Một bài hát của chiến tranh

Trong số những bài hát phản chiến đã có ảnh hưởng lớn trong các phong trào chống chiến tranh Việt Nam suốt hai thập niên 1960 và 1970 có thể kể ra hai bản nhạc nổi bật: Where Have All the Flowers Gone? (của Pete Seeger) và Blowin’ in the Wind (của Bod Dylan, viết năm 1962).

Bài hát Where Have All the Flowers Gone? (Những bông hoa đã đi về đâu?), nổi tiếng ở châu Âu qua phiên bản bằng tiếng Đức mang tên Sag mir wo die Blumen sind, và người làm cho nó nổi tiếng chính là ngôi sao điện ảnh quốc tế Marlene Dietrich, người Mỹ gốc Đức.

Pete Seeger viết bài hát Where Have All the Flowers Gone? vào năm 1955. Theo vài ý kiến bình luận âm nhạc thì bài hát này có ít nhiều âm hưởng của dân ca Ucraina, dân ca Đức và cả dân ca Mỹ. Sự nhận định đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì nhạc sĩ cũng như văn sĩ thường chịu ảnh hưởng, hay là kết tinh của nhiều dòng văn học nghệ thuật.

Kết cấu của lời bài hát và nhạc là một chuỗi tiếp nối, câu đầu của đoạn sau tiếp nối câu cuối của đoạn trước, và câu cuối cùng của lời nhạc dẫn người hát trở về câu đầu tiên, nên dễ nhớ, dễ thuộc.

pic

Bản nhạc được biểu diễn bởi nhóm tam ca Peter, Paul và Mary bằng tiếng Anh vào năm 1960, nhưng phong cách diễn tả bài hát của họ còn hơi cổ điển, hơi bi lụy nên bản nhạc chưa “thoát” ra được.

Năm 1961, nhóm tam ca ba giọng nam The Kingston Trio làm cho nó được người nghe chấp nhận rộng rãi, vì nhịp điệu nhanh, nhịp nhàng, hát hai giọng bè, đệm bằng đàn ghi ta và đàn bass, nên rất sống động. Cây đàn ghi ta thời đó là “nhạc cụ chủ lực” của thanh thiếu niên. Ở miền Nam Việt Nam, nhiều lớp học đàn ghi ta mọc lên khắp nơi trong mọi hang cùng ngõ hẻm, học thành nhóm ba bốn người, vừa tập đàn vừa tập hát theo, tiền học phí rất rẻ, tôi nhớ là 80 đồng một tháng học phí. Một cây ghi ta thùng bằng gỗ, sản xuất tại Việt Nam, giá cũng chỉ có mấy chục đồng. Cây đàn ghi ta nào bị lê lết nhiều nơi, mang nhiều vết trầy xước là cây đàn đã “phong trần” được ưa thích hơn là những cây đàn bóng loáng, mới tinh và chưa có “hồn”. Nhưng nhạc phản chiến thì bị cấm, hát nhạc phản chiến là ở tù. Chiến tranh Việt Nam đã lên dần đến cao điểm vào năm 1963, nước Mỹ ngày càng tăng cường viện trợ và các hoạt động trên chiến trường miền Nam và tiến đến những cuộc oanh tạc miền Bắc.

Năm 1962 trong một buổi trình diễn Gala của UNICEF tại thành phố Düsseldorf (Tây Đức cũ), nữ diễn viên - ca sĩ Marlene Dietrich giới thiệu bài hát Sag mir wo die Blumen sind một cách rất đặc biệt, nói và hát bằng ba thứ tiếng Đức, Pháp và Anh rất thuần thục, đầy năng khiếu. Bà là người có một quá trình tham gia chống Đức quốc xã nên sự trân trọng của bà cho một bài hát đã làm cho khán giả cũng phải đặc biệt chú ý. Lời nhạc tiếng Đức với nhan đề Sag mir wo die Blumen sind là do Max Colpet viết, phỏng theo một ý thơ của tác giả Johann Georg Jacobi (1782).

Trong thời gian thế chiến thứ hai, Marlene Dietrich đã quá nổi tiếng với bài hát Lili Marleen, cũng là một bản nhạc phản chiến do Hans Leip viết lời (năm 1915) và Norbert Schnultze viết nhạc (năm 1937). Thoạt đầu, đây là một bài thơ tình của hai người yêu đương hẹn hò nhau, bài hát không bị kiểm duyệt khi được phát thanh trên làn sóng điện lần đầu tiên vào năm 1938 khi thế chiến thứ hai bắt đầu nổ ra, khiến nhiều người cho rằng nó là “bản nhạc” biểu trưng của Đức quốc xã, rất nhiều người hát nó, thuộc nó, nhất là những người lính Đức trong quân đội Đức quốc xã. Nhưng sau đó, trong tiếng bom đạn gào thét, lửa cháy thiêu rụi nhà cửa, dòng người di tản khắp nơi, thì bài hát này, chuyên chở tâm trạng nhớ nhà, xa cách, mong nhớ, mong ngày trở lại, trở thành tấm gương phản chiếu tình trạng chiến tranh khốc liệt không biết sống chết lúc nào, nên bản nhạc đâm ra mang ý nghĩa phản chiến, biểu tượng của một cuộc chiến tranh tàn phá khủng khiếp tại châu Âu.

