Ngày 16-11-2013, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt tổ chức lễ mừng thượng thọ (“vượt ải” 80) của GS Trần Thanh Đạm và ra mắt, giới thiệu, tặng công trình Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học(*) của GS Trần Thanh Đạm. Đến dự có rất đông các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu, bạn bè, đồng nghiệp… vốn yêu quý GS Trần Thanh Đạm mấy chục năm nay.
GS Mai Quốc Liên nói: GS Trần Thanh Đạm là một gương mặt tiêu biểu của giáo dục và văn hóa thời chúng ta, thời kháng chiến – cách mạng, Hồ Chí Minh. Ra đi từ Huế ở tuổi học sinh, qua đào tạo ở Liên khu 4 trong trường Sư phạm cao cấp với các thầy Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy…, 17 tuổi GS Đạm đã giảng dạy ở trường Sư phạm Nam Ninh (trường của ta đóng trên đất bạn). Trải qua mấy chục năm tự đào tạo, rèn luyện, đi thực tập ở Nga (bổ sung cho vốn Anh, Pháp, Hán…), giáo sư đã có một kiến thức rất rộng sâu: “Chữ nghĩa văn chương tám vạn tư/ Học thời không thiếu… cũng không dư”… Làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM 10 năm, làm giảng viên, làm nghiên cứu, làm lý luận văn học (hiện giáo sư là Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương), làm gì giáo sư cũng tận tụy, hết mình, không hề nghĩ đến danh lợi cá nhân, nêu cao một tấm gương về đạo đức cách mạng. Khi Chủ tịch nước đến thăm nhà, thấy giáo sư ở trong một căn nhà chung cư cấp 4, giản dị, đơn sơ, đúng là một “hàn sĩ đỏ”. Nhưng trong lý luận, văn chương, giáo sư có nhiều bài luận chiến sắc sảo, tầm cỡ, chứng tỏ một tầm tư tưởng thâm hậu… “Tài khí quá nhân” 材氣過人 như người xưa nói, đáng bậc thầy, đàn anh nhưng giáo sư khiêm cung, ngọt ngào, nhân hậu…
