Một bước ngoặt của cách mạng Việt Nam… (Bản góp ý Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam) (*)

MERLE E. RATNER (1)
NGÔ THANH NHÀN (2)

Merle E.Ratner đã hăng hái hoạt động trong phong trào chống chiến tranh và phong trào đoàn kết với Việt Nam từ năm 1969, và là một người hoạt động cộng sản trọn đời. Bà là đồng chí và là bạn đời của ông Ngô Thanh Nhàn. Ông, bà đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Lý luận Mác-xít và Thực tiễn thế giới ngày nay, 14-17/12/2009, cùng với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Bài góp ý này một phần là kết quả của những chuyến tham quan làm việc 2-3 tháng với Việt Nam mỗi lần trong vài năm gần đây.

Ngô Thanh Nhàn là một thành viên ban lãnh đạo của Hội Người Việt Nam tại Mỹ trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Là một người bạn thân của anh hùng Nguyễn Thái Bình, ông đã tổ chức các hoạt động chống chiến tranh trong phạm vi cả nước Mỹ. Ông tham gia vào cộng đồng người Mỹ gốc Việt tiến bộ, một học giả Hán - Nôm, và nguyên là thành viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

…Chúng tôi xin chia sẻ với Đại hội những điều tai nghe mắt thấy trong những dịp tham quan và làm việc với hàng trăm đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản và thường dân ở Việt Nam trong vài năm gần đây.

Chúng tôi viết với một thái độ khiêm tốn rất mực, tự hiểu rằng chúng tôi là đồng chí quốc tế (tuy Nhàn cũng mang quốc tịch Việt Nam) và những vấn đề chúng tôi nêu ra là vấn đề nội bộ mà nhân dân Việt Nam trong nước phải tự giải đáp. Hơn nữa, chúng tôi tin rằng, vì là đồng chí, chúng tôi cũng chịu trách nhiệm chia sẻ những e ngại cũng như những khen ngợi. Như một lãnh đạo Mác-xít Phi châu, ông Amilcar Cabral, đã từng nói rằng, những người cách mạng không nói những điều không thật và không tự vui với những thắng lợi dễ dàng. Trong tinh thần đó, chúng tôi thiết nghĩ, Việt Nam cần những người đồng chí hoàn toàn chân thật, mà những lời chân thật có khi táo bạo dễ gây tranh cãi. Và chúng tôi tin rằng, những quan sát từ bên ngoài đôi khi cũng có ích.

Chúng tôi viết ra những điều này trong lúc cuộc khủng hoảng của chế độ tư bản Mỹ đã gây ra thảm họa toàn cầu. Quỹ dành cho nhu cầu con người đang bị cắt giảm quyết liệt trong khi giới giàu có vẫn tiếp tục cướp bóc phần lớn của cải xã hội làm ra. Sự dã man của tư bản có thể nhìn thấy rõ qua việc Mỹ chiếm đóng Iraq và Afghanistan, sự tàn phá môi trường và con người ở vùng Vịnh Mexico sau cơn bão Katrina, và vụ tràn dầu của hãng British Petroleum. Một cuộc thăm dò dân ý của hãng Rasmussen ngày 17/12/2010 cho thấy, gần nửa dân Mỹ (46%) cho rằng những ngày đẹp nhất của Hoa Kỳ đã thành quá khứ. Trong thời đại trầm kha của chủ nghĩa tư bản, thắng lợi Đại hội sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể cho thấy một tương lai khác, ở đó, phẩm giá và nhân tính của con người là cơ sở của phát triển.


Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

THẮNG LỢI VÀ THÁCH THỨC CỦA ĐỔI MỚI TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Chính xác theo những điều ghi trong Dự thảo Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế và ổn định chính trị cùng với sự phát triển các lực lượng sản xuất, các thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, và một bước tập trung mới vào việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại khủng hoảng tư bản toàn cầu, mà hậu quả tàn hại đè nặng lên giai cấp công nhân Mỹ, những thành tựu của Việt Nam là hết sức ngoạn mục!

