làm giảng viên của trường. Sau ngày đất nước thống nhất anh vào làm việc tại trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng được mời vào dạy hoặc chấm luận án trong đó, tôi đều đến thăm anh, chị Phụng và cháu Cường. Mới đó mà anh đã bước vào tuổi bát tuần, tôi cũng ngấp nghé thất tuần, cả hai chúng tôi đều hưu trí. Thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ.
Nhân dịp anh Mai Cao Chương tám mươi tuổi, khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức lễ mừng thọ trang trọng. Các anh chị trong đó còn chuẩn bị ra một cuốn sách dành riêng cho anh. Thật là một nghĩa cử đượm chất nhân văn.
Sáng nay thức dậy, thay vào việc phải xử lý một số tài liệu trên bàn, tôi ngồi trước máy tính và gõ như người bị ma ám. Những dòng chữ hiện lên lúc này có thể sẽ tản mạn, vu vơ…
NGƯỜI ANH CẢ CỦA LỚP CHÚNG TÔI
Lớp chúng tôi là khoá 7 của khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1962-1966). Lúc mới nhập học trong lớp hội đủ các anh tài: Nguyễn An Định giải nhất học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, Lê Chí Dũng giải nhì, Đinh Xuân Dũng giải ba. Trong lớp cũng có một số “bậc công thần”: Thiếu úy quân đội Nguyễn Loan, nhạc công Đoàn nghệ thuật quân đội Trần Đình Bình, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Văn học Đào Lâm Tùng…
Đến năm thứ ba, lớp lại đón thêm một số sinh viên học dở dang ở các nước Đông Âu trở về. Trong số đó cũng có những cán bộ lớn tuổi, đã từng kinh qua công tác như Dương Kim Bôn, Hồ Xuân Đệ… Mặc dù vậy anh Mai Cao Chương vẫn nổi lên như một người anh cả. Lý do đầu tiên, anh là người lớn tuổi nhất và tham gia công tác cách mạng sớm nhất. Anh sinh năm 1930. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi mà hầu hết chúng tôi đều còn là học sinh thì anh đã là cán bộ kế toán tài chính ở Liên khu Năm, là đảng viên từ năm 1950.
Sau ngày tập kết ra Bắc năm 1954 anh còn làm việc một thời gian ở Bộ Công thương. Khi vào học cùng chúng tôi anh đã ngoài tam thập. Với tuổi đời, tuổi Đảng như thế, cùng với ngoại hình cao lớn, bệ vệ mọi người trong lớp ai cũng tôn kính anh như một người anh cả. Lý do thứ hai khiến mọi người trong lớp luôn nể trọng, là vì anh học rất giỏi. Được kế thừa truyền thống Nho học của gia đình nên anh uyên thâm Hán Nôm, uyên bác văn học cổ của Trung Quốc và Việt Nam. Trời lại phú cho đầu óc thông minh và trí nhớ tuyệt vời nên anh tiếp cận các nền văn học khác cũng rất nhanh và sắc sảo. Vì vậy sau khi tốt nghiệp anh được giữ làm giảng viên phần văn học Việt Nam trung đại. Điều cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất để cả lớp kính nể anh là cách ứng xử “rất người lớn”. Anh luôn khoan dung với lớp trẻ mười tám đôi mươi như chúng tôi và cũng khoan hòa với các anh, chị lớn tuổi trong lớp. Vì vậy, anh thường được bầu vào các cương vị lãnh đạo ở lớp: thấp thì tổ trưởng, cao là lớp trưởng, bí thư chi bộ.

PGS-Nhà giáo ưu tú Mai Cao Chương (thứ 3 từ trái sang).
“ÔNG TIÊN” GIỮA CÕI TRẦN
Khi trở thành giảng viên của trường, chúng tôi có thời gian sống với nhau trong cư xá Mễ Trì. Lúc này anh Chương đã đến tuổi tứ tuần, người bắt đầu phát tướng, bụng bự hơn. Nói trộm vía, anh dễ ăn, dễ ngủ. Mỗi bữa cơm anh thường cho hết các thứ vào một cái tô to rồi anh đi một vòng từ đầu phòng đến cuối phòng là vừa xong tô cơm. Chỉ năm phút sau chúng tôi đã thấy anh ngủ hồn nhiên như đứa trẻ. Ăn được, ngủ được là tiên!