pic

Nữ diễn viên, ca sĩ Marlene Dietrich

Năm 1962, Marlene Dietrich đã 61 tuổi, còn đẹp, giọng trầm, và bà có vẻ cố tình biểu diễn bài hát Sag mir wo die Blumen sind một cách không nhả chữ bình thường, rõ ràng từ cuống họng như giọng người Đức chính thống như khi bà nói, mà nhả chữ lơi một nửa, nhiều cảm xúc, khiến người ta phải lặng thinh lắng nghe, đúng phong cách vừa là diễn viên vừa là ca sĩ chuyên nghiệp.

Bài hát này đã được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn như Lolita, Hildegard Knef, Nana Mouskouri, Vicky Leandros, Freddy Quinn, Juliane Werding, Udo Lindenberg, Hannes Wader, Katja Ebstein, Chris de Burgh.

Tại Pháp, các ca sĩ như Pierrette Bargoin, Jacqueline François, Annie Cordy, Dalida, Eva, Charline Rose… biểu diễn phiên bản bằng tiếng Pháp Que sont devenues les fleurs? do danh ca Guy Béart chuyển lời. Ca sĩ Pháp Francis Lemarque cũng biểu diễn bài này dưới một nhan đề khác: Ou vont les fleurs?.

Người làm cho bài hát này được phổ biến rất rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam là ca sĩ Joan Baez. Vì nhiều hành động phản chiến, Joan Baez đã bị bắt bỏ tù một tháng tại Mỹ năm 1967. Năm 1972, nhân một cuộc thăm viếng tù binh Mỹ bị bắn rơi và bắt ở miền Bắc để trao thư từ gia đình cho tù binh đồng thời quảng bá về vấn đề nhân quyền thì bà tình cờ trở thành nhân chứng sống cho cuộc dội bom B.52 theo lệnh của Nixon và Kissinger xuống Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm.

pic

Nữ ca sĩ Joan Baez

Joan Baez đã biểu diễn bài hát này bằng hai phiên bản tiếng Đức và tiếng Anh. Nhiều người lính GI cũng không ngần ngại nghe và hát theo Joan Baez.

Nội dung bài hát gồm có sáu đoạn là những câu hỏi nối tiếp nhau:

Hãy nói cho tôi biết, hoa ở đâu, đã rụng rơi phương nào, những gì đã xảy ra, thiếu nữ hái hoa nhanh chóng? Khi nào người ta sẽ hiểu? Khi nào người ta sẽ hiểu?

Hãy nói cho tôi biết, thiếu nữ ở đâu, đã rơi rớt ở phương nào, những gì đã xảy ra, đàn ông đem họ đi nhanh chóng? Khi nào người ta sẽ hiểu? Khi nào người ta sẽ hiểu?

Hãy nói cho tôi biết, đàn ông ở đâu, đã sót lại ở phương trời nào, những gì đã xảy ra, hãy nói cho tôi biết đàn ông ở đâu, đi xa, cuộc chiến bắt đầu? Khi nào người ta sẽ hiểu? Khi nào người ta sẽ hiểu?

Hãy nói cho tôi biết, người lính ở đâu, đã nằm lại nơi đâu, những gì đã xảy ra, hãy nói cho tôi biết người lính ở đâu, trên mộ chỉ có gió thổi? Khi nào người ta sẽ hiểu? Khi nào người ta sẽ hiểu?

Hãy nói cho tôi biết những nấm mộ ở đâu, đã còn ở nơi đâu, những gì đã xảy ra, hãy nói cho tôi biết những nấm mộ ở đâu, hoa bay trong cơn gió hạ? Khi nào người ta sẽ hiểu? Khi nào người ta sẽ hiểu?

Hãy nói cho tôi biết, hoa ở đâu, đã rụng rơi phương nào, những gì đã xảy ra, thiếu nữ hái hoa nhanh chóng? Khi nào người ta sẽ hiểu? Khi nào người ta sẽ hiểu?

Sự hiểu biết về chiến tranh sẽ làm cho con người yêu hòa bình; sự hiểu biết về chia rẽ sẽ làm cho con người đoàn kết; sự hiểu biết về hy sinh sẽ làm cho con người có tình thương đồng cảm, xóa bỏ hận thù; sự hiểu biết về hạnh phúc sẽ làm cho con người tôn trọng con người; sự hiểu biết về tự do sẽ làm cho con người biết giữ gìn độc lập, và sự hiểu biết về chính nghĩa sẽ làm cho con người phải tạo ra công lý, công bằng, hòa hợp và nhân đạo cho con người.

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)