Đổi mới - phương sách qua đó Việt Nam thích ứng với thực tế và các điều kiện cụ thể của mình để xây dựng chủ nghĩa xã hội - đã thành công trong việc xây dựng những lực lượng sản xuất cơ bản cần thiết để quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy thế, Dự thảo Cương lĩnh của Đảng cũng đã chỉ ra rằng, phát triển vẫn chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo đang rộng ra, y tế và giáo dục vẫn còn thiếu sót trầm trọng trong khi Đảng đang phải đối phó với nạn tham nhũng, tệ quan liêu, cá nhân chủ nghĩa và những hiện tượng ý thức hệ và chính trị tiêu cực. Cùng lúc đó, Việt Nam cũng phải đối phó với một giai đoạn cực kỳ phức tạp là hội nhập vào một nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng cùng lúc phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong một nghĩa nào đó, thành tựu của đổi mới cũng dẫn tới một số yếu kém mà dự thảo Cương lĩnh đã dẫn ra! Biện chứng cho thấy, mọi hiện tượng đều chứa đựng bên trong những mâu thuẫn nội tại. Điều này cũng xảy ra trong tiến trình đổi mới. Cơ chế thị trường trong dự tính sẽ dẫn đến giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, cũng tự nó chứa đựng những đặc điểm tiêu cực nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường.

Giải phóng lực lượng sản xuất đã mang lại một cuộc sống tốt hơn cho đa số nhân dân và cũng mang lại quan hệ bóc lột trong thành phần kinh tế tư nhân đang phát triển. Thành quả của kinh tế thị trường mang lại nhiều sản phẩm cho nhân dân và cũng mang lại nhiều ảo tưởng của nhiều người về chủ nghĩa tư bản. Môi trường tự do tự diễn đạt cởi mở đã mang lại sự đua nở của diễn đạt văn hóa và cũng nuôi lớn chủ nghĩa hưởng thụ không kiềm chế.

Thành quả phát triển của Việt Nam hàm chứa mâu thuẫn: nó mang lại cuộc sống tốt hơn cho quần chúng và, cùng lúc, nó cũng tạo điều kiện cho bất bình đẳng, sự phung phí tài nguyên quý giá và tác hại môi trường. Tăng trưởng kinh tế và theo đó tăng trưởng của cải, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đưa đến nguy cơ phát triển nhóm “ưu tú” những người giàu có, mà quyền lợi của họ tách riêng và xa rời quần chúng công nhân và nông dân, chưa nói đến họ có thể tách rời ra khỏi dân tộc. Rõ ràng nhất có thể thấy được là vấn đề tham nhũng, ngay trong thành phần kinh tế quốc doanh, mà báo chí Việt Nam đã khui ra, kể cả vụ Vinashin gần đây…

Thành quả của đổi mới về kinh tế cũng đem lại những hậu quả khôn lường trước về ý thức hệ khi mà nhân dân - nhất là giới trẻ - có khuynh hướng gán các thành quả ấy cho thị trường, và gán các khó khăn (thị trường gây ra) cho chủ nghĩa xã hội. Trong khi, trên thực tế, bộ mặt thật của kinh tế thị trường đúng ra đã đặt nhân dân Việt Nam đứng trước sự chọn lựa rõ ràng hơn giữa sự hỗn loạn và vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản và tính nhân đạo vì con người của chủ nghĩa xã hội. Sự nhầm lẫn này đã làm mờ sự khác biệt (giữa hai chủ nghĩa).

BẢO VỆ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Một phát triển đáng báo động xảy ra gần đây là sự suy giảm niềm tin của các đồng chí trong nước Việt Nam về khả năng của Đảng dẹp bỏ được tham nhũng và chủ nghĩa cơ hội. Những đảng viên, không phải là ít, đã thổ lộ sự lo lắng Đảng không còn nghe và giải đáp những quan tâm của cán bộ và đảng viên cơ sở. Chúng tôi ngày càng nghe nhiều đảng viên tận tụy trung thành kỳ cựu cho chúng tôi biết là họ đã mất niềm tin vì Đảng có vẻ mất khả năng quét sạch tham nhũng và chủ nghĩa cơ hội.

Khuynh hướng này đã đặt một câu hỏi gay gắt cho Đảng - về phẩm chất của cán bộ. Nhất là trong giai đoạn này, nếu các cán bộ cách mạng đã trở nên thất vọng, và giới trẻ chưa hề có sự trưởng thành chính trị và ý thức hệ để trở thành những nhà lãnh đạo dày dặn và trung kiên, thì Đảng đang đứng trước một nguy cơ. Một Đảng vững mạnh cần có cán bộ có “nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh.

Trong giai đoạn tới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều mâu thuẫn gay gắt trên bước đường cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Nếu không trực diện đương đầu với chúng, những yếu kém về ý thức hệ càng trầm trọng thêm sẽ đổ bóng tối xuống, và cuối cùng, sẽ xói mòn những thành tựu kinh tế và chính trị đạt được.