Vào những ngày nghỉ chúng tôi thường chơi thể thao như bóng chuyền, bóng bàn còn anh Chương lại thích đánh cờ tướng. Anh có thể ngồi bên bàn cờ suốt cả ngày. Vừa đánh cờ vừa nấu cơm. Vừa đánh cờ vừa ăn cơm. Những lúc đi nước cờ khó mà đối phương không phá được, anh cười ha hả đầy khoái chí. Thấy đối phương vò đầu bứt tai, anh lại đứng lên, đi đi lại lại, tay xoa bụng, miệng cười vang đến vài ba phòng xung quanh cũng nghe tiếng. Có lần anh đánh cờ với sinh viên. Cậu ta đi sai nước cờ rồi xin hượm (đi lại). Anh không cho hượm. Cậu ta buột mồm “Đồ củ chuối!”. Sực tỉnh mình đang đánh cờ với thầy giáo, cậu ta vội đứng dậy xin lỗi rối rít. Anh lại cười ha hả và đồng ý cho đi lại. Mọi người ngồi xung quanh cười theo: “Đúng là Đế Thích tái thế, một vị tiên cờ!”.
ANH CHƯƠNG LẤY VỢ - CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA
Một ngày mùa hè thời chiến tranh chống Mỹ anh Chương đi cùng tôi về thăm ba tôi. Cơ quan ba tôi sơ tán ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Có người bạn thân của ba tôi là chú Quán ở xã Vĩnh Tiến. Tôi và anh Chương sang thăm gia đình chú Quán và kết hợp đi tham quan Thành nhà Hồ ở gần đó. Ngẫu nhiên chúng tôi gặp chị Phụng, cháu của chú Quán đến chơi. Lúc đó chị vừa hết nghĩa vụ thanh niên xung phong và thi đỗ vào trường Trung cấp Kế toán.
Ngày chúng tôi trở ra Hà Nội cũng là ngày chị Phụng nhập trường. Chúng tôi cùng ngồi trên một toa tàu. Sau đó ít lâu anh Chương và chị Phụng đã đi chung một con đường. Năm sau chúng tôi lại về Thanh Hóa nghỉ hè và anh Chương chính thức xin làm rể họ Phạm. Ba tôi hỏi anh đã chuẩn bị lễ vật được gì rồi. Anh cười xòa mà bảo chỉ mang tiền theo chứ lễ vật thì chưa có gì cả.
Thời buổi chiến tranh, cơ chế bao cấp, mua thứ gì cũng phải tem phiếu, lại ở nơi sơ tán, thật khó! May thay lúc đó ba tôi là thủ trưởng một cơ quan nhỏ, cũng có dự trữ một ít trà, thuốc lá, bánh kẹo loại ngon để tiếp khách. Thế là chúng tôi mượn tạm những thứ đó để anh Chương làm lễ vật ăn hỏi. Tiếp đến là lễ cưới. Gia đình anh ở trong Nam. Ba tôi phải thay mặt nhà trai để lo mọi thủ tục. Chị Phụng là trưởng nữ nên ông bà Lân (bố mẹ chị Phụng) tổ chức đám cưới khá tươm tất. Anh Chương thì vẫn vô tư như những ngày ở Hà Nội. Có lần một số bà con trong xóm đến thăm nhưng chẳng thấy chú rể đâu. Mọi người cứ tưởng anh đi vắng nên ra về. Đến chiều thấy anh mắt nhắm mắt mở ra giếng rửa mặt, cả nhà mới biết anh ngủ trong buồng.
NHÀ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO KHẢ KÍNH
Ngay những năm 1967-1968, sau khi nhận công tác được vài năm, tôi mới được bộ môn giao nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên đi thực tập chuyên môn thì anh Mai Cao Chương đã được phân công viết một phần của giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X - đầu thế kỷ XVIII do Giáo sư Đinh Gia Khánh làm chủ biên. Bộ giáo trình đó cho đến nay vẫn có vị trí khó thay thế trong hệ thống học liệu của các trường đại học. Ngoài ra, anh còn viết chung và riêng nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật có giá trị khác như Nguyễn Lộ Trạch - Điều trần và thơ văn (viết chung với Đoàn Lê Giang), Kim cổ kỳ quan…
Anh Mai Cao Chương không có giọng trầm ấm như GS Hoàng Như Mai, nói không có duyên và hấp dẫn như GS Nguyễn Lộc nhưng với gần nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, với giọng Bình Định nhẹ nhàng và kiến thức uyên bác, anh đã góp phần đào tạo cho đất nước từ miền Bắc đến miền Nam hàng nghìn sinh viên đại học, hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ. Với hơn chục năm làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư - Nhà giáo ưu tú Mai Cao Chương đã góp phần tạo nên một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực đào tạo các chuyên ngành văn học, ngôn ngữ và báo chí tại khu vực Nam Bộ và trong cả nước.
Những ngày này Hà Nội đang xuân. Tôi vẫn viết về anh với nồng nàn hơi ấm. Lúc quen nhau hai anh em đều còn trai trẻ. Nay anh già, tôi cũng già rồi. Những gì anh làm được cho đời vẫn còn đó. Điều ta mong cho nhau là sự bình an và sức khỏe.