• Nếu nhân dân đánh mất niềm tin vào Đảng là tiên phong đại diện lãnh đạo của quần chúng lao động, họ sẽ có khả năng sẵn sàng đón nhận chủ nghĩa tư bản và diễn biến hòa bình.

• Nếu thị trường hóa tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, giữa vùng cao và vùng đồng bằng, giữa những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng, kể cả các nạn nhân chất độc da cam, và những người thâm thủng, cướp bóc của cải của đất nước vì lợi riêng, quan hệ giai cấp tư sản sẽ chiếm lĩnh, và theo đó các cuộc khủng hoảng kinh tế và sự lệ thuộc vào tư bản toàn cầu sẽ xảy ra. Tập trung vào tăng trưởng nhanh, thay vì tăng trưởng công bằng, sẽ làm các vấn đề thêm trầm trọng.

• Điều cần đặc biệt quan tâm là chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của chính phủ trong giai đoạn 2011-2020 không còn nhắc tới vai trò then chốt của giai cấp công nhân và nông dân trong phát triển, mà lại nâng cao vai trò của “các giới kinh doanh” cùng lúc quên mất từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” khi nói đến “kinh tế thị trường” (xem nguyên văn trên VietNamNet Bridge).

MỘT GIAI ĐOẠN MỚI - VỀ KINH TẾ

Với sự trỗi dậy của các lực lượng sản xuất và kỹ thuật, những hình thái mới của hợp tác xã, do công nhân hay nông dân làm chủ và điều khiển sẽ trở thành hiện thực, và do đó, đặt họ vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Thành phần quốc doanh, là cột trụ chính của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể được đổi mới hơn nữa, nhưng không phải tư nhân hóa! Các công ty quốc doanh có thể sắp xếp hợp lý và làm vững mạnh nhằm làm cốt lõi cho nền kinh tế, bảo đảm của cải của đất nước cho toàn dân thay vì chỉ cho tư bản toàn cầu. Giai cấp công nhân Việt Nam khéo léo - từ nhà máy sản xuất dây chuyền cho đến kỹ sư kỹ thuật cao cấp hay khoa học gia - có đủ khiếu sáng tạo và động lực để đưa mục tiêu này đến thắng lợi!

Lập kế hoạch kinh tế phải tập trung vào việc đảm bảo nhu cầu của quần chúng. Thị trường có thể được sử dụng như là một công cụ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa thay vì là một phương tiện tự nó. Đồng thời với chỉ tiêu phát triển tổng tăng trưởng sản phẩm quốc gia (GDP) và thu nhập bình quân trên đầu người, lạm phát thực sự ảnh hưởng lên đời sống hàng ngày của nhân dân cũng phải được ghi thành chỉ tiêu dưới 10%. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát nền kinh tế vì lợi ích của nhân dân. Mức lương tối thiểu và chuẩn nghèo có thể điều chỉnh hàng năm theo đó. Bảo đảm giáo dục công có chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí cho mọi trẻ em Việt Nam cũng là chìa khoá đưa đến phát triển đất nước Việt Nam!

Cùng với mức biết đọc biết viết cao trong dân chúng, cùng với sự phát triển công nghệ thông tin và cùng với công tác của Đảng và của các đoàn thể quần chúng, các điều kiện đã có và đủ để triển khai rộng hơn nữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở mọi cấp. Lập ngân sách cộng đồng, lập kế hoạch cộng đồng và sinh thái cộng đồng có thể biến thành sứ mệnh rằng phát triển đất nước phải tiến hành theo đúng nhu cầu và ý muốn của công dân! Những phá hoại lãng phí đất đai để xây các sân golf hay các cách sử dụng đất đai như thế nên chấm dứt. Ý thức hệ “phát triển nhanh” nên được thay thế bằng ý thức hệ tăng trưởng bền vững định hướng xã hội chủ nghĩa.


GS Ngô Thanh Nhàn và bà Merle E.Ratner (đứng giữa). Ảnh do tác giả cung cấp.

MỘT GIAI ĐOẠN MỚI - VỀ Y THỨC HỆ

Lênin đã nói, ý thức hệ phản ánh thực tế cơ sở vật chất. Tuy thế, ông cũng đã nói, trong một số giai đoạn, ý thức hệ cũng có thể quyết định cơ sở vật chất. Chúng tôi tin rằng bây giờ chính là một trong những giai đoạn ấy.

… Đây là lý do vì sao chúng tôi rất quan tâm khi nghe những điều mà các đảng viên trung kiên và tận tụy đã nói. Mâu thuẫn giữa nguyên tắc trong Đảng và thực tế có những viên chức trong Đảng đã phản bội lại lời hứa trước Đảng khi họ hành động cơ hội chủ nghĩa, đã làm lung lay niềm tin của cả đảng viên lẫn quần chúng nhân dân.

Và đáng buồn hơn nữa là sự nhầm lẫn tràn lan, theo chúng tôi nghĩ, giữa đa số những người trẻ về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Trước hết, đó là do nhược điểm của hệ thống giáo dục chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội khoa học, giới trẻ không thích học những môn này và biết rất ít về chủ nghĩa xã hội. Giới trẻ thường đánh đồng chủ nghĩa xã hội với mô hình Xô-viết đã thất bại, cho nó là nguồn của tệ quan liêu và chủ nghĩa bè phái, thay vì hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 mới có thể xây dựng được một tương lai vì con người và bền vững sinh thái.

- Điều thứ hai, có những khoảng trống lớn trong sự hiểu biết của giới trẻ về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Điều thứ ba, giới trẻ có khuynh hướng cho rằng các phát triển tích cực ở Việt Nam là do thị trường, và các khó khăn (từ thị trường) là do chủ nghĩa xã hội. Vì họ coi thị trường là tư bản, và họ thấy chủ nghĩa xã hội là vết tích của quá khứ thay vì, trên thực tế, là tương lai của loài người.

Khi việc dạy dỗ chủ nghĩa Mác yếu kém, cộng vào sự nhầm lẫn về thị trường, cộng với sự hiện diện của chủ nghĩa cơ hội và tham nhũng, đã biến thành một khối trong tâm trí của lớp trẻ, họ thường nói rằng, họ nhìn thấy khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành của chủ nghĩa xã hội. Một trong những điều chúng tôi nghe thấy nhiều nhất trong giới trẻ trong những chuyến viếng thăm Việt Nam là những lời cao đẹp của cách mạng đã được đem đối chiếu với thực tế của xã hội tiêu thụ. Tham nhũng và tệ quan liêu mà họ kinh qua trong đời sống hàng ngày dẫn tới sự giễu cợt và tách xa ý thức hệ trong nhiều người trẻ.

- Điều thứ tư, giới trẻ đã tiêm nhiễm ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản. Những người trẻ ở nhiều nẻo đường đất nước Việt Nam, rất thông minh và ngày càng có học cao, nhưng cũng rất thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, và tiêu thụ chủ nghĩa. Chủ nghĩa tiêu thụ là nguy cơ đặc biệt độc hại vì nó biến quan hệ giữa người và người thành ra quan hệ với sự vật. Ảo tưởng tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa đế quốc văn hóa phương Tây thông qua nhập khẩu hàng văn hóa phẩm. Và một số sách báo Việt Nam cũng như một số định chế văn hóa cũng tham gia bằng cách tập trung hết sức lớn vào những thương gia và doanh nhân là những tấm gương mẫu mực, và quảng cáo những văn hóa phẩm tư bản.

Tuy thế, những vấn đề này không hẳn chủ yếu là lỗi của giới trẻ - mà là kết quả của giáo dục chính trị và ý thức hệ không đầy đủ và không có tính thuyết phục.

Có thể có hai khả năng phát triển từ tình huống kể trên. Một phát triển không thể lường được là thế hệ trẻ sắp tới sẽ sẵn sàng đón nhận những thúc đẩy về hướng diễn tiến hòa bình và phản cách mạng. Một phát triển khác có thể xảy ra là công tác ý thức hệ và tuyên truyền đã có cải thiện sâu rộng và đáng kể theo cách động viên được và làm cho những người trẻ tham gia để hiểu và góp phần vào sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội!

Điều quan trọng nhất là, giới trẻ phải hiểu rằng, chủ nghĩa xã hội là tương lai, chứ không chỉ là quá khứ - là linh hồn của hiện đại. Giới trẻ Việt Nam, rất nhiệt tình muốn giữ vững độc lập dân tộc, phải nghiệm ra rằng con đường xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất để bảo đảm độc lập này!

NHỮNG KIẾN NGHỊ

Đại thể, chúng tôi tin rằng thành tựu của giai đoạn vừa qua có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong công cuộc xây dựng một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng để đến giai đoạn mới này, nó đòi hỏi:

• Tập trung vào việc phát triển những hình thái mới của hợp tác xã, sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước.

• Tập trung vào sự nghiệp làm chủ tập thể của công nhân và nông dân trong kế hoạch hóa kinh tế.

• Chú ý đặc biệt vào các điều kiện sống, làm việc và trao quyền lực cho giai cấp công nhân.

• Tập trung vào việc bảo vệ tương lai của Việt Nam thông qua ưu tiên hóa việc bảo vệ môi trường, an toàn và tự chủ thực phẩm sạch.

• Vượt thắng tham nhũng và cơ hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong Đảng.

• Chú ý đặc biệt vào việc phát triển và giám sát cán bộ.

• Cải tiến sự trong sáng và mạch lạc lý thuyết về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

• Chú ý hơn nữa vào công tác ý thức hệ sáng tạo, nhất là với giới trẻ.

• Cải tổ cách dạy chủ nghĩa Mác trong các trường học Việt Nam.

• Tích cực chống lại sự tấn công ý thức hệ và văn hóa của Mỹ bằng cách thông tin tốt hơn về thực tế trong các nước tư bản, đặc biệt sử dụng văn hóa và phương tiện truyền thông đại chúng.

TRÁCH NHIỆM VÀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CHÚNG TÔI VỀ CÔNG TÁC CHUNG

Cùng lúc nộp bài này, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận trách nhiệm của mình, với tư cách là một đồng chí quốc tế, hành động đoàn kết với cách mạng Việt Nam và sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi chính phủ Hoa Kỳ phải nhận trách nhiệm trước nhân dân Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược, cấm vận và nhiều thủ đoạn xâm phạm vào nội bộ của Việt Nam.

Tuy thế, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức quần chúng, chúng tôi có thể, và mong muốn, làm việc nhiều hơn để góp phần đáp ứng những mâu thuẫn gay gắt nói trên. Cụ thể, chúng tôi đề nghị những dự án chung như sau:

• Góp phần đáp ứng với những vấn đề cấp bách của công tác ý thức hệ trong giới trẻ bằng cách tổ chức một hội thảo làm việc về những cách tiếp cận và phương pháp mới để dạy chủ nghĩa Mác ở Việt Nam, với Ban Tư tưởng Đảng Cộng sản và các cơ quan chức năng khác, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, và việc thiết lập một nhóm làm việc để theo dõi.

• Tiếp tục dự án vạch mặt thật chủ nghĩa tư bản và phổ biến những thông tin thiết thực hơn về đời sống thực ở Mỹ.

Duyệt qua các văn hóa phẩm từ Mỹ để phát hành và truyền thông những sách báo, âm nhạc, và phim ảnh phản ánh đời sống thực tế ở Hoa Kỳ và những khó khăn của chủ nghĩa tư bản.

Hỗ trợ để phát triển các dự án truyền thông và báo chí nhằm thông tin về công luận quốc tế và các cuộc đấu tranh toàn cầu chống tư bản vì chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21.

• Tiếp tục những trao đổi với các học giả và nhà hoạt động cộng sản/Mác-xít quốc tế, kể cả việc tiếp tục công tác sau Hội thảo Lý luận Mác-xít và Thực tiễn thế giới ngày nay ngày 14-17/12/2009 tại Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

KẾT LUẬN

Cuộc đời của hai chúng tôi đã được nhào nặn và dính liền không gỡ ra được với cách mạng Việt Nam. Chúng tôi hết sức cảm ơn tất cả những đồng chí còn đang tiếp tục làm việc với chúng tôi từ nhiều năm nay và chúng tôi sẽ không bao giờ đi ngược lại lòng tin của các đồng chí! Đối với những đồng chí tìm được đôi điều có ích trong bài viết này, chúng tôi chân thành đón tiếp các phê bình và hứa sẽ làm việc nhiều hơn để hỗ trợ các đồng chí trong công cuộc làm vững mạnh cách mạng và bảo đảm đường tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Chúng tôi tin rằng, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tôi luyện ra một Đảng Cộng sản được bồi sức vững mạnh hơn để tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội! Và chúng tôi biết rằng những hy vọng và mơ ước của nhân dân toàn thế giới sẽ dựa trên những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam!


(*)

Hồn Việt trích.

(1)

Ủy viên Chương trình Diễn đàn Bertolt Brecht/Trường Mác-xít New York. Đồng phối hợp Cuộc vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

(2)

Đồng phối hợp Cuộc vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Học giả, Đại học New York và Đại học Temple.